“CHỚ BỎ SỰ NHÓM LẠI!” (Kinh Thánh: Hê. 10:19-25) “Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau như anh em vẫn thường làm” (1Tê. 5:11) Mệnh lệnh Kinh Thánh dưới mỗi hình thái ngữ pháp truyền đạt theo cách riêng các Lẽ Thật thuộc linh mà Đức Chúa Trời muốn gửi đến Dân Ngài. Một trong những cách bày tỏ mệnh lệnh Kinh Thánh là một hình thái ngữ pháp được gọi là “mệnh lệnh cách”, hay “thể cầu khiến”, bắt đầu với những từ liệu như “hãy”, “phải”, “nên”, “chớ”, “cũng nên”... Tổng số lần các câu mệnh lệnh cách được sử dụng trong các Thư Tín Tân Ước không nhiều lắm nhưng riêng Sách Hêbơrơ đã có 15 lần (Hê. 1:6; 4:1, 11, 14, 16; 6:1; 10:22, 23, 24, 25; 12:1; 12:2; 12:28; 13:13, 15), và trong đó Chương 10 có đến 4 lần để hình thành một sự dạy dỗ đặc biệt về việc nhóm lại của Dân Chúa trong các Hội Thánh Địa Phương, mở ra cho chúng ta thấy ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống Cơ Đốc Nhân chúng ta. I. “HÃY… ĐẾN GẦN CHÚA” (Hê. 10:22) “Hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa” (Hê. 10:22). “Đến gần” (Gk. "proserchomai") là một từ liệu Hylạp có nghĩa là “tiếp cận”, “thăm viếng”, “thờ kính”, “hội nhập”, “kết hiệp”. “Hãy… đến gần Chúa” là mệnh lệnh về việc phải có đức tin đặt nơi Đức Chúa Jêsus Christ về công nghiệp đền tội thay đã hoàn thành trên Thập Tự Giá của Ngài. Để có thể “đến gần” để thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta được đòi hỏi phải có phẩm cách xứng hiệp là phải “tinh sạch” trước mặt Đức Chúa Trời: “Lòng thật thà”, “đức tin đầy dẫy trọn vẹn”, “lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu”, “thân thể rửa bằng nước trong”. Nếu “thân thể rửa bằng nước trong” nói về một đời sống thánh khiết hoàn toàn thì ai có thể đến gần được Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài? Phần lớn các học giả Kinh Thánh đều tin rằng “thân thể rửa bằng nước trong” (C. 22) nói về phép Báptêm. Vấn đề ở đây là động từ “rửa” trong Tiếng Hylạp là “rhantizo” có nghĩa là “rảy (nước)” đã tạo nên một số dị luận. Sự thật ở chỗ điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ ở đây là phép Báptêm cho tấm lòng, cho con người bề trong của tín hữu. Chỉ có quá mức thiếu sáng suốt mới có thể tin được rằng một ít nước cho bên ngoài cơ thể lại có tác dụng làm sạch được cho con người bề trong! Với sự hoàn thành công nghiệp đền tội thay trên Thập Tự Giá của Đức Chúa Jêsus, chúng ta cần nên biết rằng “thân thể rửa bằng nước trong” phải được thực hiện bằng một sự “rửa” tượng trưng cho bề ngoài thân thể và được hoàn tất bằng một sự “rửa” thiêng liêng cho tấm lòng nhờ sự rưới huyết (rhantizo: “rảy”) đã hoàn thành tại Thập Tự Giá của Đức Chúa Jêsus: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báptêm cho họ…” (Ma. 28:20). “Thân thể rửa bằng nước trong” là một cách nói chỉ về một linh hồn (tâm thần) đã được đổi mới “nhờ Ân Điển, bởi đức tin” (Êph. 2:8) đặt vào công nghiệp cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus. “Thân thể rửa bằng nước trong” nói về đức tin thật, nói về sự xứng hiệp của một “tâm thần” đã biết (chịu) đáp ứng theo “lẽ thật”: “23Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. 24Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Gi. 4:23-24). II. “HÃY CẦM GIỮ…” (Hê. 10:23) “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín” (Hê. 10:23). Hiển nhiên đây là một sự kêu gọi về sự bền đỗ trong niềm tin và đời sống thực hành niềm tin của Cơ Đốc Nhân. Từ liệu “cầm giữ” được dịch từ một từ liệu Hylạp là “katecho” với nghĩa là “chịu đựng”, “lưu trữ”, “ghi nhớ trong tâm trí”. Từ liệu “cầm giữ” trong câu Kinh Thánh này được bổ nghĩa cho mạnh hơn bằng một trạng từ là “kilines”, với nghĩa là “một cách không thay đổi”. “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay…” là lời khuyên giục mà Đức Thánh Linh đã dùng ngòi bút của Trước Giả Sách Hêbơrơ gửi đến chúng ta để bất cứ lúc nào, và trong bất cứ sự gì niềm tin mà chúng ta đã đặt nơi công nghiệp đền tội thay của Đức Chúa Jêsus cũng không thay đổi. Mệnh lệnh này dạy chúng ta về tính hiệu quả của đức tin bền đỗ trong Đức Chúa Jêsus Christ: “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1Cô. 15:58). Sự bền đỗ của chúng ta trong đức tin được hiệu quả trong Đức Chúa Jêsus (1Cô. 15:58) không phải vì bất cứ điều gì khác hơn là vì “Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín” (Hê. 10:23). Đức thành tín của Đức Chúa Trời là tất cả những gì cần và đủ cho đức tin của chúng ta đặt nơi Ngài có hiệu quả. Đức thành tín ấy là nguồn cho sự trông cậy của chúng ta để chúng ta có khả năng vững vàng, chịu khổ, vượt qua mọi trở ngại, thử thách: “14Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí; 15nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ, 16phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành; 17vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy” (1Phi. 3:14-17). III. “HÃY COI SÓC NHAU…” (Hê. 10:24). “Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành” (Hê. 10:24). Đây là mệnh lệnh về tình yêu thương trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Trên phương diện là một cộng đoàn được gọi riêng ra cho Đức Chúa Trời, Hội Thánh phải là một cộng đoàn yêu thương, vì đó là sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời, là dấu hiệu cơ bản của một cộng đoàn Cơ Đốc, và là đặc trưng của Cơ Đốc Nhân: “Điều răn của Ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như Ta đã yêu các ngươi” (Gi. 15:12). “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời” (1Gi. 4:7). “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô. 12:15). “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta” (Gi. 13:35). Khi các Cơ Đốc Nhân biết yêu thương nhau, tình yêu thương của họ phải được thể hiện bằng sự quan tâm. Khi chúng ta biết yêu thương nhau, hành động yêu thương phải được nhận thấy rõ ràng: “Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (1Cô. 12:26). “17Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! 18Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (1Gi. 3:17-18). IV. “CHỚ BỎ SỰ NHÓM LẠI…” (Hê. 10:25). “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê. 10:25). Điều được kêu gọi ở đây là đức trung tín của Cơ Đốc Nhân. Hình thái ngữ pháp của sự kêu gọi này cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến việc có nhiều Cơ Đốc Nhân xem thường việc nhóm lại trong Hội Thánh: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm…”. “Sự nhóm lại” được viết bằng một từ liệu Hylạp là “episunagoge”, nghĩa là “qui tụ lại với nhau”. Trong sinh hoạt tôn giáo, thường có hai điều đối nghịch nhau: Bản thân cá nhân tôn giáo đòi hỏi “ý chí tự do” cho cá nhân, còn tổ chức tôn giáo lại muốn “phận sự tôn giáo” phải được thực hiện cho tổ chức ấy. Lời Kinh Thánh không kêu gọi “hãy nhóm lại” mà khuyên giục “chớ bỏ qua sự nhóm lại” là vì Đức Chúa Trời không muốn bó buộc kẻ tin Ngài. Đức Chúa Trời kêu gọi “chớ bỏ qua sự nhóm lại” là nhằm kêu gọi ý thức tự giác của Cơ Đốc Nhân, và vì lợi ích đời đời của họ. Chúng ta cần nên tránh thái độ “xét đoán” đối với những anh em, chị em đã lìa bỏ sự nhóm lại trong Hội Thánh Địa Phương của chúng ta. Ngay cả khi Dân Ysơraên muốn lìa bỏ Đức Giêhôva để lập vua lên cai trị họ (1Sa. 8), Ngài không đẹp ý nhưng vẫn không ngăn cản họ: “Vậy bây giờ, hãy nghe theo lời chúng nó, song chớ quên báo cáo cho chúng nó cách nghiêm trang và tỏ ra cho biết vua cai trị chúng nó sẽ đãi chúng nó ra làm sao” (1Sa. 8:9). Về vấn đề nhóm lại trong Hội Thánh Địa Phương, phận sự của chúng ta là “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”. Điều ấy có nghĩa là chúng ta có phận sự phải tích cực khuyên bảo các anh em, chị em chúng ta trong Hội Thánh “chớ bỏ qua sự nhóm lại” vì qua đó chúng ta được “đến gần Chúa”, chúng ta có thể “cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta”, và chúng ta cũng đồng thời có thể “coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành”… Trong phân đoạn Kinh Thánh này (Hê. 10:19-25), chúng ta tìm thấy có ít nhất hai lý do để không nên bỏ qua sự nhóm lại trong Hội Thánh Địa Phương: (1) Thứ nhất, chúng ta đã có đường vào Nơi Chí Thánh để tiếp cận với Đức Chúa Trời: “19Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào Nơi Rất Thánh, 20bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài” (Hê. 10:19-20). (2) Thứ hai, chúng ta đã có Thầy Tế Lễ Lớn: “Lại vì chúng ta có một Thầy Tế Lễ Lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời” (Hê. 10:21). Ngày nay có quá nhiều sự vỡ mộng trong lòng các tín hữu về Hội Thánh. Nhìn chung, chúng ta dễ nhận ra một tâm trạng “mệt mỏi” đối với Hội Thánh. Người ta có thể kể ra được rất nhiều nguyên nhân làm cho “chán” Hội Thánh, và nguyên nhân nào trông cũng “có vẻ” xác đáng cả! Điều hiển nhiên không thể chối cãi là có nhiều sự bất mãn đối với Hội Thánh vì nhận thấy Hội Thánh thiếu xứng hiệp, thiếu hữu ích, và có vẻ lãng phí thời gian… Tuy nhiên, sự huyền nhiệm về Hội Thánh là “lẽ mầu nhiệm trong các đời khác chưa từng được phát lộ cho con cái loài người” (Êph. 3:5). Chúng ta không thể hiểu hết các Lẽ Thật thuộc linh về Hội Thánh cũng như sự hữu ích vô cùng của việc nhóm lại trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời được nhưng điều chắc chắn mà ai trong chúng ta cũng biết là Đức Chúa Trời muốn chúng ta cứ ở trong Hội Thánh của Ngài để được gây dựng: “Vậy thì anh em hãy khuyên bảo nhau, gây dựng cho nhau như anh em vẫn thường làm” (1Tê. 5:11). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |