REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

30/9/2022

 
Picture
“NHỮNG KẺ HAY THƯƠNG XÓT”
(Ma. 5:7)
“Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót.”
(Ma. 5:7)
​Có chuyện kể rằng một ngày nọ John Westley đến thăm tướng Ogelthorpe khi vị này còn cai trị Georgia như một thuộc địa. Tướng Ogelthorpe kể cho John Westley nghe về chuyện một người nọ đã làm cho ông tức giận. Tướng Ogelthorpe nói một cách cương quyết: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người này cả!”. Nghe nói thế, John Westley ôn tồn nói: “Thưa ngài, vậy tôi hy vọng rằng ngài sẽ không bao giờ phạm tội cả!”.
Hiển nhiên là John Westley muốn ngầm nhắc nhở cho vị tướng nghiêm khắc kia về lời dạy của Đức Chúa Jêsus:
“Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót” (Ma. 5:7).
Với sự dạy dỗ này của Đấng tể trị cả vũ trụ, chúng ta có thể nói rằng việc sống mà không có lòng thương xót chính là giấy bảo đảm cho một quá trình chết không được xót thương! Tại sao? Ấy là vì Đấng Tối Cao dạy rằng muốn nhận được sự thương xót thì người ta phải sống tha thứ, nhân từ. Vậy, thế nào là sự thương xót? Cơ Đốc Nhân thế nào để có thể sống giàu lòng thương xót? Và, người ta sẽ nhận được những gì từ nếp sống thương xót của mình?
 
I. SỰ THƯƠNG XÓT LÀ GÌ?
Từ liệu “thương xót” được dùng khoảng 250 lần trong Kinh Thánh Cựu Ước. Từ liệu này cũng còn có thể  được hiểu là “lòng nhân từ” (96 lần), “lòng tốt” (38 lần). Từ liệu này xuất hiện 6 lần trong Kinh Thánh Tân Ước (Ma. 5:7; Lu. 6:36; 18:13; Hê. 2:17; 8:12) trong đó có 1 lần được dịch trong Kinh Thánh Tân Ước là “tha thứ” (Hê. 8:12). “Thương xót” theo Kinh Thánh không phải chỉ thuần túy là cảm xúc; sự thương xót hợp Kinh Thánh không bao giờ chỉ thuần túy là một phó sản của chủ nghĩa cảm xúc cả!
“Hay thương xót”, tức là “giàu lòng thương xót”, vượt xa hơn việc “chảy nước mắt” do xúc động vì thương cảm. Tất nhiên là những người giàu lòng thương xót lắm khi đã khóc thể theo sự xúc cảm dấy lên trong lòng họ. Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã không cần phải kiềm chế nước mắt của Ngài trước nỗi đau quằn quại của Mathê và Mari đối với cái chết của anh họ là Laxarơ; Kinh Thánh cho biết rằng “Đức Chúa Jêsus khóc” (Gi. 11:35). Một lần khác, khi Đức Chúa Jêsus nhìn thành Giêrusalem, nghĩ về tai họa tương lai của thành, Ngài cũng đã khóc cho thành. Thật đáng để chúng ta ghi nhận rằng dầu là Đấng Chủ Tể  cả vũ trụ, Đức Chúa Jêsus cũng đã khóc. Thế nhưng, Đức Chúa Jêsus đã làm nhiều hơn là khóc: Ngài không những chỉ khóc cho chúng ta, Ngài còn phó mình Ngài để chuộc chúng ta ra khỏi sự khóc lóc đời đời nữa.
Vấn đề chính không phải chỉ có khóc, có lắm người đã khóc rất nhanh và rất nhiều nhưng đó là cái khóc vô nghĩa và không hề đem lại một kết quả có ích nào cả. “Sự thương xót” hợp Kinh Thánh không phải chỉ là chủ nghĩa nhân đạo mà chúng ta thường thấy:
“Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô.13:3).
“Sự thương xót” chân chính vượt xa hơn việc phân phát y phục, lương thực, thuốc men,… cho các nạn nhân. Người ta có thể cho mà không hề yêu gì cả. Hành vi thương xót sẽ vô nghĩa nếu thái độ của sự thương xót không chân thực và chính đáng (chân chính). “Sự thương xót” mà Đức Chúa Jêsus phán dạy ở đây không phải chỉ thuần túy là hành vi thương xót máy móc.
Về căn bản, “giàu lòng thương xót” không phải là sự xúc cảm đối với tình huống mà là thái độ sống. Sự xúc cảm trước những tình huống nhất định và sự nhận thức về một thái độ sống phải có thường xuyên là hai điều khác nhau. “Giàu lòng thương xót” là một nếp sống. Đó là một điều không thể “bật lên” hay “tắt đi” theo xúc cảm chủ quan của một người được. “Đức thương xót” chân chính không thể là một cái gì đó có thể biến động “theo mùa” được. “Sự thương xót” hợp Kinh Thánh mà Đức Chúa Jêsus đã từng biểu lộ trong cuộc sống phận người của Ngài chính là một dạng thức cảm nhận chân chính của tâm trí, làm nền tảng cho một thái độ sống, thể hiện ra qua một lối sống cao thượng một cách thường xuyên. Cơ Đốc Nhân “thương xót” là nhìn nhận tha nhân theo cùng một cách mà Đức Chúa Jêsus nhìn nhận họ, và thấu cảm tha nhân theo cùng một cách mà Đức Chúa Jêsus thấu cảm họ. “Giàu lòng thương xót” là thái độ thương xót phổ quát dành cho tất cả mọi người. Sự thương xót của Đức Chúa Trời phổ quát trên nhân loại như thế nào thì đức thương xót trong Cơ Đốc Nhân cũng phải phổ quát cho đồng loại mình như thế ấy. Trên một phương diện, thái độ thương xót thể hiện ra qua đức bác ái Cơ Đốc của cộng đoàn Cơ Đốc với biểu hiện cuối cùng là các hoạt động từ thiện cho xã hội.
Thái độ “thương xót” biểu hiện ra qua hành động. Nếu một người thực sự có lòng thương xót, lòng thương xót của người ấy phải được thể hiện bằng hành vi. “Sự thương xót” hợp Kinh Thánh không thể là một cái gì đó bí mật hay tiềm ẩn (bí ẩn)t mà phải được chuyển hóa thành hành động. Không thể nói rằng mùa Xuân đã về mà chưa hề có lấy bất cứ một sự chuyển dịch nào theo hướng tươi đẹp hơn của mùa Đông. “Sự thương xót”, nếu có, nhất định phải được bộc lộ ra qua nhiều cách khác nhau. Nếu chúng ta thực sự có lòng thương xót, chúng ta sẽ tỏ ra nhân từ, độ lượng trong việc xét đoán người khác. Chúng ta sẽ tỏ ra quan tâm đến phúc lợi của người khác. Khi thực sự có lòng thương xót, nếu có ai đó làm hại chúng ta, chúng ta sẽ không còn hoàn toàn bị sự căm hận cuốn hút mà sẽ biết tìm hiểu vì sao người ta lại phạm tội như thế, và sẽ quyết định tha thứ cho họ chứ không phải là trừng phạt họ. Khi thực sự có lòng thương xót, chúng ta không còn cố tìm lý lẽ để buộc tội mà là để giải tội cho tha nhân. Thương xót nghĩa là chăm sóc cho tha nhân để họ sống tốt đẹp hơn. Đức thương xót khiến Cơ Đốc Nhân dám hy sinh để dấn thân cất đi gánh nặng cho người khác, mà nặng nhất là gánh nặng về án phạt của tội lỗi trên đời sống họ. Thương xót nghĩa là tha thứ: Không có biểu hiện nào của sự thương xót cao hơn là sự tha thứ (vì thế mà Hê. 8:12 được dịch là “tha thứ”). Khi một người hoàn toàn có quyền trả thù nhưng lại quyết định tha thứ, người ấy đã đạt đến đỉnh cao của sự thương xót, và phần thưởng là sự bình an và niềm vui chan chứa luôn luôn cặp theo quyết định thánh thiện ấy. Như vậy, “sự thương xót” chính là một biến thể của Ân Điển: Dành cho tha nhân điều đáng lẽ ra họ không thể có được. Cơ Đốc Nhân nhận Ân Điển của Đức Chúa Trời và sống thể hiện Ân Điển Ngài trên đời sống mình bằng đức thương xót.
II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ SỐNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT?
“Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót”, đây là một sự dạy dỗ và cũng là lời hứa tốt đẹp, quí hóa; thế nhưng phải làm những gì để có thể sống giàu lòng thương xót được? Muốn sống được như thế quả thật là rất khó, và đó là con đường hẹp mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đi. Xét đoán, phê phán, kết án luôn luôn dễ làm hơn là thương xót, tha thứ. Chúng ta cần phải như thế nào để có thể vượt lên trên bản chất của con người cũ vốn có của chúng ta, sống theo đức thương xót mà Đức Chúa Trời kêu gọi?
Trước hết, đừng quên rằng chính mỗi người chúng ta đều cần có được sự tha thứ. Trước mặt Đức Chúa Trời, mỗi người chúng ta “thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm” (Gia. 3:2), chúng ta cần sự đối đãi giàu lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, chúng ta cần được Ngài tha thứ. Vậy chúng ta cũng cần phải đối dãi một cách giàu lòng thương xót với mọi người, phải tha thứ cho người khác một cách tương tự:
“Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma. 6:12).
“Vả, nếu ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi” (Ma. 6:14).
Chúng ta rất dễ rơi vào chỗ thiếu tha thứ, thường tỏ ra rất nặng tay đối với người khác, và hay quên rằng sự yếu đuối và nguy cơ bị cám dỗ không phải chỉ riêng có ở người khác mà thôi:
“Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (Gal. 6:1).
Để có thể sống giàu lòng thương xót, chúng ta phải biết để cho Đức Chúa Jêsus bày tỏ sự thương xót của Ngài qua chúng ta. Cơ Đốc Nhân là chỗ để cho Chúa bày tỏ sự vinh hiển của Ngài ra cho Dân Ngoại được biết, để rồi họ sẽ đặt niềm tin nơi Ngài:
“Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa Dân Ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về sự vinh hiển” (Côl. 1:27).
Bằng sức riêng, chúng ta không thể nào thực sự thương xót tha nhân theo như Đức Chúa Trời muốn được. Chỉ khi nào chúng ta trình dâng hết nỗi cay đắng, buồn phiền của chúng ta cho Đức Chúa Jêsus, bằng lòng để cho Ngài sống và hành động qua con người của chúng ta thì đức thương xót mới có thể trở nên một thái độ thường trực trong nếp sống của chúng ta được:
“12Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục, 13nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: Như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Côl. 3:12-13).
 
III. PHẦN THƯỞNG CHO ĐỨC THƯƠNG XÓT
Trước hết, trong sự dạy dỗ này của Đức Chúa Jêsus có kèm theo một lời hứa về sự “được thương xót”:
“Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót” (Ma. 5:7).
Một khi Đức Chúa Jêsus đã phán hứa như thế thì chắc chắn là người sống giàu lòng thương xót sẽ được hưởng phước từ nơi Ngài, vì Ngài là thành tín.
Trước hết, người có đức thương xót được hưởng sự bình an. Người có đức thương xót là người chịu để Thánh Linh của Đức Chúa Trời hành động trong tấm lòng của họ, qua đời sống của họ. Người sống giàu lòng thương xót không còn bị dày vò bởi sự tranh chiến nội tâm do khuynh hướng tự cao, ương ngạnh và lòng nặng nề, căm tức, bực bội,… Được Đức Thánh Linh thanh tẩy các xúc cảm tiêu cực, người có đức thương xót sẽ kinh nghiệm được niềm vui, đời sống tinh thần của họ sẽ được thăng hoa, hướng thượng:
“13Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài. 14Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, 15hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Phil. 2:13-15).
Người có đức thương xót sẽ nhận được sự thương xót của tha nhân. Trên một phương diện, cuộc đời này như một tấm gương phẳng có tác dụng phản chiếu những gì người ta đặt trước nó. Qui luật “gieo và gặt” vẫn nghiệm đúng đối với đức thương xót . Ngoài ra, nếu tình yêu sản sinh ra tình yêu thì sự thương xót cũng sẽ đem về sự thương xót:
“36Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót. 37Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình. 38Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Lu. 6:36-38).
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là người có đức thương xót sẽ được chính Đức Chúa Trời thương xót:
“14Vả, nếu ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma. 6:14-15).
 
Bằng sức riêng của bản chất người thiên nhiên, người ta chỉ có thể yêu thương, tha thứ, nhân từ đối với những ai yêu thương, tha thứ, nhân từ đối với họ mà thôi. Cơ Đốc Nhân là người mới trong Đức Chúa Jêsus (2Cô. 5:17), họ phải được đổi mới nhờ quyền năng Đức Thánh Linh. Mệnh lệnh đối với Cơ Đốc Nhân là phải giàu lòng thương xót, và lời hứa dành cho họ là họ sẽ được thương xót. Dầu vậy, đức thương xót của Cơ Đốc Nhân không phải chỉ để được thưởng mà chính yếu là để trở nên giống với Đấng kêu gọi họ:
“46Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? 47Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? 48Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma. 5:46-48).
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_phuocchonhungkehaythuongxot.pdf
File Size: 414 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách