REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ BIỆN”

29/5/2022

 
Picture
“NGUYÊN TẮC PHẢI GIẢNG CHO HẾT Ý CHÚA”
(1Cô. 2:4-5)
“Lời nói và sự giảng của tôi
chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan,
nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép;
hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người,
bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.”
(1Cô. 2:4-5)
​Trong cương vị Mục Sư, chúng ta ai cũng biết Sứ Đồ PhaoLô đã từng bảo cho Hội Thánh Êphêsô biết rằng ông “không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” (Công. 20:27). Đây quả thật là một sự đòi hỏi cao nhưng vị Sứ Đồ ngoan cường và tận hiến này đã hoàn thành. Chúng ta phải noi gương Sứ Đồ PhaoLô như lời ông đã truyền rằng “Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy” (1Cô. 11:1). Thế nhưng nhiều người trong chúng ta đã biết bao phen chùn bước trước các chủ đề khó giảng của Kinh Thánh. Ai cũng biết ý chỉ của Đức Chúa Jêsus đối với Sứ Đồ PhaoLô cũng là thánh ý cho chúng ta vâng theo nhưng lắm người trong chúng ta đã tránh né một số vấn đề giáo lý nhất định nào đó, trong đó có giáo lý Kinh Thánh về Sự Chọn Lựa (election). Đối với giáo lý này, có thể có nhiều lý do khác nhau khiến chúng ta chùn bước mà những điều tôi sẽ đề cập sau đây là một số điển hình.
 
Thứ nhất, chúng ta có thể không cảm thấy tự tin về sự hiểu biết Kinh Thánh của chúng ta trên một số đề tài Kinh Thánh nhất định nào đó. Dầu không ai trong chúng ta có năng lực “toàn tri” cả nhưng tất cả chúng ta đều phải “chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti. 2:15).
 
Thứ hai, chúng ta có thể cảm thấy sợ bị phê phán. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự tin quyết vào Lời Phán của Chúa, chúng ta không được phép dội ngược mà phải hăm hở “giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (1Ti. 4:2). Chương thứ nhất của sách Giêrêmi là một mẫu điển hình tốt cho chúng ta trên vấn đề này.
 
Thứ ba, chúng ta có thể đánh giá thấp năng lực hiểu giáo lý của Hội Chúng. Sự học tập là một tiến trình tích lũy cần có thời gian và sự bền lòng. Cho dầu người ta không thể hiếu hết ngay lập tức một đề tài nào đấy thì đề tài ấy vẫn cứ phải được giảng dạy. Chính Đức Thánh Linh sẽ là Giáo Sư Lớn cho mọi Cơ Đốc Nhân, chính Ngài sẽ bồi dưỡng ngày càng nhiều hơn những kiến thức có cần cho sự viên thục Cơ Đốc của họ.
 
Thứ tư, trong cương vị Mục Sư chúng ta từng phải chịu búa rìu dư luận cách khe khắt và dồn dập từ các Mục Sư khác cho nên chúng ta luôn cảm thấy có áp lực nặng, đặc biệt là đối với các Mục Sư còn non trẻ trước các vị Mục Sư già dặn hơn. Thông thường các vị Mục Sư thâm niên có khuynh hướng đòi hỏi cao đối với các vị Mục Sư khác. Tuy nhiên, họ không hề có ý loại trừ những người còn non trẻ kinh nghiệm mục vụ ra khỏi cuộc thông công quí báu giữa những người cùng hầu việc Chúa với nhau. Tình đồng lao giữa những người đồng công với nhau trong công trường thuộc linh là một điều hết sức quí giá cần phải được bảo vệ. Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà chúng ta được quyền thỏa hiệp trên phương diện giáo lý, thần học.
 
Tôi thích một trong những giáo lý được người Báp Tít nhấn mạnh - giáo lý về “Chức Thầy Tế Lễ Phổ Quát Cho Mọi Tín Hữu”. Đặc trưng này được Kevin Bauder nói rõ ra là “Cơ Đốc Nhân không cần phải có một hệ tư tế phân lập nào khác với Đức Chúa Jêsus Christ cả”. Còn có một số nội dung liên quan mà tôi chưa đề cập được ở đây nhưng điều cần được xác định rõ là mỗi Cơ Đốc Nhân đều phải trả lời trực tiếp với Cứu Chúa và Chúa của chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Mối quan hệ cá nhân giữa mỗi Cơ Đốc Nhân với Đức Chúa Jêsus Christ phải đi trước và ở trên tất cả các mối quan hệ khác.
 
Đặc trưng giáo lý thứ hai của người Báp Tít là giáo lý về “Sự Tự Do Của Linh Hồn”. Đây là một lẽ thật đòi hỏi chúng ta phải chịu trách nhiệm cách cá nhân với Chúa của chúng ta. Chúng ta có phận sự phải hiểu biết Lời Chúa và phải áp dụng Lời Chúa cho đời sống của mình. Nếu một tín hữu tin rằng mình là một Cơ Đốc Nhân theo Kinh Thánh thì người ấy phải có phận sự sống theo Kinh Thánh và đấu tranh cho sự chứng giải thuộc linh của mình. Theo niềm tin về “Chức Thầy Tế Lễ Phổ Quát Cho Mọi Tín Hữu” thì mỗi Cơ Đốc Nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân đối với Lời Chúa và phải đứng vững trong niềm tin của mình chứ không chấp nhận sự cưỡng buộc giáo lý. Trong cương vị của người Mục Sư các nét đặc trưng này hết sức quan trọng: Chúng ta phải sống và giảng “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” theo sự chứng giải vốn có của chúng ta. Chúng ta phải sống như Sứ Đồ PhaoLô đã nêu gương là “chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết” (Công. 20:20).
 
Khi tôi còn là một Mục Sư trẻ tôi vẫn thường ngại ngùng đối với một số chủ đề giáo lý mà tôi chưa nắm vững. Tôi phải nói thật là hồi ấy lắm khi vì cả nể hoặc lo sợ mà tôi đã tự ý gác qua một bên sự chứng giải thuộc linh cá nhân của mình để rập khuôn theo những gì người khác giảng. Tôi nghĩ rằng ngày xưa Timôthê cũng đã từng chịu áp lực tương tự như thế nên chi Sứ Đồ PhaoLô cứ liên tục thúc giục Timôthê về những điều như là phải “đánh trận tốt lành” (1Ti. 1:18), phải “cầm giữ đức tin” (1Ti. 1:19), “phải có tiết độ trong mọi sự” (2Ti. 4:5), phải “vì đức tin mà đánh trận tốt lành” (1Ti. 6:12), phải “giữ lấy sự giao phó” (1Ti. 6:20), phải “giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, …cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2Ti. 4:1-2). Sứ Đồ PhaoLô đã giảng “cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” và ông muốn Timôthê cũng phải làm tương tự như thế. Ngày nay chúng ta cũng phải dốc hết sức mình để làm cho được như vậy.
 
“Hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” phải gồm cả giáo lý Kinh Thánh về Sự Chọn Lựa. thật đáng ngạc nhiên khi thấy ngày nay có quá ít các sự giảng dạy về Ân Điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà người ta ưa nói vuốt đuôi và chỉ thích giới thiệu một loại “Tin Lành” rẻ tiền. Phong cách thịnh hành ngày nay là gọt giũa sao cho sứ điệp Tin Lành trở nên mềm mỏng nhất, dễ chịu nhất, dễ nghe nhất. Thế nhưng, chúng ta được kêu gọi vào thánh chức Mục Sư chẳng phải là để nói vuốt đuôi khiến cho Tin Lành trở nên dễ nghe đối với bất cứ ai.
 
Kinh Thánh dốc sức trình bày cặn kẽ về vấn đề Sự Cứu Rỗi hầu cho Dân Sự của Đức Chúa Trời được vững lập trên nền Tin Lành và được trang bị bằng Tin Lành để hầu việc Ngài cách phải phép. Vì vậy cho nên những người mệnh danh là “Giáo Sư Kinh Thánh” nhưng lại làm cho sứ điệp Tin Lành hợp theo luận lý của con người, trở nên mềm mỏng, dễ nghe thì đó là những con người phá hoại Tin Lành bằng tinh thần thỏa hiệp với thế gian của mình. Thái độ chỉnh lý để thỏa hiệp này mỗi ngày càng thâm nhập sâu hơn vào Hội Thánh và cuối cùng sẽ làm cho Hội Thánh mất năng lực tôn vinh hiển Đức Chúa Trời.
 
Những thuật ngữ giáo lý như “đã định”, “đã biết trước”, “đã định sẵn”, “đã gọi”, “đã xưng”, “đã làm cho vinh hiển” (Sv. Rô. 8:28-30) ngày càng ít được cao rao từ bục giảng. Nếu các lẽ thật này không được giảng dạy giữa vòng Dân Sự của Đức Chúa Trời thì sự nhìn nhận của họ đối với Sự Cứu Rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ sẽ bị nông cạn và một sứ điệp cao trọng hơn hết trong các sứ điệp Tin Lành sẽ thôi không còn được quí chuộng như đáng phải được quí chuộng. Tại “Thư Viện COS” này chúng tôi sẽ quyết không chùn bước trong việc giúp cao rao “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” về Ân Điển của Ngài. Hễ khi nào nguyên tắc phải giảng “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” được áp dụng thì chủ đề then chốt phải được giảng là các giáo lý về Ân Điển của Đức Chúa Trời. Nếu thiếu một sự hiểu biết chính xác và sâu sắc đối với các phạm trù giáo lý Kinh Thánh này thì cũng sẽ không thể nào có được một nền tảng vững mạnh cho sứ điệp Tin Lành. Chính đây là lý do chính khiến giữa vòng các Hội Thánh ngày nay có quá nhiều người chưa được cứu (vì họ chưa có các dấu hiệu của những người đã được cứu). Nếu thiếu sự sâu sắc trong việc hiểu biết Kinh Thánh thì các Mục Sư chỉ giảng được một thứ “Tin Lành” còn sống sít và người nghe giảng chỉ có thể được nghe một thứ “Tin Lành” chưa chín mà thôi. Rốt cuộc tất cả những việc như thế sẽ góp phần hình thành một thứ “Tin Lành” non kém hơn Tin Lành với một việc “tin” mà không hề có chút ăn năn tội nào hết, chẳng hề có sự tái sinh của Đức Thánh Linh gì cả. Tiến trình của Sự Cứu Rỗi phải được đúc kết cẩn thận để nhấn mạnh việc tội nhân phải được tái sinh trước khi họ tuyên xưng niềm tin của mình trong Đức Chúa Jêsus với một số hành vi cá nhân có tính minh thị cho sự biến cải trong lòng họ cặp theo. Nếu “ý muốn của Đức Chúa Trời” bị gạt bỏ ra khỏi cách giảng dạy chìu lòng người như hiện nay thì nhất định Ngài sẽ không đẹp ý.
 
Nếu chúng ta quay trở lại với lời của Sứ Đồ PhaoLô giảng cho các Mục Sư ở Êphêsô chúng ta sẽ thấy ông đã chẳng hề nhụt chí trong việc giảng “cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” trong sứ điệp về Ân Điển của Ngài. Toàn bộ Tin Lành theo PhaoLô được quyện chặt với Ân Điển tối cao của Đức Chúa Trời. Đó là Tin Lành bắt đầu với Sự Chọn Lựa của Đức Chúa Trời trước khi có thế gian. Chúng ta nhận thấy điều ấy rõ hơn qua việc Sứ Đồ PhaoLô dùng Giacốp và Êsau làm minh họa cho sự truyền dạy của mình rằng “khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ - hầu cho được giữ vững ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Đấng kêu gọi” (Rô. 9:11). PhaoLô còn tiếp tục cho chúng ta biết rằng việc cứu chuộc “những bình đáng thương xót” là cách Đức Chúa Trời “đã định sẵn cho sự vinh hiển” của Ngài “chẳng những từ trong người Giuđa, mà cũng từ trong Dân Ngoại nữa” (Sv. Rô. 9:23-24). Sứ Đồ PhaoLô chỉ cho người ở Hội Thánh Êphêsô biết trong Chương Thứ Nhất của sách Êphêsô  rằng “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài” (Êph. 1:4-5). Chính nhờ sự tiền định Thiên Thượng tối cao mà người ta mới được bước vào sự tha tội và sự sống đời đời. Tất nhiên, sự tiền định ấy đã được hoàn thành trong Đức Chúa Jêsus là Đấng đã gánh thay tội lỗi của chúng ta và lấy chính sự sống Ngài làm của lễ đền tội thay cho chúng ta. Sứ điệp Tin Lành vĩ đại này, bởi Đức Thánh Linh, tác động trên tấm lòng của những kẻ được tiền định cho sự cứu rỗi. Chính nhờ Đức Thánh Linh mà người ta mới biết nghe “đạo chân thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi” (Êph. 1:13). Chính Đức Thánh Linh là Tác Nhân Vận Hành trong việc ban đức tin (Sv. Êph. 2:8) và “làm cho chúng ta sống với Đấng Christ” (Êph. 2:5). Sở dĩ phải như thế là vì chúng ta vốn “đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình” và “đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ” (Êph. 1:1, 5). Theo sự truyền dạy của Sứ Đồ PhaoLô, chương trình của Đức Chúa Trời như thế là nhằm “hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhân từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Êph. 2:7). Nhiều lần trong Chương Thứ Nhất của Sách Êphêsô Sứ Đồ PhaoLô cứ khẳng định mục đích tôn vinh hiển Đức Chúa Trời bởi Ân Điển của Ngài: “để khen ngợi sự vinh hiển của Ân Điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” (Êph. 1:6), “hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen” (Êph. 1:12), “để khen ngợi sự vinh hiển Ngài” (Êph. 1:14).
 
Nếu chúng ta không chịu giảng cách trung thực “cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” về Sự Cứu Rỗi của Ngài mà lại để cho các yếu tố nhân tạo xen vào tức là chúng ta đã “đánh cắp” sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự thật là tự thân tội nhân sẽ không có khuynh hướng và năng lực tìm đến với Đức Chúa Trời cho được Sự Cứu Rỗi vì sự sa bại của tấm lòng họ (Sv. Rô. 8:7). Đức Chúa Jêsus phán rằng “ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con Một Đức Chúa Trời” (Gi. 3:18) và Nicôđem đã được Đức Chúa Jêsus cho biết rằng ông “phải sanh lại” (Gi. 3:7). Khi kết hợp các lẽ thật này với sự phán dạy của Gi. 1:12, 13 chúng ta nhận ra được bức tranh toàn cảnh là nếu Đức Chúa Trời không chịu đi bước trước để độ cứu nhân loại thì nhân loại sẽ chẳng có mảy may hy vọng nào về Sự Cứu Rỗi cả. Lẽ thật ấy được khẳng định qua ngòi viết của Sứ Đồ Giăng rằng người được Sự Cứu Rỗi “là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Gi. 1:13).
 
Việc rao truyền Tin Lành cũng phải được tuân thủ theo nguyên tắc rao “cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” và đó sẽ là sứ điệp chỉ cho thấy nhu cần của tội nhân là cầu xin cho được ơn thương xót của Đức Chúa Trời, tức là sự cầu xin được ăn năn tội, được ban cho đức tin. Sự ăn năn theo Kinh Thánh không bao giờ là một sự ăn năn hời hợt mà phải là kết quả của sự vận hành của Đức Thánh Linh để đánh bại một kẻ thù đáng ghét của Đức Chúa Trời là ý chí kiêu ngạo của bản ngã của con người. Theo bản chất tất cả mọi người đều từ chối quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời vì sự kiêu ngạo của nhân tính chống lại với tinh thần trách nhiệm đối với Ngài. Đức Thánh Linh đến với đời sống của tội nhân được chọn với một sức mạnh chứng giải vô song để đem người được chọn của Đức Chúa Trời đến với Đức Chúa Jêsus Christ. Chính Đức Thánh Linh là Đấng “có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy” và “đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ” (2Cô. 10:4, 5). Sứ điệp rao truyền Tin Lành của chúng ta phải hoàn toàn hòa hợp với “hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời”. Phận sự của chúng ta là rao ra lẽ thật của Đức Chúa Trời “bất luận gặp thời hay không gặp thời” (2Ti. 4:2) ngay cả khi mà “người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình” (2Ti. 4:3). Chúng ta có thể tìm được sự tin quyết từ Lời Đức Chúa Trời phán cùng Giêrêmi rằng “Đừng sợ sệt vì cớ chúng nó… Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì Ta ở cùng ngươi đặng giải cứu ngươi” (Giê. 1: 1:17, 19). Lời dứt khoát của Đức Chúa Trời phán với Giêrêmi là “hãy thắt lưng, chờ dậy, bảo cho chúng nó mọi sự mà ta truyền cho ngươi” (Giê. 1:17). Xem ra mệnh lệnh này cũng tương tự như những gì mà Sứ Đồ PhaoLô đã làm là “không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời”. Hai nhân vật Kinh Thánh này như thể là hai mẫu mực sáng ngời để khích lệ cho tất cả chúng ta hãy bày tỏ cùng một loại đức tin với họ trong việc đứng vững cho Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ngày xưa Đức Chúa Trời đã phán với các Đấng Tiên Tri của Ngài thế nào trên vấn đề này thì ngày nay Ngài cũng phán với chúng ta như thế ấy: “Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán Ta đặng làm trọn” (Giê. 1:12b). Chúng ta đã được kêu gọi thực hiện việc canh giữ và làm trọn Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh của Ngài.
 
Trước khi chia tay với Hội Thánh Êphêsô Sứ Đồ PhaoLô đã bày tỏ sự lo ngại của ông về việc “sẽ có muông sói dữ tợn xen vào” cắn xé bầy chiên của Đức Chúa Trời ở đó (Sv. Công. 20:29). Hơn nữa, Sứ Đồ PhaoLô còn lo về việc giữa vòng Hội Thánh “cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ” (Sv. Công. 20:30). Ngày nay các giáo sư giả có mặt khắp nơi, lôi kéo hàng triệu người đi vào chỗ ôm ấp những giáo lý sai lạc đối với Kinh Thánh. Trong một tình hình như vậy chúng ta ai nấy đều phải trung tín như Sứ Đồ PhaoLô là “chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi” cho Hội Thánh, bảo vệ Hội Thánh khỏi mọi giáo lý sai lạc đối với Kinh Thánh (Sv. Công. 20:20).
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
nguyên_tắc_phải_giảng_cho_hết_Ý_chúa.pdf
File Size: 457 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    December 2022
    November 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách