“ÂN TỨ THUỘC LINH (#3)” (1Phi. 4:10) “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi. 4:10) Trong thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều nhà hoạt động xã hội chú trọng đến sự bảo vệ cho việc thiết lập những chương trình nhằm giúp cho mọi người đều có cơ hội thoát khỏi những sự ràng buộc, trở ngại, hay bất công để họ có thể phát triển đầy đủ, hoàn toàn các thân năng vốn có của họ. Thật ra, khái niệm “Chức Phận Quản Gia” trong Kinh Thánh có bao gồm một sự quan tâm như thế. Kinh Thánh chú trọng việc nhận biết và phát triển tối đa năng lực bản thân của từng cá nhân hầu cho mỗi người có điều kiện hội nhập vào việc thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống của họ và cho cộng đồng mà họ đang sống. Cho đến nay, giữa vòng Hội Thánh vẫn còn một “Cánh Đồng Hoang” mênh mông: Vẫn còn vô số nguồn nhân lực chưa được sử dụng đúng mức. Trên một chừng mực nhất định, đó chính là sự lãng phí. Lãng phí là có tội, vì vậy, mỗi người chúng ta phải tự nhắc mình hãy làm tròn chức phận quản gia đối với Đức Chúa Trời vì mỗi một người chúng ta là quản gia của Ngài, đang giữ trong mình các ân tứ của Ngài, các tài khéo của Ngài ban. Để làm tròn cương vị quản gia đối với các ân tứ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải: (1) Có một sự nổ lực chân thành và khách quan để biết mình phải làm gì để có thể làm được một điều gì đó cho Đức Chúa Trời; (2) Có một sự cố gắng thiết tha nhằm phát triển các khả năng vốn có của mình; (3) Có một sự gắn bó hết lòng để để đem cả đời sống cùng các ân tứ có được đóng góp vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời. I. BIẾT ĐÁNH GIÁ ĐÚNG. Nhiều khi chúng ta có những ân tứ mà chúng ta không hề hay biết vì chúng ta không quan tâm đến việc đánh giá năng lực bản thân của mình, hoặc đánh giá không đúng. Có thể quí vị có ơn khích lệ, ơn tiếp khách, ơn ca hát… Cũng có thể quí vị có khả năng hướng dẫn các buổi nhóm thông công hay học Kinh Thánh tại nhà riêng nhưng quí vị chưa bao giờ dám thử lấy một lần! Hãy thực hiện một bước đi theo đức tin qua việc thưa với Đức Chúa Trời rằng “Lạy Chúa, có con đây! Chúa ôi, con muốn được làm một điều gì đó có ích cho Vương Quốc của Đức Chúa Jêsus. Xin hãy giúp con tìm thấy được một sự đóng góp nào đó trong Hội Thánh của Ngài”. Xin đừng in trí rằng mình không có ân tứ gì hết! Nghĩ như thế là sai, chính Đức Chúa Trời phán với quí vị rằng nghĩ như thế là sai: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy được sự ích chung” (1Cô. 12:7). “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta…” (Rô. 12:6) Theo lời này của Đức Chúa Trời, mỗi người đang có mặt trong phòng nhóm này đều có thể làm ít nhất một điều tốt đẹp nào đó cho Đức Chúa Jêsus và Hội Thánh của Ngài! Trong công việc Chúa giữa vòng Hội Thánh, chúng ta thường ngần ngại. Ngày xưa, Môise cũng đã từng ngần ngại; và chính Đức Chúa Trời đã giải quyết cho sự ngần ngại của Môise bằng sự xác nhận của Ngài. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta cũng cảm thấy như Môise khi đối diện với Đức Chúa Trời trong Bụi Gai Cháy (Xuất. 3-4). Môise cảm thấy không xứng hiệp và chưa được sẵn sàng để bước vào công việc. Nhưng đó lại chính là điều Đức Chúa Trời kêu gọi Môise. Phần lớn chúng ta đều có thể liệt kê ra những lý do khiến chúng ta có quyền thoái thác cũng như Môise đã từng làm. Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Môise, Môise nêu lên năm điều khiến ông không thể bước vào sự kêu gọi của Đức Chúa Trời được. Hãy chú ý về cách Đức Chúa Trời đã đáp lời Môise: (1) Khi thưa với Đức Chúa Trời rằng “Tôi là ai?” (Xuất. 3:11), Môise ở trong sự tranh chiến với “bản sắc” của mình. Môise thấy mình không đủ bản lĩnh. Môise cho rằng Đức Chúa Trời đã chọn sai người. Sự đáp trả của Đức Chúa Trời là: “Ngươi là ai không thành vấn đề. Ta đã kêu gọi ngươi, Ta sẽ ở cùng ngươi” (Sv. Xuất. 3:12). (2) Khi thưa với Đức Chúa Trời rằng “Ngài là ai?” (Xuất. 3:13), Môise đang ở trong sự tranh chiến với “sự thành thạo”. Môise không biết đủ về Đức Chúa Trời để có thể trình bày Ngài với dân sự. Mối quan hệ giữa Môise với Đức Chúa Trời vốn còn quá nông cạn. Sự đáp trả của Đức Chúa Trời là như thế này: “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”, nghĩa là “Ta là tất cả sự có cần của ngươi” (Sv. Xuất. 3:14). (3) Khi thưa với Đức Chúa Trời rằng “Nếu họ không nghe lời tôi thì sao?” (Xuất. 4:1), Môise đang ở trong sự tranh chiến với “sự bảo đảm”. Môise lo lắng về sự phản ứng của dân sự đối với mình. Sự đáp trả của Đức Chúa Trời là như thế này: “Một khi Ta được tỏ ra, họ sẽ nghe lời ngươi. Hãy tin cậy Ta” (Sv. Xuất. 4:2-9). (4) Khi thưa với Đức Chúa Trời rằng “Tôi chẳng phải là một tay nói giỏi” (Xuất. 4:10), Môise ở trong sự tranh chiến với “sự bất xứng”. Ai sẽ theo Môise nếu Môise nói năng không trôi chảy? Sự đáp trả của Đức Chúa Trời là như thế này: “Thử đoán xem ai đã tạo ra miệng ngươi? Ta chính là nguồn của các ân tứ của ngươi” (Sv. Xuất. 4:11-12). (5) Khi thưa với Đức Chúa Trời rằng “Ôi! lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi, thì sai” (Xuất. 4:13), Môise đang ở trong sự tranh chiến với “sự tự ti”. Môise so sánh mình với những người giỏi hơn, và Môise cảm thấy mình thấp kém. Sự đáp trả của Đức Chúa Trời là như thế này: “Được, Ta sẽ cho Arôn đi với ngươi... Nhưng Ta vẫn cứ kêu gọi ngươi” (Sv. Xuất. 4:14-17). Thông thường, chúng ta tự thấy mình không có đủ bản lĩnh, không có đủ sự thành thạo, không có đủ sự bảo đảm, không có đủ sự xứng hiệp - nói chung là tự thấy mình tầm thường, thấp kém - tức là thấy mình không có ân tứ nào hết. Thế nhưng, đây chính là sự kêu gọi và là sự xác nhận của Đức Chúa Trời trong Thời Kỳ Hội Thánh hiện nay cho tất cả chúng ta: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi. 4:10). Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rằng tất cả các tín hữu đều được Ngài ban ân tứ. Mỗi tín hữu của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh của Ngài đều có được sự cho phép Thiên Thượng để góp phần tích cực của mình. Vì vậy, việc của mỗi tín hữu không phải là ngồi yên chờ đợi một giấc chiêm bao, một sự mách bảo từng hồi, từng lúc nào đó mà là phải tin và làm theo Lời Ngài trong Kinh Thánh. Tất cả mọi tín hữu trong Hội Thánh phải biết đánh giá đúng khả năng của mình, phải biết thực nghiệm xem mình có thể làm được gì trong Vương Quốc và cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời. II. BIẾT PHÁT TRIỂN HẾT. Cathy Rigby là một Vận Động Viên môn Thể Dục Dụng Cụ trong kỳ Thế Vận Hội Olympic năm 1972. Cho đến ngày bước vào cuộc thi đấu, tất cả mọi nổ lực cao độ của cô là nhằm giành Huy Chương Vàng, trở thành Vận Động Viên hàng đầu của thế giới trong môn Thể Dục Dụng Cụ. Giới truyền thông lúc ấy cũng đã đánh giá cô rất cao, nhiều người đã cho rằng cô sẽ đạt được mục tiêu của mình. Cathy Rigby đã luyện tập gian khổ, đã thể hiện được tất cả tài năng của mình, nhưng cô đã không giành được huy chương vàng như mong muốn. Cathy Rigby thực sự bị sụp đổ, cô đã chạy băng về phía Cha Mẹ mình đang ngồi. Cathy Rigby ôm lấy Mẹ mình, vừa khóc vừa nói: “Mẹ, con xin lỗi Mẹ, con hết lòng muốn thắng cuộc, con cũng đã cầu nguyện nhiều để được thắng cuộc, nhưng con đã không thắng cuộc được!”. Mẹ của Cathy Rigby nói: “Cathy, Con hãy nghe Mẹ nói đây: Con giỏi lắm, con đã thể hiện hết sức mình. Bố Mẹ rất quí con, và đầy lòng tự hào về con. Dầu con không thắng cuộc, Bố Mẹ vẫn cứ yêu con vì con đã thể hiện hết sức mình!”. Sau đó Cathy Rigby đã làm chứng rằng lời nói sau đây của Mẹ cô đã giúp thay đổi cả quãng đời còn lại của cô: “Việc Cố Gắng Hết Sức Quan Trọng Hơn Là Việc Giành Được Giải Nhất”. Đó chính là triết lý mà mỗi Cơ Đốc Nhân chúng ta phải theo đuổi. Chúng ta cứ làm hết sức mình, và hãy để phần còn lại cho Đức Chúa Trời. Đừng bận tâm đến việc nhất thiết phải trở thành Cơ Đốc Nhân Số Một, nhưng phải bảo đảm được rằng Ưu Tiên Số Một nhất thiết phải là sống một đời sống Cơ Đốc hết mình. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải chuyên tâm: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” (Côl. 3:23); “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (2Ti. 2:15). Cậy ơn Đức Chúa Trời để phát triển hết tất cả những gì mình có trong tay nhằm làm vinh hiển danh thánh của Ngài là tất cả vấn đề đối với một Cơ Đốc Nhân. Samsôn đã làm vinh hiển Đức Chúa Trời khi trong tay chỉ có một cái hàm lừa mà chung quan mình có đến cả ngàn quân Philitin (Quan. 15:15). Thậm chí, với hai tay không nhưng nhờ biết nương cậy Đức Chúa Trời, lúc chết Samsôn đã giết được nhiều quân thù hơn là lúc sinh thời (Quan. 16:28-30). III. BIẾT NHIỆT TÌNH SỬ DỤNG. Mục đích cao nhất của các ân tứ và thân năng được Đức Chúa Trời ban cho là để sử dụng cho việc gây dựng Hội Thánh: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi. 4:10); “Hầu cho trong Thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau” (1Cô. 12:25). Cái gì làm cho con diều bay được? Cái khung của con diều có thể nói “Nhờ tôi”. Đuôi của con diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Giấy bồi thành con diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Sợi dây giữ cho con diều bay cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Gió cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Đứa bé cầm sợi dây thả diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”… Thật ra, con diều bay được là nhờ tất cả những điều ấy hợp lại với nhau, mỗi điều ấy giữ một vai trò nhất định của mình. Nếu khung diều hỏng, đuôi diều mắc vào cành cây, giấy bồi diều rách, dây thả diều dứt, hay gió ngừng thổi,… nhất định con diều sẽ không còn bay được nữa. Muốn cho công việc Chúa trong Hội Thánh được thành công, từng người chúng ta phải hoàn thành xuất sắc phần công việc của mình. Chúng ta có thể làm chứng, chăm sóc, giảng, dạy,… và vô số việc khác để giúp cho Hội Thánh thành công và phát triển miễn là chúng ta biết hiệp tác với nhau trong tinh thần đồng đội, trong đó Đội Trưởng chính là Đức Chúa Trời: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta…” (Rô. 12:6);“Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây” (1Cô. 3:9). Khi đến dự một buổi nhóm thờ phượng, phần đông đều trông mong đến giờ giảng luận để nghe diễn giả trình bày về tình yêu thương và ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong các ân tứ thuộc linh, ơn giảng luận vẫn thường được trân trọng một cách đặc biệt và vẫn được xem là ân tứ “Số Một”. Thật ra, mỗi người ngay khi bước đến với một buổi nhóm, trước giờ giảng luận của diễn giả khá lâu, đều đã có thể giảng về tình yêu thương và ý muốn của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh của Ngài! Trước khi diễn giả bước lên tòa giảng, mỗi người trong quí vị đều phải giảng, có thể giảng, và đã giảng: - Quí vị giảng một sứ điệp bằng lời chào mừng nhau một cách vui vẻ thật thà ngay tại nhà gửi xe! - Quí vị giảng một sứ điệp khi vui vẻ đưa tay đón người đến sau ngồi vào chỗ gần với mình chứ không phải chỉ đưa mắt nhìn họ như ngầm bảo “Hãy lại đằng kia mà ngồi đi!” - Quí vị giảng một sứ điệp khi hát thánh ca tôn vinh Chúa một cách vui mừng và thiết tha! - Quí vị giảng một sứ điệp khi quí vị tỏ ra chăm chú lắng nghe một cách trân trọng những lời làm chứng về ơn phước của Đức Chúa Trời trên đời sống của anh, chị, em mình trong Hội Thánh! - Quí vị giảng một sứ điệp khi quí vị nồng nhiệt chào đón khách đến thăm Hội Thánh! - Quí vị giảng một sứ điệp khi đi nhóm quí vị có mang theo Kinh Thánh, và quí vị chăm chú tra xem Kinh Thánh khi nghe giảng! Quí vị còn có thể giảng nhiều điều khác đến nỗi không sao kể hết được. Điều có thể gây cho quí vị bất ngờ là nếu suy xét cho cùng, quí vị sẽ thấy đó chính là những biểu hiện thực hành của các ân tứ thuộc linh trong Hội Thánh! Phẩm chất Cơ Đốc một khi được bày tỏ ra một cách thực hành sẽ tác động mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì được nói bằng môi miệng. Đối với những ai biết nhiệt tình sử dụng các ân tứ thuộc linh đã được ban cho, họ không cần phải lo sợ thất bại; vì đây là lời hứa dành cho họ: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phil. 4:13). Tất cả các ân tứ thuộc linh đều có đặc điểm chung là sự ban cho của Đức Chúa Trời để sử dụng vào việc gây dựng Hội Thánh của Ngài và trong tay của mỗi tín hữu đều có ít nhất một ân tứ thuộc linh nào đó. Nếu quí vị cảm thấy những gì đang có trong tay mình sao mà yếu ớt quá; hãy nói chuyện với Samsôn để biết bí quyết nào khiến yếu biến thành mạnh. Nếu quí vị cảm thấy điều mình có trong tay ít quá, không làm sao chia sẻ được; hãy đi hỏi thăm người đàn bà góa đã dâng hai đồng tiền ăn một phần tư xu để được biết phải làm thế nào. Nếu quí vị thấy sao khó buông ra những gì hiện có trong tay quá; hãy nói chuyện với Anne để biết nhờ đâu mà Bà dám dâng cho Đức Chúa Trời đứa con cầu duy nhất của mình. Nếu người ta chê cười về những gì quí vị hiện có trong tay là tầm thường; hãy nói chuyện với Đavít để nhớ lại bài học về cái trành ném đá đã giết tên khổng lồ Gôliát. Nếu quí vị thấy những gì có trong tay làm cho mình đau quá; hãy thưa với Đức Chúa Jêsus để được xem dấu đinh trên tay của Ngài và được Ngài dùng sự đau đớn mà làm cho trở nên trọn lành! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |