“PHẢI CÓ MỘT ĐỜI SỐNG KẾT ƯỚC” (1Phi. 4:10) “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1Phi. 4:10) Tháng Ba năm 1981, Tổng thống Hoa Kỳ là Ronald Reagan đã bị Hinclev, Jr. bắn bị thương phải nằm bệnh viện mất mấy tuần. Mặc dầu Tổng Thống Reagan là chuyên gia hàng đầu của cả nước, là Nguyên Thủ Quốc Gia, nhưng việc ông gác công việc lại để nằm điều trị ở bệnh viện chỉ ảnh hưởng rất ít đến toàn bộ công việc của Chính Phủ mà thôi. Tổng Thống vắng mặt, không làm việc được, nhưng Chính Phủ vẫn hoạt động được. Thế nhưng, hãy thử tưởng tượng tất cả những người quét rác của nước Hoa Kỳ đồng loạt đình công một thời gian cũng bằng thời gian Tổng Thống nằm bệnh viện: Việc gì sẽ xảy ra? Chắc chắn cả nước sẽ tràn ngập rác, và sẽ có người chết vì rác! Vậy có ai là người không cần thiết hay không? Đức Chúa Trời không muốn chúng ta làm những thành viên thụ động trong Hội Thánh. Ngài không muốn chúng ta là những con người nhàn cư, vô sự. Đức Chúa Trời đã định rằng mỗi thành viên của Hội Thánh đều là một thành viên hoạt động, tích cực. Ngài trao ban cho mỗi người chúng ta một chức năng trong Hội Thánh của Ngài, không miễn trừ bất cứ một ai. Chức phận đầy tớ thuộc về mọi thành viên trong Hội Thánh, mọi cá nhân trong Hội Thánh đều có một vị trí đặc biệt trong chương trình của Đức Chúa Trời, đều hữu dụng đối với kế hoạch của Ngài trong Hội Thánh: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (1Phi. 4:10). I. KẾT ƯỚC PHẢI LÀ MỘT NHU CẦN “Tôi không có ơn như…”, đó là câu nói chúng ta thường nghe ở các tín hữu khi họ tự đem mình so sánh với người khác trong Hội Thánh. Điều ấy có thể đúng. Thế nhưng chỉ cần đổi khác một chữ thôi, câu nói sẽ thành ra sai hoàn toàn đối với sự dạy dỗ của Kinh Thánh: Đừng bao giờ nói “Tôi không có ơn gì…”. Khi một người thực lòng tiếp nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và Chúa của đời sống mình, người ấy được Đức Thánh Linh ngự vào đời sống của họ; và vì có Đức Thánh Linh ở cùng, họ có được ít nhất một ân tứ thuộc linh nào đó để làm ích cho chính bản thân họ cũng như cho toàn Hội Thánh. Đây là lời Kinh Thánh phán: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi người cho ai nấy được sự ích chung” (1Cô. 12:7). Thật ra, vấn đề ở chỗ không phải người ta thiếu ơn mà là thiếu sự kết ước: Kết ước với Đức Chúa Trời và kết ước với tha nhân, trong đó có Hội Thánh của Ngài. Trên thực tế, có nhiều người tự nhận rằng mình đã được cứu, đã thuộc về Đức Chúa Trời nhưng họ vẫn còn thuộc về cái tôi của họ. Tín hữu thật phải là người chấp nhận gian truân để kết ước sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống mình, dốc lòng làm đẹp ý Ngài trong mọi sự, tin quyết rằng ý chỉ tốt đẹp của Đức Chúa Trời trên đời sống mình nhất định sẽ được hoàn thành. Sự kết ước không những là một đòi hỏi của Đức Chúa Trời mà còn là một nhu cần bức thiết của mỗi tín hữu, vì đó là dấu hiệu cơ bản của đời sống Cơ Đốc Nhân. Nếu hơn hai ngàn năm trước, sự kết ước của Cơ Đốc Nhân đã cần; ngày nay sự kết ước của Cơ Đốc Nhân chúng ta càng cần hơn thế. Trong suốt cả thư tín này (1Phi.), Sứ Đồ Phierơ vừa đặt nền tảng vừa nhấn mạnh nhu cần kết ước của đời sống Cơ Đốc Nhân theo dòng thời gian: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống… để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt” (1Phi. 1:3, 5); “Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu” (1Phi. 1:6); “Chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của Chiên Con không lỗi không vít, đã định sẵn trước buổi sáng thế, và hiện ra trong cuối các thời kỳ vì cớ anh em” (1Phi. 1:18-20). Đó là những sự dạy dỗ, khích lệ mang tính chất mạt thế luận (dạy về thời kỳ cuối cùng). Mạt thế luận sẽ vô nghĩa khi Cơ Đốc Nhân chỉ biết trông đợi suông, chỉ “hô khẩu hiệu” chứ không kết ước, không hành động: “Vậy, anh em hãy bền chí như thể thắt lưng, hãy tiết độ, lấy sự trông cậy trọn vẹn đợi chờ ơn sẽ ban cho mình trong khi Đức Chúa Jêsus hiện ra” (1Phi. 1:13); “Hỡi kẻ rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:11-12); “Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng xét đoán kẻ sống và kẻ chết”. (1Phi. 4:5) Tất cả các sự dạy dỗ mà Sứ Đồ Phierơ đưa ra trong thư này đều nằm trong mối quan hệ với thời kỳ cuối cùng và nhằm kêu gọi phải có hành động thực tế. Đó là một thực tại khách quan. Bất luận muốn hay không, ngày phán xét sẽ đến và đã gần đến rồi, mọi người sẽ phải khai trình mọi việc với Đức Chúa Trời là Đấng Tối Cao. Để sẵn sàng và được ơn trong sự khai trình tương lai, Cơ Đốc Nhân phải có đời sống kết ước mật thiết với Đức Chúa Trời: “7Sự cuối cùng của muôn vật đã gần, vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện” (1Phi. 4:7). Trong thế giới ngày nay, có nhiều chủ nghĩa, nhiều học thuyết hô hào xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Quan hệ xã hội giữa con người với nhau sẽ không thể thực sự tốt đẹp trong một bản chất tội lỗi, đã bị sa bại, hư hoại. Chỉ khi nào con người được tái sinh nhờ sự tha tội bởi sự ăn năn, sống trong sự nương cậy nơi Đấng Sáng Tạo và yêu thương mình, nhiên hậu, người ta mới có thể có sự kết ước tốt đẹp với tha nhân trong đó có anh em, chị em chung cùng một đức tin trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời: “8Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi. 9Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn” (1Phi. 4: 8-9). Về cơ bản, tình yêu thương của Cơ Đốc Nhân là tình yêu thương hỗ tương giữa những người đã được cứu, có chung một mái nhà thuộc linh là Hội Thánh - bất chấp quá khứ, địa vị,… của mỗi người: “22Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng; 23Anh em đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1Phi. 1:22-23). Biểu hiện cơ bản và tập trung của tinh thần kết ước Cơ Đốc giữa các Cơ Đốc Nhân với nhau là tấm lòng rộng rãi. Các Cơ Đốc Nhân có sự kết ước chân thực luôn biết vui vẻ chia sẻ cơm ăn, áo mặc cùng mọi sự dạy dỗ thuộc linh để giúp làm sống động, tươi mới anh em, chị em mình trong Hội Thánh. Sự “yêu thương sốt sắng hết lòng” ở Cơ Đốc Nhân không cho phép họ viện cớ để từ chối nhau. II. ĐỂ CÓ MỘT SỰ KẾT ƯỚC ĐẸP Ý CHÚA Làm thế nào mà người ta có thể sẵn sàng phục vụ, không tránh né, không từ chối được? Có nhiều yếu tố, nhưng không thể thiếu các yếu tố sau đây: Thứ nhất, biết rằng mình đã được Đức Chúa Trời ban ơn (1Cô. 12:7). Trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, ai là người được Ngài ban ơn (thuộc thể và thuộc linh)? “Tất cả mọi người”, không thiếu một ai; Thứ hai, biết rằng nhiệm vụ đối với những gì mình hiện có là nhiệm vụ quản lý (1Phi. 4:10). Trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, ai là người phải lấy trong những gì mình có (thuộc thể và thuộc linh) để chia sẽ với người khác? “Tất cả mọi người”, không miễn trừ một ai. Thứ ba, mục đích cao nhất của các ân tứ và thân năng được Đức Chúa Trời ban cho là để sử dụng cho việc gây dựng Hội Thánh, tôn vinh hiển về Đức Chúa Trời Ba Ngôi. “Tất cả mọi người” đều có thể làm được như thế: “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen” (1Phi. 4:11). Cái gì làm cho con diều bay được? Cái khung của con diều có thể nói “Nhờ tôi”. Đuôi của con diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Giấy bồi thành con diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Sợi dây giữ cho con diều bay cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Gió cũng có thể nói “Nhờ tôi”. Đứa bé cầm sợi dây thả diều cũng có thể nói “Nhờ tôi”… Thật ra, con diều bay được là nhờ tất cả những điều ấy hợp lại với nhau, mỗi điều ấy giữ một vai trò nhất định của mình. Nếu khung diều hỏng, đuôi diều mắc vào cành cây, giấy bồi diều rách, dây thả diều dứt, hay gió ngừng thổi,… nhất định con diều sẽ không còn bay được nữa. Muốn cho công việc Chúa trong Hội Thánh được thành công, từng người chúng ta phải hoàn thành xuất sắc phần công việc của mình. Chúng ta có thể làm chứng, chăm sóc, giảng, dạy,… và vô số việc khác để giúp cho Hội Thánh thành công và phát triển miễn là chúng ta biết hiệp tác với nhau trong tinh thần đồng đội, trong đó Đội Trưởng chính là Đức Chúa Trời: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta…” (Rô. 12:6); “Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây” (1Cô. 3:9). Khi đến dự một buổi nhóm thờ phượng, phần đông đều trông mong đến giờ giảng luận để nghe diễn giả trình bày về tình yêu thương và ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong các ân tứ thuộc linh, ơn giảng luận vẫn thường được trân trọng một cách đặc biệt và vẫn được xem là ân tứ “Số Một”. Thật ra, mỗi người ngay khi bước đến với một buổi nhóm, trước giờ giảng luận của diễn giả khá lâu, đều đã có thể giảng về tình yêu thương và ý muốn của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh của Ngài! Trước khi diễn giả bước lên tòa giảng, mỗi người trong quí vị đều phải giảng, có thể giảng, và đã giảng: Quí vị giảng một sứ điệp bằng lời chào mừng nhau một cách vui vẻ thật thà ngay tại nhà gửi xe! Quí vị giảng một sứ điệp khi vui vẻ đưa tay đón người đến sau ngồi vào chỗ gần với mình chứ không phải chỉ đưa mắt nhìn họ như ngầm bảo “Hãy lại đằng kia mà ngồi đi!” Quí vị giảng một sứ điệp khi hát thánh ca tôn vinh Chúa một cách vui mừng và thiết tha! Quí vị giảng một sứ điệp khi quí vị tỏ ra chăm chú lắng nghe một cách trân trọng những lời làm chứng về ơn phước của Đức Chúa Trời trên đời sống của anh, chị, em mình trong Hội Thánh! Quí vị giảng một sứ điệp khi quí vị nồng nhiệt chào đón khách đến thăm Hội Thánh! Quí vị giảng một sứ điệp khi đi nhóm quí vị có mang theo Kinh Thánh, và quí vị chăm chú tra xem Kinh Thánh khi nghe giảng! Quí vị còn có thể giảng nhiều điều khác đến nỗi không sao kể hết được. Đó chính là những biểu hiện thực hành của những đời sống biết kết ước trong Hội Thánh! Phẩm chất Cơ Đốc một khi được bày tỏ ra một cách thực hành sẽ tác động mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì được nói bằng môi miệng. Đối với những ai biết vâng lời Đức Chúa Trời, nhiệt tình sử dụng các ân tứ thuộc linh đã được ban cho, họ không cần phải lo sợ thất bại; vì đây là lời hứa dành cho họ: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phil. 4:13). Tất cả chúng ta đều có ít nhất một sự ban cho nào đó của Đức Chúa Trời để sử dụng vào việc gây dựng Hội Thánh của Ngài. Chúng ta phải có đời sống kết ước với Đức Chúa Trời và với Dân Sự của Ngài. Cơ Đốc Nhân phải là người chấp nhận gian truân để kết ước sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống mình, dốc lòng làm đẹp ý Ngài trong mọi sự, tin quyết rằng ý chỉ tốt đẹp của Đức Chúa Trời trên đời sống mình nhất định sẽ được hoàn thành. Nếu quí vị cảm thấy những gì đang có trong tay mình sao mà yếu ớt quá; hãy nói chuyện với Samsôn để biết bí quyết nào khiến yếu biến thành mạnh. Nếu quí vị cảm thấy điều mình có trong tay ít quá, không làm sao chia sẻ được; hãy đi hỏi thăm người đàn bà góa đã dâng hai đồng tiền ăn một phần tư xu để được biết phải làm thế nào. Nếu quí vị thấy sao khó buông bỏ những gì hiện có trong tay quá; hãy nói chuyện với Anne để biết nhờ đâu mà bà dám dâng cho Đức Chúa Trời đứa con cầu duy nhất của mình. Nếu người ta chê cười về những gì quí vị hiện có trong tay là tầm thường; hãy nói chuyện với Đavít để nhớ lại bài học về cái trành ném đá đã giết tên khổng lồ Gôliát. Nếu quí vị thấy những gì có trong tay làm cho mình đau quá; hãy thưa với Đức Chúa Jêsus để được xem dấu đinh trên tay của Ngài và được Ngài dùng sự đau đớn mà làm cho trở nên trọn lành! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |