“KHÁI QUÁT VỀ ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC” (1Ti. 6:12) “Hãy vì đức tin mà đánh trận tốt lành, bắt lấy sự sống đời đời, là sự mà con đã được gọi đến, và vì đó mà con đã làm chứng tốt lành trước mặt nhiều người chứng kiến” (1Ti. 6:12) 1. BẢN CHẤT CỦA ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC LÀ GÌ? Đời sống Cơ Đốc có bản chất là sự sống đời đời, đó là sự sống mới mà Cơ Đốc Nhân bắt đầu có được khi tiếp nhận sự cứu rỗi: “Ai tin Con thì được sự sống đời đời…” (Gi. 3:36a) Đời sống Cơ Đốc là sự sống đời đời thể hiện ra qua đời sống cá nhân có được bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Jêsus Christ nhờ mối tương giao cá nhân của Cơ Đốc Nhân với chính Ngài… (1) Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tiếp nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và Chúa của mình đều có được sự sống đời đời: “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (1Gi. 5:12) (2) Sự sống đời đời là sự sống thuộc linh được thể hiện qua mối tương giao giữa Cơ Đốc Nhân và Đức Chúa Trời: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Gi. 17:3) (3) Cơ Đốc Nhân sẽ còn được có cùng một sự sống thuộc thể giống với sự sống thuộc thể phục sinh mà Đức Chúa Jêsus có: “Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Php. 3:21) 2. LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ CẢM NHẬN ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI? Sự sống đời đời là bằng chứng của sự cứu rỗi trên đời sống của một cá nhân: “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (1Gi. 5:12) Đối với mỗi Cơ Đốc Nhân, sự sống đời đời có thể được cảm nhận qua nhiều phương diện của đời sống họ… (1) Qua mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời bằng việc vâng theo các sự dạy dỗ của Ngài: “Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến Ta…” (Gi. 14:21a) (2) Qua sự hiểu biết không ngừng về Đức Chúa Trời và các lẽ thật thuộc linh: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Gi. 17:3) (3) Qua sự bảo đảm về sự tha thứ Thiên Thượng bằng các lời hứa của Đức Chúa Trời: “…Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (1Gi. 1:9) (4) Qua sự chăm sóc đa dạng của Đức Thánh Linh, kết quả bằng bông trái Thánh Linh của chúng ta: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Gal. 5:22-23) (5) Qua tình yêu thương đối với tha nhân, kể cả đối cả đối với những người chúng ta không thích: “Kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Gi. 4:7b) (6) Qua sự đổi mới trong tâm chí, thể hiện bằng sự bất bình đối với tội lỗi và buồn bực đối với vi phạm của mình: “22Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, 23mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, 24và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật” (Êph. 4:22-24) (7) Qua phước hạnh và sự thỏa lòng của việc vâng lời Đức Chúa Trời: “1Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,_Chẳng đứng trong đường tội nhân,_Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;_2Song lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva,_Và suy gẫm Luật Pháp ấy ngày và đêm._3Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,_Sanh bông trái theo thì tiết,_Lá nó cũng chẳng tàn héo” (Thi. 1:1-3) (8) Qua việc được đáp lời cầu nguyện theo thời điểm và cách thế của Đức Chúa Trời khi chúng ta đáp ứng được các điều kiện đã định của Ngài: “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (1Gi. 5:15) (9) Qua kinh nghiệm đắc thắng sự thúc giục của sức mạnh của tội lỗi, sự cám dỗ của Satan và thế gian bằng quyền năng của Đức Chúa Trời: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phil. 4:13) (10) Qua sự sửa phạt Thiên Thượng trong tình cha con: “Hễ nhánh nào trong Ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn” (Gi. 15:2) (11) Qua sự thông công Cơ Đốc với Đức Chúa Trời và với những người cùng chung đức tin: “Chúng tôi lấy điều đã thấy và nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ” (1Gi. 1:3) (12) Qua sự gắn bó với công việc Chúa trong Hội Thánh: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Cô. 15:58) 3. PHẢI DUY TRÌ ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHƯ THẾ NÀO? Phải duy trì đời sống Cơ Đốc là ý muốn của Đức Chúa Trời; Ngài ban cho Cơ Đốc Nhân nhiều sự dự ứng khác nhau để họ duy trì đời sống Cơ Đốc: “3Quyền phép của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, 4và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” (2Phi. 1:3-4) Ba nguồn chính để Cơ Đốc Nhân duy trì đời sống Cơ Đốc là… (1) Kinh Thánh. “16Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2Ti. 3:16-17) (2) Sự Cầu Nguyện. “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Php. 4:6) (3) Đời Sống Thực Hành Đức Tin. “Tôi đã bị đóng đinh vào Thập Tự Giá với Đấng, Christ mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong Đức Tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Gal. 2:20) 4. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI TÁCH LY KHỎI NHỮNG ĐIỀU GÌ? Đời sống Cơ Đốc là đời sống thánh khiết, đó là một đời sống được khởi đầu bằng sự tách ly ra khỏi mọi điều không phù hợp với Đức Chúa Trời trên phương diện đạo đức. Sự tách ly của Cơ Đốc Nhân được Kinh Thánh kể là “việc lành”: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma. 5:16) Kinh Thánh Tân Ước dạy chúng ta phải tự phân rẽ mình ra khỏi… (1) Phải Tự Phân Rẽ Mình Khỏi Tội Lỗi Cá Nhân: “11Nhưng hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, …14phải giữ điều răn, ở cho không vết tích và không chỗ trách được, cho đến kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (1Ti. 6:11a, 14). (2) Phải Phân Rẽ Mình Khỏi Các Tín Hữu Đang Phạm Tội: “Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chửi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắc bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy” (1Cô. 5:11). (3) Phải Phân Rẽ Mình Khỏi Các Giáo Sư Giả: “Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ đi” (Tít 3:10). 5. CƠ ĐỐC NHÂN PHẢI TẬN HIẾN CHO NHỮNG ĐIỀU GÌ? Tự phân rẽ mình ra khỏi sự bất khiết vẫn chưa đủ. Cùng với việc tự phân rẽ mình ra khỏi những điều không phù hợp với Đức Chúa Trời, nhất thiết chúng ta cũng phải có sự tận hiến chính mình cho Đức Chúa Trời: “12Vậy chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. 13Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trỏ nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình” (Rô. 6:12-13). (1) Chúng ta có bổn phận tận hiến hoàn toàn cho Chúa và công việc của Chúa trong thế gian này: “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô. 12:1) (2) Chúng ta phải bày tỏ sự sẵn lòng tuân thủ theo sự dạy dỗ và đòi hỏi của Ngài là chấm dứt làm theo đời này và luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô. 12:2) 6. CHỨC PHẬN MÔN ĐỒ CỦA CƠ ĐỐC NHÂN LÀ GÌ? Môn đồ là người học trò dốc lòng chăm chú vào các sự dạy dỗ của thầy mình, áp dụng cho đời sống mình, và truyền đạt lại cho người khác để họ cũng làm như như mình. Chức phận môn đồ là điều cốt lõi của đời sống và chức vụ Cơ Đốc: “…Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người” (Mác 1:17b). (1) Sự cứu rỗi đem lại cho người tân tín hữu các trách nhiệm mới đối với Cứu Chúa và cũng là Chúa của họ: “26Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta. 27Còn ai không vác Thập Tự Giá mình mà theo Ta, cũng không được làm môn đồ Ta” (Lu. 14:26-27). (2) Cơ Đốc Nhân phải quyết định dâng đời sống mình để hầu việc Đức Chúa Trời, nhận lấy chức phận môn đồ chứ không thể để cho mình dao động qua lại giữa lợi ích của Vương Quốc Đức Chúa Trời với lợi ích thế gian: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Mamôn nữa” (Ma. 6:24). (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHƯƠNG LƯỢC TRUYỀN GIÁO” (Giu. 1:22-23) “Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ, hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.” (Giu. 1:22-23) Mỗi Hội Thánh Địa Phương đều phải đối diện với vấn đề chọn phương thức và chiến lược truyến giáo cho mình. Nhìn chung, việc chọn phương thức truyền giáo có thể dựa vào xu hướng truyền thống, điều kiện đặc thù của cộng đồng, thế mạnh của Hội Thánh,… Phương thức truyền giáo có thể chọn lựa và thay đổi với sự thay đổi “vô hại” cặp theo trong kết quả truyền giáo nhưng đối với chiến lược truyền giáo thì khác hẳn: Trong khi việc chọn chiến lược truyền giáo hợp Kinh Thánh góp phần tôn vinh hiển Đức Chúa Trời và cứu tội nhân, việc chọn chiến lược truyền giáo phi, phản Kinh Thánh sẽ dẫn đến những sự bất cập hết sức “tai hại” dầu rằng về “kết quả” (nếu có thể gọi như thế) trông có vẻ như là vĩ đại! 1. Phương Thức Truyền Giáo (1) Phân Loại Trên Phương Diện Tính Chất Về cấu trúc loại hình, truyền thống truyền giáo của Hội Thánh cho thấy có ba loại hình khác nhau: Truyền Giáo Chính Thống (Pulpit Evangelism), Truyền Giáo Tự Phát (Passive Evangelism), và Truyền Giáo Tự Giác (Aggressive Planned Evangelism). a. Truyền Giáo Chính Thống (Pulpit Evangelism) “1Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: 2hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. 3Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, 4bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. 5Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ” (2Ti. 4:1-5) Gọi là “Truyền Giáo Chính Thống” để nhấn mạnh tính chất đòi hỏi chính thức của Kinh Thánh đối với phương thức truyền giáo này, truyền giáo từ bục giảng của Hội Thánh. Timôthê vốn được phong lập làm Mục Sư, và đoạn văn Kinh Thánh này dạy một cách rõ ràng rằng một trong các phận sự của chức trách này là hoạt động truyền giáo mà việc rao giảng Tin Lành từ bục giảng là chính. Đoạn văn Kinh Thánh này phải được xem như luận điểm căn bản cho phận sự truyền giáo của người Mục Sư cũng như cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Truyền giáo từ bục giảng là rao sứ điệp truyền Tin Lành của Kinh Thánh từ bục giảng của Hội Thánh cho một nhóm người (bằng lòng nghe sứ điệp Tin Lành rao ra từ bục giảng của Hội Thánh, họ có thể là số người đông hoặc không đông lắm). Đặc điểm của phương thức này là, giữa khi phương án truyền giáo này được thực hiện, không có sự can thiệp của bất cứ hình thức chứng đạo nào khác đối với thính giả. Tại đây, sứ điệp Kinh Thánh được sứ giả của Đức Chúa Trời rao ra, phải được tác động trực tiếp và nghiêm túc trên tâm trí của từng các nhân người nghe, mỗi các nhân có phận sự đáp ứng đầy đủ với sứ điệp của Đức Chúa Trời gửi đến cho họ qua diễn giả là sứ giả của Ngài. b. Truyền Giáo Tự Phát (Passive Evangelism) “14Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi, và chúng tôi tưởng rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết, 15lại Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (2Cô. 5:14-15) Gọi là “Truyền Giáo Tự Phát” để nhấn mạnh tính chất thôi thúc nội tại có thật trong lòng người tin về động cơ trong sáng muốn cho người ở gần mình cũng có được sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ như mình. Cơ Đốc Nhân là người đang kinh nghiệm sự đổi mới (Sv. 2Cô. 5:17), họ không thể cầm giữ Tin Lành cho riêng mình được mà cần phải chia sẻ ra (Sv. 1Cô. 9:16) trong động cơ yêu thương tội nhân và tận hiến cho Đức Chúa Trời (Sv. Côl. 1:28; Gal. 2:20). Đặc điểm của phương thức này là sự nổ lực tích cực của một cá nhân dành cho người thuộc trong phạm vi tương tác cố hữu hoặc khả hữu, có phương tiện, tác nhân hỗ trợ hoặc không có phương tiện, tác nhân hỗ trợ. Trong thực tiễn, phương thức này được gọi là “Cá Nhân Chứng Đạo” (chỉ về nổ lực truyền giáo của một cá nhân dành cho một hay nhiều cá nhân khác; dầu vậy, “cá nhân chứng đạo” vừa có thể mang tính chất tự phát như đang đề cập, vừa có thể mang tính chất tự giác như sẽ được đề cập trong phần sau đây). c. Truyền Giáo Tự Giác (Aggressive Planned Evangelism) “34Đoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo Ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. 35Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ Ta và đạo Tin lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu. 36Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? 37Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư? 38Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo Ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh” (Mác 8:34-38) Gọi là “Truyền Giáo Tự Giác” để nhấn mạnh tính chất kế hoạch hóa của phương thức truyền giáo này, cho dầu đó là nổ lực của một cá nhân, nhiều cá nhân, hay của cả cộng đồng Hội Thánh, Cơ Quan,… “Truyền Giáo Tự Giác” có thể có qui mô từ rất nhỏ (một cá nhân dành cho một cá nhân, “one on one”) cho đến rất lớn (nổ lực truyền giáo của nhà truyền giáo dành cho một quốc gia, một lục địa,…). Đặc điểm của phương thức này ở chỗ phận sự truyền giáo, nhu cần truyền giáo, và phương thức truyền giáo được nhận thức và lên kế hoạch minh bạch. Theo bản chất, “Truyền Giáo Tự Giác” không những mang tính chất “tổ chức” như vừa kể mà còn mang tính chất “tấn công” và “cách mạng” nữa. “Truyền Giáo Tự Giác” chấp nhận giá phải trả cho việc tranh đoạt linh hồn tội nhân về cho Đức Chúa Trời, và trong suốt trong sứ điệp Tin Lành của mình là điều vốn mang tính chất thay đổi toàn bộ hệ thống thế gian (world system, Sv. Êph. 6:12) (2) Phân Loại Trên Phương Diện Hình Thức Về hình thức của các phương thức truyền giáo, có một sự đa dạng phong phú (mà cũng có thể là phức tạp) trong xã hội ngày nay. Hiệu quả phổ biến và phi thường của các phương tiện truyền thông đại chúng giúp cho người ta dễ dàng đến gần với nhau và cũng từ đó mà dễ dàng thỏa hiệp. Khi không giữ được thái độ hợp Kinh Thánh của tấm lòng (Sv. 1Cô. 7:31) để theo đuổi kỹ thuật, dầu là kỹ thuật truyền giáo, nguy cơ về việc Hội Thánh thỏa hiệp với thế gian là có thật. Mỗi hình thức của các phương thức truyền giáo đều có những điểm mạnh và yếu riêng. Tùy trên đặc điểm của mỗi Hội Thánh, một phương thức đắc dụng ở Hội Thánh này có thể không thể được chọn lựa tại một Hội Thánh kế cận. Những vấn đề như “phương thức nào”, “lúc nào”, “như thế nào”,… luôn luôn phải là những tiêu chí để tra xét để chọn lựa các phương thức truyền giáo. Một số phương thức truyền giáo phổ biến (cũng còn được gọi là “truyền giảng”) có thể được kể đến như sau. 1. Truyền Giảng Thường Kỳ (Evangelistic Preaching) Cũng còn được gọi là “Truyền Giảng Định Kỳ”, nói về những buổi truyền giảng đã được lên kế hoạch theo lịch trình sinh hoạt hàng tháng của Hội Thánh. Đây là những buổi truyền giảng từ bục giảng của Hội Thánh, thuộc loại hình “Truyền Giáo Chính Thống” đã được đề cập ở trên. 2. Truyền Giảng Cập Kỳ (Mass Evangelism) Cũng còn được gọi là “Truyền Giảng Bất Thường”. Khi gặp điều kiện thuận lợi, một hoặc nhiều Hội Thánh có thể liên kết để tổ chức các buổi truyền giảng bất thường được tổ chức ngoài trời, có số đông người tham dự. “Truyền Giảng Bất Thường” thường được tổ chức như những cơ hội truyền giáo đặc biệt theo các sự kiện đặc biệt hàng năm. Phương thức truyền giảng này thuộc loại hình “Truyền Giáo Tự Giác” và có thể diễn ra theo cách đơn lập, liên kết, hay hợp tác, hỗ trợ,… 3. Truyền Giảng Chiến Dịch (Church Evangelistic Crusades) Phương thức truyền giáo này cũng là một biến tướng của loại hình “Truyền Giáo Tự Giác” để đáp ứng với một nhu cần thực tiễn nào đó. “Truyền Giảng Chiến Dịch” có thể vừa diễn ra bên trong Hội Thánh vừa diễn ra bên ngoài cộng đồng dân cư, bằng nhiều buổi truyền giảng liên tiếp nhau trong một khoảng thời gian nhất định. 4. Cá Nhân Chứng Đạo (Personal Evangelism) Phương thức “Cá Nhân Chứng Đạo” có thể thuộc loại hình “Truyền Giáo Tự Phát” mà cũng có thể thuộc loại hình “Truyền Giáo Tự Giác”; là như thế nào thì còn tùy ở tính chất tổ chức cụ thể. Hội Thánh không thể để thiếu phương thức truyền giáo này được. Cuộc tranh đoạt linh hồn tội nhân về cho Đức Chúa Trời là một bộ phận của trận chiến thuộc linh trên qui mô toàn cầu với tầm nhìn mạt thế mà mọi thực thể thuộc linh Cơ Đốc phải dự phần (Sv. Ma. 24:11; 28:18-20). “Cá Nhân Chứng Đạo” phải trở thành nếp sống của mọi Cơ Đốc Nhân bất kể mức sống của họ ra sao (Sv. 1Cô. 9:16). 5. Khuyến Giáo (Evangelistic Counseling) “Khuyến Giáo” nói về mọi hình thức khuyên bảo theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh đối với người chưa tin. Phương thức truyền giáo này thuộc loại hình “Truyền Giáo Tự Phát” hay “Truyền Giáo Tự Giác” là tùy vào việc nó đã được diễn ra như thế nào. “Khuyến Giáo” là một phương thức hoạt động đắc dụng cho việc truyền giáo và giúp thấy được các Cơ Đốc Nhân sống yêu thương ra sao (Mác 12:30-31). 6. Truyền Giảng Trong Trường Chúa Nhật (Sunday School Evangelism) “Truyền Giảng Trong Trường Chúa Nhật” là phương thức truyền giáo với các lớp Kinh Thánh thuộc hệ thống Trường Chúa Nhật của Hội Thánh. Việc dạy Kinh Thánh theo phương hướng truyền giáo trong các lớp học này tỏ ra rất hiệu quả trong việc giúp cho các học viên trước tuổi thanh niên, và ngay cả các thân hữu chưa tiếp nhận Chúa của họ, nhận thức được nhu cần cá nhân về sự cứu rỗi, ăn năn tội và tiếp nhận Đức Chúa Jêsus làm Chúa và Cứu Chúa của đời sống mình. Phương thức truyền giáo này thuộc hình thái “Truyền Giáo Tự Giác”. 7. Truyền Giảng Trong Các Nhóm Học Kinh Thánh (Evangelistic Bible Study) “Truyền Giảng Trong Các Nhóm Học Kinh Thánh” cũng là một hình thái “Truyền Giáo Tự Giác”. Với phương thức này học viên trước tuổi thanh niên cùng với các thân hữu của họ sẽ được giới thiệu về Tin Lành cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ và sẽ tiếp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của đời sống mình. 8. Truyền Giảng Bằng Sinh Hoạt Đề Tài (Inquirers Study Groups) Đây cũng là một phương thức thuộc hình thái “Truyền Giáo Tự Giác” qua sinh hoạt thảo luận về các đề tài được các đối tượng quan tâm. Phương thức “Truyền Giảng Bằng Sinh Hoạt Đề Tài” sẽ không chú trọng vào việc rao ra sứ điệp Tin Lành cách tỏ tường mà chú trọng vào việc thể hiện phong cách Tin Lành ưu việt của thế giới Cơ Đốc khiến tạo ấn tượng sâu sắc trên các đối tượng tham dự, mở ra cơ hội để có thể tiếp tục chinh phục họ cho Đức Chúa Trời bằng các phương thức truyền giáo thích hợp và thỏa đáng khác. 9. Truyền Giảng Bằng Sinh Hoạt Giao Lưu (Entertainment) “Truyền Giảng Bằng Sinh Hoạt Giao Lưu” mà chủ yếu là các hình thức giao lưu văn hóa với các đối tượng trong cộng đồng là một hình thái “Truyền Giáo Tự Giác” để qua đó các đối tượng tham dự, và cả cộng đồng nữa, có được ấn tượng tốt đối với Tin Lành và Cơ Đốc Nhân, mở ra cơ hội để có thể tiếp tục chinh phục họ cho Đức Chúa Trời bằng các phương thức truyền giáo thích hợp và thỏa đáng khác. 10. Truyền Giáo Bằng Văn Hóa Phẩm Cơ Đốc (Literature Evangelism) “Truyền Giáo Bằng Văn Hóa Phẩm Cơ Đốc” thuộc hình thái “Truyền Giáo Tự Giác”, là một nổ lực giới thiệu Tin Lành cho người chưa tin bằng văn phẩm mà chủ yếu là ấn phẩm. Phương thức truyền giáo này cần được thực hiện phối hợp với phương thức “Cá Nhân Chứng Đạo” và các phương thức khác nữa mới có hiệu quả cao được. 2. Chiến Lược Truyền Giáo Trong thực tiễn Hội Thánh, khái niệm “chiến lược truyền giáo” (evangelism strategy) ít khi được đề cập đến một cách có cân nhắc, và điều đó đã trở nên bất lợi cho sự lành mạnh của Hội Thánh. Một chiến lược truyền giáo giúp trình bày sứ điệp Tin Lành hợp Kinh Thánh hoàn toàn khác với một chiến lược truyền giáo không giúp trình bày sứ điệp Tin Lành hợp Kinh Thánh khiến vẽ ra “một Jêsus khác”, tạo nên “một Thánh Linh khác”, đem lại “một Tin Lành khác” (Sv. 2Cô. 11:4). Chiến lược truyền giáo nói về cách nhận thức Tin Lành của Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ theo sự khải thị của Kinh Thánh. Xuất phát từ cùng một Kinh Thánh, cùng một Tin Lành cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ, cùng một Đức Chúa Trời nhưng không phải tất cả mọi người đều nhìn nhận các phạm trù ấy cùng một cách giống nhau. Có thể nêu ra hai cách nhìn nhận khác nhau như hiện có trong thực tiễn truyền giáo của Hội Thánh: (1) Chiến Lược Truyền Giáo Theo Truyền Thống: “Truyền Giáo Theo Chương Trình” (Programmatic Evangelism) Cách nhìn nhận truyền thống về Tin Lành cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ về đại thể nhấn mạnh trên các vấn đề giáo lý thuộc các phạm trù giáo lý Kinh Thánh sau đây trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh: (i) Giáo lý Kinh Thánh về Kinh Thánh (“Thánh Kinh Luận”, Bibliology) (ii) Giáo lý Kinh Thánh về Đức Chúa Trời (“Thượng Đế Luận”, Theology Proper) (iii) Giáo lý Kinh Thánh về nhân loại và về tội lỗi của con người (“Tội Luận”, Hamartiology) (iv) Giáo lý Kinh Thánh về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ (“Cứu Thục Luận”, Soteriology) (v) Giáo lý Kinh Thánh về Chúa Cứu Thế Jêsus (“Cứu Thế Luận”, Christology) (vi) Giáo lý Kinh Thánh về đời sống tăng trưởng (“Tăng Trưởng Luận”, Zoeology) (vii) Giáo lý Kinh Thánh về Đức Thánh Linh (“Thánh Linh Luận”, Pneumatology) (viii) Giáo lý Kinh Thánh về Hội Thánh (“Hội Thánh Luận”, Ecclesiology) (ix) Giáo lý về các việc đời sau (“Lai thế Luận”, Eschatology) Tất nhiên, chiến lược truyền giáo truyền thống đề cập và tôn trọng một cách nghiêm túc đến mọi giáo lý Kinh Thánh có liên quan trong hoạt động truyền giáo của mình và các giáo lý Kinh Thánh nêu trên chỉ là những phạm vi giáo lý thường được đề cập nhất để giúp rao ra sứ điệp Tin Lành hợp Kinh Thánh. (2) Chiến Lược Truyền Giáo Theo John Wimber: “Truyền Giáo Quyền năng” (Power Evangelism). Trong hoạt động truyền giáo của mình, John Wimber và những người theo John Wimber từ trước đến nay đều nhấn mạnh trên một số điểm “giáo lý” nhất định để rao giảng “tin lành”: (i) Hết sức nhấn mạnh tính đối kháng giữa Đức Chúa Jêsus Christ và Satan trong khi Ngài thi hành chức vụ mình trên thế gian. (ii) Đòi hỏi người ta ngày nay phải cố công, gắng sức bắt chước Đức Chúa Jêsus và các vị Sứ Đồ dưới thời của Ngài (trong những việc mà John Wimber muốn người ta phải bắt chước). (iii) Sử dụng Ma. 10 như cơ sở lý luận bao quát cho giáo lý sai phái trên tất cả những người hầu việc Đức Chúa Trời ngày nay (và lấy Ma 28:18-20 làm chứng văn cho lập luận này). (iv) Lấy các ân tứ mang tính chất dấu hiệu (sign gifts) dưới thời Công Vụ Các Sứ Đồ làm thước đo và mục đích theo đuổi cho sự “tăng trưởng thuộc linh”. (v) Dạy rằng Đức Chúa Trời ban ân tứ chữa lành “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ” (Êph. 4:12). (vi) Dạy rằng việc mắc bệnh tật, gặp hoạn nạn,… là bằng chứng của đời sống bị rủa sả. (vii) Dạy rằng Đức Chúa Trời hứa phước hạnh, lành mạnh, thịnh vượng cho người được cứu. Nhìn chung, cách mà John Wimber nhìn nhận về truyền giáo, chữa lành, Hội Thánh, trận chiến thuộc linh (và hầu như tất cả mọi sự khác trong Kinh Thánh) đều xoay quanh trên cách mà Wimber hiểu về Vương Quốc Đức Chúa Trời, và (rủi thay) có không ít người Tin Lành vốn có lập trường chính thống cũng vui vẻ chấp nhận. Chịu ảnh hưởng của George Eldon Ladd, Wimber tin tưởng rằng Vương Quốc Đức Chúa Trời đang ló dạng ở phía chân trời và đang tranh chiến với Quỉ quốc của Satan. Chúng ta sẽ được ở trong sự đắc thắng khải hoàn của Vương Quốc nhờ vào công nghiệp then chốt mà Đức Chúa Jêsus Christ đã hoàn thành tại thập tự giá. Tuy nhiên, trong thời gian từ nay cho đến ngày ấy, mọi tín hữu đều có phận sự phải tích cực dự phần vào cuộc tranh chiến để dẫn đến sự đắc thắng của Vương Quốc, phải luôn nhận thức được rằng mình đang ở trong thế trận sinh tử (hoặc mất, hoặc còn) với quỉ quốc của Satan. Theo Wimber, chính vì cuộc chiến với Satan là một phần thiết yếu để Vương Quốc Đức Chúa Trời được đến mà “dấu kỳ, phép lạ” phải hiện diện. Ngày xưa, “dấu kỳ, phép lạ” chứng thực cho Đức Chúa Jêsus và các Sứ Đồ của Ngài, ngày nay “dấu kỳ, phép lạ” vẫn còn cần thiết cho sự bày tỏ Vương Quốc và quyền năng trong Vương Quốc. Cũng chính vì một tính chất tương tự như vậy mà “dấu kỳ, phép lạ” đảm nhiệm luôn vai trò biện giáo (apologetic function) cho “tin lành”, và việc tạo ra sự biến cải niềm tin (conversion) của người chưa tin trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh hiện nay phải được “dấu kỳ, phép lạ” cặp theo (bao gồm cả việc đuổi quỉ, chữa lành, và nói tiên tri). Theo Wimber, “dấu kỳ, phép lạ” là tất yếu trong truyền giáo hiện nay để đáp ứng yêu cầu của cuộc tranh chiến giữa Vương Quốc của Đức Chúa Trời và quỉ quốc của Satan, “dấu kỳ, phép lạ” phải là qui chuẩn cho hoạt động truyền giáo. Luận đề trung tâm trong tư tưởng của John Wimber là: Nếu chúng ta muốn Hội Thánh có được sự tăng trưởng triệt để, chúng ta phải làm y như Đức Chúa Jêsus đã từng làm (và Đức Chúa Jêsus đã trao quyền ấy cho Hội Thánh qua sự trung gian của các Sứ Đồ Ngài, với quyền phép của Đức Thánh Linh cặp theo). Chính đây là luận đề xuyên suốt của “Power Evangelism” (“Truyền Giáo Quyền Năng”) của John Wimber mà ngày nay đã trở thành tư tưởng truyền giáo chiến lược của nhiều phong trào “long trời, lở đất” rất đáng cho chúng ta cẩn thận tìm hiểu, nhận xét, và phân biệt (Sv. 1Tê. 5:22; Ma. 7:13-14; 1Vua. 19:1-2; 2Cô. 11:14). Mặc dầu chúng ta có phận sự giữ mình (2Ti. 2:23-26) nhưng phận sự giữ Đạo của chúng ta là một phận sự nghiêm túc được qui định bởi thẩm quyền Thiên Thượng (Giu. 1:3b, 22-23; Tít 2:1; 2Ti. 2:15). Vì vậy, chúng ta không được phép làm ngơ một sự thật là tại trung tâm của sự giảng dạy của John Wimber nổi lên một sự khác biệt đối với các lẽ thật Cơ Đốc căn bản. Nói một cách vắn tắt, sự giảng dạy của Wimber làm tổn hại đến các chủ đề giáo lý Kinh Thánh quan trọng như sự khải thị và sự thần cảm Thiên Thượng, sự tể trị Thiên Thượng tối cao, vai trò và chức năng thật sự của hoạt động chứng đạo Cơ Đốc,… John Wimber thật sự là một nhà cải cách, nhưng điều đó không bảo đảm rằng Wimber là một nhà cải cách thực sự. Các nhà cải cách thực sự tạo ra các chuyển biến tích cực đích thực (Vd., John Wesley, Martin Luther, John Calvin,…) nhưng các nhà ngụy cải cách, giả giáo sư phải được xem là sự thách thức để hoàn thiện nổ lực biện giáo của Hội Thánh. John Wimber công khai đòi hỏi Hội Thánh phải từ bỏ lập trường truyền thống về chiến lược truyền giáo (“Truyền Giáo Theo Chương Trình”) để theo chiến lược “Truyền Giáo Quyền Năng”. Người ta có thể khâm phục sự nhiệt tình và liều lĩnh của Wimber trong việc theo đuổi “sứ mệnh” của mình, nhưng những điều phi, phản Kinh Thánh trong sự giảng dạy của John Wimber là rành rành, và các giá trị Kinh Thánh chân chính bị xâm hại một cách nguy hiểm và nghiêm trọng khiến cho mọi Cơ Đốc Nhân chân chính không thể nào giữ thái độ làm ngơ, hoặc thỏa hiệp, hoặc đầu hàng được! Thái độ chân chính của mọi Cơ Đốc Nhân chân chính là phải chấp nhận giáo lý Kinh Thánh chân chính không thể khước từ được, đồng thời cũng phải khước từ mọi giáo lý phi, phản Kinh Thánh không thể chấp nhận được. “3Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi. 4Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, là những kẻ bị định đoán phạt từ lâu rồi, kẻ chẳng tin kính đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác, chối Đấng Chủ Tể và Chúa Có Một của chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ… 22Hãy trách phạt những kẻ nầy, là kẻ trù trừ, 23hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế” (Giu. 1:3-4, 22-23) (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“HÃY NGHIÊN CỨU KINH THÁNH CHO SỰ VIÊN THỤC THUỘC LINH CỦA CHÚNG TA!” (2Ti. 2:15) “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (2Ti. 2:15) Nhìn chung, sự tăng trưởng thuộc linh là tiến trình trở nên giống với Đức Chúa Jêsus Christ. Trên phương diện Đức Chúa Trời, khi chúng ta đặt niềm tin mình trong Đức Chúa Jêsus, Đức Thánh Linh bắt đầu một tiến trình làm cho chúng ta trở nên giống Đức Chúa Jêsus qua việc biến đổi chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Trên phương diện phận sự Cơ Đốc, sự tăng trưởng thuộc linh là mệnh lệnh của Đức Chúa Trời đối với mọi Cơ Đốc Nhân chúng ta: “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! Amen” (2Phi. 3:18) Dầu vậy, trước khi mệnh lệnh này được ban truyền thì Lời của Đức Chúa Trời đã khẳng định với chúng ta rằng Ngài sẽ chẳng để cho Cơ Đốc Nhân chúng ta phải thiếu thốn bất cứ chi cho cuộc tăng trưởng “trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta”: “3Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta, 4và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời. 5Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, 6thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, 7thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. 8Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu” (2Phi. 1:3-8) Tăng trưởng thuộc linh “trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta” là trở nên một Cơ Đốc Nhân trưởng thành. Chúng ta đã được cứu “nhờ ân điển, bởi đức tin” (Sv. Êph. 2:8-9) và chúng ta cũng đồng thời nhờ duy nhất Ân Điển của Đức Chúa Trời mà được nên thánh. Thật vậy, chúng ta đã được nhận điều mà chúng ta chẳng xứng đáng nhận được. Ấy là bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã được xưng công nghĩa, đã khởi sự được nên thánh, và nhiên hậu chúng ta sẽ được vinh hiển trên Thiên Đàng. Tiến trình nên thánh là tiến trình chúng ta trở nên giống với Đức Chúa Jêsus Christ và đó chính là tiến trình tăng trưởng thuộc linh “trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta”. Chúng ta tăng trưởng “trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta” qua việc chúng ta đọc Kinh Thánh và để cho Lời Kinh Thánh “ở đầy trong lòng” chúng ta và chúng ta sẽ được “dư dật mọi sự khôn ngoan” (Sv. Côl. 3:16). Dầu rằng việc trưởng thành và trở nên viên thục Cơ Đốc không tùy thuộc vào điều chúng ta làm mà là tùy thuộc vào sự vận hành của Lời Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta nhưng phận sự phải nghiên cứu Lời Kinh Thánh là điều chúng ta không thể khước từ được. Việc hiểu và áp dụng Lời Kinh Thánh hết sức quan trọng. Chúng ta không được phép làm cho Lời Kinh Thánh trở nên mất tác dụng vì sự kiêu ngạo của chúng ta vì khi chúng ta kiêu ngạo thì chúng ta không còn nhận được Ân Điển của Đức Chúa Trời nữa (Sv. Gia. 4:6). Chính Ân Điển của Đức Chúa Trời sẽ xuyên thấu sức mạnh của tội lỗi vần còn cứ mãn bám trong bản chất người của chúng ta để chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Con Ngài. Kinh Thánh “Có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (Sv. 2Ti. 3:16b). Chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh vì bản thể của Đức Chúa Trời là bất biến và bản chất của con người là bất trị, những gì Lời Kinh Thánh phán về chúng ta đều đã dúng, vẫn đang đúng, và sẽ cứ còn đúng. Trong khi cả nhân loại cứ miệt mài tìm kiếm cho mình sự thỏa mãn trong những sự chẳng bao giờ thỏa mãn được thì Đức Chúa Trời vẫn thành tín phán cho chúng ta biết qua Lời Ngài về nguồn sống và niềm vui vĩnh cữu ở trong Ngài rằng “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma. 4:4). Muốn sống cuộc sống này theo những chiều kích phong phú nhất và theo cách đẹp ý Đức Chúa Trời nhất chúng ta phải nghiên cứu để hiểu biết ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, tin quyết, giữ lấy, và làm theo nhờ chính quyền năng Ngài (Sv. Php. 2:13). Chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh vì có quá nhiều sự giảng dạy sai trái, phi Kinh Thánh, và phản Kinh Thánh. Kinh Thánh sẽ ban cho chúng ta chuẩn mực để phân biệt chân giả, vàng thau chẳng những đối với cả hệ thống tư tưởng, triết học, và tôn giáo trong thế gian mà cũng còn trong nội bộ thế giới Cơ Đốc nữa. Kinh Thánh sẽ phán cho chúng ta biết thật ra Đức Chúa Trời là như thế nào và điều này rất quan trọng vì một khi hiểu sai về Đức Chúa Trời thì không thể nào thờ phượng Ngài cho đúng được. Kinh Thánh sẽ phán cho chúng ta biết nhờ đâu mà người ta thực sự được vào Thiên Đàng (Sv. Gi.14:6; Êph. 2:1-10; Ês.53:6; Rô. 3:10-18, 5:8, 6:23, 10:9-13). Kinh Thánh sẽ phán cho chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu chúng ta ra sao (Sv. Rô. 5:6-8; Gi. 3:16) để rồi đến lượt chúng ta cũng sẽ yêu Ngài (Sv. 1Gi. 4:19). Chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh vì Kinh Thánh trang bị để chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời (Sv. 2Ti. 3:17; Êph. 6:17; Hê. 4:12). Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta biết phải như thế nào để được cứu ra khỏi tội và hậu quả của tội (Sv. 2Ti. 3:15). Việc suy gẫm và vâng theo Lời Kinh Thánh sẽ giúp cho chúng ta thành công trong cuộc sống (Sv. Giô. 1:8; Gia. 1:25). Lời Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta nhận ra tội lỗi trong đời sống mình để quyết lòng từ bỏ (Sv. Thi. 119:9, 11). Lời Kinh Thánh có tác dụng soi đường dẫn lối cho chúng ta và làm cho chúng ta trở nên khôn ngoan (Sv. Thi. 32:8, 119:99; Châm. 1:6). Kinh Thánh sẽ giúp cho chúng ta khỏi lãng phí đời sống mình qua việc theo đuổi những điều không đáng theo đuổi (Sv. Ma. 7:24-27). Chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh đúng cách để có thể hiểu đúng nghĩa đã định của Đức Chúa Trời đối với từng lời trong Kinh Thánh và việc ấy là phận sự quan trọng nhất đối với mọi đệ tử Kinh Thánh. Đức Chúa Trời không truyền cho chúng ta chỉ đơn giản đọc Lời Kinh Thánh và cảm nhận theo cảm thức riêng của mình mà phải nghiên cứu chuyên cần, thấu đáo (Sv. 2Ti. 2:15). Nghiên cứu Kinh Thánh là một việc khó nhưng việc chỉ xem lướt qua Lời Kinh Thánh thường khiến chúng ta kết luận sai. Để nghiên cứu Kinh Thánh đúng cách phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Trước hết, để nghiên cứu Kinh Thánh chúng ta phải cần có sự soi sáng của Đức Thánh Linh. “Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến” (Gi. 16:13). Đức Thánh Linh đã thần cảm cho các Sứ Đồ trước thuật Kinh Thánh, Ngài đang sẵn sàng soi sáng cho các đệ tử Kinh Thánh hiểu Lời Kinh Thánh qua sự nghiên cứu chuyên tâm của họ. Chúng ta phải cầu xin sự soi sáng của Đức Thánh Linh khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh. Tiếp theo, chúng ta không được phép lấy lời được chép trong Kinh Thánh ra khỏi văn mạch để gán ghép ý nghĩa mà chúng ta muốn. Trái lại, chúng ta phải đọc cách thận trọng các câu, tiểu đoạn, và đoạn liền trước và tiếp sau phần Kinh Thánh chúng ta nghiên cứu để định cho được nội hàm và ngoại diên liên quan. Dầu rằng Lời Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã dùng các Trước Giả để trước thuật (Sv. 2Ti. 3:16; 2Phi. 1:21) cho nên các Trước Giả đã trước thuật Kinh Thánh với những chủ đề, mục đích, và đề tài nhất định trong tâm trí họ. Chúng ta phải nắm vững bối cảnh của từng Sách Kinh Thánh, từng vấn đề giáo lý, thần học trong khi nghiên cứu Kinh Thánh mới có thể biết được ai là Trước Giả, độc giả là ai, thời điểm và lý do trước thuật,… Phải bằng mọi giá giữ sao cho Lời Kinh Thánh phán điều Đức Chúa Trời muốn phán. Phải tuyệt đối tránh gán cho Lời Kinh Thánh nghĩa mà chúng ta muốn gán. Sau cùng, chúng ta phải cố gắng tránh thái độ tự quyết trong sự nghiên cứu Kinh Thánh. Nghĩ rằng chúng ta không cần phải tham chiếu các công trình nghiên cứu công phu của người khác để hiểu biết thêm là kiêu ngạo. Nghĩ rằng chúng ta chẳng cần nghiên cứu gì cả mà phải để tự nhiên cho Đức Thánh Linh “phán” một cách mật nhiệm với chúng ta về ý nghĩa của Lời Kinh Thánh là lếu láo. Phải biết rằng cùng với việc ban Đức Thánh Linh cho các Cơ Đốc Nhân Đức Chúa Jêsus Christ cũng đã ban cho Hội Thánh Ngài những con người có các ân tứ thuộc linh nhất định để giúp gây dựng Hội Thánh vững mạnh và vì vậy chúng ta không được phép có thái độ bất cần đối với họ (Sv. Êph. 4:11-12; 1Cô. 12:28). Các Mục Sư và Giáo Sư là quà tặng của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh Ngài để giúp Dân Ngài hiểu biết và vâng theo ý Ngài. Thế giới chúng ta đang sống chứa hai thế giới: Thế giới của những người tin Đức Chúa Jêsus và thế giới của những người chưa tin Ngài. Trong thế giới của những người tin Đức Chúa Jêsus cũng chứa hai thế giới: Thế giới của những người thực sự tin và theo Đức Chúa Jêsus và thế giới của những người tự nhận là tin nhưng chưa theo Ngài cách hợp Kinh Thánh. Tôi có một ước mơ cháy bỏng trong lòng mình là muốn thấy ngày càng có nhiều người ham thích nghiên cứu Kinh Thánh hơn, ngày càng có nhiều người nghiên cứu Kinh Thánh đúng cách hơn, ngày càng có nhiều người hiểu biết Đức Chúa Trời cách hợp Kinh Thánh hơn, ngày càng có nhiều người sống để làm đẹp ý Đức Chúa Trời theo Kinh Thánh hơn. Tôi khát khao được góp phần tích cực nhất của mình cho việc phân rõ ranh giới giữa hai thế giới: Thế giới của của những người toàn tâm theo Chúa và thế giới của những người theo Chúa cách tắc trách. “Vàng ơi, hãy đứng riêng ra, để cho thau đi đường của nó. Đừng theo!” (Sv. Tít 3:10) (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“LƯƠNG SƯ HƯNG HỘI!” (Tít 2:1) “Nhưng con hãy dạy điều hiệp với đạo lành.” (Tít 2:1) Giữa vòng Hội Thánh ngày nay có một sự khô hạn trong việc giảng dạy Lời Kinh Thánh. Việc các sự giảng dạy phi Kinh Thánh và phản Kinh Thánh mỗi ngày càng tràn lan nói lên được sự yếu kém của Hội Thánh đối với mệnh lệnh Kinh Thánh rằng phải “dạy điều hiệp với Đạo Lành” (Tít 2:1). Càng ngày Hội Thánh càng cần có những người nam, người nữ có thể giúp cho Dân Sự của Đức Chúa Trời nghe được một cách trung thực tiếng phán của Ngài và vâng theo. Việc muốn có được một thế hệ Giáo Sư Kinh Thánh mới “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng Thân Thể Đấng Christ” (Êph. 4:12) phải là một sự cầu nguyện thiết tha và chuẩn bị rốt ráo đối với những ai thực sự kính yêu Đức Chúa Trời, muốn cho Danh Thánh của Ngài được vinh hiển. Có một số vấn đề liên quan đến nhu cần người giảng dạy Kinh Thánh. Thứ nhất, phải có một sự quan tâm đến số lượng người dạy. Hiện có rất nhiều “giáo sư” nhưng có quá ít Giáo Sư! Thời điểm mà Sứ Đồ Phaolô cảnh báo trước cho chúng ta đã đến: “3Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe Đạo Lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, 4bịt tai không nghe Lẽ Thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (2Ti. 4:3-4) Hậu quả của hiện tượng ấy thật tai hại vô cùng: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu sự thông biết. Bởi ngươi bỏ sự thông biết thì ta cũng bỏ ngươi, đặng ngươi không làm Thầy Tế Lễ cho ta nữa; bởi ngươi đã quên Luật Pháp của Đức Chúa Trời mình, thì ta cũng sẽ quên con cái ngươi” (Ô. 6:4) Phần lớn các “giáo sư”, và các tác phẩm của họ, đều rất giỏi trong việc “đục khoét” những điều mà người nghe, người đọc hứng thú. Trong khi đó, các Giáo Sư Kinh Thánh lại thường thiếu về “số lượng”, yếu về “tốc độ”, và tất nhiên là họ không dám đánh lừa người nghe, người đọc bằng “những lời êm tai”. Thứ hai, phải có một sự quan tâm về chất lượng giảng dạy. Môi trường sống trên địa cầu mỗi ngày càng kém “xanh và sạch” như thế nào thì Hội Thánh của Đức Chúa Trời càng ngày cũng càng sa sút trong việc trang bị các tín hữu “xanh và sạch” để sống tôn qui vinh hiển Đức Chúa Trời. Chúng ta phải quan tâm đến chất lượng giảng dạy Kinh Thánh giữa vòng Hội Thánh. Phận sự của chúng ta là phải ngăn chống nạn “mù chữ Kinh Thánh” (biblical illiteracy) và khuynh hướng tăng về xúc cảm nhưng giảm về đức tin khiến tạo nên những con người què quặt về Kinh Thánh (biblical cripple) là những người có một cách hiểu Kinh Thánh phụ thuộc vào khuynh hướng thông giải Kinh Thánh phi và phản Kinh Thánh của người khác. Đối với những ai thật lòng kính yêu Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài thì hiện giờ là thời kỳ để dấn thân hầu việc Ngài một cách hết lòng trong mục vụ giảng dạy Kinh Thánh hợp Kinh Thánh. Việc dạy Kinh Thánh là hết sức cần thiết để chống lại sự suy thoái này. Chúng ta không thể làm gì khác hơn là thật lòng yêu thương những người nam, người nữ đang cần được trưởng thành trong Lời Kinh Thánh và biết làm thế nào để giảng dạy Lời Kinh Thánh cho họ một cách đầy hiệu quả. Để có thể được như thế, người Giáo Sư Kinh Thánh phải: 1. Có một mối nhiệt tâm đối với Lời Đức Chúa Trời và đối với sự cầu nguyện. 2. Có một mục tiêu rõ ràng là muốn được gia tăng kiến thức Kinh Thánh của mình về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. 3. Chú trọng đến nhu cần của Học Viên, yêu thương họ và muốn thấy họ được trưởng thành thuộc linh. 4. Nhận thức rõ được rằng dầu hiện nay Học Viên là người học nhưng họ là môn đồ của Đức Chúa Jêsus, và họ sẽ là Mục Sư, Giáo Sư, Giáo Sĩ của Ngài trong tương lai. 5. Thành thạo trong việc giúp cho lớp học có được sự hứng thú và tham gia tích cực vào tiến trình giảng dạy_học tập. 6. Giảng dạy một cách dạn dĩ vì biết rõ rằng Đức Chúa Trời muốn cho Học Viên được thay đổi về tâm trí, tâm tình, đời sống. 7. Có khả năng đào sâu đúng hướng, hợp đối tượng các đề tài giảng dạy một cách hợp Kinh Thánh. 8. Tránh không để rơi vào tình trạng chỉ lặp lại những gì mình đã được người khác dạy mà phải truyền đạt sứ điệp Kinh Thánh một cách hết mình. 9. Không bao giờ ngừng nghiên cứu, học tập. (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“ÍCH LỢI CỦA KỶ LUẬT THUỘC LINH BẢN THÂN” (Php. 3:14) “Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Php. 3:14) Không thể có đường tắt cho sự hình thành thuộc linh. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta “nhắm mục đích mà chạy” bằng một ý thức nương cậy (quyền năng Đức Thánh Linh) một cách thường trực và một nền nếp kỷ luật bản thân ổn định. Kỷ luật thuộc linh bảo đảm cho việc hình thành thực tại thuộc linh trong đời sống cá nhân: “12Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đương chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi. 13Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, 14nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Php. 3:12-14) Chúng ta có thể kể ra một số trong số rất nhiều các sự ích lợi mà một đời sống biết giữ kỷ luật bản thân có thể có được: 1. Giúp ích cho việc bắt chước Đức Chúa Jêsus Christ (để chúng ta có thể ứng xử một cách đẹp ý Đức Chúa Trời). 2. Rèn tập cho ý chí kiên trì (theo đuổi những con đường dẫn đến hình thành và tăng trưởng đời sống thuộc linh). 3. Có tác dụng như qui tắc của hành vi (để có thể hình thành và phát triển kỷ năng sống xứng hiệp theo các sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời). 4. Giúp giữ được viễn cảnh và phương hướng (để có thể tiến được đến các mục đích sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời). 5. Giục nhắc thường xuyên về phận sự hình thành và tăng trưởng đời sống thuộc linh. 6. Trang bị các nguồn năng cần thiết để chống lại sức mạnh của thế gian, xác thịt, và Ma Quỉ. 7. Giúp giải thoát khỏi sự ràng buộc của các hoàn cảnh hay thay đổi (nhờ biết hướng về các sự thuộc Thiên Thượng). 8. Là phương tiện cho việc thay đổi con người bề trong. 9. Giúp đắc thắng các thói quen có tội và hình thành các thói quen đẹp ý Đức Chúa Trời. 10. Làm tăng lòng ham thích sống đẹp ý Đức Chúa Trời. (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“HAI CÁCH TIẾP CẬN KINH THÁNH” (Thi. 119:18) “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy Sự lạ lùng trong Luật Pháp của Chúa…” (Thi. 119:18) “Mắt” của chúng ta không những cần phải được mở ra để nhận thức vũ trụ của Đức Chúa Trời mà còn để hiểu được Lời Ngài trong Kinh Thánh: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy_Sự lạ lùng trong Luật Pháp của Chúa…” (Thi. 119:18) “7Luật Pháp của Đức Giêhôva là trọn vẹn, bổ linh hồn lại;_Sự chứng cớ Đức Giêhôva là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan._8Giềng mối của Đức Giêhôva là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng;_Điều răn của Đức Giêhôva trong sạch, làm cho mắt sáng sủa._9Sự kính sợ Đức Giêhôva là trong sạch, hằng còn đến đời đời;_Các mạng lịnh của Đức Giêhôva là chân thật, thảy đều công bình cả._10Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng;_Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong” (Thi. 19:7-10) Dầu rằng Lời Kinh Thánh của Đức Chúa Trời có tác dụng “mở mắt”, nhưng không phải chỉ có một cách tiếp cận với Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, và cũng không phải cách tiếp cận nào đối với Kinh Thánh cũng đem lại kết quả giống nhau. Hai cách tiếp cận phổ biến đối với Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là (1) Đọc Kinh Thánh theo hướng thu thập kiến thức, và (2) Đọc Kinh Thánh theo hướng chuyển hóa con người… (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
“ĐỪNG SỬA LỜI KINH THÁNH CÁCH TÙY TIỆN” (Hê. 5:11-14) “Về sự đó, chúng ta có nhiều điều nên nói, và khó cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ anh em đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc. Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình;vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.” (Hê. 5:11-14) Vấn đề sửa đổi lời Kinh Thánh cách tùy tiện như trong một sự trình bày đã có của tôi không phải chỉ là một vấn đề thuần túy ngôn ngữ học. Có khía cạnh ngôn ngữ học ở đây nhưng còn một vấn đề khác mà chẳng ai chịu để ý: Đó là vấn đề thần học Kinh Thánh và thẩm quyền Kinh Thánh. Không thể kể hết được việc ngưới ta vi phạm như thế nào đối với nguyên tắc ấy. Rất và rất nhiều người, miệng thì nói rằng họ tin Kinh Thánh là “Lời Đức Chúa Trời” nhưng trong đời sống thực tế họ tỏ ra không phải như vậy: (1) Họ không chịu học hỏi một cách nghiêm túc, (2) Họ không áp dụng một cách chặc chẽ, và (3) Họ không xem lời Kinh Thánh có thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời mà bắt lời Kinh Thánh có nghĩa theo sở kiến và sở thích của họ. Lời Kinh Thánh thay vì phải được học để “giữ lấy và làm theo” (Sv. Giô. 1:8) đã bị lạm dụng vào việc khoe khoang hoặc công kích lẫn nhau… Vì cớ họ, Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh bị làm cho ngộ nhận bởi nhiều người trên rất nhiều mức độ khác nhau. Không phải sự quen thuộc đối với lời Kinh Thánh nào cũng đạt chuẩn mực. Có rất nhiều sự quen thuộc méo mó vì xu hướng thần học hoặc vì chưa thực sự có đức tin nơi Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ; và đó là một sự thật Kinh Thánh: “Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.” (2Phi. 3:16) (“dốt nát”: Gr. ἀμαθής [amathes] - “không được dạy, không được môn đồ hóa cho nên không biết”; “tin không quyết”: Gr. ἀστήρικτος [asteriktos] - “dao động, không chắc thật”) Có thể nói rằng phần đông các Cơ Đốc Nhân đều “quen thuộc” đối với lời Kinh Thánh nhưng không phải mọi Cơ Đốc Nhân đều “yêu quí” lời Kinh Thánh, xem đó là Lời Đức Chúa Trời như đúng là Lời Đức Chúa Trời. Sự “quen thuộc” đối với lời Kinh Thánh có thể giúp cho người ta “yêu” lời Kinh Thánh nhưng không bảo đảm được rằng người ta sẽ “quí” lời Kinh Thánh tức là tin rằng lời Kinh Thánh có thẩm quyền Thiên Thượng và quyết lòng “giữ lấy và làm theo”. Để tiến đến chỗ “quí” lời Kinh Thánh người ta phải được môn đồ hóa, tức là phải được học Kinh Thánh một cách chính xác và có thẩm quyền; đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời: “Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (2Ti. 3:14-15) (“đứng vững”: Gr. μένω [meno] - “cứ kiên trì mà tiếp tục”; “đem lòng tin chắc”: Gr. πιστόω [pistoo] - “có sự tin quyết”; “học và nhận lấy”: Gr. μανθάνω [manthano] - “học cho biết để thực hành”) 2Ti. 3:15 nói về sự “quen thuộc” đối với lời Kinh Thánh mà Timôthê đã có từ bé nhờ mẹ và bà (Sv. 2Ti. 1:5), sự “quen thuộc” này gắn liền với một loại đức tin sơ cấp (Theo 2Ti. 1:5 thì đó là “đức tin thành thật”: Gr. ἀνυπόκριτος πίστις [anupokritos pistis]). Cơ Đốc Nhân không được phép chỉ dừng lại ở đức tin sơ cấp mà phải tiến lên, phải được nghiên cứu lời Kinh Thánh với đầy đủ thẩm quyền Kinh Thánh, tức là phải được môn đồ hóa cách hợp Kinh Thánh (như Phaolô đã môn đồ hóa Timôthê) để có thể “đứng vững trong những sự” mà họ đã “đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy” với người có thẩm quyền giảng dạy (Sv. 2Ti. 3:14, “vì biết con đã học những điều đó với ai”; Sv. 2Ti. 1:13-14) để đức tin của họ nâng tấm thành đức tin thứ cấp - đức tin nơi Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ dựa trên duy nhất lời Kinh Thánh. Không dễ đâu, chúng ta phải có lòng chăm chỉ cách hợp Kinh Thánh đối với lời Kinh Thánh thì Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh mới được tôn cao; chúng ta phải cẩn thận, đừng tùy tiện! (Rev. Doan Nhat Tan, PhD) ![]()
|
Author“Side-By-Side Support ArchivesCategories |