REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ BIỆN”

19/5/2022

 
Picture
“MỤC VỤ SOI SÁNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH TRONG VIỆC GIẢI NGHĨA VÀ HIỂU KINH THÁNH”
(2Phi. 1:20-21)
“Trước hết, phải biết rõ rằng
chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được.
Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra,
nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động
mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.”
(2Phi. 1:20-21)
​Mục Vụ soi sáng của Đức Thánh Linh luôn luôn song hành với sự giải nghĩa Kinh Thánh của tín hữu cho nên Sự Soi Sáng của Đức Thánh Linh, việc giải nghĩa Kinh Thánh, và việc hiểu Kinh Thánh theo ý chỉ của Đức Chúa Trời để sống một đời sống vâng lời Ngài là những phạm trù hỗ tương có tính tất yếu.
 
Mặc dầu Sự Soi Sáng được hứa cho mọi tín hữu, nhưng không chắc là sẽ luôn luôn có được sự giải nghĩa chính xác và, nếu sự giải nghĩa bị sai, sự hiểu biết đối với đoạn văn Kinh Thánh cũng trở nên đáng hồ nghi. Thế nhưng có nhiều người tiếp cận bản văn Kinh Thánh trong một quan điểm thần bí. Sự tìm kiếm duy nhất của họ đối với mỗi đoạn văn Kinh Thánh là niềm hy vọng rằng “Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ đoạn văn này có ý nghĩa như thế nào” mà không hề có nguyên tắc và phương pháp tiếp cận. Thế rồi họ bắt đầu làm sai lạc mất ý nghĩa của bản văn và chỉ có được những ý tưởng vô căn cứ và hoàn toàn xa lạ đối với những gì Đức Thánh Linh phán qua Lời Thành Văn của Ngài là điều vốn chỉ có thể tìm ra được theo các nguyên tắc giải nghĩa Kinh Thánh vững chắc đối với sự nghiên cứu Kinh Thánh, tức phân kinh. Một từ liệu đáng nên dùng để nói về một thái độ tắc trách như vậy là “sự lạm dụng”. Trong một chương sách với tiêu đề “Xử Lý Bản Văn Kinh Thánh Một Cách Chính Xác”, Swindol viết như thế này:
“Thời chúng ta đang sống là thời lạm dụng: Lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm, lạm dụng lời lẽ,… Nhưng còn sự lạm dụng Kinh Thánh thì sao? Tôi muốn nói về việc sử dụng không thỏa đáng Lời Kinh Thánh. Ai trong chúng ta đây là người chưa từng phải thấy một ai đấy bóp méo Lời Kinh Thánh? Ép Lời Kinh Thánh có những ý nghĩa mà chính Kinh Thánh không nhắm đến? Những ai không am tường Kinh Thánh sẽ hết lòng tin những gì họ được nghe, để rồi về sau họ thất vọng khi nhận thấy được rằng cả sự giải nghĩa lẫn sự áp dụng đều sai trật… khiến dẫn đến những hậu quả tai hại trên sức khỏe và sự tăng trưởng thuộc linh của họ” (1).
 
Ấy chính vì sự rắc rối này mà Sứ Đồ Phaolô, khi cảnh báo cho Timôthê trước các sự dạy dỗ sai trật khiến có thể làm hư người nghe, đã truyền rằng “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti. 2:15). Sứ Đồ Phaolô truyền ra một nguyên tắc quan trọng là chúng ta phải xử lý với Lời Đức Chúa Trời một cách chính xác cả trong giai đoạn phân kinh (exegesis) lẫn trong giai đoạn trình kinh (exposition, trình bày việc thông kinh, giải kinh). Thế nhưng sự nhấn mạnh chính là ở trong việc giải nghĩa Lời Đức Chúa Trời. Việc này có liên quan đến điều gì? Có phải đây là vấn đề của tính ngay thật của người Giáo Sư hay là đến thần học của họ?
 
"Việc này không liên quan mấy đến tính ngay thật. Nhiều người, có thể là phần đông, những người giải sai Lời Kinh Thánh đều là người rất chân thật. Và cũng chỉ liên quan đến thần học một chút nào đó mà thôi. Lắm người có một nền thần học khá ổn định cũng có thể giải sai Kinh Thánh. Cũng chẳng phải tại nhân cách. Có những Giáo Sư ướt sủng ân tứ nhưng lại là những người có tài thao túng cử tọa và trói buộc cử tọa trong tay họ vẫn cứ mắc tội giải sai Kinh Thánh. Rõ ràng là cũng chẳng mắc mớ gì với sự nổi tiếng. Có lắm nhân vật nổi đình, nổi đám trong giới Cơ Đốc có tài kéo những cử tọa đông đúc về với mình vẫn có thể giải sai (hoặc giải sai) Lời Kinh Thánh. Vì vậy, chúng ta nên dứt khoát loại bỏ cái ý tưởng cho rằng hễ cứ “yêu mến Chúa” là người ta có thể tránh khỏi việc giải sai Kinh Thánh. Không, ngay cả những người tin vào Tính Vô Ngộ của Kinh Thánh và khẳng định tầm quan trọng lớn lao của giáo lý lành mạnh như chúng ta cũng vẫn có thể mắc tội lạm dụng Kinh Thánh” (2).
 
Các Cơ Đốc Nhân phải học cho biết các vấn đề cơ bản của việc nghiên cứu Kinh Thánh trong sáng. Việc nghiên cứu Kinh Thánh trong sáng được dựa trên các nguyên tắc chính yếu của việc giải nghĩa giúp giữ cho người nghiên cứu tránh khỏi sự lạm dụng Kinh Thánh, và giúp ngăn ngừa được sự hoang tưởng ở người nghiên cứu.
 
Ghi Chú:
 (1)    Charles R. Swindoll, Growing Deep In The Christian Life, Multnomah Press, Portland, 1986, p. 69.
(2)     Charles R. Swindoll, pp. 69-70
 
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
mucvusoisangcuaducthanhlinh.pdf
File Size: 442 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    December 2022
    November 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách