“HÃY CHỊU KHỔ VÌ DANH CHÚA!” (1Phi. 4:12-19) “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín.” (1Phi. 4:19) Malcolm Muggeridge, một nhà hoạt động Cơ Đốc được xem là có tài hùng biện “như các vị Sứ Đồ”, đã nhìn nhận như thế này: “Tôi có thể nói hoàn toàn thực lòng rằng tất cả những gì tôi đã học được trong quãng đời 75 năm trên đời này của tôi, những gì đã thực sự thăng tiến và soi sáng cho vốn sống của tôi, tất cả đều đã được đến từ nỗi đau chứ không phải từ niềm vui”. Chính qua nỗi đau và sự chịu khổ mà những bài học lớn nhất cho cuộc sống đã được chắt lọc, tích lũy. Chính những nhà giảng luận bậc thầy trong thế giới Cơ Đốc Giáo đã xác nhận điều ấy. Samuel Rutherford cho biết rằng khi mình phải ở trong hố sâu của những sự khổ đau thì đó cũng chính là lúc ông thấy như được ở trong những gian hầm lớn chứa vô số mỹ tửu của một hoàng đế thịnh vượng. Một nhà giảng luận Báptít nổi tiếng, Charles Spurgeon, nói: “Chỉ những ai đã từng lặn lội trong các vùng biển khổ đau mới có thể đem về được những viên ngọc quí”. Sứ Đồ Phierơ khích lệ chúng ta hãy vui mừng giữa khi chịu khổ bằng cách nhìn vào một viễn cảnh tươi sáng hơn là hoàn cảnh đen tối hiện thời. Dầu hiện tại trông có vẻ đen tối, vẫn có một tương lai xán lạn ở phía sau những gì chúng ta đang trông thấy và cảm nhận. Trong mạch văn của phân đoạn Kinh Thánh này, Sứ Đồ Phierơ giải thích cho sự chịu khổ bằng cách trả lời câu hỏi “Tại sao?”. Thật vậy, mỗi khi phải chịu bắt bớ vì danh Đức Chúa Jêsus, chúng ta đều hỏi “Tại sao?”. Đó là một câu hỏi có ích, chúng ta cần phải biết đích điểm của việc chịu khổ vì làm một chứng nhân kiên định cho Tin Lành của Đức Chúa Trời là gì? A. Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao chúng ta phải chịu khổ?” có thể được tìm thấy ngay trong 1Phi. 4:19: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín.”. Dầu rằng thoạt đầu trông có vẻ khó hiểu, nhưng chúng ta rất dễ nhận ra rằng ấy chính là theo ý muốn của Đức Chúa Trời mà mỗi một người chúng ta phải chịu đựng các nỗi đau trên bước đường theo Chúa. Sự đau khổ không những được Đức Chúa Trời cho phép xảy đến trong đời sống của chúng ta, nó còn được Đức Chúa Trời sử dụng để hoàn thành chương trình và mục đích của Ngài. Thế nhưng, tại sao Đức Chúa Trời lại dùng việc chịu khổ? “12Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. 13Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. 14Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (1Phi. 4:12-14) I. VIỆC CHỊU KHỔ THANH TẨY VÀ TINH LUYỆN ĐỨC TIN CHÚNG TA 1. Chịu Khổ Như Trải Qua Thử Thách Sứ Đồ Phierơ gọi việc chịu khổ là “lò lửa thử thách” (C. 12 > Gk. purosis: đốt để tinh luyện). Một sự thử thách có thể là một sự cám dỗ, mà cũng có thể là một cuộc thử nghiệm. Sự cám dỗ nhằm mục đích làm sụp đổ đức tin của chúng ta. Ngược lại, cuộc thử nghiệm là nhằm làm cho đức tin của chúng ta trở nên vững chắc hơn. Như chúng ta đã biết, Đức Chúa Trời không cám dỗ ai cả: “Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai” (Gia. 1:13). Không bao giờ Đức Chúa Trời muốn làm cho chúng ta phạm tội. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho phép sự chẳng lành đến với chúng ta như một sự thử nghiệm để luyện lọc, tinh chế đức tin của chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này nghiệm đúng trong trường hợp của Ađam và Êva, Gióp, cũng như trong việc Đức Chúa Jêsus chịu cám dỗ trong đồng vắng. Mặc dầu Đức Chúa Trời không phải là nguồn gốc của sự cám dỗ, Ngài vẫn cho phép sự cám dỗ xảy ra như một phương tiện để tinh luyện đức tin của Dân Ngài. Thực tế ấy cũng được Sứ Đồ Phierơ bày tỏ trong một nơi khác: “6Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; 7hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra” (1Phi. 1:6-7). Sự thử nghiệm làm cho chúng ta phải buồn khổ, nhưng đó là điều cần thiết vì chỉ qua thử nghiệm chúng ta mới biết đức tin của mình có thật hay không. Qua thử nghiệm, chúng ta tỏ cho thấy đức tin của mình ra sao là điều bảo đảm cho sự vinh hiển tương lai và đời đời của chúng ta. Như vậy, việc chịu khổ được sử dụng theo ý muốn của Đức Chúa Trời như một phương tiện tinh luyện cho đức tin. Đức Chúa Trời dùng việc chịu khổ cho chúng ta tự chứng đức tin của mình. Kim loại phải được tinh luyện bằng nhiệt độ cao thế nào thì đức tin của chúng ta cũng cần được thử nghiệm trong lửa chịu khổ thế ấy. 2. Chịu Khổ Như Hậu Quả Của Tội Lỗi Tuy nhiên, không phải tất cả các sự chịu khổ đều theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Có nhiều việc chịu khổ không phải do Đức Chúa Trời gửi đến để tinh luyện đức tin của chúng ta mà là do chúng ta chuốc lấy vì thiếu sự toàn tín đối với Ngài. “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác.” (1Phi. 4:15) Lời của Sứ Đồ Phierơ chỉ ra cho chúng ta thấy còn có nhiều nguy cơ khác khiến chúng ta phải chịu khổ, và tất cả các nguy cơ ấy đều là hậu quả của tội lỗi. Lời Kinh Thánh chỉ rõ rằng chẳng phải tất cả những gì chúng ta phải nếm chịu đều thuộc về trận chiến thuộc linh. Cơ Đốc Nhân được kêu gọi hãy chịu khổ vì làm điều đẹp ý Đức Chúa Trời (1Phi. 4:19), và chỉ để làm điều đẹp ý Đức Chúa Trời mà thôi (Sv. Công. 4:19; 5:29). Như vậy, mỗi người cần phải hết sức thận trọng trong công việc của mình để khỏi làm ô nhục sự chịu khổ của Đức Chúa Jêsus và các thánh đồ của Ngài. II. VIỆC CHỊU KHỔ LÀM VINH HIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI Mục đích thứ hai của việc chịu khổ của Cơ Đốc Nhân là làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời: “Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn.” (1Phi. 4:16) Hãy chú ý lời của Tiên Tri Êsai: “9Ta vì danh mình mà tạm nhịn giận Ta; vì sự vinh hiển mình mà nhịn nhục đối với ngươi, đặng không hủy diệt ngươi. 10Nầy, ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc; Ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn. 11Ấy là vì Ta, một mình Ta, mà Ta sẽ làm điều đó; vì Ta há để nhục danh Ta sao? Ta sẽ chẳng nhường sự vinh hiển Ta cho thần nào khác.” (Ês. 48:9-11) Theo ý muốn của Đức Chúa Trời, sự chịu khổ của chúng ta làm vinh hiển Ngài. Chúng ta không thể nào làm vinh hiển Chúa khi chúng ta làm sai, nhưng một khi vì ý muốn của Đức Chúa Trời mà chúng ta phải chịu khổ thì chúng ta làm vinh hiển Ngài. Bằng sự chịu khổ, chúng ta làm cho danh Ngài hiển hiện ra giữa thế giới này. Làm sáng danh Đức Chúa Trời là mục đích tối hậu mà ai nấy đều phải ra sức thực hiện cho được: “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen.” (1Phi. 4:11). Khi vì cớ Đức Chúa Jêsus mà chúng ta trung tín chịu khổ, chúng ta làm cho vinh hiển danh Đức Chúa Trời. III. PHẢI CHỊU KHỔ VÌ SỰ PHÁN XÉT ĐƯỢC KHỞI TỪ NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI Lý do thứ ba khiến Đức Chúa Trời để cho Dân Ngài chịu khổ được tìm thấy trong câu 17: “Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời; vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?” (1Phi. 4:17) Đây là một câu hỏi không kém phần quan trọng: “Vì sao hiện nay lại là thời kỳ đang có sự phán xét đối với gia đình Đức Chúa Trời? Đã là người nhà của Đức Chúa Trời, tại sao các Cơ Đốc Nhân lại còn phải chịu phán xét? Bản chất của sự phán xét ấy là như thế nào?” Sự phán xét mà Sứ Đồ Phierơ nhắc đến ở đây không phải là sự phán xét đời đời dành cho những người không tin khi Đức Chúa Jêsus tái lâm. Sự phán xét được nói đến ở đây là sự phán xét nhất thời để củng cố cho Hội Thánh vững mạnh trước khi Đức Chúa Jêsus trở lại để đón nhận. Sự phán xét mà Sứ Đồ Phierơ nhắc đến không phải là một tai họa cho Hội Thánh. Trái lại, tai họa là ở chỗ Hội Thánh không biết tự chuẩn bị mình cho sự chịu khổ phải có trước khi Đức Chúa Jêsus tái lâm. Đó đây vẫn còn khá nhiều người cho rằng đời sống theo Chúa là một đời sống an nhàn, không cần phải trả giá, không cần phải tự chuẩn bị mình để được hoàn thành sự cứu rỗi,… Đời sống theo Chúa không phải là một cuộc phiêu lưu vô định với những diễn biến bất định: “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?” (Lu. 14:28) Đời sống theo Chúa không phải là không có giá phải trả: “Ai không vác cây thập tự mình mà theo Ta, thì cũng chẳng đáng cho Ta” (Ma. 10:38). Đời sống theo Chúa là một cuộc kinh nghiệm quyền năng đắc thắng của Đức Chúa Trời qua mỗi ngày, trong từng việc: “Nếu ai muốn theo Ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta.” (Lu. 9:23) Trong những năm 1930 ở Nga, làm thành viên tích cực của Hội Thánh đồng nghĩa với việc trở thành một kẻ phản động đối với chế độ. Kinh Thánh đã từng bị ráo riết tịch thu, và nhiều tín hữu đã phải bỏ mình chỉ vì không chịu từ bỏ niềm tin. Một ngày kia, giữa khi một nhóm tín hữu tư gia đang nhóm lại với nhau thì có một tốp lính đến. Biết trong nhà có nhiều người đang nhóm lại, họ đứng bên ngoài và thông báo cho biết rằng họ là lính của Nhà Nước; họ cho phép mọi người có 5 phút để được rời khỏi địa điểm trước khi họ vào nhà. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên, hơn một nửa số người đang nhóm đã vội vàng bỏ đi. Số còn lại đang hoang mang, túm tụm lại với nhau ở một góc nhà, thiết tha cầu nguyện… Hết hạn 5 phút, tốp lính bước vào nhà. Họ chào những người còn lại, ngỏ ý cho biết muốn được có một dịp thờ phượng trong sự an toàn, không có mặt những tín hữu dễ bị dao động… Trên một phương diện, sự phán xét của Đức Chúa Trời dành cho gia đình Ngài là để cho Dân Ngài “Khỏi bị án làm một với người thế gian” (1Cô. 11:32) vì “Nếu người công bình còn khó được rỗi, thì những kẻ nghịch đạo và có tội sẽ trở nên như thế nào?” (1Phi. 4:18) B. SỰ ĐÁP ỨNG CỦA CHÚNG TA Nếu đã biết việc chịu khổ vì danh Chúa là theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải quyết tránh những điều không nên làm, và phải quyết làm những điều không nên tránh: I. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM Trên phương diện thụ động, có những việc không nên làm: 1. Thứ nhất, “Chớ Lấy Làm Lạ” (C. 12) “Lấy làm lạ” là ngạc nhiên hay bối rối. Chúng ta không ngạc nhiên về việc chịu khổ trong đời sống Cơ Đốc khi chúng ta đã biết trước rằng có một cái giá phải trả cho đời sống theo Chúa và đã tự chuẩn bị mình về việc ấy (Sv. Lu. 14:28; Ma. 10:38). Chúng ta cũng sẽ không bối rối khi đã biết chấp nhận giá phải trả, và biết nương cậy Chúa để làm trọn phần việc được giao của mình (Sv. Lu. 9:23). 2. Thứ hai, “Đừng Hổ Thẹn” (C. 16) Một khi biết được rằng việc chịu khổ trong đời sống theo Chúa sẽ làm cho vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thôi không còn chịu ảnh hưởng bởi sự phê phán của thế gian nữa. Buồn sẽ được đổi làm vui một khi ý nghĩa đã được nhận thức. Chúng ta sẽ được khích lệ nhiều bởi lời của Sứ Đồ Phaolô: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Cô. 15:58). Chúng ta sẽ xem lời gièm chê của thế gian này là vô nghĩa vì “Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm dật bậy bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê” (1Phi. 4:4). II. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN TRÁNH Tích cực hơn, Cơ Đốc Nhân chân chính phải làm những điều không nên tránh: 1. Thứ nhất, “Hãy Vui Mừng” (C. 13) Thông thường, khi đối diện với sự chịu khổ, chúng ta dễ bị co rúm trong sự đau đớn của hoàn cảnh hiện tại, chúng ta bị hiện trạng làm che lấp mất viễn cảnh. Thay vì dùng thực trạng để làm vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta dễ bị rơi vào chỗ để cho thực trạng cuốn hút chúng ta vào một tiến trình ngày càng bi đát. Điều chúng ta đáng nên làm là phải vui mừng vì biết rằng nhờ sự chịu khổ: (1) Chúng ta giữ được đức tin và sẽ được hưởng tương lai vinh hiển mà Đức Chúa Jêsus sẽ đem đến cho chúng ta khi Ngài trở lại (C. 13); (2) Chúng ta được thông công với sự thương khó của Đức Chúa Jêsus và của các thánh đồ trong quyền phép của Đức Thánh Linh (C. 14). Một vị Mục Sư đã từng chịu nhiều sự tra tấn, bắt bớ dưới thời của Nicholae Ceausescu ở Romania ghi lại như thế này: “Sự liên hiệp với Đức Chúa Jêsus là một sự kiện đẹp nhất trong đời sống Cơ Đốc. Sự liên hiệp với Chúa nói lên rằng tôi không phải chỉ là tôi trên thế gian này mà tôi là cánh tay nối dài của Đức Chúa Jêsus. Khi tôi vì Ngài mà chịu tra tấn, hành hạ thì đó là lúc Ngài chịu tra tấn, hành hạ trong xác thân tôi. Sự chịu khổ của tôi không còn là của riêng tôi nữa. Tôi chỉ là công cụ để tôn cao và chia sẻ sự chịu khổ của Đức Chúa Jêsus mà thôi”. Sự vui mừng trong tương lai của các Cơ Đốc Nhân sẽ tỷ lệ thuận với những nỗi đau vì danh Chúa trong hiện tại: “11Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12Hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm…” (Ma. 5:11-12). 2. Thứ hai, “Hãy Cứ Làm Lành” (C. 19) Làm lành là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vì “Chỉ có một Đấng Nhân Lành, là Đức Chúa Trời” (Mác 10:18). Làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn để nhận biết một người có thuộc về Đức Chúa Jêsus hay không: “Hễ ai làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em Ta, cùng là mẹ Ta vậy” (Ma. 12:50). Việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là sự biểu hiện cao độ và tập trung của đời sống Cơ Đốc. Chính vì thế mà nguyên tắc hành động của Cơ Đốc Nhân mọi thời đại là “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công. 5:29) cho dầu giá phải trả là sự chịu khổ hay bất cứ điều gì. Sự chịu khổ của Cơ Đốc Nhân trên thế gian này không phải là một điều ngẫu nhiên mà là theo mục đích của Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ vì danh Chúa của những người kính yêu Ngài là phổ quát vì “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2Ti. 3:12). Sự chịu khổ của các Cơ Đốc Nhân cũng không phải là một công việc riêng tư của từng người mà là một sự liên hiệp giữa mỗi người tin với chính Ba Ngôi Đức Chúa Trời đến nỗi họ “Được biết Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài…” để rồi “Nên giống như Ngài trong sự chết Ngài”, và rồi sẽ “Được sự sống lại từ trong kẻ chết” (Phil. 3:10-11). Mọi Cơ Đốc Nhân chân chính đều không ngại chịu khổ, họ tin chắc vào lời hứa của Đức Chúa Trời: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em chịu cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1Cô 10:13). Tin, và trung tín trong sự mình đã tin, chúng ta có thể đồng thanh cùng thánh đồ của mọi thời đại rằng “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín” (1Phi. 4:19). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |