REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ BIỆN”

17/5/2022

 
Picture
“MỘT SỐ THUẬT NGỮ KINH THÁNH VỀ KINH THÁNH”
(2Phi. 1: 20-21)
“Trước hết, phải biết rõ rằng
chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được.
Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra,
nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động
mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.”
(1Ti. 6:12)
​Vì Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời cho nên người ta không được phép xử lý Kinh Thánh cách tùy tiện được. Các thuật ngữ về Kinh Thánh có nội hàm và ngoại diên phụ thuộc theo sự khải thị của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Có một số thuật ngữ về Kinh Thánh mà chúng ta cần phải nghiên cứu và nắm vững hầu cho việc hiểu Kinh Thánh của chúng ta được hợp Kinh Thánh.
 
1. “Kinh Thánh” (Bible)
         
Trong Tiếng Anh, từ liệu Bible (Kinh Thánh) xuất phát từ một từ liệu Hy Lạp là Biblion, có nghĩa là “sách” hay “cuộn giấy”.
 
Biblion xuất xứ từ byblos, tên của một loại chỉ thảo (cói) sống trong các đầm lầy hay dọc các bờ sông, nhất là sông Nile. Ngày xưa, giấy viết được làm từ chỉ thảo bằng cách cắt lấy thân thành đoạn dài chừng 30cm, đem phơi khô, cán mỏng ra. Những đoạn này được xếp một lớp dọc, bồi keo dán lên; sau đó người ta xếp trên lớp dọc ấy một lớp ngang nữa, rồi cũng bồi keo dán lên thành tấm giấy chỉ thảo (Giống với cách ngày nay làm ván ép). Mặt những cây chỉ thảo nằm ngang sẽ là bề mặt để viết, vì nó thuận với chiều viết, viết êm hơn. Người ta kết dính nhiều tấm giấy chỉ thảo như thế với nhau thành cuộn giấy, có khi dài đến chín mét.
 
Cuối cùng, một từ liệu số nhiều là biblia được các Cơ Đốc Nhân sử dụng Tiếng La Tinh dùng để chỉ tất cả các Sách Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.
 
2. “Lời Kinh Thánh” (Scripture/Scriptures)
 
Một từ liệu khác được sử dụng cho Kinh Thánh là “Lời Kinh Thánh” (Scripture), xuất phát từ một từ liệu Hy Lạp là grafh, có nghĩa là “một văn phẩm”, “một cái gì đó đã được trước thuật, được viết ra”. Từ liệu số nhiều Scriptures được dùng để chỉ Lời Kinh Thánh như một tổng thể (Sv. Ma. 21:42; Gi. 5:39; Rô. 15:4 ám chỉ về Kinh Thánh Cựu Ước). Tuy nhiên, hình thức số ít Scripture đôi khi cũng được dùng để chỉ Lời Kinh Thánh như một tổng thể (Sv. Rô. 4:3; Gi. 7:42), hoặc một đoạn nào đó (Sv. Mác 12:10; 15:28; Lu. 4:21). Trong Kinh Thánh Tân Ước, từ liệu này được chuyên dùng để chỉ Kinh Thánh.
 
Đối với Cựu Ước, “Lời Kinh Thánh” được xem là chứa đựng thẩm quyền lớn (Sv. 2Vua. 14:6; 2Sử 23:18; Exr. 3:2; Nê. 10:34). “Các văn phẩm” Cựu Ước cuối cùng đã được hợp tuyển thành ba nhóm gọi là Các Sách Luật Pháp, Các Sách Tiên Tri, và Các Sách Thơ Văn. Các Sách này ban đầu được chia làm 24 Sách, khởi đầu với Sách Sáng Thế Ký và kết thúc ở Sách 2Sử Ký. Sự phân chia này chứa đựng đủ nội dung của 39 Sách như hiện có ngày nay nhưng khác về cách phân bố. Các văn phẩm này đã được hợp tuyển thành Kinh Điển Cựu Ước. Tổ hợp từ “Kinh Thánh phán” hoàn toàn tương đương với “Đức Chúa Trời phán” (Sv. Rô. 4:3; 9:17; 10:11; Gal. 4:30; 1Ti. 5:18). Để nhấn mạnh cho đặc trưng của các văn phẩm này là “thánh” và “độc đáo”, các văn phẩm ấy cũng được kể là “thánh” hay “lành” (Rô. 1:2; 2Ti. 3:15), được cho biết là “Được Đức Chúa Trời soi dẫn”, với nghĩa đen là “hà hơi”. Như vậy, với Đức Chúa Trời là Tác Giả đích thực đàng sau các Trước Giả con người, Lời Kinh Thánh vừa “có ích” vừa “có thẩm quyền” (2Ti. 3:16). Hình thức danh từ của Scripture xuất hiện chừng 50 lần trong Kinh Thánh Tân Ước (Hầu hết được dùng để nói đến lời Kinh Thánh). Hình thức động từ của từ liệu này được dùng với nghĩa “được viết ra” hay “viết ra”, xuất hiện trong Kinh Thánh Tân Ước khoảng 90 lần.
 
3. “Lời Đức Chúa Trời” (The Word of God)
 
“Lời Đức Chúa Trời” là một danh hiệu khác của Kinh Thánh được dùng cả trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước. Cách nói này làm nổi bật bản chất của Kinh Thánh là Sự Khải Thị thành văn của Đức Chúa Trời, đó là Sự Khải Thị của Ngài cả về hình thức và nguồn gốc. Từ liệu Hy Lạp được dùng là logos, có nghĩa là “lời biểu hiện một khái niệm hay ý tưởng được phát biểu ra”. Tuy nhiên, “Lời Đức Chúa Trời” cũng được sử dụng để chỉ về “Sự Khải Thị của Đức Chúa Trời, lời nói ra của Đức Chúa Trời, mệnh lệnh của Đức Chúa Trời”. Trong Mác 7:13, “Lời Đức Chúa Trời” được dùng để nói về lệnh truyền của Môise có liên quan đến việc phải tôn kính Cha Mẹ và được xem như tương đương với “Điều răn của Đức Chúa Trời” (C. 8). Trong Ma. 15:6, thành ngữ “Lời Đức Chúa Trời” được đặc biệt dùng để nói về Luật Pháp Môise. Trong Gi. 10:35, thành ngữ ấy lại dùng để chỉ phần Kinh Thánh Cựu Ước và còn được phát triển rộng hơn là cả Kinh Thánh nữa. Trong Hê. 4:12, thành ngữ “Lời Đức Chúa Trời” được dùng để chỉ cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước.
 
4. “Lời Phán Của Đức Chúa Trời” (The Oracles of God)
 
Một từ liệu Hy Lạp khác được dùng cho Kinh Thánh, nhất là Kinh Thánh Cựu Ước, là logion, một biến tướng của logos với nghĩa là “một lời phán ra, một sự thốt lên hay đáp lại của Thiên Thượng”. Thành ngữ ấy được dùng trong Rô. 3:2 và Công. 7:38, được dịch với ý “lời phán”. Trong Công. 7:38, Luật Pháp Cựu Ước nhận được trên núi Sinai được kể là “Lời Sự Sống”.
 
5. “Ước” (Testament)
 
Một từ liệu kém phổ biến chỉ về Kinh Thánh là “Ước”. Gốc Hy Lạp của từ liệu này là διαθήκη [diatheke] với nghĩa là “giao ước, ước, ý muốn”. Từ liệu này được sử dụng để phân biệt giữa Giao Ước Cũ với Giao Ước Mới, đó là Cựu Ước và Tân Ước. Đặc biệt, từ liệu này còn được dùng cho các giao ước cụ thể trong Kinh Thánh. Vì các giao ước này được bao gồm trong Sự Khải Thị của Đức Chúa Trời, “Ước” là một từ liệu đồng nghĩa với Kinh Thánh (Scripture). Sứ Đồ Phaolô đã viết “Khi họ đọc Cựu Ước…” (2Cô. 3:14).
 
6. “Luật Pháp” (The Law)
 
Một từ liệu khác được dùng trong Kinh Thánh Tân Ước để nói về Kinh Thánh Cựu Ước là “Luật Pháp”. Theo nguyên tắc là thành phần có thẩm quyền cao nhất sẽ quyết định tên gọi cho toàn phần, đôi khi thành ngữ “Luật Pháp” nhắm đến toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Thể theo nguyên tắc này, và vì toàn bộ Kinh Thánh Tân Ước được xem là lời có thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong sự dạy dỗ, Đức Chúa Jêsus đã trích Thi. 82 trong Gi. 10:34 và kể là “Luật Pháp”. Trong Gi. 12:34, đoàn dân đông thưa rằng: “Chúng tôi có đọc trong Luật Pháp rằng Đấng Christ còn đời đời, vậy sao Thầy nói Con Người phải bị treo lên? Con Người đó là ai?” Trong lời này, “Luật Pháp” được dùng nói về toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước vì các đoạn văn Kinh Thánh có trong trí những người nói bao gồm các phân đoạn Kinh Thánh như Thi. 110:4; Ês. 9:7; Êx. 37:25, và năm sách Kinh Thánh đầu tiên của Môise.
 
7. “Luật Pháp Và Lời Tiên Tri” (The Law and Prophets)
 
“Luật Pháp Và Lời Tiên Tri” cũng là một thành ngữ được dùng để chỉ toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Thành ngữ đặc biệt này nhìn nhận Kinh Thánh Cựu Ước theo góc độ các phần của Cựu Ước: Luật Pháp, Tiên Tri, và Thơ Văn. Hãy so sánh Ma. 5:17; 7:12; Lu. 16:16; và Rô. 3:21. Cũng hãy xem Lu. 24:27 và 44.
 
8. Các Thuật Ngữ Khác Chỉ Về Kinh Thánh Cựu Ước (Other Terms for Old Testament)
 
Thi. 19:7-9 đưa ra cho chúng ta thấy một số các từ đồng nghĩa trong một sự mô tả sáu phương diện của Sự Khải Thị của Đức Chúa Trời, là Lời Đức Chúa Trời. Các từ liệu ấy gọi Lời Đức Chúa Trời là:
 
- “Luật Pháp”: Phương hướng, hay ý chỉ, của Đức Chúa Trời được khải thị.
 
- “Sự Chứng Cớ”: Sự làm chứng về Thân Vị và mục đích của Đức Chúa Trời.
 
- “Giềng Mối”: Một từ liệu chung để chỉ các phận sự của Dân Chúa.
 
- “Điều Răn”: Lời có thẩm quyền tức sự giáo huấn của Đức Chúa Trời.
 
- “Sự Kính Sợ”: Sự tin kính mà Lời Đức Chúa Trời đem lại trong tấm lòng của Dân Chúa.
 
- “Các Mạng Lịnh”: Các sự hướng dẫn cụ thể tùy theo các hoàn cảnh của con người.
 
Thi. 119 có luận đề bao quát là sự tôn kính đối với Lời Đức Chúa Trời còn có nhiều thuật ngữ hơn thế để chỉ về Lời Kinh Thánh. Có một số lượng lớn các từ liệu đã được Trước Giả  Thi Thiên sử dụng để chuyển tải lẽ thật là Lời Đức Chúa Trời chứa đựng tất cả những gì chúng ta cần cho một đời sống mà Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta có. Có ít nhất là chín từ liệu khác nhau được tìm thấy: ‘Luật Pháp” (Law - torah: C. 1, 18, 29, 34, 44, 51, 53, 55, 61, 70, 72, 77, 85, 92, 97, 109, 113, 126, 136, 142, 150, 153, 163, 165, 174); “Chứng cớ” (Testimonies - eduth/edoth: C. 2, 14, 22, 24, 31, 36, 46, 59, 79, 95, 99, 111, 119, 125, 129, 138, 144, 146, 152, 157, 167, 168); “Lối” (Ways - derek: C. 3, 5, 15, 26, 37, 59, 168); “Giềng Mối” (Precepts - piqqudim: C. 4, 15, 27, 40, 45, 56, 63, 69, 78, 87, 93, 94, 100, 104, 110, 128, 134, 141, 159, 168, 173); “Chứng cớ”/”Luật Lệ” (Statutes - eduth/edoth: C. 5, 8, 12, 16, 23, 26, 33, 48, 54, 64, 68, 71, 80, 83, 112, 117, 118, 121, 135, 145, 155, 171); “Điều Răn” (Commandments - mitswah/mitswoth: C. 6, 10, 19, 21, 32, 35, 47, 48, 60, 66, 73, 86, 98, 115, 127, 131, 143, 151, 166, 172, 176); “Đoán Ngữ Công Bình” (Judgments - mishpat: C. 7, 75, 120, 137); “Lời” (Word - dabar: C. 9, 11, 16, 17, 25, 28, 38, 41, 42, 43, 49, 50, 58, 65, 67, 74, 76, 81, 82, 89, 101, 105, 107, 114, 116, 123, 133, 140, 148, 154, 158, 160, 162, 169, 170, 172); “Đường”/”Đường Lối” (Path - natiyb: C. 35, 105).
 
Quan tâm đến tám trong số chín từ liệu vừa kể, NIV Bible chú giải:
 
1.  “Luật Pháp/Law - torah”: Xuất hiện 25 lần. Theo nghĩa rộng, từ liệu này nói về bất cứ sự dạy dỗ nào dẫn xuất từ Sự Khải Thị của Đức Chúa Trời làm căn bản cho đời sống và hành vi. Theo nghĩa hẹp, từ liệu này chỉ về Luật Pháp Môise - Ngũ Kinh hoặc Luật Tế Lễ, hoặc Luật Phục Truyền.
 
2.  “Lời/Word - daba”: Chỉ về lời phát ra từ miệng của Chúa. Đó là một cách gọi tên cho Sự Khải Thị Thiên Thượng.
 
3.  “Đoán Ngữ Công Bình/Giềng Mối/Mạng Lịnh…(Thi. 119:7, 13, 20, 30, 39, 43, 52, 62, 75, 91, 102, 106, 108, 120, 137, 149, 156, 160, 164, 175 [Laws#Precepts - mishpatim”]): Nói đến các hạng mục luật lệ cụ thể (luật tình huống) hợp thành nền tảng cho hệ thống phép tắc của Ysơraên. Chính Đức Chúa Trời là Thẩm Phán tối cao.
 
4.  “Chứng Cớ/Luật Lệ [Statutes - eduth/edoth”]: Xuất phát từ một từ liệu có nghĩa là “làm chứng”, “chứng thực”. “Sự làm chứng” thường thường đồng nghĩa với sự giao ước (Sv. Thi. 25:10; 132:12). Việc tuân giữ “chứng cớ” của Chúa biểu thị cho việc trung tín với các khoản giao ước giữa Đức Chúa Trời và Ysơraên.
 
5.  “Điều Răn/Command(s) - mitswah/mitswoth”: Đây là một sự gọi tên thường xuyên cho bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời đã huấn thị.
 
6.  “Điều Ngài Đã Nhứt Định/Định Mạng (41 lần trong Cựu Ước, Ví dụ: Gióp. 23:14; Thi. 148:6;… [Decrees - “huqqim”]): Từ liệu này xuất xứ từ một từ liệu mang nghĩa “khắc ghi”, “khắc sâu”. Đức Chúa Trời khải thị vương quyền tể trị tối thượng của Ngài trong thiên nhiên và trong Dân Sự giao ước của Ngài.
 
7.  “Giềng Mối/Precepts - piqqudim”: Chỉ xuất hiện trong Sách Thi Thiên và có vẻ như là từ đồng nghĩa của “giao ước” (Thi. 103:18) và của “Sự Khải Thị của Đức Chúa Trời” (Thi. 111:7). Ngữ căn của từ liệu này bao hàm thẩm quyền qui định mối quan hệ giữa Đấng Phán với các đối tượng.
 
8. “Lời Hứa (Được sử dụng khoảng 9 lần trong Cựu Ước; Ví dụ: Thi. 77:8;… [Word/Promise - “imrah”]): Dùng để biểu thị bất cứ sự gì Đức Chúa Trời đã phán ra, huấn thị, hay hứa hẹn.
 
(Rev. Doan Nhat Tan, PhD)
motsothuatngukinhthanhvekinhthanh.pdf
File Size: 498 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    December 2022
    November 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách