“THUẬT TUYÊN KINH THEO KINH THÁNH” (2Ti. 2:15) “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (2Ti. 2:15) Có lẽ là lời sau đây là sự khái quát hóa tốt nhất cho Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti. 2:15) Thuật Tuyên Đạo theo Kinh Thánh là một khoa học giúp thông giải Kinh Thánh theo các bước thích hợp đối với các loại hình văn chương Kinh Thánh khác nhau trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, Thi Thiên phải được thông giải khác với cách thông giải Tiên Tri, và Châm Ngôn phải được thông giải khác với cách thông giải Luật Pháp trong Ngũ Kinh. Mục đích của Thuật Tuyên Kinh là giúp cho chúng ta biết làm cách nào để quan sát, thông giải, và áp dụng Kinh Thánh. Nguyên tắc quan trọng hàng đầu của Thuật Tuyên Kinh là “Kinh Thánh Phải Được Thông Giải Theo Tự Nghĩa”. “Thông Giải Theo Tự Nghĩa” hàm ý rằng Lời Kinh Thánh phải được hiểu theo nghĩa tường minh của chữ đã được bản văn Kinh Thánh sử dụng. Kinh Thánh phán theo như đã chép, và Kinh Thánh đã chép theo như Kinh Thánh phán. Có nhiều người mắc lỗi không đọc Kinh Thánh theo như Kinh Thánh đã được chép và vì vậy mà dẫn đến việc đưa ra những nghĩa không thực sự có trong bản văn Kinh Thánh. Tất nhiên là vẫn có những ý nghĩa thuộc linh ẩn sau nghĩa tường minh của bản văn Kinh Thánh nhưng điều ấy không có nghĩa là Lời Kinh Thánh luôn mang ẩn nghĩa, và cũng không có nghĩa là việc tìm kiếm ẩn nghĩa là mục tiêu duy nhất (hoặc chính) của việc thông giải Kinh Thánh. Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh giúp chúng ta giữ được sự trung tín trong việc tìm hiểu ý nghĩa khách quan ban đầu (vốn có) của bản văn Kinh Thánh, tránh được lỗi biểu tượng hóa, phúng dụ hóa bản văn Kinh Thánh là sự gán ghép ý nghĩa chủ quan của người thông giải, phủ định tính khải thị thành văn của Đức Chúa Trời trong (và qua) bản văn Kinh Thánh. Nguyên tắc sống còn thứ hai của Thuật Tuyên Kinh là “Bản Văn Kinh Thánh Phải Được Thông Giải Hợp Bối Cảnh Lịch Sử, Hợp Cấu Trúc Ngữ Pháp, Và Hợp Nội Hàm Của Bản Văn”. “Thông Giải Hợp Bối Cảnh Lịch Sử” hàm ý rằng việc thông giải một bản văn Kinh Thánh phải có sự thông hiểu về bối cảnh văn hóa của bản văn, về bối cảnh lịch sử khiến dẫn đến sự ra đời của bản văn. “Thông Giải Hợp Cấu Trúc Ngữ Pháp” hàm ý rằng việc thông giải phải có sự hiểu biết về các qui luật ngôn ngữ của ngôn ngữ nguyên thủy của bản bản văn Kinh Thánh (Hêbơrơ, HyLạp) để hiểu được văn phạm, văn thái của bản văn. “thông giải hợp nội hàm của bản văn” hàm ý rằng việc thông giải một bản văn Kinh Thánh phải được tiến hành trong sự chú ý về văn mạch của đoạn văn đang được nghiên cứu (tại văn) với văn mạch của các đoạn văn đi trước đó (thượng văn), và với văn mạch của các đoạn văn đi sau đó (hạ văn) để xác định ý nghĩa nào là hợp luận lý (lôgích) nhất cho bản văn đang được nghiên cứu. Có một số người nhận thức sai rằng Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh làm hạn chế sự thông biết Lời Đức Chúa Trời bằng việc “bóp nghẹt” mất sự “khải thị” của Đức Thánh Linh qua việc tuân thủ theo các nguyên tắc tuyên kinh. Một sự nhận thức như vậy là một sự sai lầm lớn! Mục tiêu của Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh, và tác dụng của các nguyên tắc tuyên kinh theo Kinh Thánh là giúp cho chúng ta tiến gần nhất đến sự khải thị đã được thiết lập sẵn trong bản văn Kinh Thánh. Mục đích của Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh là giúp bảo vệ chúng ta khỏi các sự áp dụng vô nguyên tắc Lời Kinh Thánh là những sự áp dụng phi, phản Kinh Thánh. Lời Kinh Thánh phán: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê. 4:12) Thuật Tuyên Kinh theo Kinh Thánh là một khoa học giàu tính nghệ thuật có tác dụng giúp cho chúng ta giữ cho “gươm hai lưỡi” của Lời Đức Chúa Trời luôn luôn sắc bén, không bị hoen rỉ bởi các sự thông giải bừa bãi, vô nguyên tắc. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
December 2022
Categories |