“ĐỂ ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI BAN PHƯỚC” (Thi. 1:1-3) “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,_Chẳng đứng trong đường tội nhân,_Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.” (Thi. 1:1) Kinh Thánh phán: “1Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,_Chẳng đứng trong đường tội nhân,_Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;_2Song lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva,_Và suy gẫm Luật Pháp ấy ngày và đêm._3Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,_Sanh bông trái theo thì tiết,_Lá nó cũng chẳng tàn héo;_Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” (Thi. 1:1-3) Để được Đức Chúa Trời ban phước, theo Lời Kinh Thánh, chúng ta phải sống theo một số điều nhất định nào đó và phải tránh xa những điều nhất định nào đấy! Người muốn được Đức Chúa Trời ban phước không thể bị tìm thấy giữa vòng những người đi theo con đường chống nghịch lại Đức Chúa Trời, không biết kính sợ Đức Chúa Trời, tự đặt ý muốn riêng của mình cao hơn Lời Ngài; trái lại, người muốn được Đức Chúa Trời ban phước phải biết sống một cách khôn ngoan trong mối tương giao mật thiết với Ngài biểu hiện qua việc yêu thích Lời Ngài. A. TRÁNH ĐIỀU PHẢI TRÁNH (C. 1). “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,_Chẳng đứng trong đường tội nhân,_Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.” 1. Người được Đức Chúa Trời ban phước trước hết là người biết ly khai thế gian, tức không sống theo các nguyên tắc của thế gian. Chúng ta phải tránh xa các lời khuyên giục của “kẻ dữ” là người không tin kính Đức Chúa Trời. Chúng ta phải sống theo các nguyên tắc khác với các nguyên tắc trong thế gian này. “Kẻ dữ” (Hb. rasah) được phối hợp từ hai nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất nói về trạng thái đạo đức buông thả, và nghĩa thứ nhì nói về việc không chịu ràng buộc với Đức Chúa Trời. “Kẻ dữ” là người không chịu phục tùng dưới các huấn mệnh của Đức Chúa Trời mà chỉ sống theo sự thôi thúc của xúc cảm và sự tham muốn cá nhân mà thôi. “Kẻ dữ” là người không sống theo sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh qua Lời Kinh Thánh. Chúng ta, Cơ Đốc Nhân, không được phép mắc mướu gì với đường lối của “kẻ dữ”. Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta nhiều điều về những sự chúng ta phải sống theo: (1) Chúng ta phải có lòng kỳ vọng nơi Đức Chúa Trời: “Vừa buổi sáng, xin cho tôi nghe sự nhân từ Chúa,_Vì tôi để lòng trông cậy nơi Chúa;_Xin chỉ cho tôi biết con đường phải đi,_Vì linh hồn tôi ngưỡng vọng Chúa.” (Thi. 143:8) (2) Chúng ta phải biết sống theo Lẽ Thật: “Hỡi Đức Giêhôva, xin hãy chỉ dạy cho tôi biết đường lối Ngài,_Thì tôi sẽ đi theo sự chân thật của Ngài;_Xin khiến tôi một lòng kính sợ danh Ngài.” (Thi. 86:11) (3) Lời dạy của Sứ Đồ Phaolô về việc chúng ta phải sống như thế nào thật rõ ràng: “1Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, 2phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, 3dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Êph. 4:1-3) (4) Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải sống dưới sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh: “…Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” (Gal. 5:16) Chỉ khi nào biết thuận phục theo tiếng phán của Đức Thánh Linh người ta mới có thể tránh khỏi “mưu kế của kẻ dữ” và mới được Đức Chúa Trời ban phước. 2. Người biết ly khai với thế gian sẽ không “đứng trong đường tội nhân”. “Tội nhân” (Hb. chatta) nói về người “thiếu điểm”, không đạt “tiêu chuẩn” được đề ra theo ý chỉ tốt lành của Đức Chúa Trời. “Tiêu chuẩn” là Luật Pháp của Đức Chúa Trời, “tội” là sự vi phạm Luật Pháp của Ngài. Cả nhân loại đều vi phạm Luật Pháp của Đức Chúa Trời, chính vì thế mà Đức Chúa Jêsus đã phải hy sinh đền tội thay trên Thập Tự Giá cho cả nhân loại. Dầu vậy, từ liệu “tội nhân” được sử dụng ở đây nói về người chủ tâm chọn cho mình một lối sống nghịch lại với ý chỉ của Đức Chúa Trời. “Đứng” nói về thái độ của một người đối với Đức Chúa Trời; vậy, Cơ Đốc Nhân phải “đứng” như thế nào? (1) Phải biết kính sợ Đức Chúa Trời: “Khắp thiên hạ khá kính sợ Đức Giêhôva._Các dân thế gian hãy kinh khủng Ngài.” (Thi. 33:8) (2) Phải giữ vững đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời: “Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ.” (1Cô. 16:13) (3) Phải có mối thông công lành mạnh với các tín hữu khác: “…Anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng…” (Phil. 2:2) “Chẳng đứng trong đường tội nhân” tất sẽ được đứng trong đường lối, Luật Pháp của Đức Chúa Trời. Đó là chúng ta phải có thái độ kính sợ Đức Chúa Trời, vững vàng trong đức tin, và hiệp thông với các Cơ Đốc Nhân khác. 3. Người biết ly khai với thế gian sẽ “không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng”. “Ngồi” (Hb. mowshab) có nghĩa là ở chung chỗ. “Ngồi” nói về trạng thái, về tình trạng. Để được Đức Chúa Trời ban phước, người biết ly khai thế gian cũng sẽ đồng thời không để mình vướng víu với tình trạng không đẹp ý Đức Chúa Trời của những người chưa được cứu. “Nhạo báng” là chế diễu một điều gì đó vì xem thường. “Kẻ nhạo báng” nói về những người xem thường Đức Chúa Trời và việc thuộc về Đức Chúa Trời, coi trọng sự thuộc thể mà chế diễu sự thuộc linh. Khi một người biết ly khai thế gian, cả ba phương diện này sẽ được đồng thời ly khai: “… mưu kế của kẻ dữ,_... đường tội nhân,_... chỗ của kẻ nhạo báng.”. Chúng ta không thể nào nhận được phước hạnh từ nơi Đức Chúa Trời trong một trạng thái vẫn còn vướng bận trong thế gian. Tuy nhiên người ta sẽ không thể tránh được những điều phải tránh nếu không chọn đúng được điều phải theo: Đó là biết dầm thấm trong Lời Đức Chúa Trời. B. THEO ĐIỀU PHẢI THEO (C. 2) “Song lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva,_Và suy gẫm Luật Pháp ấy ngày và đêm.” “Lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva” có nghĩa là lấy Lời Kinh Thánh làm đối tượng của niềm vui của mình. Người được Đức Chúa Trời ban phước là người có lòng thỏa vui đối với Lời Kinh Thánh và tìm được mọi sự mình yêu thích trong Lời Kinh Thánh. “Lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva” là một tiến trình hành động chứ không phải chỉ là một sự biểu hiện của cảm xúc. Người ta chỉ có thể “lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva” khi họ đã được Đức Thánh Linh chứng giải về tội lỗi và họ đã ly khai với tội lỗi và thế gian để trở lại với Đức Chúa Jêsus. Chỉ khi nào người ta chịu quay lưng đối với tội lỗi thì Lời Kinh Thánh mới có thể chiếm chỗ trong đời sống của họ được: “1Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, 2thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, 3nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.” (1Phi. 2:1-3) Vị giác về Lời Chúa sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu Cơ Đốc Nhân không có phương pháp đúng để tự dầm thấm mình trong Lời Kinh Thánh, tránh xa mọi lôi cuốn uế tục của đời này. Chỉ khi nào chúng ta biết đặt mình dưới sự ảnh hưởng của Lời Chúa thì chúng ta mới thoát khỏi được các ảnh hưởng tà ác của thế gian. Việc “lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva” đòi hỏi sự tham gia của ý chí cá nhân: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi,_Để tôi không phạm tội cùng Chúa.” (Thi. 119:11) “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,_Ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi. 119:105) “Lấy làm vui vẻ về Luật Pháp của Đức Giêhôva” còn có nghĩa chăm chỉ suy gẫm Lời Kinh Thánh. Suy gẫm (Hb. hagah) là suy đi nghĩ lại về sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và chịu để cho các sự dạy dỗ ấy định hình đời sống của chúng ta: “Hỡi Đức Giêhôva, xin chỉ dạy tôi con đường luật lệ Chúa,_Thì tôi sẽ giữ lấy cho đến cuối cùng.” (Thi. 119:33) “Xin chớ cất hết lời chân thật khỏi miệng tôi;_Vì tôi trông cậy nơi mạng lịnh Chúa.” (Thi. 119:43) Để nhận được sự dạy dỗ, không thể không suy gẫm Lời Chúa (Châm. 4:20-21). Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự dạy dỗ của Lời Chúa trong ý thức nương cậy và tinh thần cầu nguyện. Mặc dầu đã có lời hứa của Đức Chúa Trời cho Tiên Tri Êli rằng Ngài sẽ ban mưa (1Vua. 18:1) nhưng Êli đã phải đánh hạ các tiên tri của Baanh (1Vua. 18:40), phải dốc lòng cầu nguyện (1Vua. 18:42), và phải trông chừng đến lần thứ bảy (1Vua. 18:44) mới bắt đầu thấy có dấu hiệu của mưa! Đức Chúa Trời muốn định hình chúng ta cho tương thích với các phước hạnh của Ngài, do đó, hễ chúng ta biết để cho Lời Ngài định hình chúng ta thì phước hạnh của Ngài cũng sẽ đến trên đời sống của chúng ta. C. ĐƯỢC ĐIỀU PHẢI ĐƯỢC (C. 3) “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước,_Sanh bông trái theo thì tiết,_Lá nó cũng chẳng tàn héo;_Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng.” Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “cây” luôn được dùng để nói về sự kết quả. Cũng giống như đời sống thực vật của cây cần đến nước, đời sống thuộc linh của chúng ta cần có nguồn cung ứng dồi dào từ những sự thuộc về Đức Chúa Trời. Nguồn cung ứng của Đức Chúa Trời cho chúng ta là Lời Ngài trong Kinh Thánh, Thánh Linh Ngài trong đời sống chúng ta, Ân Điển Ngài đã cứu chuộc chúng ta, và địa vị công nghĩa mà Ngài đã qui kết cho chúng ta. Cơ Đốc Nhân là cây “trồng (lại)” (Hb. shathal) để được thuần hóa và kết quả! Cây “trồng lại” là cây được di thực từ một môi trường này đến một môi trường khác. Về bản chất, Cơ Đốc Nhân đã được dời từ quỉ quốc của Satan vào Vương Quốc của Đức Chúa Jêsus. Một khi biết ly khai với thế gian, chịu dầm thấm trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ là “cây” được Đức Chúa Trời di thực đến môi trường Ngài đã định sẵn trong Con Ngài để chúng ta kết quả cho sự vinh hiển của Ngài. Đức Chúa Trời không hề có một chương trình nào để Cơ Đốc Nhân vừa lún sâu trong thế gian vừa vui hưởng phước hạnh của Ngài! Phước hạnh của Đức Chúa Trời luôn ở trong môi trường của Đức Chúa Trời và thuộc về những ai ở trong môi trường ấy. Phước hạnh cho Cơ Đốc Nhân không thể tìm được trong thế gian, do đó chỉ khi nào Cơ Đốc Nhân biết ly khai thế gian để tuân thủ tiếng phán của Đức Chúa Trời họ mới nhận được phước hạnh của Ngài. Bỏ đi cách ứng xử và hành sử của thế gian để sống một cách đầy nhiệt tâm theo các sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là con đường đem Cơ Đốc Nhân đến với phước hạnh của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc Nhân là “cây” đã được Đức Chúa Trời di thực từ môi trường thế gian vào môi trường của Ngài để họ có đời sống thạnh vượng cho sự vinh hiển của Ngài. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |