REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

24/8/2022

 
Picture
“CON ĐƯỜNG NÀO PHẢI ĐI?”
(Dân. 22:1-38)
“Đức Chúa Trời phán cùng Balaam rằng: Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân nầy, vì dân nầy được ban phước.”
(Dân. 22:12)
​Hầu như chúng ta ai cũng đều đồng ý rằng đường lối của Đức Chúa Trời là tốt nhất. Thế nhưng, không phải tất cả những người biết rằng đường lối Đức Chúa Trời là tốt đều từ bỏ đường lối riêng của mình để đi theo đường lối của Ngài. Có một sự cách biệt lớn lao giữa việc biết điều tốt và làm theo điều tốt. Nói và làm là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Những con người tôn giáo nửa mùa hay giả danh tôn giáo chính là những người chuyên hô hào các định hướng tốt đẹp nhưng không bao giờ chịu làm theo. Những nhà lừa đảo tôn giáo chuyên nghiệp bao giờ cũng cắm một chân trong đạo và chân còn lại thì cố chiếm lấy một chỗ ngoài đời. Họ khiến chúng ta nhớ đến lời của Sứ Đồ Phaolô:
“1Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. 2Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, 3vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, 4lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, 5bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi” (2Ti. 3:1-5).
Cần phải biết một số điều căn bản về nhân vật Balaam mới có thể hiểu được câu chuyện trước thuật trong Dân. 22. Càng biết nhiều về Balaam, chúng ta càng có được nhiều sự nội kiến hơn về các quyết định của Balaam và về cách Đức Chúa Trời đối đãi với Balaam thể theo hành động của con người này.
 
I. CON ĐƯỜNG CỦA BALAAM
 
Balaam không phải là một người Do Thái. Balaam là một người ngoại bang đến từ miền Mêsôpôtami. Lắm người khi đọc câu chuyện này cứ ngỡ Balaam là một người công bình. Điều ấy không đúng. Dầu rằng vào thời của Balaam, có nhiều người đã xem Balaam là một Đấng Tiên Tri, nhưng không phải thế. Balaam là một thầy phù thủy (C. 7). Đối với Balaam, tôn giáo là một loại công việc chứ không phải là một lẽ sống. Thời ấy, các thầy phù thủy được người ta cho là có ảnh hưởng đối với các thần; vì thế, vua Môáp muốn nhờ Balaam sử dụng quyền lực của mình đối với Đức Chúa Trời của Ysơraên để gán trên Ysơraên một lời rủa sả. Vua Môáp mong rằng với tà thuật, Đức Chúa Trời sẽ lìa bỏ Ysơraên là Dân Ngài. Rõ ràng là cả Balaam lẫn Balác đều không hình dung được là họ đang muốn tác động trên một Đấng vĩ đại như thế nào!
Câu chuyện về Balaam thể hiện cho thấy một trạng thái dối giả: Vẻ bề ngoài là thuộc linh (Sv. Cc. 8, 13, 18), nhưng bên trong là một đời sống sa bại. Balaam chỉ vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời khi nào sự vâng lời ấy còn giúp ông kiếm chác được. Điều này khá quen thuộc trong Hội Thánh ngày nay! Mặc dầu Balaam biết rằng Đức Chúa Trời của Ysơraên là một Đức Chúa Trời đáng kính sợ, tấm lòng của Balaam vẫn đầy ắp tham vọng được làm giàu nhờ người Môáp. Sự pha tạp giữa các động cơ đối nghịch nhau - sự vâng lời và sự kiếm chác - cuối cùng đã dẫn Balaam vào con đường sự chết:
“15Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường của Balaam, con trai Bôsô, là kẻ tham tiền công của tội ác; nhưng người bị trách về sự phạm tội của mình. 16Bởi có một con vật câm nói tiếng người ta, mà ngăn cấm sự điên cuồng của người tiên tri đó” (2Phi. 2:15-16).
“11Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Cain, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Balaam; và bị hư mất về sự phản nghịch của Côrê. 12Những kẻ đó là dấu vít trong đám tiệc anh em, như người chăn chiên chỉ tưởng nuôi mình no nê, không lo sợ gì; như đám mây không nước, theo gió đưa đi dây đó, như cây tàn mùa Thu, không có trái, hai lần chết, trốc lên bực rễ” (Giu. 11-12).
“Bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó” chính là nét tính cách của Balaam. Balaam biết rõ rằng đường lối của Đức Chúa Trời là tốt nhất mà vẫn cứ hành động theo lịch trình của mình, đi theo lộ trình mà mình đã vạch sẵn. Tại sao Đức Chúa Trời lại phán qua một người như Balaam, hay là đã sử dụng một thầy phù thủy như Balaam?
Thứ nhất, Đức Chúa Trời có thể sử dụng một người chẳng màng chi đến công việc của Ngài để hoàn thành các mục đích của Ngài. Đức Chúa Trời muốn ban cho người Môáp một thông điệp qua người họ đã thuê là Balaam. Balaam đã được chuẩn bị sẵn cho Đức Chúa Trời sử dụng giống như ngày xưa Đức Chúa Trời đã sử dụng Pharaôn gian ác để hoàn thành ý chỉ của Ngài ở Aicập, hay là Ngài đã sử dụng Sêsa trong thời Đức Chúa Jêsus.
Thứ hai, Đức Chúa Trời có một chương trình cho Balaam, nhưng Balaam đã theo chương trình riêng của mình. Đức Chúa Trời ban cho Balaam một cơ hội, cũng giống như Ngài luôn ban cơ hội cho tất cả mọi người chúng ta, để quay trở lại với Ngài. Mỗi người chúng ta đều có những cơ hội như Balaam. Điểm chính là chúng ta có biết lắng nghe Ngài hay không mà thôi. Balaam chạm trán với chính Đức Chúa Trời, đó là cơ hội vàng để khôi phục lại đời sống cho đúng đường lối, nhưng Balaam đã cố tình cho trôi qua.
 
II. CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI
 
Có những lý do nhất định khiến cho người ta lãng tránh ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể nào nhận ra được ý chỉ của Đức Chúa Trời dầu ý chỉ ấy ở ngay trước mặt chúng ta, vì chúng ta không hề quan tâm đến. Đôi khi chúng ta có thấy, có biết nhưng lại cố làm ngơ… Trong câu chuyện này, Đức Chúa Trời đã sử dụng một con lừa để dạy cho Balaam về con đường phải đi. Câu chuyện đem lại cho chúng ta một số bài học:
 
1. Bài Học Thứ Nhất: Đức Chúa Trời Đòi Hỏi Chúng Ta Phải Tuyệt Đối Vâng Lời Ngài (C. 12).
 
Đức Chúa Trời đã ban cho Balaam một chỉ thị rằng “Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân nầy, vì dân nầy được ban phước” (C. 12). Mệnh lệnh này thật rõ ràng. Lời phán của Đức Chúa Trời luôn luôn dứt khoát; khi Ngài phán đừng đi cũng dứt khoát như khi Ngài phán hãy đi:
“1Có lời Đức Giêhôva phán cho Giôna con trai Amitai như vầy: 2Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ninive, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt Ta” (Giôna. 1:1-2).
Tương tự với Giôna, Balaam gặp rắc rối không phải vì Đức Chúa Trời đã không hướng dẫn mà là vì đã không chịu theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Ở đây không có vấn đề hiểu lầm hay giải nghĩa lầm. Đây là vấn đề của sự vâng lời. Một khi Đức Chúa Trời phán rằng phải làm thì hãy cứ mà làm. Đừng bao giờ nghi ngờ, ngại ngần hay cố làm cho sự vật chìu theo ý muốn của mình.
Balaam hiểu Đức Chúa Trời chứ chẳng phải là không (C. 13). Ngay lần đầu tiên khi Balác sai người đến với Balaam, đâu có điều gì khiến cho Balaam không hiểu được ý chỉ của Đức Chúa Trời? Thật ra, đâu cần phải đợi chờ gì thêm, ý chỉ của Đức Chúa Trời đã rõ ràng đủ cho Balaam làm theo rồi! Chính Balaam cũng tỏ cho thấy là mình biết điều ấy:
“Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối,_Cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải._Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm sao?_Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?” (Dân. 23:19).
Một khi Đức Chúa Trời đã phán truyền cho chúng ta làm gì, Ngài đòi hỏi ở chúng ta một sự vâng lời tuyệt đối. Nếu chúng ta dám điều hòa ý chỉ của Ngài, đừng trách sao phải chịu hậu quả thảm thương! Có người đã nói như thế này: “Lắm khi Đức Chúa Trời trách phạt chúng ta bằng cách để cho chúng ta đi theo đường lối riêng của mình”.
 
2. Bài Học Thứ Hai: Đức Chúa Trời Luôn Cảnh Báo Cho Chúng Ta Khỏi Lạc Lối (C. 22).
Balaam đã hạ quyết tâm là sẽ chẳng làm trái ý Đức Chúa Trời vì tiền, thế nhưng lòng tham giàu sang nhờ Balác đã làm mù mắt Balaam đến mức không còn nhận ra được ra được rằng Đức Chúa Trời không muốn Balaam làm như thế. Dầu rằng chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm điều gì, chúng ta vẫn cứ có thể trở nên mù quáng vì tiền bạc, của cải, danh vọng.
Giống như trường hợp của Balaam, nhiều khi Đức Chúa Trời cũng sẽ “đứng trên đường có cây gươm trần nơi tay” để chống lại chúng ta khi chúng ta đang cố làm một điều gì đó. Đức Chúa Trời yêu chúng ta, Ngài muốn chúng ta suy nghĩ lại, quay trở lại, biết rằng một sự thực hiện nào đó của chúng ta là sai. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta tự làm tổn hại mình. Nếu chúng ta rời bỏ ý chỉ của Đức Chúa Trời, Ngài không bao giờ chịu để cho chúng ta đi mà thiếu các bảng cấm trên đường. Thế nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta bị cuốn theo làn sóng của ý riêng đến độ không còn nhận ra sự cảnh báo của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta thường phải chịu đau đớn sau đó.
Đức Chúa Trời muốn ngăn cản Balaam nhưng Balaam quá tự tin đến mức không sao nhận ra được điều gì khác hơn là ý muốn riêng của mình. Mấy ai biết để ý xem Đức Chúa Trời muốn gì một khi chính lòng mình đang bị một điều gì đó thôi thúc? Đức Chúa Trời muốn cho Balaam phải dừng lại, nhưng “dừng lại” là điều làm cho Balaam trở nên bực bội.
Chúng ta cũng thế. Một khi công việc đang diễn tiến bỗng gặp trở ngại, phản ứng của chúng ta là ngã lòng. Chúng ta phân vân không biết mình sẽ phải làm gì, ai sẽ giúp cho chúng ta, hậu quả sẽ thế nào… Hỏng xe dọc đường đã khó, hỏng việc khi công việc đang tiến triển còn khó khăn hơn nhiều! Balaam “hỏng xe’ và trở nên tức giận trước viễn cảnh “hỏng việc”, và phản ứng tâm lý ấy đã biến Balaam thành người mù quáng: Chính Balaam tự biến mình thành một “con lừa” không còn biết phân biệt phải quấy nữa!
Balaam đã nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời nhưng không làm theo. Balaam thực hiện ý riêng của mình dưới chiêu bài bước đi theo Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Chúa Trời đã chống lại Balaam, Ngài sai Thiên Sứ đứng trên đường “đặng cản người”, làm một rào cản cho Balaam không đi sai đường. Dầu vậy, Balaam không đủ nhạy bén với ý muốn của Đức Chúa Trời và đã trút tai vạ lên con lừa của mình.
 
3. Bài Học Thứ Ba: Khi Được Đức Chúa Trời Ngăn Cấm, Đừng Đổ Vạ Trên Người Khác.
Lắm khi Đức Chúa Trời cố làm cho chúng ta chú ý nhưng chúng ta không hề biết lắng nghe Ngài. Vào những lúc như thế, Đức Chúa Trời thường cho phép những điều nhất định nào đó xảy ra để chúng ta biết quay lại với Ngài mà thưa rằng “Lạy Chúa, con đã sai trật ở đâu, xin phán dạy cho con đi theo đúng ý chỉ của Ngài”. Tuy nhiên, vì quá tự mãn, chúng ta chỉ bận tâm đến công việc đang theo đuổi mà thôi, chúng ta coi thường tất cả các điều khác, và sẵn sàng nổi nóng với bất cứ sự gì gây trở ngại cho chúng ta. Thật ra, khi chúng ta đổ vạ trên một ai đó, điều ấy có nghĩa là chúng ta đang có sự sai trật. Đừng để sự thương tổn hay kiêu căng của mình làm tổn thương người khác.     
Ngày xưa, con lừa là một công cụ đa năng: Làm phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa, kéo cối xay thóc, kéo cày,… Thông thường, con lừa là loài có thể cậy nhờ được. Chính điều ấy giải thích vì sao Balaam đã trở nên tức giận khi con lừa của mình đứng lại, không chịu đi tới. Ngay cả khi những người bạn thân, rất đáng tin cậy của chúng ta can gián chúng ta về một điều gì đó, chúng ta vẫn có thể tức giận được! Ba lần Balaam đánh con lừa của mình là vì Balaam bị cầm tù trong sự suy nghĩ của mình mà không nhận thức được các rào cản yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho mình (Cc. 23, 25, 27):
“Bấy giờ, Đức Giêhôva mở miệng lừa ra, nó nói cùng Balaam rằng: Tôi có làm chi cho người, mà người đã đánh tôi ba lần?” (C. 28).
Dầu là một người tài giỏi, danh vọng, nhưng khi bị cầm tù trong tư dục mình người ta vẫn cứ tầm thường hết sức. Balaam là một người thông thái hơn hết đã phải bước vào cuộc đối thoại với một con vật có tiếng là đần độn hơn hết (Cc. 29-30) rồi mới có được sự chứng giải từ nơi Đức Chúa Trời (Cc. 31-34). Trong trường hợp này, nói cho đúng nghĩa, ai là người và ai là lừa là một vấn đề đáng nên suy gẫm vậy!
Một khi được Đức Chúa Trời mở mắt ra cho, khi chúng ta nhận thức được mình đã trôi giạt khỏi đường lối Ngài như thế nào rồi, hãy dũng cảm thực hiện một quyết định then chốt là quay trở lại với Ngài để khỏi lún sâu vào con đường hủy diệt! (C. 31).
Sự kiêu ngạo làm cho chúng ta xa cách Đức Chúa Trời, khiến cho chúng ta nghịch lại ý chỉ và lời phán của Ngài. Sự kiêu ngạo không giúp cho chúng ta nhận ra sự sai trật của mình để được khôi phục. Mỗi khi nhận ra được sự sai trật của mình, chúng ta đừng chống chế mà hãy đến phủ phục trước Đức Chúa Trời  toàn năng để được ban ơn (C. 38; Sv Gia. 4:6; 1Phi 5:5).
Con lừa của Balaam là một con lừa trung tín, vì muốn cứu sự sống cho chủ mà phải bị hành hạ (Sv. C. 33). Trong sự nóng giận và u mê, Balaam đã đánh con vật vô tội của mình ba lần. Điều này vẫn thường xảy đến với chúng ta. Rất có thể chúng ta đã từng đối xử tệ bạc với một người nào đó khi họ toan làm điều ích cho chúng ta. Cũng có thể chúng ta đã từng phải chen vào khoảng giữa sự nguy hiểm với bạn thân yêu của mình, và rồi chúng ta phải hứng chịu sự thịnh nộ của bạn mình…
Ngày nay, có quá nhiều người trên phương diện danh nghĩa là người rao giảng Lời Đức Chúa Trời nhưng thực chất chỉ là người đi theo con đường Balaam. Đối với hạng lãnh đạo ấy, tôn giáo không phải là một lẽ sống mà là một phương tiện sống. Họ tự chứng tỏ chẳng có một chút cảm động nào đối với chức phận lãnh đạo trong tinh thần phục vụ mà Đức Chúa Jêsus đã nêu gương. Để biết phải đi đường nào và đi được đúng con đường Đức Chúa Trời chuẩn thuận, chúng ta phải giữ cho tiếng nói của ý riêng im lặng, phải lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời, và cẩn thận làm theo ý chỉ của Ngài.
 
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_conduongnaophaidi.pdf
File Size: 249 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách