“ĐỨC TIN VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG CƠ ĐỐC TRONG HỘI THÁNH” (Philm. 1:4-7) “Tôi cầu xin Ngài rằng đức tin đó, là đức tin chung cho chúng ta, được có hiệu nghiệm, khiến người ta biết ấy là vì Đấng Christ mà mọi điều lành được làm trong chúng ta.” (Philm. 1:4-7) “Sự yêu thương”, “Sự tha thứ”, “Đức tin”,… đối với một số nhà khoa học chỉ là những phạm trù xã hội học, là sản phẩm của tâm lý_thần kinh cấp cao của con người. Đối với khá nhiều người, các phạm trù này có quá nhiều yếu tố “phi tự nhiên” không thuận lợi cho việc thực hành trong đời sống xã hội. Tuy vậy, từ xã hội nguyên thủy cho đến xã hội hiện đại, không có ai là không biết yêu thương, không có ai là không phải thực hiện sự tha thứ, và cũng không có ai là không phải tin vào một điều gì đó không hoàn toàn dựa trên sự kiến giải của lý trí. Ngược lại, đối với những người đã được cứu trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, Đức Tin và Tình Yêu Thương là những thực tại sinh động đã từng có trong thời kỳ Hội Thánh ban đầu và ngày nay vẫn còn đang được thể hiện mạnh mẽ. Đức Tin và Tình Yêu Thương Cơ Đốc là những thực tại siêu nhiên có xuất phát điểm từ Đức Chúa Trời, có phạm vi đề cập trong Đức Chúa Trời, và có đích điểm ở Đức Chúa Trời qua cuộc sống đời thường của những con người đã thực sự tin nhận Chúa Cứu Thế Jêsus làm Cứu Chúa và Chúa của đời sống mình. Philêmôn là một con người như thế. I. SỰ CẢM TẠ ĐỐI VỚI “ĐỨC CHÚA TRỜI” (C. 4) “Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, hằng ghi nhớ anh trong lời cầu nguyện” Nói về Philêmôn, lời đầu tiên của Phaolô là lời cảm tạ Chúa. Phaolô muốn cho Philêmôn biết rằng ông thường xuyên nhắc đến tên của mình trong khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Cảm tạ trong khi cầu nguyện là một việc làm thường lệ của Phaolô. Đối với Sứ Đồ Phaolô, sự cảm tạ hòa quyện vào trong sự cầu nguyện hàng ngày của ông, kể cả khi ở trong tù: - “Trước hết, tôi nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, vì hết thảy anh em mà tạ ơn Đức Chúa Trời tôi về đức tin anh em đã đồn ra khắp cả thế gian” (Rô. 1:8). - “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ” (1Cô. 1:4). - “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi” (Phil. 1:3). - “Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Côl. 1:3). Những lời chứng về việc lành của người công bình là một điều cần thiết; dầu vậy, Đức Chúa Trời phải được cảm tạ trước tiên vì Ngài là tác giả thực sự của những phẩm hạnh, đức độ cao quí ấy: “Chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rô. 5:11). Ý muốn của Đức Chúa Trời là “23Người khôn chớ khoe sự khôn mình; người mạnh chớ khoe sự mạnh mình; người giàu chớ khoe sự giàu mình; 24nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết Ta là Đức Giêhôva, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì Ta ưa thích những sự ấy, Đức Giêhôva phán vậy” (Giê. 9:23-24). Sứ Đồ Phaolô luôn có niềm vui trong sự cầu nguyện không thôi cho bầy chiên của mình, trong số ấy có cả Philêmôn. Có một số lẽ thật trong nguyên nhân khiến Phaolô cầu nguyện cho Philêmôn. II. ĐỨC TIN “TRONG ĐỨC CHÚA JÊSUS” (C. 5) “Vì nghe nói anh có lòng yêu thương và đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ và cùng các thánh đồ” Sứ Đồ Phaolô có cơ sở khi cầu nguyện cảm tạ về Philêmôn. Vị Sứ Đồ này cho biết có hai điều khích lệ ông không ngừng cầu nguyện cho Philêmôn. Trước tiên, ấy là vì đức tin của Philêmôn. Trong Philm. 1:5, Sứ Đồ Phaolô xác nhận rằng ông thường xuyên cầu nguyện cho “đức tin trong Đức Chúa Jêsus” của Philêmôn. Từ liệu Hy Lạp được sử dụng ở đây cho động từ “nghe” (Gk. akouo) diễn đạt một hành động liên tục. Như vậy chúng ta biết được rằng những gì Phaolô nghe đã được cập nhật và cập nhật từ nhiều nguồn đáng tin khác nhau. Phaolô có một sự quan tâm trước sau như một đối với Philêmôn vì Philêmôn chính là một trong những người đã trở lại với Chúa qua chức vụ của Phaolô (C. 19), có lẽ là tại Hội Thánh Êphêsô khoảng hai năm trước đó. Sự việc rằng Philêmôn là một người đã thực sự trở lại với Chúa Cứu Thế Jêsus là một điểm quan trọng. Sứ Đồ Phaolô cũng đã từng nhắc chúng ta về điều ấy (“Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng…”, 2Cô. 13:5). Chúng ta cần phải biết chắc rằng mình đã thực sự tin nhận Ngài, nhiên hậu, chúng ta mới tiếp tục trưởng thành theo mẫu mực của Ngài được: (1) Đã trở lại với Chúa, tức là một Cơ Đốc Nhân, Philêmôn mới kinh nghiệm được tình yêu thương và sự tha thứ của Đức Chúa Trời. (2) Nhờ đó, Philêmôn có được khả năng tin cậy và yêu thương đã nhận lãnh từ Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Jêsus. Trong trường hợp của Philêmôn, chúng ta suy nghĩ như thế là hợp luận lý, vì Lời Chúa phán như thế này: - “Ấy chính Ta, là Đấng vì mình Ta mà xóa sự phạm tội ngươi; Ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa” (Ês. 43:25). - “Hãy ăn ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Êph. 4:32). Đức Tin và Tình Yêu Thương dầu phân biệt với nhau nhưng không bao giờ tồn tại biệt lập. Đức Tin luôn được thể hiện bằng Tình Yêu Thương qua việc làm; trái lại, Tình Yêu Thương chân thực chỉ xuất phát từ Đức Tin mà thôi. Chính vì yếu tố ấy mà Tình Yêu Thương lạ lùng của các Cơ Đốc Nhân là một điều khiến cho người đời phải kinh ngạc. Có một sinh viên thần học tại Thần Học Viện Trinity ở Chicago muốn tìm một việc gì đó để phục vụ cho cộng đồng trong thời gian học ở đây. Việc duy nhất mà người này tìm được là lái xe bus ở khu Nam của thành phố. Một ngày kia, có một nhóm thanh thiếu niên hư hỏng lên xe, nhưng không chịu mua vé. Vì nhóm người này cứ làm như thế luôn mấy hôm liền, anh sinh viên ấy đã phải báo cảnh sát. Cảnh sát buộc họ phải mua vé, nhưng khi cảnh sát đi rồi, nhóm người ấy đã đánh cho anh sinh viên một trận tơi bời! Nhóm người trẻ này đã bị bắt, phải ra Tòa, và bị kết án tù. Thế nhưng khi Tòa tuyên án mới vừa xong, anh sinh viên thần học đã làm cho cả phiên tòa phải sửng sốt: Anh nhận ra được tình trạng thuộc linh đáng thương của họ nên xin Tòa hãy để cho anh chịu án thay. Lý lẽ anh sinh viên này đưa ra là như thế này: “Vì Đức Chúa Jêsus đã chịu án thay cho tôi còn nhiều hơn thế, xin hãy cho phép tôi chịu án thay cho họ!”. Tất nhiên là Tòa không chấp nhận sự thỉnh cầu của anh sinh viên; thế nhưng sau đó, nhờ bền lòng thăm viếng, làm chứng cho những người tù ấy, đã có mấy người trong số những người này trở lại với Chúa. Có lần Martin Lloyd Jones đã nói như thế này: “Tôi xin nói hết sức thực lòng rằng cứ mỗi khi suy nghĩ về những điều Chúa đã làm trên đời sống tôi, tôi có thể tha thứ cho bất cứ ai về bất cứ việc gì”. III. TÌNH YÊU THƯƠNG “CÙNG CÁC THÁNH ĐỒ” (C. 5-7) “Tôi cầu xin Ngài rằng đức tin đó, là đức tin chung cho chúng ta, được có hiệu nghiệm, khiến người ta biết ấy là vì Đấng Christ mà mọi điều lành được làm trong chúng ta” Một nét tính cách khác của Philêmôn khiến cho Sứ Đồ Phaolô cảm tạ Đức Chúa Trời là Tình Yêu Thương của Philêmôn. Tình yêu duy nhất thực sự cao thượng là Tình Yêu Thiên Thượng. Khi nào người ta còn đứng trên mặt bằng con người để ban phát tình yêu thương cho người khác, tình yêu ấy vẫn còn mang bản chất thế gian và còn có khuyết tật theo những khuyết tật cố hữu của bản chất người đã bị hư hoại. Chỉ khi nào tình yêu cao sâu của Cứu Chúa đầy dẫy và tuôn chảy qua đời sống thì tình yêu của người ta mới thực sự cao thượng được. Để nói về Tình Yêu Thương, Sứ Đồ Phaolô có thể chọn sử dụng một vài từ liệu khác nhau: (1) “Phileo”: Nói về tình yêu thương với sự quan tâm theo cảm xúc. (2) “Stego”: Nói về tình yêu thương với tính chất che chở, nâng đỡ. (3) “Agape”: Nói về tình yêu theo sự chọn lựa của ý chí, bằng sự hạ mình và hy sinh bản thân. Tất nhiên rằng Tình Yêu Thương Cơ Đốc mang tính chất quan tâm theo cảm xúc, nhưng đó chưa phải là bản chất, vì thế Sứ Đồ Phaolô không dùng từ liệu “phileo”. Vẫn biết rằng Tình Yêu Thương Cơ Đốc nhằm mục đích nâng đỡ, che chở, phục vụ,…; nhưng đó cũng chưa phải là bản chất, vì thế Sứ Đồ Phaolô cũng không sử dụng từ liệu “stego” ở đây. Theo J. I. Packer, “Ý nghĩa của Tình Yêu Thương Cơ Đốc được trực tiếp rút ra từ sự khải thị của Đức Chúa Trời trong và qua Chúa Cứu Thế Jêsus. Dầu rằng rất mãnh liệt, nhưng Tình Yêu Thương Cơ Đốc không phải là một dạng cảm xúc thiên nhiên của con người, mà là bông trái của Đức Thánh Linh trong đời sống của người tin (“Trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”, Gal. 5:22-23). Tình Yêu Thương Cơ Đốc là một thực tại của ý chí hơn là của xúc cảm, vì Cơ Đốc Nhân phải yêu cả những người mình không thích nữa (“Hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”, “Các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”, Ma. 5:44, 48)”. Tình Yêu Thương Cơ Đốc là yếu tố căn bản để trở nên giống với Chúa Cứu Thế Jêsus. Chính vì vậy, Sứ Đồ Phaolô, dưới sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh, đã sử dụng từ liệu “agape” để nói về Tình Yêu Thương Cơ Đốc trong đoạn Kinh Thánh này. Tình Yêu Thương Cơ Đốc đã được Sứ Đồ Phaolô mô tả rõ hơn trong 1Cô. 13:4-8 như sau: “4Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, 5chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, 6chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. 7Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. 8Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ…” Sứ Đồ Phaolô được nghe nói về “agape” của Philêmôn “cùng các thánh đồ”, tức là đối với tất cả các anh em, chị em trong Chúa, nhất là những người nhóm lại trong nhà của Philêmôn. Điều đó là chắc chắn, Sứ Đồ Phaolô khẳng định: “Hỡi anh, tôi đã được vui mừng yên ủi lắm bởi lòng yêu thương của anh, vì nhờ anh mà lòng các thánh đồ được yên ủi” (C. 7). Một khi Philêmôn có được “agape” đối với tất cả các thánh đồ: (1) Philêmôn không còn bận tâm đến hoàn cảnh xuất thân hay hành vi quá khứ của anh em, chị em mình; (2) Tình Yêu Thương của Philêmôn không còn có điều kiện nào nữa cả; nhờ đó, nó cũng không còn bị giới hạn; (3) Như vậy, tình yêu thương của Philêmôn có khả năng trải rộng đến tất cả mọi người, kể cả người đầy tớ đã bỏ trốn mà Sứ Đồ Phaolô khuyên Philêmôn hãy tiếp nhận lại trong bức thư này. Đó chính là Tình Yêu Thương mà Hội Thánh của Đức Chúa Trời ngày nay cần phải có. Tình Yêu Thương Cơ Đốc được sản sinh từ niềm tin Cơ Đốc không phải chỉ để làm nhãn hiệu mà phải có tác dụng thực hành, hay theo cách nói của Sứ Đồ Phaolô là “có hiệu nghiệm”: “Tôi cầu xin Ngài rằng đức tin đó, là đức tin chung cho chúng ta, được có hiệu nghiệm, khiến người ta biết ấy là vì Đấng Christ mà mọi điều lành được làm trong chúng ta” (C. 6). Niềm tin Cơ Đốc là niềm tin thực hành: Nhận lãnh thực hành và ban cho cũng thực hành (“Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỉ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không”, Ma. 8:10): “14Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? 15Ví thử có người anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hàng ngày, 16mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? 17Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (Gia. 2:14-17). Những việc lành trong Hội Thánh cần phải được kể ra để làm sáng danh Đức Chúa Trời và giúp cho người đời có thiện cảm với Đạo Tin Lành. Dầu vậy, những lời chứng như thế phải có cơ sở thực tế và nhằm mục đích tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã làm tất cả mọi sự tốt đẹp trong chúng ta và qua chúng ta nhờ ơn Đức Chúa Jêsus. Việc lành trong đời sống Cơ Đốc chỉ thực sự là việc lành đẹp ý Đức Chúa Trời nếu được sản sinh nhờ đức tin, và là bông trái của Tình Yêu Thương Cơ Đốc, vì đời sống Cơ Đốc là đời sống thực hành đức tin. Một khi Hội Thánh có được các dấu hiệu của Tình Yêu Thương Cơ Đốc, Hội Thánh sẽ được phát triển vì “Hội Thánh biết yêu thương sẽ phát triển, và chỉ có Hội Thánh phát triển mới biết yêu thương” (Rick Warren). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |