“HÃY SỐNG HẠ MÌNH GIỐNG NHƯ CHÚA!” (Phil. 2:5–11) “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” (Phil. 2:5–11) “5Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, 6Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10hầu cho nghe đến danh Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, 11và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Phil. 2:5-11) Sự dạy dỗ mà Sứ Đồ Phaolô đưa ra ở đây thật rõ ràng: Nếu muốn làm một môn đồ thực sự của Đức Chúa Jêsus, chúng ta phải sống giống như Đức Chúa Jêsus đã sống! Chúng ta phải có suy nghĩ như Ngài, có thái độ như Ngài, và có hành động như Ngài… Chúng ta phải tận hiến đời sống mình để đề cao Chúa và thăng tiến tha nhân hầu cho họ có thể đạt đến chỗ tiếp nhận Ngài. I. XUẤT PHÁT ĐIỂM Đối với con người, sống hạ mình là một điều hết sức khó khăn. Cũng giống như chiếc kim la bàn luôn luôn chỉ về hướng Bắc, sự vận động tự nhiên của ý thức con người là cất mình lên chứ không phải là hạ mình xuống! Chắc chắn sự dạy dỗ của phân đoạn Kinh Thánh này sẽ đem lại một sứ điệp khó sống cho nhiều người. Tận trong sâu thẳm của mỗi linh hồn, xu hướng chung là người ta không hưởng ứng với sự hạ mình. Khi Sứ Đồ Phaolô viết rằng “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phil. 1:21) thì điều đó có nghĩa là mọi xúc cảm của vị Sứ Đồ này đều phụ thuộc vào Thân Vị và Công Nghiệp của Đức Chúa Jêsus. Chúng ta chỉ có thể sống được như Phaolô nếu chúng ta cũng biết lấy Đức Chúa Jêsus làm lẽ sống cho mình. Chỉ khi nào lẽ sống của chúng ta là chính Đức Chúa Jêsus thì chúng ta mới có khả năng trở thành Cơ Đốc Nhân tận hiến được: “Tôi đã bị đóng đinh vào Thập Tự Giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và phó chính mình Ngài vì tôi.” (Gal. 2:20) Triết lý sống của Cơ Đốc Nhân là lấy đời sống mình làm phương tiện thể hiện cho sự sống của Đức Chúa Jêsus. Không ai vẫn còn nặng mang tham vọng mà lại có thể mặc lấy tâm tình của Đức Chúa Jêsus được, vì Ngài đã thực sự hạ mình, đã từ thiên thượng xuống tận thế hạ để hầu việc và hy sinh. II. PHẠM VI ĐỀ CẬP Cơ Đốc Nhân phải có những dấu hiệu nào bày tỏ cho sự tận hiến của mình trong cuộc sống đời thường mỗi ngày trong mọi việc? Chính đoạn văn Kinh Thánh này trả lời câu hỏi ấy cho chúng ta. Qua ngòi bút của Sứ Đồ Phaolô Đức Thánh Linh đã khải thị cho chúng ta biết rằng để biểu lộ một đời sống tận hiến cho Đức Chúa Jêsus, chúng ta phải thực hiện một số các cấp độ hạ mình khác nhau theo như chính Đức Chúa Jêsus đã thể hiện: Thứ nhất, Đức Chúa Jêsus đã tự rời bỏ Thân Vị Đức Chúa Trời Thiên Thượng: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ.” (Phil. 2:6) Tiến trình hạ mình của Đức Chúa Jêsus đã bắt đầu từ đâu? Ấy là từ Thượng Đỉnh (không phải “thượng đỉnh”). Đức Chúa Jêsus là một Thân Vị trong Tam Vị Nhất Thể, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thượng Đế. Trí tuệ hữu hạn của loài người (là loài thọ tạo) không thể nào hiểu tường tận lẽ đạo Tam Vị Nhất Thể được, nhưng đó là Lẽ Thật, là Chân Lý. Đức Chúa Jêsus hằng hữu đồng đẳng với Đức Chúa Cha và Đức Thánh Linh, khi Đức Chúa Jêsus khởi sự tiến trình hạ mình của Ngài, Ngài đã khởi đầu từ Thượng Đỉnh. Từ đỉnh thang bắc cho nhân loại để họ có thể lên chốn thượng thiên, Đức Chúa Jêsus đã tự hạ mình xuống nơi thấp nhất là thế gian, Ngài đã thân hành xuống tận chân thang để đón nhân loại về! (Sv. Sáng. 28:12; Gi. 1:51). Sự từ bỏ địa vị Thượng Đỉnh của Đức Chúa Jêsus đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Chúng ta đang có thái độ như thế nào đối với các chủ quyền và đặc quyền của chúng ta? Gương hạ mình của Đức Chúa Jêsus phản ánh trung thực các sự dạy dỗ Kinh Thánh về vấn đề quyền lợi của Cơ Đốc Nhân. Quyền hợp Kinh Thánh của Cơ Đốc Nhân nhiều khi lại chính là quyền từ bỏ một hoặc nhiều quyền lợi hợp Kinh Thánh và hợp pháp của họ. “Bị mất” luôn luôn là một ý tưởng đáng sợ đối với tất cả mọi người, kể cả các Cơ Đốc Nhân trưởng thành! Theo bản chất, chúng ta vốn có khuynh hướng giành giật. Đổi sự giành giật những điều thế gian để nắm bắt các giá trị thuộc về sự sống đời đời là một điều quá khó, nhưng đó không phải là một sự tùy chọn để chúng ta có thể từ chối! “1Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. 2Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; 3vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. 4Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.” (Phil. 3:1-4) Đức Chúa Jêsus đã từ đỉnh thang bước xuống đến tận chân thang, chúng ta cũng hãy noi gương Ngài! Thứ hai, Đức Chúa Jêsus đã tự làm cho trống rỗng sự vinh quang của mình: “chính Ngài đã tự bỏ mình đi” (Phil. 2:7a). “Kenoo” (“tự bỏ mình”) là một động từ Hylạp để nói về hành động làm cho trở thành không có những sự vốn có, và giáo lý Kinh Thánh này được gọi là giáo lý “kenosis” – giáo lý tự bỏ mình của Đức Chúa Jêsus. Khi “tự bỏ mình đi”, Đức Chúa Jêsus không bị mất bản chất Thiên Thượng, Ngài vẫn cứ là một Ngôi trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời vinh hiển nhưng không thể hiện các thuộc tính vinh hiển của Ngài ra để Ngài có thể chịu lấy phận người như chúng ta. Niềm tin và hy vọng thiết tha của chúng ta khiến chúng ta thích nghĩ về Chúa với những hình ảnh vinh hiển (và đó là một điều phải lẽ), nhưng Chúa cũng muốn chúng ta học theo Ngài trong sự tự bỏ mình để dấn thân, hy sinh. Cho đến lúc các tôi tớ của Đức Chúa Trời “được đóng ấn” (Khải. 7:3), Kinh Thánh gọi Đức Chúa Jêsus là Chiên Con “đã bị giết”, và kể Hội Thánh của Ngài như “Người Đàn Bà” mang thai bị hiếp đáp: “… Chính giữa Ngôi và Bốn Con Sinh Vật, cùng chính giữa Các Trưởng Lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết…” (Khải. 5:6). “4… con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi…” (Khải. 12:4b). Đức Chúa Jêsus cũng đã từng tỏ cho chúng ta biết rằng có một phép Báptêm mầu nhiệm và đau đớn mà các Cơ Đốc Nhân chân thực đều phải trải qua: “… Các ngươi sẽ uống chén Ta uống, và sẽ chịu phép Báptêm Ta chịu…” (Mác 10:39). Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta sẽ không thể “xuống thang” theo gương Chúa được nếu như chúng ta không biết tự từ bỏ “vinh quang” tạm bợ hiện nay! Thứ ba, Đức Chúa Jêsus đã chịu lấy phận người: “7… lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8Ngài đã hiện ra như một người…” (Phil. 2:7b-8a). Sự hạ mình này của Đức Chúa Jêsus chứa đựng ba nội dung chính: (1) Ngài tự mặc lấy bản chất người, (2) Ngài chịu sống theo thân phận con người, (3) Ngài hoàn thành mục đích Thiên Thượng trong nhân trạng của Ngài. Tất cả những điều này đều trái ngược hẳn các thuộc tính vốn có của Ngài, thế mà Đức Chúa Jêsus đã hoàn thành viên mãn tất cả các điều ấy! Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã phản ứng như thế nào khi có người đối xử với chúng ta chưa hợp với chức danh, địa vị,… vốn có của chúng ta? Chúng ta có thái độ như thế nào khi phải hạ cố đối với người khác? Chúng ta đã làm gì để là tỏ ra là “muối của đất”, “sự sáng của thế gian” (Ma. 5:14-14)? Thứ tư, Đức Chúa Jêsus đã thuận phục Đức Chúa Cha cho đến chết: “…tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết…” (Phil. 2:8b) Ngài đã chịu chết! Chúng ta không thể thấy hết ý nghĩa của sự hạ mình này này nếu chúng ta không nhớ được rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời, Ngài là Sự Sống và là Đấng ban hơi sống cho mọi loài… “Sự Sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi.” (1Gi. 1:2; Sv. Gi. 1:2-3; Rô. 1:3-4; 1Cô. 8:6b) Đấng vốn là Sự Sống đã hạ mình vâng phục để hoàn thành chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Cha: “14Vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là Ma Quỉ, 15lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm tromg vòng tôi mọi trọn đời.” (Hê. 2:14-15) Thứ năm, Đức Chúa Jêsus đã chịu lấy cái chết nhục nhã và đau đớn của tội nhân: “… thậm chí chết trên Cây Thập Tự.” (Phil. 2:8b) Thập Tự Giá không phải chỉ để làm cho chết mà là một hình pháp để lăng nhục tội nhân. Đức Chúa Jêsus đã tự xuống khỏi địa vị tối vinh quang để nhận lấy địa vị cực ô nhục. Sự hạ mình của Đức Chúa Jêsus là sự hạ mình tuyệt đối, nghĩa là chẳng còn có sự hạ mình nào hơn thế được. Đức Chúa Jêsus vốn là Đấng Sáng Tạo Và Tể Trị của cả vũ trụ đã tự rời bỏ Thân Vị Đức Chúa Trời Thiên Thượng, đã tự làm cho trống rỗng sự vinh quang của mình, đã chịu lấy phận người, đã thuận phục Đức Chúa Cha cho đến chết, và đã chịu lấy cái chết đau đớn, nhục nhã của tội nhân trên Thập Tự Giá! Tại sao Đức Thánh Linh đã cho phép Sứ Đồ Phaolô trước thuật các bước hạ mình tuyệt đối này của Đức Chúa Jêsus? Phải chăng chỉ để nhắc chúng ta nhớ đức hạ mình độc nhất vô nhị của Cứu Chúa chúng ta? Tất nhiên là Đức Thánh Linh muốn chúng ta nhớ đến công đức hạ mình của Đức Chúa Jêsus, nhưng đó không phải là lý do chính để đoạn văn Kinh Thánh này được trước thuật. Đức Thánh Linh đã sử dụng ngòi bút của Sứ Đồ Phaolô để vừa nhắc nhở, vừa kêu gọi Hội Thánh tại thành Philíp (hai ngàn năm trước) cũng như Hội Thánh chúng ta (ngày nay) phải sống hạ mình như Đức Chúa Jêsus đã sống: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có.” (Phil. 2:5) Cặp theo sự dạy dỗ phước hạnh này còn có một sự gợi nhắc về tương lai vinh hiển của chúng ta khi chúng ta sẽ được đồng trị cùng Ngài: “ 9Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10hầu cho nghe đến danh Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, 11và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Phil. 2:9-11) (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |