“PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ CHỊU BẮT BỚ VÌ SỰ CÔNG BÌNH” (Ma. 5:10) “Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì Nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy.” (Ma. 5:10) Sứ Đồ PhaoLô đã từng mô tả nhiều hình thức bắt bớ mà ông phải chịu trong quãng đời hầu việc Chúa ở cương vị người giảng Tin Lành. PhaoLô kể cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã giải cứu ông qua tất cả những điều ấy. Các từng trải cá nhân của Sứ Đồ PhaoLô được Đức Thánh Linh cảm thúc thành lời: “12Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ. 13Nhưng những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa” (2Ti. 3:12-14). Đức Chúa Trời không hề hứa cho những người tin Ngài về một đời sống “thoải mái”! Thật ra, sống giữa thế gian này, nếu ai kính yêu Đức Chúa Trời thì tất phải gặp bắt bớ; chỉ có điều là việc ấy thuộc trong chương trình tốt đẹp của Đức Chúa Trời: “10Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy. 11Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các Đấng Tiên Tri trước các ngươi như vậy” (Ma. 5:10-12). Cơ Đốc Nhân thường chịu bắt bớ vì hai lý do chính: Thứ nhất, vì họ sống một đời sống công nghĩa theo tiêu chí của Đức Chúa Trời. Thứ hai, họ không còn chịu ở dưới sự điều khiển của tên chủ nô ngày trước mà đã thuộc về Đức Chúa Trời: “Phước cho các ngươi khi vì cớ Con Người, thiên hạ sẽ ghét, đuổi, mắng nhiếc các ngươi, bỏ tên các ngươi như đồ ô uế…” (Lu. 6:22). I. MỘT SỐ HÌNH THỨC BẮT BỚ… A. HẠI HÀNH… Ý nghĩa căn bản của từ liệu “bắt bớ” (Gk. dioko) là xua đuổi hay săn đuổi, săn lùng. Từ liệu này bao hàm cả sự hại hành, sách nhiễu, ngược đãi mà tình trạng tù tội hay bị sát hại là các biểu hiện tập trung trong mọi giai đoạn lịch sử của xã hội loài người. Kể từ ngày Êtiên bị ném đá cho chết (Công. 7:54-60) vì sự kết ước sắt son với Cứu Chúa của mình, sự bắt bớ thuộc thể trên các Cơ Đốc Nhân không ngừng gia tăng. Giacơ, con của Xêbêđê, bị chém đầu. Tục truyền rằng trên đường ra pháp trường, kẻ cáo giác Giacơ đã rất cảm kích trước lòng dũng cảm của Giacơ nên đã ăn năn tội, cũng đã tự nhận mình là Cơ Đốc Nhân để cùng chịu xử tử hình với Giacơ. Sứ Đồ Philíp đã bị bỏ tù và cuối cùng bị xử đóng đinh năm 54 SC. Sứ Đồ Mathiơ đã phải chịu chết dưới lưỡi gươm. Sứ Đồ Mathia bị ném đá tại thành Giêrusalem trước khi bị chém đầu. Anhrê, em của Sứ Đồ Phierơ, đã bị đóng đinh trên thập tự giá hình chữ X. Sứ Đồ Mác đã phải bị ngựa kéo trên pháp trường tại thành Alécxandria, thân thể nát tan thành hàng trăm mảnh. Người ta kể rằng khi Sứ Đồ Phierơ bị xử đóng đinh, ông đã xin một đặc ân là được treo ngược đầu xuống đất vì ông cảm thấy mình chẳng xứng để chịu cùng một loại pháp hình với Đức Chúa Jêsus. Sứ Đồ PhaoLô đã bị chém đầu. Sứ Đồ Giuđe bị xử đóng đinh. Sứ Đồ Batêlêmy đã bị đánh đập tơi bời trước khi đem treo lên thập tự giá. Sứ Đồ Thôma đã bị giáo đâm xuyên qua ngực cho chết. Theo truyền thuyết, Sứ Đồ Luca bị treo cổ trên một cây Ôlive. Sứ Đồ Simôn bị xử đóng đinh năm 74 SC. Banaba cũng đã bị hành hình trước đó một năm, năm 73 SC. B. SỈ NHỤC… Trút đổ những lời thóa mạ, hằn học hay trêu chọc nham nhở đối với các Cơ Đốc Nhân là chuyện thường tình. Làm công dân của Nước Thiên Đàng là chấp nhận mọi điều phỉ báng của thế gian. Đến như Đức Chúa Jêsus cũng đã từng phải chịu bạt tai, đánh đâp, sỉ vả suốt quãng đường lên đồi Gôgôtha. Lòng trung tín với Đức Chúa Jêsus của Cơ Đốc Nhân nhất định phải được trả giá bằng mọi loại lời lẽ sỉ nhục, chế nhạo. Không phải chỉ ở những xứ mà Cơ Đốc Giáo là thiểu số Cơ Đốc Nhân mới chịu khổ. Ngay tại các quốc gia tiên tiến cũng vẫn thế. Cơ Đốc Nhân tại Hoa Kỳ vẫn phải gặp sự chế nhạo, đố kỵ, kỳ thị,… Họ vẫn có thể bị chủ đuổi việc vì niềm tin tôn giáo của họ cũng giống như Cơ Đốc Nhân ở các nước Châu Á, Châu Phi,… C. VU CÁO… Không những chỉ chịu sỉ nhục trước mặt, Cơ Đốc Nhân còn bị cáo kiện sau lưng nữa. Trong lịch sử nhân loại, Cơ Đốc Nhân là đối tượng để người ta “đổ thừa”: Đốt thành, giết trẻ em, ăn thịt người, lật đổ chế độ… Chúng ta không nên lấy làm lạ về những điều ấy, cả Giăng Báptít lẫn Đức Chúa Jêsus đều cùng chịu cáo buộc tương tự: “18Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. 19Con Người đến, hay ăn, hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham mê ăn uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết. Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy” (Ma. 11:18-19). II. PHẢN ỨNG CỦA CHÚNG TA… Cơ Đốc Nhân chỉ có duy nhất một thái độ để theo trước các sự bắt bớ đối với niềm tin của họ. Đó là sự vui vẻ chấp nhận: “Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ,…” (Ma. 5:12a). Đây là một sự dạy dỗ lạ lùng: “Hãy vui vẻ” (Gk. chairo). Làm thế nào chúng ta có thể vui vẻ được khi phải chịu bắt bớ? Chúng ta chỉ có thể có thái độ ấy nếu thật lòng tin vào chương trình “Tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô. 12:2). Chúng ta sẽ có thể vui vẻ đối với sự bắt bớ vì cớ niềm tin tôn giáo của mình khi tin quyết rằng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn phần thưởng cho chúng ta: “… Vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; …” (Ma. 5:12b). Thánh đồ mọi thời đại đều biết vui vẻ, họ chấp nhận “Chịu đau đớn với Ngài hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài’ (Rô. 8:17). Sứ Đồ PhaoLô viết bởi Đức Thánh Linh để dạy chúng ta: “… 3Chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, 4sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy. 5Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô. 5:3-5). Sứ Đồ Phierơ cũng viết dạy chúng ta theo cùng một ý tưởng ấy: “Nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn: Thà hãy vì Danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn” (1Phi. 4:16). Cơ Đốc Nhân chỉ có thể vui vẻ trước các sự bắt bớ khi họ nhận thức được một cách rõ ràng rằng đời sống trên thế gian này là tạm, và họ kể rằng “Đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Côl. 3:3). Cơ Đốc Nhân chỉ có thể vui vẻ trước các sự bắt bớ khi họ không “19Chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; 20nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy” (Ma. 6:19-20). Sự vui vẻ của Cơ Đốc Nhân trước các sự bắt bớ sẽ đến khi họ biết được rằng họ thuộc về đại gia đình các thánh đồ của mọi thời đại: “ … Bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các Đấng Tiên Tri trước các ngươi như vậy” (Ma. 5:12c, Sv. Hê. 11:32-40). Đức Tổng Giám Mục John Chrysostom (Tức John of Antioch, 347-407 SC., được tấn phong Linh Mục năm 386 SC., Tổng Giám Mục tại Constantinople năm 407 SC.) đã từng mạnh mẽ giảng dạy để vạch trần tội lỗi đến nỗi làm mếch lòng Hoàng Hậu Eudoxia cũng như nhiều chức sắc Giáo Hội khác. Khi Hoàng Đế Arcadius cho đòi vào để răn đe rằng nếu không chịu ngưng sự giảng dạy ấy sẽ bị lưu đày. John Chrysostom trả lời Hoàng Đế Arcadius: “Thưa Ngài, Ngài không thể nào lưu đày tôi được, vì cả thế gian này là nhà của Cha tôi!”. Khi Hoàng Đế Arcadius dọa giết, John Chrysostom dõng dạc trả lời: “Ngài không thề giết được tôi đâu, vì sự sống của tôi đã được giấu với Đức Chúa Jêsus Christ trong Đức Chúa Trời”. Tức giận, Hoàng Đế Arcadius hét lên: “Giỏi! Ta sẽ tịch thu hết tài sản nhà ngươi!”. John Chrysostom trả lời: “Thưa Ngài, đó cũng là một điều Ngài không sao làm được, vì tôi đã chứa của cải của tôi ở trên trời là nơi không ai có thể đào ngạch khoét vách mà lấy được!”. Hoàng Đế Arcadius ra quyết định: “Trẫm sẽ bắt nhà ngươi đến một nơi hoang vu, xa lạ; phải sống cô đơn không có bất cứ ai ở bên cạnh nhà ngươi cả”. John Chrysostom trả lời: “Không khi nào Ngài có thể làm được như thế vì Đức Chúa Trời của tôi có hứa rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ tôi!”. Sau đó John Chrysostom đã bị phát vãn. Ban đầu phải chịu biệt cư ở Armenia. Vẫn không thỏa lòng, những kẻ bắt bớ John Chrysostom quyết định đày ông xa hơn về phía Hắc Hải, tại Pytius. Thế nhưng Arcadius đã không thể được toại nguyện vì trên đường đi Pytius, Đức Chúa Trời đã đón linh hồn John Chrysostom về Thiên Đàng để vui hưởng phước hạnh đời đời, thoát khỏi sự bắt bớ của đời ác này… “10Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy. 11Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các Đấng Tiên Tri trước các ngươi như vậy” (Ma. 5:10-12). III. PHẢI HIỂU CHO ĐÚNG… Để có thể hưởng được ơn phước Thiên Thượng, chúng ta cần phải hiểu đoạn văn Kinh Thánh này cho đúng. Phước hạnh và sự an ủi của đoạn văn Kinh Thánh này không dành cho tất cả những ai “bị bắt bớ’ mà chỉ dành cho những ai “chịu bắt bớ vì sự công bình”. Trong lịch sử nhân loại, có nhiều hoạt động tôn giáo và khá nhiều nhà hoạt động tôn giáo phải chịu bắt bớ, thế nhưng không phải tất cả các sự bắt bớ vì tôn giáo đều là “bắt bớ vì sự công bình”: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác…” (1Phi. 4:15). Phước hạnh không dành cho những người thực hành niềm tin tôn giáo của mình một cách lập dị, trái khoáy. Phước hạnh không dành cho những người phát triển niềm tin tôn giáo của mình một cách ngạo mạn, dối gạt, hay kém thiếu về đức khiêm nhường. Phước hạnh cũng không dành cho những con người giả danh tôn giáo… Kinh Thánh không hề hứa sự phước hạnh cho những con người ngoan cố, ngỗ ngáo. Kinh Thánh dạy: “16Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muôn sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu. 17Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong Nhà Hội…” (Ma. 10:16-17). Thật ra, những người “chịu bắt bớ vì sự công bình” chính là những người có đời sống bày tỏ được các mỹ đức của Đức Chúa Jêsus, họ có đời sống giống như Cứu Chúa của mình và cho Cứu Chúa của mình: “14Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí; 15nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ” (1Phi. 3:14-15). “Ví bằng anh em vì cớ Danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em” (1Phi. 4:14). “18Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét Ta trước các ngươi. 19Nếu các ngươi thuộc về thế gian; thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Gi. 15:18-19). Lời hứa trong sự dạy dỗ ở đây tương đồng với lời hứa dành cho “những kẻ có lòng khó khăn” (Ma. 5:3). Cả hai đối tượng này cùng được hưởng “Nước Thiên Đàng”. Trên một phương diện, “Nước Thiên Đàng” chính là kinh nghiệm bản thân về sự điều khiển, dắt dẫn của Đức Chúa Trời trên đời sống cá nhân. Để hưởng được “Nước Thiên Đàng”, trước hết người ta phải mở cửa lòng mình ra để đón nhận (Ma. 5:3). “Nước Thiên Đàng” là năng lực cảm thụ và đáp ứng với quyền năng Thiên Thượng khiến cho Cơ Đốc Nhân không còn sống theo các tiêu chí của thế gian. Một khi “Nước Thiên Đàng” ngự trị trong đời sống một người, bông trái Thánh Linh tất yếu phải được bày tỏ, và cũng chính vì thế mà Cơ Đốc Nhân phải “chịu bắt bớ” (Ma. 5:10). Ngày nay, thế gian bắt bớ Cơ Đốc Nhân vì cùng một lý do mà ngày xưa người ta đã bắt bớ Đức Chúa Jêsus. Cơ Đốc Nhân “chịu bắt bớ” vì phẩm hạnh của họ có tác dụng vạch trần tính chất bại hoại của đời này. Phẩm hạnh Cơ Đốc luôn luôn là mẫu đối chứng để thế gian nhận biết mỹ đức Thiên Đàng. Sự khác biệt giữa Cơ Đốc Nhân và người đời là một sự khác biệt căn bản, đó là sự khác biệt giữa sáng và tối. “Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hế nhận lấy sự sáng…” (Gi. 1:5). “Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê…” (1Phi. 4:4). Nhưng nào có hề gì! “19Sự cuối cùng của họ là hư mất, họ lấy bụng mình làm Chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi. 20Nhưng chúng ta là công dân trên trời, ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa của mình là Đức Chúa Jêsus Christ, 21Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật” (Phil. 3:19-21). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |