REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

4/4/2022

 
Picture
“ÂN ĐIỂN TRONG TRỞ NGẠI NỘI TẠI”
“Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng,
thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan,
để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo”
(2Cô. 12:7)
Theo một chuyện ngụ ngôn của Aesop, có hai chú gà trống đá nhau để giành quyền làm chủ sân kho. Chú gà thua cuộc phải lặng lẽ lẻn đi chỗ khác, nấp mình trong bụi cây, đầy tủi hổ. Trong khi đó, chú gà thắng cuộc nhảy tót lên mái nhà, vỗ cánh, gáy vang mấy hồi liền. Một con diều hâu lớn chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện, từ trên cây cao bổ nhào xuống, cắp chặt chú gà đang gáy giữa những móng vuốt không sao thoát được, đem đi mất dạng. Còn lại chỉ có một mình, chú gà thua cuộc mặc nhiên trở thành kẻ thắng cuộc.
Khi thắng cuộc, con người cũng có khuynh hướng “gáy” như thế. Về mặt bản chất, con người vốn có khuynh hướng tự kỷ trung tâm và kiêu ngạo. Thậm chí, ngay cả khi không có sự cố đặc biệt gì, chỉ cần được bình tịnh, yên ổn, thoải mái, người ta cũng trở thành tự mãn, không biết nương cậy.
Thế nhưng Kinh Thánh cảnh báo rằng “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau,_Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm 16:18). Sự trước thuật trong 2Cô. 12:1- 4 cho thấy Sứ Đồ Phaolô đã kinh nghiệm được những đắc thắng thuộc linh hết sức đặc biệt nhưng rồi ông cũng đã trải qua cuộc tranh chiến với tính tự kỷ trung tâm, và những niềm hân hoan ông nhận được cũng đồng thời là cạm bẫy cho linh hồn.
Không ít người trong chúng ta đang đứng trước mối hại của trạng thái ổn định. Hễ khi nào cuộc sống chúng ta được thuận lợi, tiền bạc dồi dào, tình cảm thỏa mãn,… thì đó cũng chính là lúc chúng ta đứng trước nguy cơ về một tấm lòng thoái hóa và thỏa hiệp: Ngủ quên, càng lúc càng trở nên tự mãn, ít biết nương cậy.
Để giữ chúng ta khỏi mối hại lớn của một tấm lòng mê muội, lạc lầm, đôi khi Đức Chúa Trời cho phép sự trục trặc, đau đớn, hoặc đau khổ xảy đến với chúng ta hầu cho chúng ta thức tỉnh mà quay trở lại nương cậy Ngài:
“Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Satan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo” (2Cô. 12:7).
Lời Kinh Thánh này giải đáp được một loạt các câu hỏi “Tại sao?” của chúng ta: Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho chúng ta phải chịu khổ? Tại sao chúng ta phải nếm mùi đau đớn thể chất và tinh thần? Tại sao thân xác chúng ta phải hao mòn, tình cảm chúng ta phải biến dạng?
Đức Chúa Trời cho phép những điều như thế đến với đời sống của chúng ta để giữ chúng ta ở trong sự hạ mình, tỉnh thức, nương cậy Ngài luôn luôn. Đức Chúa Trời không phải chỉ quan tâm ở những gì chúng ta hoàn thành cho Ngài mà Ngài cũng còn quan tâm đến việc chúng ta trông cậy Ngài như thế nào nữa.
Đã từng có nhiều học giả Kinh Thánh tranh luận với nhau trong một thời gian dài về vấn đề bản chất của “cái giằm” của Sứ Đồ Phaolô. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho thấy vị Sứ Đồ này không lập luận mà chỉ sử dụng bốn từ liệu khác nhau để mô tả cho chúng ta biết “cái giằm” ấy là gì.
 
I. “CÁI GIẰM XÓC VÀO THỊT” (C. 7)

Việc cho biết rằng “Một cái giằm xóc vào thịt tôi” (Gr. σκόλοψ [skolops] “cây gai”) có thể gợi ý cho chúng ta về sự đau đớn thuộc thể, và rất có thể là Sứ Đồ Phaolô đã nghĩ đến nỗi đau của Đức Chúa Jêsus trên Thập Tự Giá, Ngài đã phải chịu gai đâm khi “Họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu” của Ngài (Ma. 27:29). Chiếc mão gai này khi được ấn xuống chắc chắn đã gây đau đớn và làm cho máu từ đầu, trán của Đức Chúa Jêsus phải chảy nhiều trên khuôn mặt của Ngài.
Sứ Đồ Phaolô và chúng ta không phải chịu một “cái mão gai” giống như của Đức Chúa Jêsus mà chỉ có thể là một “cây gai” như thế nào đó mà thôi. Phần lớn các nhà chú giải Kinh Thánh tin rằng Phaolô nói về “cái giằm” để chỉ một bệnh chứng thuộc thể nào đó. Tuy nhiên, một số nhà chú giải khác cho rằng Phaolô nói đến một sự bắt bớ mà ông phải chịu đựng một cách nhức nhối như bị gai đâm vào da, thịt. Ngoài ra, cũng có một số người nghĩ rằng đó là một sự cám dỗ có liên quan đến vấn đề luân lý cứ mãi vây quanh vị Sứ Đồ này và ông phải tranh chiến với nó. Chúng ta không thể nói chắc đó là cái gì, nhưng chúng ta có thể để ý đến lời nhận xét rất có ích của J. Oswald Sanders:
“Thoạt đầu, Sứ Đồ Phaolô xem đó như là một sự trở ngại, nhưng về sau, khi vị Sứ Đồ này nhìn nhận vấn đề theo một góc độ đáng nên có, Sứ Đồ Phaolô nhận ra được rằng đó là một điều có ích”.

II. “QUỈ SỨ CỦA SATAN” (C. 7)

Cho đến ngày nay, Satan vẫn còn làm những sự quấy nhiễu, châm chích của nó. Chúng ta thường mất quân bình trong việc đánh giá sự tác động của Ma Quỉ đằng sau các sự trục trặc mà chúng ta gặp phải: Nhiều khi chúng ta xem thường ảnh hưởng tà ác của Satan, lắm lúc chúng ta lại quá cường điệu nó, qui tất cả mọi sự cho nó mà không nhìn nhận trách nhiệm cá nhân của mình. Hãy để ý đến cách Sứ Đồ Phaolô qui trách cho Satan:
- Khi gặp phải những người ngăn trở chức vụ mình, Sứ Đồ Phaolô kể họ như là con cái của Ma Quỉ, cần phải được sửa dạy để “…25Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, 26và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới Ma Quỉ, vì đã bị Ma Quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó” (2Ti. 2:25-26).
- Khi đối đầu với những kẻ gây sự rối loạn trong Hội Thánh, Sứ Đồ Phaolô nhận biết được bàn tay thủ đoạn của Satan: “17Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi…20Đức Chúa Trời bình an sẽ kíp giày đạp quỉ Satan dưới chân anh em. Nguyền xin Ân Điển của Đức Chúa Jêsus chúng ta ở cùng anh em!” (Rô. 16:17-20).
- Khi không thể đến thăm Hội Thánh Têsalônica được, Sứ Đồ Phaolô xem đó là sự ngăn trở của Satan: “Vì vậy, đã hai lần, chúng tôi, nhứt là tôi, Phaolô, muốn đi đến cùng anh em; nhưng quỉ Satan đã ngăn trở chúng tôi” (1Tê. 2:18).
- Và ở đây, 2Cô. 12:7, Sứ Đồ Phaolô gọi sự bất lợi nội tại trong bản thân ông là “quỉ sứ của Satan”.
Satan có thể làm cho chúng ta trở nên đau yếu, phiền muộn, sa sút,… Mặc dầu xuất phát điểm của điều ác không phải ở Đức Chúa Trời, Ngài vẫn có thể vận dụng các thủ đoạn của Satan để gia tốc các mục đích của Ngài trên đời sống của những ai chịu vâng lời Ngài, biết đáp ứng với trở lực một cách thỏa đáng. Một sự minh họa cho lẽ thật này trong Cựu Ước là Gióp. Satan đã vùi dập con người đáng thương này đến là thế, thế nhưng Đức Chúa Trời đã dùng sự công kích của Satan để phát triển đức tin của Gióp, và cuối cùng đã ban phước cho Gióp bội phần hơn.

III. “NÓ” (C. 8)

Nhắc lại “cái giằm” là tai ách trong đời sống của mình, Sứ Đồ Phaolô dùng một từ liệu tổng quát: “Nó”. Sứ Đồ Phaolô cho biết:
“Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi” (2Cô. 12:8)
Bằng việc dùng đại từ trung tính “nó” (Gr. τούτου [toutou] “cái này”), vị Sứ Đồ này đã giấu không tiết lộ bản chất đích thực của “cái giằm” là gì. Đức Chúa Trời khôn ngoan cả trong sự khải thị lẫn trong sự kín giấu. Với việc đề cập tổng quát như thế, Sứ Đồ Phaolô thiết lập một nguyên lý chung cho tất cả chúng ta: Mỗi người chúng ta, tùy theo từng giai đoạn của cuộc đời mình, đều có “một cái giằm xóc vào thịt” hiểu theo nghĩa ứng dụng trên các lĩnh vực cả thuộc thể lẫn thuộc linh; cả thân xác lẫn lý trí, ý chí, và tình cảm. Nếu Sứ Đồ Phaolô chỉ rõ một cách dứt khoát cho thấy “cái giằm” là gì, chúng ta sẽ thôi không còn bận tâm đến nó nữa vì xem đó chỉ là nan đề riêng của Sứ Đồ Phaolô mà thôi. Thế nhưng, nhờ việc Kinh Thánh khải thị một cách tổng quát, chúng ta học được một nguyên lý cho đời sống Cơ Đốc: Từng hồi, từng lúc, trên bước đường theo Chúa, Cơ Đốc Nhân phải xử lý với những trở ngại nội tại nhất định của bản thân.
Sứ Đồ Phaolô đã cầu nguyện ba lần - bằng với số lần Đức Chúa Jêsus đã cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmanê - và cũng đã quay trở lại với cùng một sự trả lời của Đức Chúa Cha: “Không!”. Tại sao có khi Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu xin thiết tha của chúng ta xin được chữa lành một bệnh chứng, thoát khỏi một thời điểm khó khăn về tinh thần, vượt qua một giai đoạn khủng hoảng tâm lý, tình cảm,…? Ấy là vì Ngài đã dự định điều tốt hơn cho chúng ta. Đôi khi Ngài không ban cho chúng ta một sự bình an thuộc thể nào đó để chúng ta có được một kinh nghiệm thuộc linh cao hơn. Cũng có khi Ngài không sớm đưa chúng ta ra khỏi một giai đoạn khủng hoảng tâm lý, tình cảm để hình thành và làm cho sâu đậm bông trái thuộc linh trên đời sống chúng ta hầu cho chúng ta hiệu quả hơn trong việc phục vụ tha nhân, làm vinh hiển Danh Thánh của Ngài.

IV.  “SỰ YẾU ĐUỐI” (C. 9)

Qua sự đáp lời cho Sứ Đồ Phaolô, Đức Chúa Trời đã bày tỏ một lẽ thật quan trọng: “Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cô. 12:9a)
Sự đáp ứng của Sứ Đồ Phaolô đối với lẽ thật ấy đem lại cho chúng ta một nguyên tắc sống: “9Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cô. 12:9b-10)
“Sự yếu đuối” (C. 9, Gr. ἀσθένεια [astheneia] “sự bất lực”) nói về tình trạng thiếu kém, hạn chế. Làm thế nào có thể “khoe” (C. 9, Gr. καυχάομαι [kauchaomai] “lấy làm tự hào”) về sự yếu đuối? Chúng ta chỉ có thể bình an chịu đựng những “cái giằm” trong đời sống mình nếu chúng  ta biết và tin quyết rằng đó là những khí cụ trong tay Đấng đang gọt dũa để cuối cùng chúng ta trở nên tôn quí và được tràn ngập sự vui mừng.
Ma Quỉ có đang châm chích quí vị bằng một “cái giằm” khó chịu nào đó không? “Cái giằm” ấy có thể là một sự bất toàn hay một bệnh chứng nào đó. “Cái giằm” ấy cũng có thể là một sự đau đớn trong thân xác nhưng cũng có thể là một nỗi buồn khổ trong tình cảm. “Cái giằm” có thể là do sự hạn chế của bản thân nhưng cũng có thể là do hoàn cảnh tạo ra; hoặc do cả hai điều ấy hợp lại mà có.
“Cái giằm” đang có trong quí vị có thể là “Quỉ sứ của Satan”, nhưng đó cũng chính là công cụ đang ở trong tay của Đức Chúa Trời kính yêu của chúng ta. Đừng quên rằng Ma Quỉ muốn dùng “cái giằm” ấy để nghiền nát chúng ta nhưng Đức Chúa Trời đang vận dụng mưu gian ác của nó để rèn luyện chúng ta cho được mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn,…
Một khi Sứ Đồ Phaolô nhận thức được rằng “cái giằm” là điều được Đức Chúa Trời ban cho (C. 7, “Đã cho một cái giằm”, Gr. δίδωμι [didomi] “trao ban”), thái độ của vị Sứ Đồ này hoàn toàn thay đổi. Một khi Sứ Đồ Phaolô nhận được sự bảo an Thiên Thượng rằng “Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (C. 9a), vị Sứ Đồ này hoàn toàn được chuyển biến: “Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (C 9b), và “Khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (C. 10b).
 
Hãy học theo Sứ Đồ Phaolô, hãy xem “cái giằm” đang có trong giai đoạn này của đời sống mình là một sự trao ban của Đức Chúa Trời và hãy thay đổi thái độ. Hãy nhận biết rằng mục đích của Đức Chúa Trời khi Ngài cho phép chúng ta chịu đựng “cái giằm” là để đem chúng ta vào trong những chiều kích mới của Ân Điển Ngài hầu cho đời sống chúng ta thăng hoa, tâm hồn chúng ta thắm đượm những hương sắc Thiên Đàng mà chúng ta chưa được kinh nghiệm. Đó chính là sự bí mật của những lời cầu xin chưa được nhậm và những nỗi đau dai dẳng trong thân thể và tâm hồn của chúng ta:
“Chúng ta cầu xin sức lực để có thể thắng vượt, nhưng chúng ta vẫn còn bị đặt trong sự mòn mỏi để biết vâng lời. Chúng ta cầu xin được khỏe mạnh để làm những việc lớn, nhưng chúng ta phải chịu sự  yếu đuối là để làm được nhiều việc tốt. Chúng ta cầu xin quyền năng để được tỏa sáng, nhưng chính sự bất toàn  khiến cho chúng ta biết nương cậy Đức Chúa Trời. Chúng ta cầu xin nhiều điều để hưởng thụ đời sống này, nhưng chúng ta không nhớ rằng chúng ta đã được ban cho đời sống này để vui hưởng mọi điều” (J. Oswald Sanders).
Hãy có lòng vui mừng. “Cái giằm” châm chích chúng ta, nhưng đồng thời - bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời - nó cũng khơi dậy than lửa nghị lực đang bị vùi tro trong linh hồn ngủ quên của chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng Đức Thánh Linh hát bằng lời phán của Đức Chúa Trời:
“Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cô. 12:9a)
Hãy chấp nhận “cái giằm” như một công cụ mà Đức Chúa Trời đã gửi đến để thăng tiến đời sống chúng ta! Hãy cười lên, đứng dậy, bước đi để thực hành quyền năng của Đức Chúa Trời bằng sự vâng lời Ngài!

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
andientrongtrongainoitai.pdf
File Size: 384 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách