“NOI THEO DẤU CHÂN CHÚA JESUS” (1Phi. 2:21-25) “Anh em được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài.” (1Phi. 2:21) “Dấu chân” là một điều không được quen thuộc cho lắm đối với đời sống ở thành phố, nhất là một thành phố lớn như nơi chúng ta đang sống! Muốn hiểu được tầm quan trọng của “dấu chân”, người ta phải đi trên chân của mình trong một cuộc thám hiểm mà lòng họ khát khao; trên một miền đất xa lạ hoàn toàn không có một phương tiện đáng tin cậy nào khác ngoài dấu chân để lại trên đất của người dẫn đường; trong những tình huống mà những sự nguy hiểm luôn rình rập, chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy hiểm chết người… Khi nào phải lái xe theo một người dẫn đường để đến một địa điểm nào đó ở một khu phố lạ với những con đường phức tạp, rất đông người qua lại; bỗng nhiên bị kẹt lại ở phía sau, không còn nhìn thấy biển số xe của người dẫn đường được nữa; rơi vào tình trạng hoang mang không biết nên đi theo con đường nào… Khi ấy sẽ hiểu được ý nghĩa của “dấu chân”! Trên bước đường theo Chúa, “dấu chân Ngài” là một điều cực kỳ quan trọng: “Anh em được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (C. 21). CÓ MỘT CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó…”, đây là lời Sứ Đồ Phierơ viết ra theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh. Trong mạch văn của sự dạy dỗ này, có ít nhất hai điều đã được đề cập trong phần trước: (1) Trách nhiệm bản thân, và (2) Phận sự xã hôi. Đời sống mới trong Đức Chúa Jêsus của một người thật sự tin nhận Ngài là một cuộc đổi đời vì một người như thế vốn đã được tái sanh “chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bời Lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1Phi. 1:23). “Đời mới” của Cơ Đốc Nhân không thể được duy trì mà thiếu linh lương là Lời Kinh Thánh: “1Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, 2thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi. 2:1-2). Đời sống mới trong Đức Chúa Jêsus của một người thật sự tin nhận Ngài là một đời sống đầy bông trái thuộc linh, tỏa ra những hương vị ngọt ngào phản ánh các mỹ đức của Đấng Tối Cao đã cứu chuộc, yêu thương, và dắt dẫn họ từ trong nếp nghĩ cho đến lời nói, việc làm: “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1Phi. 2:9). Trách nhiệm cá nhân và phận sự xã hội của Cơ Đốc Nhân quyện vào nhau, thể hiện ra trong đời sống của họ thành một thể thống nhất. Sự vị kỷ trong đời sống Cơ Đốc Nhân phải được khống chế, để rồi sự vị tha được thể hiện ra theo đủ các chiều kích phải có của nó: “11Hỡi anh em rất yêu dấu, anh em như người ở trọ, kẻ đi đường, tôi khuyên phải kiêng những điều xác thịt ưa thích, là điều chống trả với linh hồn. 12Phải ăn ở ngay lành giữa Dân Ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:11-12). Đời sống Cơ Đốc là đời sống vâng phục. Chẳng phải chỉ có vâng phục Đức Chúa Trời, Cơ Đốc Nhân còn phải vâng phục trật tự xã hội mà Đức Chúa Trời đã thiết lập: “13Vì Cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, 14hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành… 17Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua” (1Phi. 2:13-14, 17). Đức vâng phục của Cơ Đốc Nhân được phản ánh ngay cả trong quan hệ sản xuất của xã hội: “18Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục người chủ hiền lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa. 19Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước. 20Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành mà nhịn chịu sự khốn khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:18-20). CÓ MỘT CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI Nếu Đức Chúa Jêsus chỉ là một vị thầy lỗi lạc cũng như bao vĩ nhân khác trong thế gian này; nếu Ngài cũng chỉ có thể đưa ra những lời kêu gọi suông chứ không có gì khác hơn thì chúng ta, những người tin theo Ngài, cũng sẽ chẳng được gì hơn là những lời giáo huấn cao thượng bất khả thi. Điều khác biệt giữa Cơ Đốc Giáo với các tôn giáo khác là quyền năng Thiên Thượng. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus không phải chỉ là những lời lý thuyết suông, chính Ngài đã nêu gương cho những người tin Ngài thực hành theo: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài…” (1Phi. 2:21). “Gương” (Gk. Hupogrammos) được đề cập ở đây là một từ liệu Hylạp nói về một khuôn mẫu cho người khác dựa vào đó để làm theo giống như một người tập viết đồ theo nét chữ của thầy mình viết ra . Những gì Đức Chúa Jêsus kêu gọi chúng ta làm, Ngài đều đã làm mẫu cho chúng ta: “22Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá; 23Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình” (1Phi. 21-23). Sống đời sống Cơ Đốc là sống trong quyền năng của Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus. Để sống được đời sống Cơ Đốc, người ta phải tiếp nhận sự sống Cơ Đốc trước: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em được lành bịnh” (1Phi. 2:24). Đức Chúa Jêsus không những chỉ ra cho chúng ta chân lý mà chính Ngài là chân lý và là con đường đem chúng ta đến chân lý: “Vậy, Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Gi. 14:6). Đức Chúa Jêsus không phải chỉ dạy suông cho chúng ta những điều cao thượng mà Ngài ban cho chúng ta linh năng để sống sự sống Thiên Thượng ngay trong đời thường: “Hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Gi. 1:12). CÓ MỘT CON ĐƯỜNG ĐẸP Ý CHÚA Con đường Đức Chúa Jêsus đã đi là con đường sống đẹp ý Cha Ngài. Đức Chúa Jêsus sống để làm đẹp ý Đức Chúa Cha và rồi lưu lại cho chúng ta một mẫu mực, đồng thời cũng ban luôn cho chúng ta năng lực, để chúng ta noi theo. Mẫu mực ấy là mẫu mực về đức tin. Dấu chân của Đức Chúa Jêsus là dấu chân về đức tin. Dấu chân Ngài không phải chỉ toàn bằng những bước đi hanh thông giữa tiếng tung hô ngưỡng mộ. Dấu chân Đức Chúa Jêsus đã từng đi lắm khi phải chịu cả sự hằn học của đám đông cuồng nộ! Dấu chân Đức Chúa Jêsus đã từng đi gồm luôn cả những bước đi khó nhọc dưới sự hại hành của kẻ thù Ngài và sức nặng của thập tự giá Ngài trên đồi Gôgôtha, và đó là những bước chân rướm máu đức tin! Dầu vậy, “Anh em được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. “Sự đó” là gì? Ấy chính là đức tin vâng phục. Con đường đẹp ý Chúa là con đường vâng phục trong đức tin. Chúng ta đã được kêu gọi tin cậy gì ở Đức Chúa Trời? Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời có quyền năng ra sao trong việc thay đổi lối sống của chúng ta? Điều gì khiến chúng ta vững tin rằng sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cũng đồng thời ban quyền năng cho đời sống chúng ta được thay đổi? Điều được biểu lộ trước hết trong dấu chân Đức Chúa Jêsus là đức tin của Ngài về sự tể trị của Đức Chúa Trời. Hãy xem lại lời dạy trong 1Phi. 2:13-17. Đây là những lời dạy dỗ các tín hữu về cách ăn ở đối với chính quyền. Đừng quên rằng những lời này không phải viết cho những tín hữu đang được sống dưới sự cai trị anh minh của các bậc minh quân. Những lời này viết để hướng dẫn cho các tín hữu đang chịu sự kềm kẹp trong nanh vuốt của hoàng đế Nero. Trong lịch sứ nhân loại, khó có thể tìm ra được một người nào khác có cách đối đãi tàn tệ với Cơ Đốc Nhân hơn người này! Có tài liệu cho biết rằng Nero có sở thích lái chiến xa chạy quanh thành Rôma vào ban đêm. Để có ánh sáng cho trò chơi của mình, Nero ra lệnh cho thủ hạ tìm bắt những người tin theo Đức Chúa Jêsus, buộc họ vào những cây cột dọc hai bên đường, tẩm dầu trên người họ rồi đốt lên làm đèn đường soi sáng cho Nero tiêu khiển mỗi đêm! Dầu vậy, ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với các con cái của Ngài vẫn cứ là “Vì Cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên…”. Trong 1Phi. 2:13, 15, 16, 17; mỗi câu đều có ít nhất một tổ hợp từ độc đáo để nêu cho biết lý do vì sao phải làm theo các sự dạy dỗ ấy: : “Vì cớ Chúa” (C. 13), “ Để ngăn miệng những kẻ ngu muội, dại dột” (C. 15), “Ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời” (C. 15), “Là tôi mọi Đức Chúa Trời” (C. 16), “Kính sợ Đức Chúa Trời” (C. 17). Lẽ thật căn bản của tất cả những điều này là gì? Đó chính là sự dạy dỗ về sự tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Dầu gian ác đến độ cùng cực như hoàng đế Nero, điều ấy vẫn ở dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời: “Mọi người phải vâng pục các Đấng cầm quyền ở trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định” (Rô. 13:1). Đức Chúa Trời còn đòi hỏi chúng ta đức tin về sự công nghĩa của Ngài: “Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà phục theo chủ mình, chẳng những phục người chủ hiền lành mà thôi, lại phải phục người chủ khó tánh nữa” (1Phi. 2:18). Không thể tưởng tượng được còn có hoàn cảnh nào khó khăn hơn thế! “Khó tánh” (Gk. skolios) được nói đến ở đây là một từ liệu Hylạp có nghĩa là “quái ác”, “quá quắc”, “khắc nghiệt”,… Nói chung là tất cả những gì “ác ôn’ nhất mà người ta có thể nghĩ ra được đều là “skolios”! Điều Đức Thánh Linh muốn dạy dỗ chúng ta qua ngòi viết của Sứ Đồ Phierơ ở đây là cho dầu trong một hoàn cảnh mà sự bất công là điều mặc nhiên và thường xuyên thì hoàn cảnh ấy vẫn thuộc trong sự tể trị của Đức Chúa Trời. Đừng hiểu lầm rằng Kinh Thánh ủng hộ cho chế độ nô lệ. Mặc dầu sứ điệp Kinh Thánh là sứ điệp giải phóng cho thoát khỏi sự cầm buộc của mọi loại chủ nô gian ác, Lời Kinh Thánh muốn người ta có đức tin nơi một Đức Chúa Trời chẳng những của sự tể trị mà còn là của sự công nghĩa. Lẽ thật căn bản ở đây là chính Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự công nghĩa của Ngài, còn phận sự của những người theo Ngài là phải có một đức tin vâng phục – tất nhiên là trong giới hạn không khiến cho vi phạm các sự dạy dỗ của Ngài vì “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công. 5:29). Đức tin nơi sự công nghĩa của Đức Chúa Trời giúp người tín hữu sống vâng phục. Đời sống vâng phục của người tín hữu vừa là bằng chứng của quyền năng Đức Chúa Trời, vừa là yếu tố để quyền năng của Ngài hiển thị và đắc thắng. Sứ Đồ Phaolô làm chứng về điều ấy như sau: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phil. 4:13). “Tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (2Cô. 12:10). Noi theo dấu chân Đức Chúa Jêsus là noi theo đức tin của Ngài, và đức tin trong Đức Chúa Jêsus là đức tin cứu chuộc: “Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Giám Mục của linh hồn mình” (1Phi. 2:25). Đức Chúa Jêsus không phải chỉ dạy suông cho chúng ta những điều cao thượng mà Ngài ban cho chúng ta linh năng để sống sự sống Thiên Thượng ngay trong đời thường. Trước khi đòi hỏi chúng ta thực hiện các tiêu chuẩn Thiên Đàng Ngài chuộc chúng ta ra khỏi Địa Ngục, ấn chứng cho chúng ta bằng chính Thánh Linh của Ngài, ban quyền năng cho chúng ta noi theo dấu chân của Ngài cho đến cuối cùng: “13Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi nghe Đạo chân thật, là Đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, 14Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để ngợi khen sự vinh hiển Ngài” (Êph. 4:13-14). Những ai thành tâm và trung tín trong việc theo Chúa đều phải nhận lấy sự đòi hỏi “Noi Theo Dấu Chân Đức Chúa Jêsus”. Dấu chân của Đức Chúa Jêsus là dấu chân của đức tin nơi quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời, đức tin nơi sự công nghĩa tuyệt đối của Đức Chúa Trời, và đức tin nơi quyền năng cứu chuộc đời đời của Đức Chúa Trời. Dầu rằng khi noi theo dấu chân Đức Chúa Jêsus, người tín hữu có lúc phải đi những bước lao đao trải qua những chặng đường gian truân, nhưng Ngài đã ban cho họ Đức Thánh Linh để khỏi lạc mất dấu chân Ngài. Chính Đức Chúa Jêsus, bởi Thánh Linh của Ngài, sẽ dắt dẫn các con cái vâng phục của Ngài đến bến bờ vinh hiển! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |