REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ BIỆN”

27/5/2022

 
Picture
“VÀI ĐIỀU VỀ CHỦ TRƯƠNG TƯƠNG ĐỐI VĂN HÓA”
(1Phi. 3:15)
“Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình.
Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em,
song phải hiền hòa và kính sợ.”
(1Phi. 5:8-11)
​Muốn kết quả cho Đức Chúa Trời chúng ta phải biết làm cho con người mình nhỏ lại để sự vĩ đại của Ngài được hiển thị rõ nét hơn. Chúng ta chỉ có thể nhỏ lại khi chúng ta nhận thức được Đức Chúa Trời, thế giới tự nhiên, thực tiễn khách quan, tha nhân, và ngay chính chúng ta. Một trong những điều thuộc về thực tiễn khách quan là chủ trương “tương đối văn hóa” (cultural relativism) mà các biến tướng của chủ trương này luôn là một trở ngại cho việc chia sẻ Tin Lành của Cơ Đốc Nhân chúng ta, nhất là trong những dịp như Lễ, Tết, Hội Hè,… theo văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam chúng ta.
 
Chủ trương “tương đối văn hóa” là một quan điểm cho rằng mọi tín ngưỡng, phong tục, đạo đức học đều chỉ có giá trị tương đối đối với từng cá nhân tùy theo xã hội mà họ sống. Quan điểm này chủ trương rằng “cái đúng” cũng như “cái sai” chỉ đúng và sai tùy theo cách quan niệm của từng nền văn hóa nhất định mà thôi. Theo quan điểm này, cái “đạo đức” trong một nền văn hóa này vẫn rất có thể bị xem là “vô đạo đức” trong một nền văn hóa khác như thường. Với một cách tiếp cận vấn đề như vậy những người theo thuyết “tương đối văn hóa” nhấn mạnh rằng vì cớ không thể có một tiêu chuẩn đạo đức duy nhất cho toàn thế giới cho nên không ai có quyền bình phẩm đúng, sai gì hết về tín ngưỡng tôn giáo, phong tục văn hóa, và tập quán đạo đức của bất cứ ai cả.
 
Đối với khoa nhân chủng học hiện đại thì thuyết “tương đối văn hóa” là một học thuyết tốt. Những người theo thuyết “tương đối văn hóa” cho rằng mọi nền văn hóa đều có giá trị vốn có của mình và đều có giá trị như nhau. Theo họ, sự khác biệt nhau giữa các nền văn hóa, cho dầu các sự khác biệt ấy mâu thuẫn nhau, người ta cũng không được quyền phán xét đúng, sai hay tốt, xấu gì cả. Các nhà nhân chủng học ngày nay có khuynh hướng cho rằng tất cả mọi nền văn hóa đều phải được xem như đồng đẳng một cách chánh đáng, đếu phải được nghiên cứu với một quan điểm hoàn toàn trung dung.
 
Tư tưởng của thuyết “tương đối văn hóa” có một sự liên quan mật thiết với tư tưởng “tương đối đạo đức” là một dòng tư tưởng cho rằng “chân lý” là cái khả biến chứ không thường hằng. Theo dòng tư tưởng này thì “đúng” và “sai” chỉ tùy thuộc vào quan niệm cá nhân hoặc theo một xã hội nhất định nào đó mà thôi vì “chân lý” luôn mang tính chủ quan chứ chẳng hề có một hệ thống tiêu chuẩn khách quan nào ràng buộc đối với mọi nền văn hóa cả. Tóm lại, theo quan điểm “tương đối đạo đức”, chẳng ai có quyền nói ai đúng hay ai sai gì cả; cũng chẳng có xã hội nào có thể phê phán xã hội nào cả.
 
Thuyết “tương đối văn hóa” cho rằng trên đời này chẳng có cái gì tự nó vốn đúng hay vốn sai, vốn tốt hay vốn xấu. Vì vậy, các lề thói cổ đại của người Mayan như tự làm cho mình tổn thương thân thể hay sử dụng con người làm vật tế thần tự nó không tốt mà cũng không xấu, không đúng mà cũng chẳng sai mà chỉ thuần túy là những sự thực hành tôn giáo, tín ngưỡng vô tội cũng như người Việt làm cỗ để cúng giỗ ông bà của mình hay đốt pháo nổ hoặc bắn pháo hoa để mừng năm mới âm lịch vào mỗi dịp Tết mà thôi; mỗi nền văn hóa đều có các sự thực hành mang tính tín ngưỡng, phong tục, đạo đức học riêng cho mình.
 
Vào Tháng Giêng năm 2002 khi Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush gọi một nhóm các nước là “trục ma quỉ” (axis of evil) thì các nhà chủ trương “tương đối văn hóa” cảm thấy mình bị xúc phạm nặng nề: Khi một xã hội xem một xã hội khác là “ma quỉ” thì, đối với các nhà  “tương đối văn hóa”, điều ấy là một sự rủa sả nặng nề. Chính từ một dòng tư tưởng như vậy mà hiện nay đang có sự thắng thế của một trào lưu chủ trương rằng thế giới phải “thông cảm” cho những người Hồi Giáo cực đoan chứ không được chống lại họ. Những người chủ trương “tương đối văn hóa” đòi hỏi các nước Phương Tây không được áp đặt quan niệm của họ về Hồi Giáo cho thế giới Hồi Giáo, chẳng hạn họ không có quyền xem việc người Hồi Giáo cực đoan đánh bom tự sát là một việc ác! Theo các nhà chủ trương “tương đối văn hóa” thì phong trào thánh chiến của người Hồi Giáo cũng chỉ là một sự thực hành tôn giáo giống y như bao nhiêu sự thực hành tôn giáo khác của thế giới Tây Phương mà thôi, và vì vậy mà người Mỹ không được quyền gọi sự kiện tấn công tòa tháp Trung Tâm Thương Mại Thế Giới vào ngày 11. 09. 2001 ở thành phố New York là một cuộc tấn công “khủng bố”!
 
Các nhà hoạt động của chủ trương “tương đối văn hóa” luôn chống đối các hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ Cơ Đốc vì họ nhận ra rằng khi người ta tin Tin Lành thì các sự thực hành về văn hóa của họ cũng sẽ thay đổi theo; chẳng hạn người ta sẽ thôi không còn ăn thịt người nữa, sẽ thôi không còn thiêu sống vợ theo cùng với chồng khi chồng chết, sẽ thôi không đâm trâu, chém lợn nữa,… Đối với các nhà hoạt động cho chủ trương “tương đối văn hóa” thì những điều ấy làm tổn hại truyền thống văn hóa cho nên cần phải được nghiêm cấm cho dầu các ích lợi mang giá trị dân tộc, nhân bản, khoa học, khai phóng của các sự thay đối ấy có lớn đến đâu cũng mặc.
 
Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có phận sự phải xem trọng tha nhân bất kể họ là người của một nền văn hóa như thế nào vì họ cũng là con người là chủng loại duy nhất được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Thượng của Đức Chúa Trời (Sv. Sáng. 1:27). Chúng ta cũng phải nhận thức rằng sự đa dạng về văn hóa trong xã hội loài người là một điều đáng quí cần phải được trân trọng và bảo tồn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đồng thời hiểu rằng vì cớ hậu quả của tội lỗi trong thế giới đã bị sa bại vì tội lỗi này mà không phải tất cả các tín ngưỡng, tôn giáo cùng với các sự thực hành tín ngưỡng, tôn giáo cặp theo đều đẹp ý Đức Chúa Trời và đếu có ích cho đời sống văn minh trong một thế giới đang tiến bộ. Chân Lý nếu đúng là Chân Lý chân chính thì phải xuất phát từ Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo Và Tể Trị. Chân Lý chân chính mang tính khách quan chứ không phải chỉ có giá trị chủ quan (Sv. Gi. 17:17). Lẽ Thật chân chính mang tính tuyệt đối và quả là có một hệ thống tiêu chuẩn khách quan ràng buộc cả xã hội loài người trên mặt địa cầu này (Sv. Khải. 20:11-12).
 
Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cũng có phận sự phải biết rằng hoạt động truyền giáo của chúng ta không được phép áp đặt cách máy móc các giá trị Tây Phương ngoại lai mà phải tập trung vào việc rao ra Lẽ Thật Kinh Thánh về sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ theo Tin Lành cứu rỗi của Ngài trong Kinh Thánh. Chính Tin Lành theo Kinh Thánh sẽ nhen lên ngọn lửa thay đổi theo thánh ý của Đức Chúa Trời chứ không phải bằng các nổ lực thô thiển và thô bạo của chúng ta. Công việc của Đức Chúa Trời phải được diễn biến theo các bước của Ngài, trong thời điểm của Ngài, và bằng cách thế của Ngài (Sv. Công. 19) chứ không phải bằng nổ lực chủ quan, duy ý chí của những con người lếu láo có đời sống chẳng ra sao mà chỉ giỏi to mồm như chúng ta vẫn thường thấy!
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
vài_Điều_về_chủ_trương_tương_Đối_văn_hóa.pdf
File Size: 379 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    December 2022
    November 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách