REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

4/10/2022

 
Picture
“SỐNG CHO SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”
(1Cô. 1:26-31)
​“Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.”
(1Cô. 1:31b)
​Một câu hỏi có thể được đặt ra là “Đức Chúa Trời thích trọng dụng hạng người nào?”. Những lời của Sứ Đồ Phao Lô trong đoạn Kinh Thánh này có thể sẽ làm ngạc nhiên nhiều người giữa vòng chúng ta, vì tư tưởng Kinh Thánh này đối chọi với văn hóa của xã hội loài người. Thông thường, xã hội chúng ta đang sống vốn vẫn trọng vọng những người có vẻ bề ngoài hào nhoáng, sang trọng, tỏ ra giỏi giang, giàu năng lực,…
Chỉ những người như thế mới được xã hội ưu tiên trọng dụng. Sứ Đồ Phao Lô cho biết rằng Đức Chúa Trời chọn cho Ngài những người trông có vẻ thiếu khôn ngoan, yếu đuối, không quan trọng,… Đức Chúa Trời không muốn những người được Ngài chọn khoe mình, mất phước. Đức Chúa Trời muốn những người được Ngài kêu gọi nhận ra lẽ thật vĩnh cửu là nếu không bởi Ngài họ sẽ chẳng làm được gì tốt đẹp để giúp cho họ biết nương cậy Ngài, và nhờ đó mà được phước.
Sứ điệp của đoạn văn Kinh Thánh này là một sứ điệp đầy khích lệ. Ý muốn tốt đẹp của Đức Chúa Trời trên đời sống của những người theo Ngài có tác dụng kép: Vừa nâng đỡ cho những ai cảm thấy mình kém cỏi, vừa nhắc nhở cho những ai biết rằng mình đã từng nhận được nhiều ưu đãi của Đức Chúa Trời để rồi tất cả mọi người đều biết dâng đời sống mình cho sự vinh hiển của Ngài.
Để học biết sự dạy dỗ của đoạn văn Kinh Thánh này, chúng ta có thể ôn lại vài câu chuyện Kinh Thánh Cựu Ước với những câu hỏi mang tính chất chứng giải tương ứng của Đức Chúa Trời dành cho Dân Ngài.
 
I. “TRONG TAY NGƯƠI CẦM GÌ?”
Câu chuyện thứ nhất được tìm thấy ở Xuất. 4:1-5 với phần đầu của chuyện Đức Chúa Trời làm phép lạ để thuyết phục Môise. Môise vốn đã từng phải bị bỏ trôi sông và được công chúa Ai Cập cứu thoát chết, và nhận làm con nuôi. Trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, những việc ấy đã xảy ra và Môise đã được trưởng dưỡng trong hoàng cung Ai Cập, được thụ hưởng một nền giáo dục cao cấp của hạng đế vương hàng đầu trong thiên hạ.
Khi còn trẻ, sau 40 năm được dưỡng dục trong hoàng cung, có vẻ như Môise đã nghĩ rằng ông có đủ năng lực để đứng lên giúp đỡ cho đồng bào Ysơraên của mình. Ban đầu, có vẻ như Môise rất tự tin về những gì ông tự nhận thức được ở bản thân: Ông là một người Ysơraên, đã Đức Chúa Trời dùng công chúa Ai cập để cứu ông, đã được Pharaôn Ai Cập nhìn nhận ông như một hoàng thân, đã được thụ hưởng một nền giáo dục hoàng gia,… Tất cả những điều ấy có vẻ như là những dấu hiệu của một sứ mệnh thiên định… (Xuất. 2:11). Và Môise đã hành động theo sự cảm thức của mình!
Khi Môise thấy một người Ysơraên bị người Ai cập ức hiếp, Môise đã can thiệp bằng cách giết người Ai Cập kia (Xuất. 2:12). Sau đó, khi thấy hai người Ysơraên cãi nhau, Môise can gián họ, và, chua chát thay, họ phản đối Môise, chuyện giết người của Môise bị lộ ra, Môise phải bỏ trốn đến xứ của người Mađian (Xuất. 2:15). Ở đây, Môise được giới chức sắc của người Mađian ưu đãi vì đã có hành động nghĩa hiệp đối với các người nữ quí phái Mađian… Môise đã phải sống ẩn dật 40 năm với người Mađian như một người Mađian… Giấc mơ cứu dân, giúp nước của Môise tưởng chừng đã tan… Không muốn bỏ cuộc cũng phải mặc nhiên bỏ cuộc, dầu muốn trở thành anh hùng dân tộc nhưng vẫn phải chấp nhận sống đời sống của người chăn chiên trong sa mạc! Anh hùng không thể xoay chuyển nổi tình thế, phải đành thúc thủ… (Sv. Xuất. 2:11-22).
Đến khi về già, một ngày kia, giữa lúc đang chăn chiên, Đức Chúa Trời đã tỏ mình cho Môise trong bụi gai cháy: Thấy lửa thì cháy mà bụi gai vẫn tươi nguyên màu xanh (Xuất. 3:2), Môise đã đến gần để xem, và đây lần đầu tiên Môise nhận được sự kêu gọi trực tiếp từ Đức Chúa Trời:
“Vậy bây giờ, hãy lại đây, đặng Ta sai ngươi đi đến Pharaôn, để dắt dân Ta, là dân Ysơraên, ra khỏi xứ Êdíptô” (Xuất. 3:10).
Đây là lời Đức Chúa Trời phán với Môise trên xứ của người Mađian sau 40 năm ly hương cho nên ý chính của mệnh lệnh này là “Hãy trở về Ai Cập để cứu Dân Ta thoát kiếp nô lệ!”. Quả thật đây là một mệnh lệnh đáng ngạc nhiên đối với Môise sau 40 năm không còn màng gì đến quốc sự! Tâm trạng này thật dễ nhận ra qua câu trả lời của Môise:
“Môise bèn thưa rằng: Tôi là ai, dám đi đến Pharaôn, đặng dắt dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô?” (Xuất. 3:11).
Con người của Môise giờ đây đã thay đổi: Từ chỗ tự thức về bản thân một cách mạnh mẽ của 40 năm trước đến hỗ tự thán một cách đầy tự ti sau 40 năm chịu cuốn theo chiều gió, phải chấp nhận những điều không thể khước từ. “Tôi là ai…?”, tâm trạng thiếu lạc quan của Môise là một điều dễ hiểu, và Đức Chúa Trời đã ra tay đem Môise ra khỏi trạng thái tự thán để đến với một sự tự thức mới, theo một cách mới, từ một góc độ mới… Đức Chúa Trời đã làm phép lạ của Ngài để đánh thức Môise, giúp Môise nhận thức được rằng Ngài đã phán, và Ngài sẽ ban quyền năng…
“Đức Giêhôva phán rằng: Trong tay ngươi cầm vật chi? Thưa rằng: Một cây gậy” (Xuất. 4:2).
Ngày xưa, Môise đã có cảm thức về những sự mình có (Xuất. 2:11) và hành động theo cảm thức ấy (Xuất. 2:12-13), và đã thất bại (Xuất. 3:15). Đến bây giờ, 40 năm sau thất bại ấy, Đức Chúa Trời đích thân giúp Môise nhận thức về sự mình được (Xuất. 4:2) để thúc giục Môise hành động theo sự kêu gọi Thiên Thượng của Ngài (Xuất. 3:10; 4:1-5). Hóa ra trong bước đường theo Chúa, những gì chúng ta “có” chưa hẳn đã là những gì chúng ta “được” theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời!
Trong tay của Môise lúc ấy chẳng có gì khác hơn là cây gậy của người chăn chiên, một vật quen thuộc đến mức cũ mòn đối với Môise đã 40 năm! Dầu vậy, lời Đức Chúa Trời phán với Môise sau đó tỏ ra rằng Ngài cho như thế là đủ, hãy đi giải phóng cho Dân Ngài!
“Đức Giêhôva phán rằng: Ấy để cho chúng nó tin rằng Giêhôva, Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đức Chúa Trời của Ápraham, Đức Chúa Trời của Ysác, Đức Chúa Trời của Giacốp, đã hiện ra cùng ngươi” (Xuất. 4:5)
Những gì diễn ra sau đó khi Môise đối diện với Pharaôn tỏ cho thấy Đức Chúa Trời đã sử dụng một cách tài tình cây gậy trong bàn tay vâng lời Ngài của Môise… Đây là một mô thức sử dụng của Đức Chúa Trời: Với Môise, Đức Chúa Trời dùng cây gậy của người chăn bầy; với Đavít, Ngài sử dụng chiếc trành ném đá; với Samsôn, Ngài sử dụng chiếc hàm lừa… Ấy là vì…
“Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy” (2Cô. 10:4).
“Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần Ta, Đức Giêhôva vạn quân phán vậy” (Xa. 4:6b).  
Chính là chỉ với cây gậy của người chăn chiên, Môise đã đánh bại các thuật sĩ Aicập (Xuất. 7:8-13). Cũng chính với cây gậy ấy, Môise đã giáng mười tai vạ xuống Ai Cập (7:14-11:10), đã rẽ Biển Đỏ cho Dân Sự đi qua an toàn và chôn vùi đạo quân Ai Cập (Xuất. 14:21-31), đã đập hòn đá tại Hô Rếp cho nước trào ra cung cấp cho Dân Sự (17:5-9),… Hầu như tất cả những gì Môise đã thực hiện đều từ những gì Môise “được” từ Đức Chúa Trời để chăn bầy chiên của Ngài chứ không phải từ những gì Môise “có” theo năng lực bản thân của mình:
“26Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (1Cô. 1:26).
 
II. “TRONG NHÀ NGƯƠI CÓ GÌ?”
Câu chuyện thứ hai sẽ được xem xét là câu chuyện tiên tri Êlisê làm phép lạ hóa ra nhiều dầu (2Vua. 4:1-7), trong đó có một câu hỏi quan trọng mà Êlisê đã hỏi người vợ góa của một trong các môn đồ của mình khi người phụ nữ này đến than phiền về tình cảnh túng quẫn của mình:
“Êlisê nói với nàng rằng: Ta phải làm gì cho ngươi? Hãy nói cho ta biết; ngươi có vật gì ở nhà? Nàng thưa rằng: Con đòi ông chẳng có gì trong nhà hơn là một hũ dầu” (2Vua. 4:2).
Nhiều khi điều chúng ta có còn ít hơn là điều mà người phụ nữ này có… Và, trong những tình cảnh như thế chúng ta thường nghĩ rằng không thể nào chúng ta có thể làm được một điều gì đó cho đáng kể! Dầu vậy, câu hỏi của Đức Chúa Trời là “Ngươi có vật gì ở nhà?”.
Đức Chúa Trời không cần phải hỏi và được chúng ta trả lời mới có thể biết về thực trạng của chúng ta. Đức Chúa Trời hỏi là để tạo một cơ hội cho chúng ta dâng sự thiếu hụt của mình lên cho Ngài, và nương cậy nơi sự cung ứng của Ngài. Nếu chúng ta không biết dâng những gì mình có được cho Đức Chúa Trời sử dụng, quả thật chúng ta sẽ chẳng làm được gì nên chuyện. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết dâng điều mình có cho Đức Chúa Trời giống như người phụ nữ này, Ngài sẽ là Đấng biến không thành có, biến ít thành nhiều như Lời Kinh Thánh phán:
“28Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, 29để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời” (1Cô. 1:28-29).
Chính vì thế mà…
“Khi các bình đã đầy, nàng nói với con trai mình rằng: Hãy đem cho ta một bình nữa. Nhưng nó thưa rằng: Hết trơn bình rồi. Dầu bèn ngừng lại” (2Vua. 4:6).
Câu chuyện này cũng nhắc cho chúng ta về câu chuyện một thiếu niên đã dâng cho Đức Chúa Jêsus chỉ năm cái bánh mạch nha và hai con cá, nhưng món của dâng nhỏ nhoi ấy đã được biến hóa bội phần hơn:
“9Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu?... 11Đức Chúa Jêsus lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu mặc ý” (Gi. 6:9, 11).
 
III. “TRONG MẮT NGƯƠI THẤY GÌ?”
Câu chuyện thứ ba mà chúng ta sẽ xem đến được trước thuật ở 2Vua. 6:15-17 về việc tiên tri Êlisê cầu xin Đức Chúa Trời “mở mắt” cho đầy tớ mình. Đây là lời cầu nguyện của tiên tri Êlisê:
“Đoạn, Êlisê cầu nguyện mà rằng: Đức Giêhôva ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Đức Giêhôva mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở xung quanh Êlisê” (2Vua. 6:17).
Câu chuyện nói về việc quân Asyri tiến đánh Ysơraên nhưng các nổ lực tấn công Ysơraên của họ đều thất bại vì cứ mỗi lần họ tiến quân vây đánh thì lực lượng Ysơraên lại an toàn di chuyển đến một địa điểm khác mà họ không biết. Vua Asyri nghi ngờ rằng có nội gián, cho điều tra, và tìm ra được rằng ấy là nhờ Đức Chúa Trời sử dụng tiên tri Êlisê để cảnh báo cho vua Ysơraên chứ chẳng phải có nội gián trong quân Asyri. Vua Asyri quyết định đem quân vây bắt tiên tri Êlisê. Người đầy tớ của vị tiên tri này hết sức lo sợ khi thấy quân Asyri quá đông, tưởng rằng không thể nào thoát khỏi chết. Tiên tri Êlisê cầu nguyện xin Đức Chúa Trời “mở mắt” cho đầy tớ mình thấy sự bảo hộ của Ngài trên những kẻ hầu việc Ngài, và kết quả là…
“… Đức Giêhôva mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở xung quanh Êlisê” (2Vua. 6:17b).
Có một sự không tương ứng giữa tầm nhìn thế tục đối với những sự thuộc linh và vì thế mà cũng có một sự bất năng trong việc nhận thức quyền năng thuộc linh theo lý trí tự nhiên. Điều khác nhau trong tầm nhìn của Êlisê với người đầy tớ mình là ở chỗ Êlisê nhận thức được sự quan phòng Thiên Thượng của Đức Chúa Trời trên Dân Ngài, còn người đầy tớ của Êlisê thì không.
Với sự nhận thức của lý trí tự nhiên, Môise không thể nào tin được rằng một người chăn chiên với một cây gậy chăn chiên xấu xí, cũ kỹ lại có thể trở về Ai Cập, đương đầu trực diện với Pharaôn để giải phóng cho dân tộc mình! Với sự nhận thức của lý trí tự nhiên, người vợ góa của một môn đồ của tiên tri Êlisê không thể nào tin được rằng sự sống của gia đình mình có thể tồn tại được với chỉ một chút dầu sót lại trong bình! Với sự nhận thức của lý trí tự nhiên, người đầy tớ của tiên tri Êlisê không thể nào dám nghĩ rằng hai thầy trò có thể sinh tồn giữa trùng vây của đạo quân Asyri! Dầu vậy…
“30Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; 31hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (1Cô. 1:30-31).
 
Đức Chúa Trời thích trọng dụng những con người bình dị mà giàu ý chí vâng phục cho sự vinh hiển của Ngài:
“26Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng… 29để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời… 31hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (1Cô. 1:26, 29, 31).
Đức Chúa Trời muốn cất đi sự yếu đuối của chúng ta và ban cho chúng ta quyền năng của Ngài (“Trong tay ngươi cầm gì?”), Ngài muốn được chúng ta dâng trình nhu cần của mình cho Ngài để Ngài cung ứng cho chúng ta (“Trong nhà ngươi có gì?”), và Ngài muốn cất đi tầm nhìn thiển cận của chúng ta để ban cho chúng ta tầm nhìn sâu rộng của Ngài (“Trong mắt ngươi thấy gì?”). Bằng tất cả những điều ấy, Đức Chúa Trời muốn chúng ta dâng đời sống mình cho sự vinh hiển của Ngài!
“Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (1Cô. 1:31b)
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_songchosuvinhhiencuaducchuatroi.pdf
File Size: 345 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách