“VÌ SAO ĐIỀU XẤU LẠI XẢY RA CHO NGƯỜI TỐT” (Lu. 13:1-5) “…Nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.” (Lu. 13:5b) Chúng ta vẫn thường tự hỏi “Vì sao điều xấu lại có thể xảy ra cho người tốt?”, và có vẻ như vấn đề không thể được xử lý chỉ bằng một câu trả lời là xong. Có nhiều nguyên nhân khiến nảy sinh điều xấu … Mỗi trường hợp lại mang tính “đặc thù” của riêng nó, có nguyên nhân và tác nhân riêng của nó. Để có thể nhìn nhận vấn đề này một cách hợp Kinh Thánh, chúng ta cần phải nhờ đến sự soi rọi của Lời Kinh Thánh. I. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ VIỆC XẤU CỦA CHÍNH BẢN THÂN (Dân. 12:1-16) Chúng ta đều biết chuyện Môise lãnh đạo Dân Ysơraên rời khỏi Ai Cập qua một hành trình dài 40 năm trong sa mạc trước khi họ đến được Đất Hứa. Arôn và Miriam đã được Đức Chúa Trời sử dụng để hợp tác với Môise trong những năm gian truân ấy. Dẫu vậy, đã có một lý do nào đó khiến Miriam không còn kính trọng Môise nữa: “Miriam và Arôn nói hành Môise về việc người nữ Êthiôbi mà người đã lấy, vì người có lấy một người nữ Êthiôbi làm vợ” (Dân. 12:1) Tuy nhiên, “việc xấu” không dừng lại ở đó, Miriam tiến xa hơn qua việc đã bàn cùng anh là Arôn về những điều có liên quan đến thánh chức… “Hai người nói rằng: Đức Giêhôva há chỉ dùng một mình Môise mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao? Đức Giêhôva nghe điều đó” (Dân. 12:2). “Việc xấu” không thể sinh ra điều tốt được, “việc xấu” chỉ có thể sinh ra “điều xấu”, mà thường thường lại là điều xấu hơn “việc xấu” đã có trước: “Khi trụ mây rút khỏi trên Đền Tạm, thì kìa, Miriam đã bị phung trắng như tuyết. Arôn xây lại phía Miriam, thấy người đã có bịnh phung” (Dân. 12:10). Việc Miriam phải gánh chịu “điều xấu” (của “việc xấu” của mình) do sự quở phạt của Đức Chúa Trời là một Lẽ Thật Kinh Thánh hiển nhiên. Lẽ Thật Kinh Thánh này thường dẫn đến hai sự ngộ nhận sau đây: (1) Thứ nhất, từ “việc xấu” này của Miriam người ta cho rằng Miriam là “người xấu”; (2) Thứ hai, “việc xấu” là nguyên nhân duy nhất khiến cho “điều xấu” xảy ra! Thật ra, Kinh Thánh cho thấy còn nhiều “lý do” khác khiến cho điều xấu xảy ra… II. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ VIỆC XẤU CỦA THA NHÂN (Giôna 1:1-16) Giôna là một Tiên Tri Cựu Ước, là người đã được Đức Chúa Trời sai đến thành Ninive để giảng Tin Lành cho dân thành ấy. Tuy nhiên, Ninive là Thủ Đô của người Asyri, kẻ thù của Dân Tộc Ysơraên, và theo nhận thức của Giôna, họ không đáng nhận Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Giôna đã mắc một sai lầm căn bản đối với ý chỉ của Đức Chúa Trời: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Gi. 3:16). “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết Lẽ Thật” (1Ti. 2:4). “Hãy giảng Đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2Ti. 4:2). Theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, “kẻ dữ” cần phải được nghe Tin Lành cứu rỗi của Ngài, và đó là phận sự của đầy tớ Ngài. Ấy vậy mà Giôna đã đến Giaphô, đáp tàu đi Tarêsi “đặng trốn” mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. “Nhưng Đức Giêhôva khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ” (Giôna 1:4). Tuy nhiên, Giôna “xuống dưới lòng tàu, nằm và ngủ mê” (Giôna 1:5) còn cả tàu phải chịu tai vạ của cơn bão! Dầu vậy, nguyên nhân của “điều xấu” cũng đã được tỏ ra: Ấy là vì lỗi (“việc xấu”) của Giôna. Chính Giôna cũng biết điều ấy nữa, vì “Người trả lời rằng: Hãy bắt lấy ta, hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn này” (Giôna 1:12). “Điều xấu” đến vì “việc xấu” của người khác làm, nhưng không phải mọi trường hợp đều luôn luôn như thế… III. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ SỰ CÔNG KÍCH CỦA SATAN (Gióp 1:1-22) Các tai họa đến với Gióp đều không phải vì “việc xấu” Gióp đã làm… “Tại trong xứ Útxơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” (Gióp 1:1). Đức Chúa Trời luôn đẹp ý về người công bình của Ngài và Satan luôn bất mãn với việc ấy. Một trong các danh xưng Kinh Thánh được biết của Satan là “Kẻ Kiện Cáo”, là “kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời” (Gk. kategoreo; Khải. 12:10). Satan kiện cáo Gióp trước mặt Đức Chúa Trời và Ngài đã đẹp ý để (ban quyền năng) cho Gióp chịu sự hại hành tột độ của Satan hầu cho sự trung tín của Gióp có cơ hội được minh thị và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ… “Đức Giêhôva phán với Satan rằng: Nầy, các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó…” (Gióp 1:12). Chỉ riêng những “điều xấu” mới bắt đầu xảy đến với Gióp cũng đã đủ khủng khiếp lắm rồi (Gióp 1:13-19), nhưng đức trung tín của Gióp trước sau vẫn như một… “20Gióp bèn chỗi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn sấp mình xuống đất mà thờ lạy, 21và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trấn truồng mà về; Đức Giêhôva đã ban cho, Đức Giêhôva lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giêhôva” (Gióp 1:20-21). “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài;_Nhưng ta sẽ binh vực tánh hạnh ta trước mặt Ngài” (Gióp 13:15). Nhờ có một đức tin và sự kinh nghiệm Chúa như thế mà những lời Kinh Thánh phán về Gióp thật là tốt đẹp: “Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1:22). IV. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ SỰ RÈN TẬP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (Thi. 66:8-12) Môise đã lãnh đạo Dân Ysơraên ra khỏi Ai Cập, nhưng cuộc hành trình đã diễn ra là hết sức lâu dài và gian nan dẫu rằng, xét trên phương diện địa lý tự nhiên, người ta hoàn toàn có khả năng thực hiện một chuyến đi ngắn hơn và dễ chịu hơn. Cuộc hành trình từ xứ nô lệ đến Đất Hứa đã không suông sẻ là vì đâu? “2Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có gìn giữ những điều răn Ngài hay chăng. 3Vậy Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn Mana mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giêhôva mà ra” (Phục. 8:2-3). Tình yêu thương và sự nhân từ của Đức Chúa Trời là quá đỗi lớn lao để luôn đem những người yêu mến Ngài đến với những điều tốt đẹp hơn trong bước đường họ theo Ngài (Rô. 8:28), tuy nhiên sự thử thách rèn tập để Dân Ngài mỗi ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn cho sự vinh hiển của Ngài vẫn không được miễn trừ… “10Vì, Đức Chúa Trời ơi, Chúa đã thử thách chúng tôi,_Rèn luyện chúng tôi y như luyện bạc._11Chúa đã đem chúng tôi vào lưới,_Chất gánh nặng quá trên lưng chúng tôi._12Chúa khiến người ta cỡi trên đầu chúng tôi;_Chúng tôi đi qua lửa, qua nước;_Nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có” (Thi. 66:10-12). V. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ SỰ DẠY DỖ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (2Cô. 12:7-10) Sứ Đồ Phaolô vốn được xem như một Cơ Đốc Nhân “vĩ đại” nhất trong lịch sử Hội Thánh, là người đã được Đức Chúa Trời đại dụng để rao Tin Lành cho Dân Ngoại, thành lập Hội Thánh, và hoàn thành một bộ phận quan trọng của Kinh Thánh. Dầu vậy, vị Sứ Đồ này vẫn không tránh khỏi sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời qua những việc bất như ý, tức “điều xấu”: “7Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8Đã ba lần tôi cầu nguyện xin Chúa cho nó lìa xa tôi. 9Nhưng Chúa phán rằng: Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối…” (2Cô. 12:7-9a). Thiên Đàng vẫn hằng trải thảm đỏ bằng quyền năng Thiên Thượng cho các thánh đồ của Đức Chúa Trời bước đi mỗi ngày trong tiến trình nên thánh của họ, chỉ có điều là họ phải giữ được sự trung tín trong việc vác Thập Tự Giá bước đi theo dấu chân của Thầy mình… “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1Cô. 10:13). “9… Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cô. 12:9b-10). VI. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ SỰ ĐIỀU ĐỘNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (Sáng. 45:4-8) Tất nhiên là những “điều xấu” mà Giôsép phải chịu là hệ quả trực tiếp của những “việc xấu” của các anh Giôsép, nhưng vấn đề ở chỗ có bàn tay của Đức Chúa Trời đàng sau tất cả những “việc xấu” ấy để ý tốt của Ngài được hoàn thành: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của Dân Sự đông đảo” (Sáng. 50:20). Để có được một sự nhận thức như Giôsép, người ta cần phải biết đếm các phước hạnh của Đức Chúa Trời trong tai họa của mình, biết lấy kinh nghiệm theo Chúa đè nén nỗi đau cá nhân, biết lau sạch lớp bùn đen của những điều đau khổ phủ đầy trên mặt viên kim cương phước hạnh sáng lấp lánh những điều tốt hơn cho nhiều người hơn là sự lợi ích ích kỷ của bản thân… “5Bây giờ, đừng sầu não và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh. 6Kìa, hai năm rồi trong xứ đã bị đói kém, và còn năm năm nữa sẽ không có cày cấy chi, gặt hái chi được hết. 7Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em. 8Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời; Ngài dường đặt tôi làm cha Pharaôn, cai quản cả nhà người, và trị khắp xứ Êdíptô” (Sáng. 45:5-8). VII. ĐIỀU XẤU ĐẾN VÌ SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (Gi. 9:1-41) Những người hỏi Đức Chúa Jêsus về lý do nào mà một người đã mù từ khi mới sanh chắc phải ngạc nhiên nhiều trước sự trả lời của Ngài: “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Đó chẳng phải tại người hay cha mẹ đã phạm tội, nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Gi. 9:3). Những việc nào là “việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra” qua người mù này? “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ta đã đến thế gian đặng làm sự phán xét nầy: Hễ ai chẳng thấy thì thấy; còn ai thấy lại hóa mù” (Gi. 9:39). “Người trả lời rằng: Người tên gọi là Jêsus kia đã hòa bùn, xức mắt tôi, và nói rằng: hãy đi đến rửa nơi ao Silôê. Vậy tôi đi đến, rửa tại đó, rồi thấy được” (Gi. 9:11). “Bấy giờ chúng hỏi người mù nữa rằng: Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một Đấng Tiên Tri” (Gi. 9:17). “25Người trả lời rằng: Tôi chẳng biết người có phải là kẻ có tội chăng, chỉ biết một điều, là tôi đã mù mà bây giờ lại sáng... 27… Tôi đã nói với các ông rồi, mà các ông chẳng nghe tôi. Cớ sao các ông muốn nghe lại lần nữa? Há cũng muốn làm môn đồ người chăng?... 33Nếu người nầy chẳng đến từ Đức Chúa Trời, thì không làm gì được hết” (Gi. 9:25, 27, 33). “Người thưa rằng: Lạy Chúa, tôi tin; bèn sấp mình xuống trước mặt Ngài” (Gi. 9:38). Dưới ánh sáng Lời Kinh Thánh, có khá nhiều khả năng cho điều xấu lại xảy ra cho người tốt. Các khả năng ấy có thể do chính bản thân, hoặc có liên quan đến tha nhân, hoặc Satan, hoặc Đức Chúa Trời. Cho dầu là do nguyên nhân nào, là con cái vâng phục và trung tín của Đức Chúa Trời, chúng ta phải lấy lòng vui vẻ thuận theo ý Chúa trên đời sống của chúng ta trong mọi điều. Chúng ta lại cũng phải biết xét nét cẩn thận để biết mình đang ở đâu và cần phải làm gì để được đẹp ý Đức Chúa Trời, được ở trong sự dắt dẫn của Ngài… “… Nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy” (Lu. 13:5b) (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |