REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

3/10/2022

 
Picture
“QUAN HỆ GIA ĐÌNH CƠ ĐỐC”
(Êph. 5:22-23)
“Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng.”
(Êph. 5:33)
Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho biết rằng trong các gia đình phi Cơ Ðốc, vừa không thể nào tìm ra được sự thánh khiết vừa không làm sao tìm thấy được tình yêu thực sự. Vào thời điểm Ðức Chúa Jêsus thi hành chức vụ trên trần gian, xã hội ngoại giáo đã thoái hóa đến cao độ; sự thoái hóa ấy nói lên rằng Ðức Chúa Jêsus đến thế gian là cần thiết để “Tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu. 19:10). Trong xã hội hiện nay, sự thoái hóa ấy càng dễ nhận thấy hơn; vì vậy, nhu cần xây dựng quan hệ gia đình Cơ Ðốc càng bức thiết hơn nhiều.
 
Để kêu gọi các tín hữu ở Hội Thánh Êphêsô có đời sống nhiệt thành và thánh khiết, Sứ Đồ Phaolô đã đề cập đến định chế gia đình và qua đó chúng ta học biết được một số điều quan trọng về mối quan hệ giữa vợ với chồng trong một gia đình cũng như giữa mỗi gia đình với Ðức Chúa Trời.
 
I. ĐỨC CHÚA JÊSUS ĐÃ LÌA BỎ THIÊN ĐÀNG ĐỂ KẾT HIỆP VỚI HỘI THÁNH (Câu 31)
 
Có thể nhận ra được rằng Sứ Đồ Phaolô đã suy nghĩ về mối tương đồng giữa việc một người nam “Lìa cha mẹ mà dính líu cùng vợ mình” (Sáng. 2:24) với việc Ðức Chúa Jêsus đã lìa Đức Chúa Cha để kết hiệp với Cô Dâu của Ngài là Hội Thánh. Sứ Đồ Phaolô xác nhận: “Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Ðấng Christ và Hội Thánh vậy” (Câu 32). Quả thật, không còn cách nào đẹp hơn thế để so sánh với sự “Tự bỏ mình đi” (Phil. 2:7) của Ðức Chúa Jêsus trong việc Ngài lìa bỏ Thiên Đàng để đến với nhân loại. Thiên Đàng vốn là nơi vui thích đời đời của Con Một Ðức Chúa Trời. Ngài đã từng an hưởng sự cao trọng không thể tả ở đó, và đó mới là nơi ở hiệp nghi của Ngài. Thế nhưng Đức Chúa Con đã dấn thân và Đức Chúa Cha đã tâm đắc với sự dấn thân của Đức Chúa Con. Đức Chúa Con đã hy sinh cho Cô Dâu của Ngài là Hội Thánh trên trần gian, là cộng đoàn của vô số linh hồn hạnh phúc mà trong đó mỗi một cá nhân đều có được sự liên hiệp chặt chẽ với Ngài.
 
Dầu vậy, chúng ta không thể nào hiểu hết giá trị cao quí của kế hoạch thành hôn của Đức Chúa Con với vợ Ngài là Hội Thánh. Chúng ta cũng không hiểu hết được sự hạ mình của Đức Chúa Con để thực hiện sự kết hiệp với Hội Thánh của Ngài. Không thể có bất cứ sự khiêm hạ nào trong những cuộc hôn nhân trên trần gian này có thể so sánh được với sự hạ mình của Đức Chúa Con trong việc đến với Cô Dâu của Ngài. Ðức Chúa Jêsus đã đến trong khi loài người đang ở trong tình trạng tội lỗi, băng hoại, hư mất hoàn toàn. Chúng ta có thể tưởng tượng ra được một vị hoàng tử có một tình yêu chân thật, nồng nàn với một người nữ tầm thường nào đó; đã thu xếp để đến một thời điểm thích hợp đón nàng về cung điện của mình để chia sẻ tình yêu và sự vinh quang. Thế nhưng việc Ðức Chúa Jêsus đã lìa ngôi cao sang của mình, chính Ngài đã phải trả một giá quá đắt để có thể tuyển lựa Cô Dâu của Ngài là Hội Thánh giữa dòng dõi nhân loại hư hoại là một điều không sao có thể tưởng tượng nổi. Mọi vua trên thế gian này, cho dầu cao sang đến đâu, cũng chỉ là con người, thuộc giữa vòng loài người. Ðức Chúa Jêsus là Vua Thiên Thượng, Ngài là Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Jêsus đã quyết định đến với Cô Dâu nhân loại của mình bằng tình yêu Thiên Thượng. Ðức Chúa Jêsus đã phải mặc lấy bản chất người để đem Ân Điển Thiên Thượng đến cho nhân loại: Ngài cứu chuộc, thanh tẩy, thánh hóa để Hội Thánh có thể hội hiệp với chính mình Ngài.
 
Để chồng có thể hội hiệp trọn vẹn với vợ theo ý chỉ Thiên Thượng rằng “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà dính díu với vợ mình, hai người cùng nên một thịt” (Câu 31), người làm chồng phải ghi khắc sâu đậm trong lòng hình ảnh Ðức Chúa Jêsus đã lìa bỏ Thiên Đàng để kết hiệp với Hội Thánh của Ngài. Dầu Hội Thánh hữu hình chưa trọn vẹn, Ðức Chúa Jêsus vẫn cứ yêu. Dầu Hội Thánh hữu hình chưa hoàn toàn tinh sạch, Ðức Chúa Jêsus không ngừng ban quyền năng thanh tẩy, đổi mới. Bằng một tình yêu không dời đổi, và với Ân Điển vô lượng, vô biên, trong tương lai, Hội Thánh sẽ được trình ra trước mặt Ngài “Đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy” (Câu 27). Ý nghĩa dạy dỗ của công trình cao thượng ấy sẽ luôn luôn có quyền năng giúp cho người làm chồng điều chỉnh được sự quan tâm mà mình cần phải dành cho vợ theo như ý Ðức Chúa Trời muốn.
 
II. SỰ CHĂM SÓC ĐỨC CHÚA JÊSUS DÀNH CHO HỘI THÁNH LÀ MẪU MỰC LÝ TƯỞNG ĐỂ NGƯỜI LÀM CHỒNG NOI THEO TRONG VIỆC CHU TOÀN PHẬN SỰ ĐỐI VỚI VỢ (Câu 25-33)
 
Đây là ý tưởng bao quát mà Sứ Đồ Phaolô muốn dạy dỗ qua phân đoạn Kinh Thánh này. Ý tưởng này đã được diễn đạt theo một thứ tự rất chặt chẽ:
 
1. “Ðấng Christ đã yêu Hội Thánh” (Câu 25).
Tình yêu tối cao và vị tha này của Ðức Chúa Jêsus là cốt lõi xuyên suốt sự tận hiến của Ðức Chúa Jêsus chúng ta. Tâm tình Thiên Thượng của Ðức Chúa Jêsus là dùng khả năng biến đổi của tình yêu thương đối với những linh hồn đang hư mất. Ðức Chúa Jêsus đã quyết định, và Ngài đã thực hiện, Ngài “Đã yêu Hội Thánh”.
Tình yêu có sự mầu nhiệm, và vì “Sự mầu nhiệm ấy là lớn”, người làm chồng phải yêu vợ mình như “Ðấng Christ đã yêu Hội Thánh”.
 
2. “(Ðấng Christ đã) phó chính mình vì Hội Thánh” (Câu 25).
Điều này nói lên một tình yêu quả cảm. Theo bản chất của sự vật, người làm chồng không sao có thể thực sự bỏ mình vì tình yêu đối với vợ mà vẫn còn cơ hội để vui hưởng sự dấn thân của mình nữa. Tuy nhiên, Ðức Chúa Jêsus có khả năng phó chính mình Ngài vì Hội Thánh để sau đó bước vào sự kết hiệp làm một với Hội Thánh của Ngài.
Dầu vậy, người làm chồng thực sự yêu vợ phải chứng tỏ được trong đời sống gia đình là sẵn sàng phó mình cho tình yêu đối với vợ theo mẫu mực mà Ðức Chúa Jêsus đã nêu gương. Chỉ như thế cuộc kết hiệp giữa vợ với chồng mới được thăng hoa.
 
3. Sự hy sinh của Ðức Chúa Jêsus là để bảo đảm cho sự nên thánh của Hội Thánh (Câu 26, 27).
Suốt chiều dài lịch sử tận hiến của Ðức Chúa Jêsus cho Hội Thánh, chúng ta thấy Ngài luôn giữ vững sự thánh hóa cho chúng ta. Trước hết, khi ban tình yêu thương đến cho những linh hồn tội lỗi, dầu rằng Ðức Chúa Jêsus gớm ghiếc tội lỗi của chúng ta, nhưng Ngài vẫn cung ứng chính huyết mình để tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta. Không chỉ dừng lại ở sự thanh tẩy, sự thánh hóa mà Ðức Chúa Jêsus dành cho Hội Thánh của Ngài là nhằm làm cho “Hội Thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Câu 27).
Có thể nói cách khác rằng sự thánh hóa mà Ðức Chúa Jêsus dành cho Hội Thánh là trọn vẹn. Phải chăng đây cũng chính là một mẫu mực cho người làm chồng trong việc theo đuổi một tiến trình thánh hóa bền bỉ dành cho vợ mình? Nếu người làm chồng biết cậy ơn Chúa để cố gắng thăng tiến cho sự thánh hóa của vợ, người vợ sẽ không bao giờ phải trở thành nạn nhân của những tham vọng bất khiết mà sẽ được sự thánh hóa ấy khuôn đúc cho nhân cách mình thông qua các mối quan hệ gia đình.
 
4. Tình yêu hào hiệp dành cho vợ là tình yêu của một bản ngã được thăng hoa (Câu 28-30).
Sứ Đồ Phaolô khích lệ tinh thần san sẻ để người chồng có thể bày tỏ được một tình yêu hào hiệp đối với vợ. Chồng và vợ phải được kết hiệp làm một như Ðức Chúa Jêsus với Hội Thánh là một. Cần phải phân biệt giữa ái kỷ (biết chăm nuôi cho mình) với vị kỷ (chỉ biết chăm nuôi cho riêng mình mà thôi). Kinh Thánh không hề đòi hỏi người ta phải ghét thân xác mình. Trái lại, Kinh Thánh dạy mọi người phải biết chăm nuôi cho thân thể được an lành, và đó là điều hợp với bản năng sinh tồn của nhân loại.
Người làm chồng phải biết quí trọng việc chăm nuôi chính bản thân mình thì mới có năng lực chăm chút cho vợ trong tình yêu thương. Mối quan tâm dành cho vợ phải được dấy lên từ một sự hiểu biết thường trực rằng người vợ cũng cần có được sự chăm nuôi ân cần như chính bản thân mình cần. Không biết ái kỷ thì cũng sẽ không biết ái nhân. Nhờ biết chăm nuôi chính mình một cách thỏa đáng, bản ngã của người làm chồng được thăng hoa lên một tầm cao mới để có thể biết chăm chút cho vợ trong tình yêu thương chân thật, biết“Yêu vợ như chính thân mình”. Mặt khác, vợ là một phần tất yếu của cuộc sống người làm chồng, thế nên“Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy”. 
Ðức Chúa Jêsus đã trang bị cho chúng ta một kiểu mẫu dấn thân lý tưởng trong việc Ngài nuôi nấng, săn sóc Hội Thánh. Chúng ta không thể đi tìm tinh thần hào hiệp trong phong cách của các nhà hiệp sĩ được. Chúng ta cần phải đến với thập tự giá để học theo gương yêu thương trọn vẹn của chính Ðức Chúa Jêsus đã nêu qua mối quan hệ của Ngài với Hội Thánh.
 
III. TÌNH YÊU TÔN KÍNH CỦA HỘI THÁNH ĐỐI VỚI ĐỨC CHÚA JÊSUS LÀ MẪU MỰC LÝ TƯỞNG CHO SỰ TẬN HIẾN CỦA NGƯỜI LÀM VỢ (Câu 22-24)
 
Sứ Đồ Phaolô chẳng những kêu gọi người làm chồng phải biết nâng mình lên một tầm cao mới để chu toàn phận sự làm chồng, vị Sứ Đồ này còn mời gọi người làm vợ đáp lại tình yêu của chồng bằng một đời sống tận hiến đầy tôn kính.
 
Trên phương diện kính yêu và vâng lời Ðức Chúa Jêsus, Hội Thánh là một mẫu mực lý tưởng cho sự dấn thân trong phận sự làm vợ. Ðức Chúa Jêsus không dắt dẫn Hội Thánh Ngài bằng một chế độ chuyên quyền hà khắc mà là bằng một sự cai quản chu đáo trong tình yêu thương. Ðức Chúa Jêsus luôn biểu lộ sự chăm chút ân cần vô bờ bến của Ngài đối với Hội Thánh. Không hề có sự thịnh nộ của Ðức Chúa Jêsus trong việc chăn dắt Hội Thánh Ngài. Hội Thánh của Ðức Chúa Jêsus luôn cảm thấy được yên ấm, thoải mái. Nhờ đó, từ trong tấm lòng của mỗi người theo Chúa dấy lên được sự khát khao trung tín với Ngài. Người theo Chúa dần dần kinh nghiệm được rằng vâng lời Ngài là một điều thú vị không gì so sánh được. Một khi người làm vợ cũng có được những điều tương tự như thế trong mối quan hệ đối với chồng, tức thấy được rằng mọi ước muốn của chồng đều xuất phát từ một tình yêu chân thật, điều tất yếu phải đến sẽ là một sự vâng lời đầy tin yêu, kính trọng đối với chồng mình. Người làm vợ sẽ “Vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa” vì kinh nghiệm được rằng đó không những là bổn phận mà còn là một đặc ân nữa.
 
Kinh Thánh Tân Ước cũng nhấn mạnh khá rõ nét cơ chế quyền lực trong gia đình Cơ Ðốc: “Vì chồng là đầu vợ, khác nào Ðấng Christ là đầu Hội Thánh” (Câu 23). Trong lịch sử dân Chúa, trận chiến đức tin luôn luôn được đắc thắng thông qua gia đình, vì gia đình là đơn vị tổ chức của dân sự Ðức Chúa Trời (Sáng. 2:18). Hội Thánh chỉ là sự mở rộng của đơn vị gia đình (Êph. 2:19). Ngay cả Thiên Đàng cũng chính là gia đình được mở rộng ở một qui mô lớn hơn Hội Thánh, ở đó Ðức Chúa Trời là Cha chung của mọi kẻ tin trong mọi thời kỳ (Khải. 21:4). Nếu Cơ Đốc Giáo muốn bảo đảm cho người tin một gia đình chung thánh khiết trong cõi đời đời, Cơ Đốc Giáo phải thành công trong việc đòi hỏi gia đình mỗi Cơ Ðốc Nhân là một đơn vị có đời sống thánh khiết và yêu thương ngay trên trần gian này. Mỗi gia đình Cơ Ðốc trên thế gian phải là một thiên đàng thu nhỏ thể hiện được trật tự Cơ Ðốc. Gia đình Cơ Ðốc không những chỉ có tình yêu thương mà còn cần phải có một trật tự Cơ Ðốc theo ý chỉ của Ðức Chúa Trời để thực hành đức thánh khiết của Ngài:“Ấy vậy, như Hội Thánh vâng phục dưới Ðấng Christ, thì đàn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự” (Câu 24). Gia đình Cơ Ðốc phải có quan hệ Cơ Ðốc, và mẫu mực quan hệ Cơ Ðốc được tìm thấy trong mối quan hệ của Ðức Chúa Jêsus với Hội Thánh của Ngài.
 
Ðức Chúa Trời muốn “Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Câu 33). Mối quan hệ giữa chồng với vợ cũng như mối quan hệ của mỗi gia đình với Ðức Chúa Trời đều có mục đích thăng tiến tình yêu và sự thánh khiết của Ngài. Sự hạ cố của Ðức Chúa Jêsus đối với dân Ngài có tác dụng điều chỉnh sự chiếu cố mà chồng phải dành cho vợ; và sự trung thành của dân Chúa đối với Ngài làm mẫu mực cho lòng trung thành mà vợ phải có đối với chồng. Chỉ tuân theo mẫu mực của Ðức Chúa Jêsus đã bày tỏ trong quan hệ với Hội Thánh, mối quan hệ vợ chồng trong mỗi gia đình mới được thắm đượm ơn phước, trật tự gia đình mới được giữ gìn, đời sống gia đình mới được hạnh phúc. 
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_quanhegiadinhcodoc.pdf
File Size: 520 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách