“NGÀY SABÁT BUỒN QUA RỒI!” (Mác 16:1-8) “Là Đấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm Phủ.” (Khải. 1:18) Kể từ ngày Sabát được thiết lập (Sv. Sáng. 2:2-3), chưa hề có ngày Sabát nào u buồn cho bằng ngày Sabát được nhắc đến ở Mác 15:42-47. Nhưng ngay từ lời đầu tiên của đoạn Kinh Thánh này chúng ta đã biết rằng “ngày Sabát đã qua!” (“Khi đã chiều tối…”). Ngày Sabát ấy - ngày mà Ðức Chúa Jêsus kính yêu của chúng ta bị những kẻ chống đối Ngài toan tính giam hãm Ngài vĩnh viễn trong thạch mộ (Sv. Ma. 27:62-66) - đã vĩnh viễn qua rồi! Đối với Ðức Chúa Jêsus Christ, ngày Sabát ấy là một ngày Sabát mà Ngài được nghỉ ngơi; còn đối với các môn đồ Ngài, đó là một ngày Sabát hoang mang, u buồn đáng sợ - đầy nước mắt và âu lo… Sự thờ phượng trong Đền Thờ ngày Sabát - đối với Ðức Chúa Trời - chưa hề có khi nào đáng gớm ghiếc cho bằng ngày Sabát ấy: Người ta thờ phượng trong Đền Thờ với bàn tay vấy máu mà Thầy Cả Thượng Phẩm đã khiến họ nhúng vào trong việc xử đóng đinh Ðức Chúa Jêsus (Sv. Mác 14:63-64). Dầu vậy, ngày Sabát ấy giờ đây đã qua rồi, và ngày đầu của tuần lễ mới này cũng chính là ngày bắt đầu của một thế giới mới! I. MỘT TÂM TÌNH (C. 1-2) Cuộc viếng mộ của những người nữ (Sv. Lu. 24:10) đã từng chăm chút cho Ðức Chúa Jêsus không phải là một sự mê tín như ngày nay chúng ta thường thấy, đây chính là một cuộc viếng mộ với lòng ái mộ không gì ngăn cản được. Từ nơi nghỉ trọ, họ đã thức dậy rất sớm, có lẽ từ khi mọi người còn đang ngon giấc - để có thể đến nơi sớm và tránh được những ngăn trở có thể có - nên chi họ đã đến được bên thạch mộ từ khi bình minh vừa ló dạng (C. 2). Họ đã mua theo thật nhiều thuốc thơm để có thể không chỉ ướp xác Chúa bằng nước mắt mình mà còn bằng thuốc thơm nữa ( C. 1) - nhất định là thế vì chẳng còn gì khơi dậy cho họ nỗi tiếc thương hơn là khi bước đến bên xác Chúa. Nicôđem đã từng cho mua một số lượng lớn thuốc thơm, một dược, lư hội để ướp cho ráo các vết thương đầm đìa máu trên xác Chúa (Gi. 19:39); thế nhưng những người đàn bà kính yêu Chúa này vẫn thấy như thế là chưa đủ đối với Ngài (Lu. 23:55). Quả thật, sự ngưỡng mộ mà người khác dành cho Ðức Chúa Jêsus dầu có là như thế nào đi nữa thì cũng không thể làm giảm thiểu được lòng ngưỡng mộ của chúng ta (1Cô 15:58). II. MỘT SỰ GIẢI QUYẾT (C. 3-4) Sự lo lắng về việc làm sao mở được cửa mộ quả thật là một mối bận tâm lớn đối với họ. Trong lúc đi đường, họ đã bàn với nhau về điều ấy, và giờ đây, khi đến được trước ngôi thạch mộ, họ lại hỏi nhau một lần nữa: “Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ ra cho chúng ta?” (C. 3). Hòn đá lấp cửa mộ là một hòn đá thực sự lớn, lớn hơn gấp nhiều lần sự hợp lực của họ lại với nhau để lăn đi. Nhất định là họ đã biết chắc về điều ấy (Sv. Ma. 27:59-61), và đã phải suy tính với nhau về những giải pháp khả thi trước khi khởi hành; và việc thấy trước về sự khó khăn không giải quyết nỗi ấy hoàn toàn có thể khiến họ đổi ý thôi đừng đi. Họ cũng còn một khó khăn khác lớn hơn - vì nếu không vì sự khó khăn thứ hai này thì sự khó khăn trước có thể giải quyết được. Đó là làm thế nào để họ có thể qua mặt được tốp lính hung dữ đang canh giữ ngôi thạch mộ hết sức nghiêm nhặt (Sv. Ma. 27:64) mà chỉ cần nhớ đến cung cách bạo tàn của họ trước đấy hai ngày (Sv. Ma. 27:27-31) cũng đủ thấy nản lòng. Thế nhưng với lòng kính yêu dạt dào đối với Chúa, họ đã mạnh dạn tiến bước về hướng thạch mộ bất chấp các khó khăn vốn biết. Diễn tiến của sự việc thật bất ngờ, họ đã không vấp phải cả hai nỗi khó khăn là hòn đá lấp cửa mộ và tốp lính canh mộ. Chẳng những lính canh đã không phát hiện ra và ngăn trở họ, mà hòn đá lớn lấp cửa mộ cũng đã được dời đi (C. 4). Những ai được thúc đẩy bởi một mối nhiệt tâm thánh thiện để tìm kiếm Chúa một cách hết lòng sẽ kinh nghiệm được sự giải quyết một cách lạ thường các trở lực tưởng chừng không vượt qua nỗi, sẽ kinh nghiệm được rằng họ sẽ được phù trợ một cách đặc biệt vượt quá sự mong đợi của mình (Sv. Phil. 4:7). III. MỘT SỰ QUẢ QUYẾT (C. 5-7) Sự quả quyết của thiên sứ rằng Ðức Chúa Jêsus đã phục sinh, đã rời khỏi thạch mộ (C. 6), là một sứ điệp muôn đời để thông báo cho muôn dân được biết về một Cứu Chúa Hằng Sống chứ không phải chỉ dành riêng cho những người nữ tin kính này mà thôi. 1. Sự Chứng Kiến Họ bước vào thạch mộ, và nhận ra rằng xác Chúa đã được đặt ở đây hai đêm trước giờ không còn nữa (C. 6). Ðức Chúa Jêsus Christ, Ðấng bởi sự chết của Ngài mà nợ tội của chúng ta đã được đảm nhận trả thay, giờ đây đã phục sinh. Với sự phục sinh, Ðức Chúa Jêsus đã trang trải xong một sự thanh toán hợp pháp khiến cho một vấn đề từ bao nhiêu đời không giải quyết nỗi giờ đây được đặt một dấu chấm hết nhờ bằng cớ không thể chối cãi được rằng Ngài là Con Ðức Chúa Trời, vì Ngài đã phục sinh. 2. Sự Xác Nhận Họ trông thấy một người nam trẻ tuổi ngồi bên phải thạch mộ (C. 5). Thiên sứ đã xuất hiện trong hình thể của một người nam còn trẻ. Ấy là vì, dầu được tạo dựng từ buổi ban đầu, nhưng các thiên sứ không phải chịu lão hóa mà cứ giữ nguyên trạng thái tốt đẹp, mạnh mẽ hoàn chỉnh vốn có. Đó cũng là trạng thái vinh hiển mà các thánh đồ cũng sẽ có được khi thân thể họ được biến hóa theo thân thể phục sinh vinh hiển của Ðức Chúa Jêsus. Vị thiên sứ này ngồi bên phải thạch mộ khi họ bước vào và “mặc áo dài trắng” là cách phục sức của những người có danh phận cao trọng. Ánh nhìn của vị thiên sứ có thể là một ánh nhìn đầy khích lệ - vì cung cách của họ ở đây là cung cách khích lệ - thế nhưng họ đã khiếp sợ (C. 5). Lắm khi chúng ta cũng rơi vào tình trạng tương tự: Có khi sự an ủi đến, nhưng vì lỗi lầm riêng của mình, chúng ta không vui mừng mà lại khiếp sợ. 3. Sự Trấn An Vị thiên sứ đã trấn an nỗi sợ của những người nữ này rằng đây là điều đáng nên mừng vui chứ không nên khiếp sợ (C. 6). Thiên sứ bảo họ: “Đừng sợ chi!”. Các thiên sứ chẳng những biết vui mừng trong cuộc giao hội với các tội nhân mà còn biết an ủi, khích lệ họ nữa. “Đừng sợ chi” vì: (1) Chúa Cứu Thế Jêsus Đã Chịu Đóng Đinh Để Đem Kẻ Có Tội Về Với Ngài. “Các ngươi tìm Ðức Chúa Jêsus Naxarét, là Ðấng đã chịu đóng đinh…”. Sự tìm cầu của những linh hồn tin nhận là sự tìm cầu về một Cứu Chúa “đã bị đóng đinh” (Sv. 1Cô. 2:2) hầu cho có thể biết được Ngài và thông công với Ngài nhiều hơn. Việc Ngài được treo lên có mục đích là để đem mọi người đến với Ngài (Sv. Gi. 12:32). Thập tự giá của Ðức Chúa Jêsus chính là ngọn cờ hiệu triệu Dân Ngoại đến với Ngài. Cách nói của vị thiên sứ về Ðức Chúa Jêsus là Ðấng chịu đóng đinh với nội dung rằng “Việc ấy giờ đã qua rồi! Mọi người không còn cần phải cứ ấp ủ mãi nỗi buồn bất lực chứng kiến Ngài chịu đóng đinh mà hãy tiếp nhận lấy niềm vui phục sinh của Ngài! Ngài đã chịu đóng đinh trông bộ yếu đuối nhưng Ngài cũng đã phục sinh trong quyền phép vinh hiển, nên chi những ai có lòng tìm kiếm Ngài hãy vui mừng lên!”. Ðức Chúa Jêsus Christ “đã chịu đóng đinh”, nhưng Ngài đang được làm cho vinh hiển. Sự tủi nhục vì cớ Ðức Chúa Jêsus phải chịu đóng đinh giờ đây không còn thích hợp vì như thế sẽ làm giảm sút sự vinh hiển của sự tôn ngôi của Ngài: Sự tôn ngôi của Ðức Chúa Jêsus Christ có tác dụng cất bỏ mọi sỉ nhục đã trải qua. Như vậy, kể từ khi bước vào lại trong sự vinh hiển, không hề còn điều gì là đáng hổ thẹn về thập tự giá cả (Sv. 1Cô. 1:18; Rô. 1:16). Vị thiên sứ phụ trách việc công bố sự phục sinh của Ðức Chúa Jêsus ở đây gọi Ðức Chúa Jêsus là “Ðấng đã chịu đóng đinh”. Chính Ðức Chúa Jêsus đã tự nhận Ngài “Là Ðấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm Phủ” và Ngài được tôn vinh giữa các thiên sứ trên Thiên Đàng như là “Chiên Con… đã bị giết” (Khải. 5:6). (2) Chúa Cứu Thế Jêsus Đã Phục Sinh Vinh Hiển. “Ngài sống lại rồi; chẳng còn ở đây…”. Sự công bố này của vị thiên sứ phải là một tin mừng đối với những người nữ đến tìm Chúa, vì thay vì phải xức xác cho Chúa họ có thể đổi buồn làm vui về việc Ngài hiện đang sống (Sv. Ma. 28:8). Ðức Chúa Jêsus không còn ở đây nữa tức Ngài không chỉ là một xác chết bị cố định ở đây, tức là Ngài không còn chết nữa mà đã sống lại (Sv. Lu. 24:5). Dầu rằng bây giờ không thể thấy được Ngài tại ngôi thạch mộ này, thế nhưng sắp tới đây họ sẽ tái ngộ với Ngài (C. 7). Để có thể yên tâm về điều ấy, hãy bước vào xem chỗ đã đặt xác Ngài: Xác Ngài không còn ở đó, Ngài đã phục sinh chứ không phải có ai đã dấu mất xác Ngài như bọn người Pharisi sau đó đã bày đặt ra (Sv. Ma. 28:11-15). 4. Sự Hành Động Vị thiên sứ dặn họ chớ nên chậm trễ trong việc báo tin này cho các môn đồ của Chúa được biết (C. 7). Những người nữ này, vô hình trung, đã đi trước cả các vị Sứ Đồ một bước trong việc chứng kiến từ sự thương khó của Chúa trên thập tự giá (Sv. Gi. 19:25), theo Ngài đến thạch mộ (Sv. Ma. 27:61), và vào cả trong thạch mộ (C. 5) để nhận tin mừng phục sinh của Chúa (C. 6). Thật là một sự đền bù xứng đáng cho lòng kính yêu và trung thành đối với Chúa của họ. Không hề có một môn đồ nào khác dám đến gần nơi này để tìm hiểu về Chúa. Những người tưởng chừng can trường đến nỗi trong đêm có thể dám trộm cả xác Chúa đem đi (Sv. Ma. 27:64) đã không hề có ai dám đến gần Ngài! Chỉ một số ít những người nữ này - ít đến độ không đủ sức lăn được hòn đá lấp cửa mộ - là những người đầu tiên đến nơi nguy hiểm ấy, vì thế họ là những người đầu tiên được đáp ứng. (1) Các Môn Đồ Của Ðức Chúa Jêsus Cần Phải Được Biết Về Tin Mừng Phục Sinh. Họ phải báo cho các môn đồ của Chúa biết rằng Ngài đã phục sinh. Đối với các môn đồ của Chúa, lúc ấy là một thời điểm hết sức buồn thảm (Sv. Lu. 24:17). Người thầy kính yêu của họ đã chết, được đem đặt vào trong thạch mộ khiến cho mọi hy vọng và niềm vui của họ chừng như cũng bị chôn vùi theo đó. Ai nấy tưởng chừng như đại cuộc giờ đây sụp đổ (Sv. Lu. 24:21), họ hầu như trở nên miếng mồi ngon sắp rơi vào tay kẻ thù. Họ không còn chút hy vọng gì, họ hoàn toàn rơi vào thế bí, và buộc thế họ đang phải mạnh ai nấy xoay xở để được sinh tồn (Sv. Ma. 26:31; Mác 14:27). Chính tất cả những điều ấy là lý do cho sự thúc giục “Hãy đi nói…” mà vị thiên sứ truyền ra (Câu 7). Mệnh lệnh gấp rút này cho thấy rằng… [1] Chúa Cứu Thế Jêsus đã không hề hổ thẹn về các môn đồ đáng tội nghiệp của mình. Ngay cả trong trạng thái được tôn cao hậu phục sinh thì mối bận tâm hàng đầu của Ðức Chúa Jêsus vẫn là đem lại sự bình an cho các môn đồ của Ngài. [2] Chúa Cứu Thế Jêsus không hề ghim gút về những sự bất xứng của các môn đồ Ngài. Các môn đồ đã bỏ rơi Chúa một cách tàn nhẫn vì cớ sự yếu đuối của họ, thế nhưng Ngài biết tấm lòng họ vẫn còn trung thực với Ngài, và Ngài đã bày tỏ mối quan tâm đối với họ. [3] Những ai có lòng thương tiếc, ngưỡng vọng Chúa đều sẽ nhận được sự an ủi kịp lúc. Chúa Cứu Thế Jêsus không để cho ai phải vì Ngài mà quằn quại trong quay quắt, sẽ có lúc Ngài tỏ mình cho họ được biết. (2) Báo Cho Phierơ Biết Là Một Điều Cần Thiết (C. 7). Trong trường hợp bình thường, nếu phải đi báo cho các môn đồ biết tin, tất Phierơ cũng sẽ được báo. Thế nhưng vì Phierơ đã chối Chúa, việc nhấn mạnh đích danh đến Phierơ ở đây là một dấu hiệu cho chúng ta thấy rằng Chúa biết Phierơ đã thực sự ăn năn; ông vẫn còn được kể là thuộc trong vòng các môn đồ của Ngài; ông vẫn còn liên kết với các môn đồ khác của Chúa. Phải báo cho Phierơ biết vì… [1] Điều này đối với Phierơ có một ý nghĩa hết sức đặc biệt: Đối với Phierơ, đây thực sự là một tin mừng được đón nhận một cách hết sức hân hoan. Phierơ đang trong tâm trạng buồn khổ của một người biết mình phạm tội và đã ăn năn; đang hoang mang cao độ và đang cần được biết về tin mừng phục sinh của Chúa (Sv. Lu. 24:12) là điều bảo đảm cho sự xưng công bình cho mọi môn đồ Ngài. [2] Nếu không được báo cho biết, Phierơ sẽ rất lo sợ. Phierơ tất sẽ nghĩ rằng mình không có phần gì trong sự vui mừng này. Nếu không có ai đến báo tin cho mình trong khi những người khác đều được thông báo, nhất định Phierơ sẽ phải nghĩ rằng “Thôi, mình không còn được Chúa kể là môn đồ của Ngài nữa rồi. Vì mình đã chối Chúa nên chi giờ đây Ngài cũng đã chẳng nhìn nhận mình, dẫu ăn năn cũng chẳng ích chi…”. Việc thiên sứ truyền đích danh Phierơ nói lên rằng Phierơ cũng được Chúa hoan nghênh trong cuộc hẹn đã định tại Galilê như mọi môn đồ khác vậy (Sv. Gi. 21:15-19). (3) Hội Ngộ Tại Galilê Là Điều Đã Được Hứa. Lời Ðức Chúa Jêsus đã hứa với các môn đồ Ngài trong cuộc trò chuyện với Phierơ (Sv. Ma. 26:32) sắp được Ngài hoàn thành tại Galilê. Tại sao lại là Galilê mà không là Giêrusalem? Trên đường hội tụ về Galilê ai nấy sẽ có cơ hội để hồi tưởng lại những gì Chúa đã từng phán với họ: Ngài sẽ phải chịu khổ và chịu chết, đến ngày thứ ba Ngài sẽ phục sinh (Sv. Ma. 20:17-19; Mác 10:32-34; Lu. 18:31-34). Họ cũng có đủ thời gian để gom nhau lại cho đông đủ và ai nấy sẽ được trấn tĩnh. Tại Giêrusalem, giữa vòng những người xa lạ và các kẻ thù, các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus không sao tránh khỏi lo sợ và phân tâm. Quả thật… [1] Mọi cuộc hội ngộ giữa Chúa Cứu Thế Jêsus với những người theo Ngài đều được Ngài quyết định. [2] Chúa Cứu Thế Jêsus không bao giờ lỗi hẹn mà sẽ giao hội cùng những người biết kêu cầu danh Ngài với những phước hạnh đã được hứa. [3] Chúa Cứu Thế Jêsus luôn luôn là người sốt sắng nhất trong những cuộc hội ngộ với các môn đồ của Ngài. Chúa luôn đi trước một bước trong việc giữ lời hứa. IV. MỘT SỰ KHIẾM KHUYẾT (C. 8) Cách thế những người nữ này đem sự tường thuật về tin mừng phục sinh đến với các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus thật đặc biệt. Họ đã gấp rút đi tìm gặp các môn đồ của Chúa trong một tâm trạng vừa lạ lùng, vừa run sợ (Sv. Ma. 28:8; Mác 16:8). Nhiều khi chúng ta bỗng trở nên trở ngại cho chính mình và làm hỏng mất sự thư thái của chúng ta do không biết để ý đến những gì Chúa đã phán, không biết liên hệ làm một giữa đức tin của chúng ta với những gì Ðức Chúa Jêsus đã hứa với chúng ta. Ðức Chúa Jêsus đã từng phán với họ rằng đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại (Sv. Ma. 20:17-19; Mác 10:32-34; Lu. 18:31-34), đã dặn họ hãy chú tâm một cách đầy đủ đến điều đó (Sv. Ma. 26:31; Mác 14:27). Nếu họ biết chú tâm đến điều ấy, ắt họ đã đi viếng mộ Ngài với một tâm trạng khác: Có một hoài vọng về sự phục sinh của Ngài, để rồi tiếp nhận tin mừng phục sinh trong sự vui mừng và tin chắc chứ không phải là với sự kinh khiếp và lạ lùng. “Vì run sợ sửng sốt” (Câu 8), họ đã một mạch đi tìm các môn đồ để báo tin đến đỗi không dám dừng lại để nói với bất kỳ ai về tin mừng này cả! Tất nhiên, thể theo sự truyền dặn của vị thiên sứ, họ phải báo cho các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus biết để rồi các môn đồ này sẽ báo cho cả thế gian này biết về tin mừng phục sinh. Thế nhưng việc không dám cho ai khác biết cả chỉ cho thấy rằng họ sợ nói ra cũng chẳng ai tin - ngay cả đến các vị Sứ Đồ cũng thế (Sv. Lu. 24:11) - vì chính họ cũng chưa hiểu hết được sự việc! Một khi đức tin và sự vui mừng có được nhờ đức tin không đủ mạnh mẽ, sự lo lắng bồn chồn trong lòng chúng ta vốn vẫn thường hạn chế sự phục vụ Chúa và sự làm chứng của chúng ta cho những linh hồn hư mất theo một cách tương tự như thế. Sự phục sinh của Ðức Chúa Jêsus Christ là một sự thật hiển nhiên. Các Cơ Ðốc Nhân luôn biết tự hào về ngôi thạch mộ đã trống không từ sau ngày Sabát buồn thuở ấy: “Ngày Sabát qua rồi” (Mác 16:1), “Ðức Chúa Jêsus Naxarét, là Ðấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi…” (Mác 16:6). Ðức Chúa Jêsus phán: “Là Ðấng Sống, Ta đã chết, kìa nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và Âm Phủ” (Khải. 1:18). Mỗi Cơ Ðốc Nhân cần phải xem xét lại tâm tình của mình, hãy đếm lại biết bao ơn phước tuôn tràn trên đời sống theo Chúa của mình, phải có cho mình một sự xác quyết trong niềm tin, và nhờ đó mà loại trừ được các khiếm khuyết trong đức tin để thực sự có một đức tin sự sống tương xứng với Cứu Chúa Hằng Sống của chúng ta. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |