“HÃY CẢM TẠ ĐỨC CHÚA TRỜI” (Thi. 118:1) “Hãy cảm tạ Đức Giêhôva, vì Ngài là thiện;_Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.” (Thi. 118:1) Kinh Thánh Tân Ước đề cập đến Cơ Đốc Nhân theo một cách đặc biệt: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua, là Dân Thánh, là Dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” (1Phi. 2:9) Kinh Thánh Cựu Ước cũng kêu gọi Dân Sự của Đức Chúa Trời “Hãy cảm tạ Đức Giêhôva, vì Ngài là thiện;_Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.” (Thi. 118:1) Là Cơ Đốc Nhân, thánh chức phổ quát của chúng ta là “rao giảng nhân đức” của Đức Chúa Trời là Đấng đã cứu chúng ta “ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài”. Thánh chức phổ quát này cũng là phận sự phổ quát quan trọng của chúng ta: Chúng ta có phận sự phải sống với lòng cảm tạ Đức Chúa Trời. Lòng cảm tạ Đức Chúa Trời có một bản chất đặc thù, có những tác dụng sâu xa, và cần phải được hình thành và thể hiện với những yêu cầu nhất định. I. BẢN CHẤT CỦA LÒNG CẢM TẠ Tại sao có lòng cảm tạ Đức Chúa Trời là một điều quan trọng, và bản chất của lòng cảm tạ Đức Chúa Trời là gì? Nhìn chung, tấm lòng biết cảm tạ Đức Chúa Trời là một điều tốt đẹp vì như thế là vâng theo ý Ngài (1Tê. 5:18) và đó cũng đồng thời là sản phẩm trực tiếp của đời sống tin kính: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” (1Ti. 6:6) Để có được đúng bài học mà Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ về sự tin kính, điều quan trọng là cần nên nhận thức rằng Kinh Thánh đặt tấm lòng biết tin kính trong thế đối chiếu (cũng là để đối chọi) với động cơ trục lợi bằng tôn giáo: “3Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tin kính, 4thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa, 5cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy._6Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” (1Ti. 6:3-6) “Lợi” là một khái niệm hấp dẫn và thường được nhìn nhận một cách đa biệt. Các trường hợp “lợi” được nói đến ở đây đều dùng từ liệu porismos (Gk.), nhưng nghĩa ở C. 5 và C. 6 vẫn cứ khác nhau! Trong C. 5, vì cớ “lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật” mà “lợi” là “nguồn lợi”, tức là “một sự thu nhập hay một nguồn thu nhập”. Tuy nhiên, “lợi” (Gk. porismos, xuất phát từ “poros” với nghĩa là một phương thức, một phương tiện) được đề cập trong C. 6, nhờ “sự thỏa lòng” mà “lợi lớn” không nói về sự thu nhập mà nói về phương hướng, về sự xu hướng của tấm lòng và đời sống của người tin. Người có tấm lòng cảm tạ là người có đời sống tin kính và vui thỏa trong sự mình đã tin, người ấy có khả năng tiến về những đích điểm đẹp ý Đức Chúa Trời và có lợi cho sự sống đời đời của người ấy: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.” (Gi. 17:3) Tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời trong một người là sự biểu hiện chắc thật rằng người ấy có sự sống đời đời và dốc lòng theo sự sống đời đời, vì nếu chẳng được Đức Thánh Linh chứng giải trong lòng thì không thể nào người ta thực sự nhận biết và có được một mối quan hệ như thế với Đức Chúa Trời (Sv. 1Cô. 12:3). Theo bản chất, tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời không phải là việc làm vì việc làm cho Đức Chúa Trời mà là chứng tích cho thấy một người đang ở đâu trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời. II. TÁC DỤNG CỦA LÒNG CẢM TẠ Như vậy, về bản chất, lòng cảm tạ là kết quả tất yếu của mối quan hệ thân thiết giữa người tín hữu với Đức Chúa Trời. Vì vậy, một khi có được lòng cảm tạ đối với Đức Chúa Trời, sự vui thỏa trong đời sống người tín hữu được gia tăng: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” (1Ti. 6:6) “Thỏa lòng” (Gk. autarkeia) nói về trạng thái cảm thấy được đầy đủ trong những sự đã có, và sự tin tưởng rằng không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì khác. Nhờ đâu mà người ta có thể thỏa lòng để rồi được yên lòng? Sự “thỏa lòng” thực sự luôn luôn là kết quả của đời sống “tin kính”. Sự thỏa lòng và sự yên lòng không thể có được mà lại thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào người ta thực sự tin cậy rằng Đức Chúa Trời là tất cả những gì họ cần thì sự thỏa lòng, là điều sẽ dẫn đến lòng cảm tạ, mới thực hữu: “5Chớ tham tiền;hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu. 6Như vậy, chúng ta được lấy lòng tin chắc mà nói rằng:_Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết._Người đời làm chi tôi được?” (Hê. 13:5-6) Tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Nhân là một sự làm chứng về quyền năng của Đức Chúa Trời trên đời sống của họ. Những người được dầm thấm trong “sự tin kính cùng sự thỏa lòng” đến độ sắc diện, dáng điệu của họ sáng rực lên “sự tin kính cùng sự thỏa lòng” trong mọi sự bao giờ cũng tạo ra được ấn tượng tốt đối với những người chung quanh. Trái lại, những Cơ Đốc Nhân nào nặng trĩu ưu tư, luôn luôn có cớ để bất mãn và than vãn tự chứng tỏ rằng họ đã được được “báptêm” trong một loại “mật đắng” hay trong một thứ gì đó chứ không phải là trong Thánh Linh! Sự thật đáng buồn là giữa vòng chúng ta vẫn còn có những người chưa sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời trên phương diện cảm tạ Ngài: “17Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.” (Êph. 5:17) Trên phương diện cảm tạ, ý muốn của Đức Chúa Trời là: “Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.” (Êph. 5:20; Sv. 1Tê. 5:16-18) “Vậy, hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế lễ bằng lời ngợi khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông trái của môi miếng xưng danh Ngài ra.” (Hê. 13:15) Tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời được thể hiện qua sự chúc tụng Ngài luôn luôn có tác dụng thuyết phục người khác về Ngài: “Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới,_Tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi._Lắm người sẽ thấy điều đó, bắt sợ,_Và nhờ cậy nơi Đức Giêhôva.” (Thi. 40:3; Sv. Công. 16:22-34) Lịch sử Hội Thánh chứng minh rằng một khi Hội Thánh là Hội Thánh sống với tấm lòng vâng phục và cảm tạ Đức Chúa Trời, Hội Thánh sẽ được phấn hưng: “42Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các Sứ Đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện. 43Mọi người đều kính sợ, vì có nhiều sự kỳ phép lạ làm ra bởi các Sứ Đồ. 44Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. 45Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. 46Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến Đền Thờ; còn ở nhà, thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, 47ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh.” (Công. 2:43-47) Tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Nhân là một cánh cửa mở rộng của thái độ chấp nhận. Khi một người biết sống với lòng cảm tạ Đức Chúa Trời, các mối quan hệ của họ đều sẽ được cải thiện dễ dàng. Trước hết, họ là người rất dạn dĩ trong việc tiếp cận Đức Chúa Trời. Họ là những người có khả năng thấy được trên đỉnh đồi có gì ngay khi mới khởi sự cuộc hành trình ở chân đồi: “18Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta... 28Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. 29Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em; 30còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển.” (Rô. 8:18, 28-30) Đối với người thực sự tin kính, chẳng gì có thể làm cho họ dao động được vì quan hệ giữa họ với Đức Chúa Trời là một sự quan hệ bền chặt. Người ta không thể luôn luôn có lòng tri ân đối với Đức Chúa Trời khi tầm nhìn còn bị sự vật, sự việc trói buộc. Tầm nhìn của tấm lòng tri ân là một tầm nhìn không phải của đôi mắt mà là của tấm lòng nương cậy. Chính mối quan hệ giữa Cơ Đốc Nhân với Đức Chúa Trời sẽ quyết định tính chất của các mối quan hệ của họ với tha nhân: “3 Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi, 4 Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhân sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!” (2Cô. 1:3-4) Người sống với lòng cảm tạ Đức Chúa Trời sẽ được chính Đức Chúa Trời ban quyền năng để họ có khả năng hòa tan mình trong mối quan hệ dấn thân, hy sinh cho tha nhân hầu cho ngày càng có nhiều người biết sống cảm tạ Đức Chúa Trời hơn: “7Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi... 11Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Đức Chúa Jêsus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi; 12vậy thì sự chết làm trong chúng tôi, còn sự sống trong anh em... 15Bởi chưng mọi điều đó xảy đến vì cớ anh em, hầu cho ân điển rải ra cách dư dật, khiến sự tạ ơn nơi nhiều người hơn cũng dư dật, mà thêm vinh hiển cho Đức Chúa Trời.” (2Cô. 4:7, 11-12, 15) III. ĐỂ SỐNG CẢM TẠ ĐỨC CHÚA TRỜI Hãy nhìn thẳng vào các tác dụng của lòng cảm tạ Đức Chúa Trời để nhận ra phần nào lẽ mầu nhiệm của đức nhân từ của Đức Chúa Trời chúng ta. Tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời giúp thăng tiến niềm vui thỏa trong Ngài của chúng ta, tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời giúp thăng tiến hiệu quả làm chứng về Ngài của đời sống chúng ta, và tấm lòng cảm tạ Đức Chúa Trời giúp thăng tiến mối quan hệ của chúng ta đối với Ngài cũng như đối với tha nhân. Thiện thay là Đức Chúa Trời của chúng ta! Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết sống cảm tạ Ngài để chúng ta có Ngài, và vì thế mà chúng ta sẽ có đủ tất cả mọi sự: “Sư tử tơ bị thiếu kém, và đói;_Nhưng người nào tìm cầu Đức Giêhôva sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” (Thi. 34:10) Lòng cảm tạ Đức Chúa Trời chỉ hình thành và thể hiện trong đời sống Cơ Đốc Nhân nhờ quyền năng Đức Thánh Linh với sự tham dự hoàn toàn của cả thân_hồn_thần của họ: “12Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; 13chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng.” (1Cô. 2:12-13, Sv. 1Cô. 12:3) “Chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa” (Hê. 10:22) Trước nhất, người ta chỉ có thể cảm tạ Đức Chúa Trời được khi lý trí họ nhận thức được rằng đó là một điều phải làm chứ không phải là để chọn: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1Tê. 5:18) Thứ hai, trên phương diện ý chí, người ta chỉ có thể có đời sống cảm tạ khi họ thực sự có một ý chí thực hành sống cảm tạ. Để thực hành đời sống cảm tạ, người ta phải chừa bỏ thói quen lo lắng và than phiền: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.” (Phil. 4:6) Đồng thời với việc chừa bỏ sự lo lắng và sự than phiền, người ta cũng phải tập thành thói quen luôn luôn cảm tạ Đức Chúa Trời: “19Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. 20Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.” (Êph. 5:19-20) Thứ ba, để sống cảm tạ, chỉ có lý trí và ý chí dự phần vẫn chưa đủ. Lý trí và ý chí cần được nuôi dưỡng bằng một loại đức tin xác tín đến độ đã biến thành tình cảm đối với Đức Chúa Trời vì biết rằng Ngài yêu ai thì yêu đến cùng và có chương trình tốt đẹp cho họ: “38Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, 39bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.” (Rô. 8:38-39) Lòng cảm tạ Đức Chúa Trời trong đời sống Cơ Đốc Nhân không phải là việc làm của Cơ Đốc Nhân vì việc làm của Đức Chúa Trời! Cơ Đốc Nhân sống cảm tạ Đức Chúa Trời theo phận sự tôn vinh hiển Ngài của mình. Một khi Cơ Đốc Nhân biết sống cảm tạ Đức Chúa Trời như một phận sự Cơ Đốc, đời sống Cơ Đốc của Cơ Đốc Nhân sẽ được thăng tiến trên nhiều phương diện khác nhau dẫn đến việc thăng tiến cho sự sống đời đời của chính họ. Lòng cảm tạ Đức Chúa Trời trong đời sống Cơ Đốc Nhân là hình thức biểu hiện của mối quan hệ mật thiết giữa Cơ Đốc Nhân với Đức Chúa Trời. Mối quan hệ mật thiết ấy là kết quả của quyền năng Đức Thánh Linh cùng với sự dự phần tự giác, tích cực của cả thân_hồn_thần của Cơ Đốc Nhân. Đức Chúa Trời là Đấng tối thiện tối nhân, chính Ngài đã chẳng những đòi hỏi mà còn cho phép Cơ Đốc Nhân có thể sống cảm tạ Ngài trong quyền năng Đức Thánh Linh… “Hãy cảm tạ Đức Giêhôva, vì Ngài là thiện;_Sự nhân từ Ngài còn đến đời đời.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |