“MỘT SỰ DIỄN GIẢI VỀ ‘NGƯỜI NỮ TÀI ĐỨC’” (Châm. 31: 10-31) “Duyên là giả dối, sắc lại hư không; Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giêhôva sẽ được khen ngợi.” (Châm. 31:30) Đối với Đức Chúa Trời, đức trung thành là một mỹ đức quí hiếm đến độ Kinh Thánh cũng phải phán rằng “ai sẽ tìm được” người trung thành (Sv. Châm. 20:6). Đối với Ápraham, một người nữ tài đức là quí vô giá cho nên ông đã sai phái gia nhân đến tận một phương xa để tìm kiếm cho con trai mình (Sv. Sáng. 24:3, 4). Cái vô giá mà Ápraham muốn tìm là điều ít ai tìm. Thường tình người ta hay tìm kiếm tài năng chứ không phải là đức hạnh; tìm kiếm giá trị bề ngoài chứ không phải giá trị bề trong. Mặt khác, cái người ta cần sẽ làm tăng giá trị cho cái người ta tìm. Cả đến Ađam trong trạng thái vô tội của mình cũng đã biết cần về nhu cần hoàn thiện cho chính mình và Đức Chúa Trời đã “làm nên một kẻ giúp đỡ” giống như Ađam (Sáng. 2:18). Thật ra, sự quí giá của Êva cao hơn mọi loại bửu ngọc. Không thể có châu báu nào có thể so sánh được với giá trị của một “kẻ giúp đỡ” như Êva… “11Lòng người chồng tin cậy nơi nàng,_Người sẽ chẳng thiếu huê lợi. 12Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi,_Chớ chẳng hề sự tổn hại” (Châm. 31:11-12). Các câu Kinh Thánh này khẳng định giá trị của “người nữ tài đức” mà không hề nói gì về sự khác biệt của họ đối với các người nữ khác. Vế trước của mỗi câu Kinh Thánh này chỉ cho thấy tính cách làm vợ của “người nữ tài đức”. Chính lòng trung thành, sự toàn tâm, và nhiệt tình của “người nữ tài đức” làm cho họ trở nên đáng tin cậy. Người chồng cảm thấy mình được quan tâm, gánh nặng được chia sẻ, và tấm lòng được vơi nhẹ. Người chồng yên tâm khi vắng nhà nhờ nhận biết rằng phúc lợi của gia đình được vợ mình gìn giữ và mình sẽ được vui đón khi trở về. Đó là cách mà một người vợ trung thành và một người chồng trung tín ban phước cho nhau. Khi người vợ trang sức bằng đức hạnh thì người chồng chẳng còn có lý do gì để lo lắng cả. Khi người vợ trang sức bằng đức hạnh thì gia đình là nơi mà người chồng sẽ đặt trọn tấm lòng. Người chồng không cần phải xét nét gì đối với vợ mình cả. Người chồng sẽ không cần phải có bất cứ sự e dè hay lo lắng gì. Từ một tâm thế lãnh đạo như vậy người chồng mới có thể khích lệ vợ mình chăm sóc gia đình theo các phẩm hạnh của họ được. Tất cả những điều này đều được vận động theo một cơ chế khôn ngoan khiến cho người chồng chẳng còn cần phải tìm kiếm gì hơn, chẳng còn phải chịu sự cám dỗ nào khác, chẳng còn cần gì thêm cho mình ngoài hạnh phúc đã có trong gia đình. Một sự phối thuộc như vậy của người vợ sẽ cứ vững bền khi hai vợ chồng biết dành thì giờ cho nhau. Về phần người vợ, thay vì lợi dụng lòng tin của chồng “người nữ tài đức” sẽ cứ “tìm cách cho đẹp lòng chồng mình” mỗi ngày càng nhiều hơn (Sv. 1Cô. 7:34). Ước mong sao cho mọi gia đình đều có được “người nữ tài đức” như vậy! Thế nhưng hãy xem trường hợp của Êva, thay vì làm “một người giúp đỡ” Êva đã làm một kẻ cám dỗ. Trường hợp của vua Sôlômôn cũng tương tự khi bị các người vợ của vua làm cho tấm lòng kính yêu Đức Chúa Trời bị phai mờ. Chính Giêsabên đã là người kích động chồng mình làm những điều tàn ác, gớm ghiếc. Vợ của Gióp cũng chẳng kém khi bà nói với Gióp rằng “hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi!” (Gióp 2:9). Gánh nặng về “một người đàn bà hay tranh cạnh” (Sv. Châm. 21:9; 25:24) là một gánh nặng đau khổ và tất cả những điều này đều thuộc về một sự tương phản âm tính đối với đức hạnh của “người nữ tài đức”. Hình thức biểu hiện trên thực tế thường là một sự pha trộn giữa tốt và xấu nhưng phẩm hạnh của “người nữ tài đức” là phẩm hạnh tinh ròng, một phẩm hạnh tuyệt đối tốt. Sự khích lệ của chồng của “người nữ tài đức” trở thành là lợi và thú của họ. Được sống cho chồng là niềm vui lớn nhất của “người nữ tài đức”. Cho dầu đôi khi có thiếu sự khích lệ từ nơi chồng thì “người nữ tài đức” cũng chẳng bao giờ cưu mang lòng giận, hoài nghi, hờ hững, hay thiếu sự ân cần đối với chồng. “Người nữ tài đức” sẽ chẳng bao giờ để cho sự nhạy cảm của mình bị ảnh hưởng bởi những lúc quan hệ vợ chồng của mình trở nên gập ghềnh. Mối quan hệ bất vụ lợi này được hình thành từ một tâm tình tận hiến thể theo các nguyên tắc Cơ Đốc là những nguyên tắc giàu tính tôn trọng đối với cơ nghiệp hôn phối. Nếu quan hệ hôn phối thực sự là quan hệ phối thuộc thì sẽ không bao giờ có việc một bên hôn phối nào đó bị mất giá cả. Thật ra là trong một mối quan hệ hôn phối như vậy người ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự tỏa sáng của “sự mầu nhiệm” hôn phối như một sự phản ánh mối quan hệ của “Đấng Christ và Hội Thánh” (Sv. Êph. 5:32). Điều mấu chốt trong quan hệ hôn phối là chồng quan tâm đối với sự yếu đuối của vợ và vợ biết chăm lo cho sự nghiệp của chồng. “13Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi,_Lạc ý lấy tay mình mà làm công việc. 14Nàng giống như các chiếc tàu buôn bán,_Ở từ chỗ xa chở bánh mình về. 15Nàng thức dậy khi trời còn tối,_Phát vật thực cho người nhà mình,_Và cắt công việc cho các tớ gái mình. 16Nàng tưởng đến một đồng ruộng, bèn mua nó được;_Nhờ hoa lợi của hai tay mình, nàng trồng một vườn nho. 17Nàng thắt lưng bằng sức lực,_Và làm hai cánh tay mình ra mạnh mẽ. 18Nàng cảm thấy công việc mình được ích lợi;_Ban đêm đèn nàng chẳng tắt. 19Nàng đặt tay vào con quay,_Và các ngón tay nàng cầm con cúi. 20Nàng mở đưa tay ra giúp kẻ khó khăn,_Giơ tay mình lên tiếp người nghèo khổ. 21Nàng không sợ người nhà mình bị giá tuyết,_Vì cả nhà đều mặc áo bằng lông chiên đỏ sặm. 22Nàng làm lấy những chăn mền;_Áo xống nàng đều bằng vải gai mịn màu đỏ điều. 23Tại nơi cửa thành chồng nàng được chúng biết,_Khi ngồi chung với các Trưởng Lão của xứ. 24Nàng chế áo lót và bán nó;_Cũng giao đai lưng cho con buôn. 25Nàng mặc lấy sức lực và oai phong,_Và khi tưởng đến buổi sau, bèn vui cười. 26Nàng mở miệng ra cách khôn ngoan,_Phép tắc nhân từ ở nơi lưỡi nàng. 27Nàng coi sóc đường lối của nhà mình,_Không hề ăn bánh của sự biếng nhác” (Châm. 31:13-27). Đoạn Kinh Thánh này vẽ lên các nét tính cách đáng yêu của “người nữ tài đức” thể theo các quan niệm và nguyên tắc cổ đại quen thuộc với một sự áp dụng phổ quát cho toàn xã hội. Đoạn văn Kinh Thánh này không những chỉ vẽ ra hình ảnh người vợ của một người đàn ông có địa vị xã hội mà lại còn làm cho rõ nét về một bà mệnh phụ trong cương vị của một nội tướng. Đó chính là một người đàn bà “lấy nết na và đức hạnh giồi mình” là người “không dùng những tóc gióc, vàng, châu ngọc và áo quần quí giá” (1Ti. 2:10) nhưng không hề thua kém ai. Tuy nhiên, có một điều rất đáng để ý ở đây. Tiêu chuẩn tin kính được đề cập trong đoạn văn Kinh Thánh này không phải là một loại tiêu chuẩn tôn giáo xuất thế, ẩn cư để sống biệt lập đối với thế gian hầu có được sự tương giao mật nhiệm với Đức Chúa Trời. Tiêu chuẩn được đề cập ở đây không hề mang màu sắc khổ hạnh tu viện mà nhiều người nhầm tưởng là đỉnh cao của sự hoàn hảo của Cơ Đốc Giáo. Phần lớn các nét đặc trưng của “người nữ tài đức” được mô tả trong đoạn văn Kinh Thánh này thuộc về tính cách cá nhân và phẩm hạnh nội trợ, gia đình. Tự thân các nét đặc trưng của “người nữ tài đức” được mô tả trong đoạn văn Kinh Thánh này cũng chính là một sự phê phán không lời đối với đối với thói chây lười vẫn thường thấy ở một số người! Thế nhưng chúng ta hãy cùng nhau xem xét chi tiết hơn đối với bức tranh được tả vẽ qua đoạn văn Kinh Thánh này. Trước hết chúng ta nhận thấy các thói quen cá nhân của “người nữ tài đức” đầy nghị lực. Thời xưa, những người nữ thượng lưu vẫn thường hay đảm nhiệm cả việc lao động chân tay và tạp dịch. Nguyên tắc chính của họ là hy sinh bản thân. “Người nữ tài đức” luôn nêu gương chuyên cần và ý thức tự trọng cho các gia nhân của mình. Họ không gán cho các tôi tớ mình những gì mà họ chưa nêu gương làm trước, họ điều khiển gia nhân mình cách đầy hiệu quả qua việc tự điều khiển mình. “Người nữ tài đức” tự tay mình dệt vải. Việc khâu vá cho gia đình cũng là một việc mà “người nữ tài đức” tự tay làm lấy. Thay vì luôn mồm ra lệnh thì “người nữ tài đức” dùng chính đôi tay mình tận tụy lao động để nêu gương. Thay vì quát tháo, mệnh lệnh thì “người nữ tài đức” tự tay mình làm lo việc canh cửi mà không nề hà gì hết. “Người nữ tài đức” chịu thức khuya, biết dậy sớm từ khi trời chưa sáng. Thành quả do công việc mình tạo ra được “người nữ tài đức” chuyển thành hóa tài và lương thực cho gia đình. Các sản phẩm như thảm thêu, vải gai, nịt ngực do “người nữ tài đức” làm ra đều có chất lượng cao. “Người nữ tài đức” để tất cả tấm lòng và sức lực mình vào trong công việc của mình, không câu nệ bất cứ sự chi có ích cho vị trí người nữ của mình. Bằng việc tận tụy trong việc nhà, “người nữ tài đức” đã gián tiếp đóng góp phần tích cực của mình vào cộng đồng. “Người nữ tài đức” còn lo cả đến việc tạo mãi điền sản cho gia đình hầu cho mùa màng và thu nhập sẽ được sung túc hơn. Qua các sự qua sát này chúng ta cũng nhận ra vai trò “bà chủ” của “người nữ tài đức” trong gia đình của mình. “Người nữ tài đức” được ngợi khen chẳng những nhờ họ biết “kính sợ Đức Giêhôva” (Sv. Châm. 31:30) mà là còn nhờ họ biết “cai trị nhà mình” (Sv. 1Ti. 5:14) qua việc họ hoàn thành phận sự mình cách chu toàn cả về thời gian lẫn khối lượng công việc. Trật tự gia đình theo Kinh Thánh là người chồng phải “đi ra, đến công việc mình, và làm cho đến chiều tối” (Sv. Thi. 104:23) và người nữ phải “có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình” (Sv. Tít 2:5). Thật là một hình ảnh đẹp khi thấy một “người nữ tài đức” bằng tất cả sự chăm chỉ, hy sinh, và nhiệt tình “xây cất nhà mình” (Sv. Châm. 14:1) theo những cách như thế. “Người nữ tài đức” đã thức dậy từ khi trời vẫn còn tối không phải là để được khen ngợi, tán dương mà là để cho gia đình mình đủ ăn, đủ mặc. Sự khéo léo mà “người nữ tài đức” có được cũng là một điều thật đáng kể… “Người nữ tài đức” vừa giỏi việc vừa giỏi quản trị gia nhân đến mức chẳng ai có thể tìm thấy bất cứ lý do nào để buộc họ tội lười nhác được. Mặt khác, trong việc quản trị gia đình “người nữ tài đức” rất xem trọng trật tự nội bộ. Tài quán xuyến của “người nữ tài đức” không chỉ giới hạn giữa vòng các gia nhân mình mà còn lan ra đến việc giúp đỡ cho những người nghèo thiếu của cộng đồng. Lòng của “người nữ tài đức” đã mở rộng “cho kẻ đói” (Sv. Ês. 58:10) nên tay của “người nữ tài đức” cũng đã “sè tay mình ra” (Sv. Phục. 15: 8) cho những người xa lạ bằng tất cả tình yêu thương chan chứa trong lòng mình để từ đó mà “lòng người góa bụa nức nở vui mừng” (Sv. Gióp 29:13; Công. 9:39). Tâm hồn và phong cách của “người nữ tài đức” cũng đươc thể hiện theo cùng một cách để rồi tất cả đều hợp lại để làm nổi bật chức nghiệp của họ: Người mệnh phụ không phải chỉ có duy nhất luật yêu thương mà cũng còn có luật khôn ngoan mà hình thức thể hiện trên cung cách nói năng là sự ưu ái, dịu dàng. Lòng yêu thương và sự khôn ngoan trong đời sống của “người nữ tài đức” luôn được thể hiện qua hình thức nói năng khiến cho “người nữ tài đức” trở nên “mão triều thiên cho chồng nàng” (Châm. 12:4). Nhờ “người nữ tài đức”, chồng họ được kính nể trong giới lãnh đạo địa phương. Chồng của “người nữ tài đức” được củng cố về địa vị chẳng những nhờ tài năng và đức độ của chính mình mà cũng còn nhờ vào sự ổn định, tính nổi danh, và tầm bề thế của gia đình mà “người nữ tài đức” xây dựng được. Đối với “người nữ tài đức”, các phước hạnh đa phương và rõ nét được khởi xuất chủ yếu từ chính tính cách của họ. Sức mạnh của con người bề trong, sự dũng cảm và quyết tâm Cơ Đốc của “người nữ tài đức” giúp họ thắng vượt mọi trở ngại để tiến lên. Thanh danh của “người nữ tài đức” là một sự ấn chứng rằng họ được Đức Chúa Trời đẹp ý như thế là một đầy tớ trung tín của Ngài, là con gái của Ân Điển Ngài, là người thừa thọ sự vinh hiển của Ngài… “28Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước;_Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng rằng: 29Có nhiều người con gái làm lụng cách tài đức,_Nhưng nàng trổi hơn hết thảy. 30Duyên là giả dối, sắc lại hư không;_Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giêhôva sẽ được khen ngợi. 31Hãy ban cho nàng bông trái của tay nàng;_Khá để các công việc nàng ngợi khen nàng tại trong cửa thành” (Châm. 31:28-31). Khi sống cho lợi ích của tha nhân “người nữ tài đức” cũng đã sống cho lợi ích của chính mình. Đối với một người nữ, trên đời này chẳng còn gì đáng mừng hơn là được con cái kính trọng và được chồng yêu quí. Chúng ta có thể tự đặt mình vào vị trí của “người nữ tài đức” để thấu hiểu được phước hạnh của họ. Theo dòng thời gian các con cháu của “người nữ tài đức” lớn lên và cùng nhau sống quây quần chung quanh họ. Có lẽ cuộc sống quần cư của các thế hệ giúp họ tiếp nối được truyền thống tốt đẹp mà “người nữ tài đức” đã xây dựng được cho gia đình mình. Gương tốt của “người nữ tài đức” luôn luôn sống động trước mặt các con cháu của “người nữ tài đức” và họ luôn được hưởng lợi từ những sự dạy dỗ dịu dàng, lời khuyên bảo khôn ngoan, nền nếp đường hoàng, mẫu mực thánh khiết,… Con cháu của “người nữ tài đức” sẽ không ngừng ca ngợi họ và chúc tụng Đức Chúa Trời về ơn của Ngài qua “người nữ tài đức”. Cái đẹp ở “người nữ tài đức” không phải chỉ ở nhan sắc chóng tàn phai mà là ở tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Sự hài lòng của chống đối với “người nữ tài đức” là mãi mãi. Dầu thuận thời hay nghịch cảnh “người nữ tài đức” luôn luôn là niềm a ủi, khích lệ lớn lao của chồng họ… Trong một viễn cảnh như thế “người nữ tài đức” được chồng con và cả gia đình luôn đánh giá cao, cao hơn bất cứ người nữ đẹp đẽ nào khác! Thế nhưng vì sao sắc đẹp ngoại hình của “người nữ tài đức” không hề được nhắc đến trong suốt đoạn Châm Ngôn này? Lý do khá đơn giản! Tất cả những gì thuộc về “người nữ tài đức” được miêu tả ở đây có một giá trị bền vững đối với cả Thiên Thượng lẫn thế hạ còn những gì con mắt của người ta ưa thích thường chẳng được trường tồn. Vẻ đẹp của ngoại hình, sự cuốn hút của dung nhan thường là giả tạo và kết cuộc cách chua chát hơn là trước đó người ta đã tưởng. Sắc đẹp sẽ chóng phai tàn, chỉ cần mọt cơn bạo bệnh là mọi việc sẽ đổi khác đi cách bất ngờ: “Khi Chúa trách phạt loài người vì cớ gian ác,Thì Chúa làm hao mòn sự đẹp đẽ họ khác nào như con sùng:_Thật, mọi người chỉ là hư không” (Thi. 39:11). Sắc đẹp nào cũng sẽ phải tàn tạ với thời gian và trong những lúc gieo neo sắc đẹp cũng chẳng đem lại được niềm vui. Lắm khi chính sắc đẹp là nguồn tai họa vì sức cám dỗ của nó. Sắc đẹp của một con người có một bản chất nội tại không đẹp sẽ khiến cho con người của họ trở thành một tổ hợp mâu thuẫn không chấp nhận được: “Một người đàn bà đẹp đẽ mà thiếu dẽ dặt,_Khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo” (Châm. 11:22). Bức tranh về “người nữ tài đức” được mô tả trong đoạn Châm Ngôn này là một sự mô tả theo quan điểm Thiên Thượng khởi đầu từ đức hạnh và sau đó được làm rõ bằng các nét tính cách cặp theo để làm nổi bật về chân dung của một người nữ kính sợ Đức Chúa Trời (Sv. Châm. 31:10, 30). Mọi phương diện tốt đẹp của “người nữ tài đức” đã được kể ra hết trong đoạn Châm Ngôn này: Lòng trung thành đối với chồng, các thói quen tốt trong đời sống, sự quản trị gia đình chu đáo, phẩm hạnh dè giữ, tính giàu nhân đức đối với kẻ cơ hàn, lòng tốt đối với tất cả mọi người… Tất cả các phẩm chất tốt đẹp này chỉ có thể lưu xuất từ một đời sống tin kính sống động. Nguyên tắc “nhờ trái biết cây” được thấy ở đây: “Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu” (Ma. 7:17). Đây là những bông trái của một đời sống tuân thủ các nguyên tắc Kinh Thánh mà một con người thiên nhiên (vốn đã bị sa bại theo nguyên tội) không sao có thể sản sanh ra được. Sự miêu tả của đoạn Châm Ngôn này đáng được lấy làm chuẩn mực cho mọi người trong việc chọn lựa người hôn phối. Đó là phải lấy đức hạnh làm tiêu chí tối cao chứ không phải là sắc đẹp. Sự miêu tả này làm rõ nét sự tương phản giữa niềm vui giả tạo trong sắc đẹp với hạnh phúc đích thực sẽ được tìm thấy nơi một người nữ kính sợ Đức Chúa Trời. Và đó chính là nền tảng vững bền của hạnh phúc chân thực trong hôn nhân. Beveridge nói: “Nếu yêu vì sắc đẹp, khi sắc đẹp phai tàn thì cả tình lẫn nghĩa cũng sẽ tàn phai. Nếu yêu vì đức hạnh, cho dầu nhan sắc cũ mòn thì tình nghĩa vẫn cứ còn nguyên vẹn”. Matthew Henry nói rằng: “Sự miêu tả của đoạn Châm Ngôn này đáng cho mọi người nữ lấy làm lăng kính trên vấn đề nhìn nhận sắc đẹp để họ biết trang sức cho mình theo tiêu chuẩn Thiên Thượng mà được tôn trọng, ngợi khen, và vinh hiển trong Ngày Của Chúa”. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |