“HÃY CHUẨN BỊ CHO THIÊN ĐÀNG!” (Gi. 14:1-3) “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa.” (Gi. 14:1-3) Cuộc sống trên thế gian luôn khiến chúng ta phải lo toan và lắm khi phải bối rối vì hầu như mọi sự đều khó khăn và bất định. Chính từ một sự kinh nghiệm cuộc sống như thế mà nhận thức và thái độ của người tín hữu đã bị sai lệch khá nhiều so với ý định và chương trình hoàn hảo của Đức Chúa Trời dành cho họ. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bối rối mà hãy cứ nương cậy Ngài. Nếu chúng ta thực sự đặt niềm tin Đức Chúa Jêsus, chúng ta phải biết rằng Thiên Đàng là có thật và dành sẵn cho chúng ta, đồng thời cũng phải biết chuẩn bị cho mình những gì tương thích với sự chuẩn bị của Ngài ở Thiên Đàng cho chúng ta. I. THIÊN ĐÀNG CÓ THẬT VÀ DÀNH SẴN CHO CHÚNG TA Thiên Đàng là có thật vì từ muôn thuở, linh hồn con người luôn luôn biết hoài vọng về một nơi như thế. Bất cứ nền văn hóa nào trên thế gian này, bất cứ thời điểm lịch sử nào của xã hội chúng ta cũng đều có thể tìm thấy được niềm tin của con người vào một cuộc sống phước hạnh cho đời sau. Chúng ta không thể nào tin được rằng Đức Chúa Trời đã gieo vào linh hồn con người một hoài vọng phổ quát như thế mà Ngài lại không sắm sẵn cho họ thực tại ấy. Thật vậy, Đức Chúa Trời phán qua Lời Kinh Thánh cho biết rằng có một nơi như thế: “2Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. 3Khi Ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Gi. 14:2-3) Đức Chúa Jêsus đã có lời hứa về Thiên Đàng cho những kẻ tin Ngài. Nếu là Cơ Đốc Nhân chân thực, chúng ta phải vui mừng về việc tên mình đã được ghi trên Thiên Đàng: “…Hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên Thiên Đàng” (Lu. 10:20b) Theo Sứ Đồ Phaolô, Đức Chúa Jêsus đang ngự Ngôi oai nghiêm trên Thiên Đàng cùng với Đức Chúa Cha: “Ngài…khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời” (Êph. 1:20) Và Sứ Đồ Phaolô cho biết rằng Thiên Đàng chính là nhà ở trong tương lai của các tín hữu: “1Vả, chúng ta biết rằng nếu nhà tạm của chúng ta dưới đất đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra. 2Vì chúng ta thật than thở trong nhà tạm nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời” (2Cô. 5:1-2) Thiên Đàng là chắc chắn, đó là nơi cho tương lai vinh hiển của người tín hữu (Côl. 1:27). Phaolô cũng cho chúng ta biết rằng việc Đức Thánh Linh đang ở cùng trong đời sống người tín hữu, trên một phương diện, là một sự bảo đảm cho tương lai vinh hiển ấy: “Đấng đã gây dựng cho chúng ta được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của tin của Đức Thánh Linh cho chúng ta” (2Cô. 5:5) Sứ Đồ Phierơ khẳng định rằng Thiên Đàng “1Là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, 2là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt” (1Phi. 1:4-5) Từ liệu Thiên Đàng (Hb. shamayim; Gk. ouranos) xuất hiện trong Sách Khải Huyền nhiều hơn bất cứ Sách nào khác trong Kinh Thánh. Phân đoạn Kinh Thánh đề cập đến Thiên Đàng rõ nét hơn hết là Khải. 21:1-22:5. Theo đoạn văn Kinh Thánh này, Thiên Đàng được tả vẽ qua ba hình ảnh: [1] Đền Tạm (Khải. 21:1-8); [2] Thành Thánh (Khải. 21:9-27); và là [3] Vườn (Khải. 22:1-5). “Đền Tạm” là hình ảnh mô tả Thiên Đàng theo góc độ mối tương giao hoàn hảo giữa người tín hữu với Đức Chúa Trời. Biểu trưng “Thành Thánh” nhằm cho biết đời sống trên Thiên Đàng là một sự bảo an hoàn toàn. Hình ảnh “Vườn” chỉ cho thấy đời sống trên Thiên Đàng là một sự cung ứng trọn vẹn cho những ai đã từng hết lòng sống nương cậy Đức Chúa Trời. Có một người kia, khi biết không thể sống lâu hơn nữa được, đã cầu xin Đức Chúa Trời ban cho mình một đặc ân là được đem về Thiên Đàng một ít trong số những gì ông có được và quí nhất. Được Đức Chúa Trời cho phép, ông đã suy nghĩ và cuối cùng quyết định đến khi qua đời sẽ mang theo về Thiên Đàng chỉ một vali nhỏ vàng thỏi mà thôi. Đến ngày qua đời, người này đã hết sức vất vả trên đường về Thiên Đàng vì chiếc vali vàng dầu nhỏ là thế nhưng cũng vẫn quá nặng. Đã thế, đến cổng Thiên Đàng, Thiên Sứ giữ cửa ngăn ông lại, không cho đem chiếc vali đựng vàng vào bên trong. Người này đã phải nói cho Thiên Sứ biết rằng ông đã được phép đặc biệt của Đức Chúa Trời để mang theo chiếc vali này; vì thế, Thiên Sứ thôi không ngăn lại nữa mà để cho người ấy kéo lê chiếc vali đầy vàng thỏi của mình vào Thiên Đàng… Qua khỏi cổng Thiên Đàng, người này thật hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng: Vật liệu kiến trúc trong Thiên Đàng chỉ toàn bằng ngọc quí và vàng khối! Ngay cả trên con đường dẫn vào Thành Thánh mà ông đang đi, những khối vàng lát mặt đường còn tinh ròng và đẹp hơn những thỏi vàng trong chiếc vali mà ông đã vất vả lắm mới mang lên được đến đây! Thiên Đàng có một cấu hình như thế thì người tín hữu cần phải chuẩn bị những gì cho tương thích với Thiên Đàng? Chúng ta cần phải sống như thế nào để rồi Thiên Đàng sẽ là chỗ ở tiếp theo của chúng ta? II. PHẢI CHUẨN BỊ CHO THIÊN ĐÀNG “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa” (Gi. 14:1) Đây là lời Đức Chúa Jêsus kêu gọi các môn đồ của Ngài hãy tin cậy Đức Chúa Trời trong mọi cảnh ngộ của cuộc đời này. Đức Chúa Jêsus biết Ngài sắp sửa chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá và họ sẽ bị tản lạc. Đức Chúa Jêsus truyền cho họ hãy cứ giữ vững lòng tin vì Đức Chúa Trời đã có chương trình hoàn hảo cho những ai nương cậy Ngài. Tin cậy Đức Chúa Trời có nghĩa là vẫn cứ nương cậy nơi thuộc tính của Ngài bất chấp việc xảy ra là gì và xảy ra như thế nào: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê. 11:1) Tin cậy Đức Chúa Trời một cách đúng nghĩa vốn đi ngược lại với bản chất tự nhiên của chúng ta. Tin cậy Đức Chúa Trời có nghĩa là chúng ta thừa nhận rằng mình sẽ thôi không còn là chủ nhân ông của đời sống mình nữa, mà là nhường địa vị ấy lại cho Ngài. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn thường phải đặt niềm tin vào một việc gì hoặc một ai đó. Chúng ta tin rằng chiếc xe máy mà chúng ta đi sẽ an toàn chứ không phải ở trong tâm trạng hồi hộp, lo rằng nó có thể đổ sập xuống, rã rời ra từng mảnh vào bất cứ lúc nào. Chúng ta làm việc và tin rằng sẽ được trả lương chứ không ai có thể làm việc bình thường trong tâm trạng nơm nớp lo rằng mình sẽ không được trả lương. Chúng ta đi khám Bác Sĩ và uống thuốc theo đơn Bác Sĩ cho vì tin rằng sẽ được lành bệnh; chẳng ai chịu mất công đi khám, chịu tốn tiền, và uống thuốc mà lại không tin rằng sẽ có được kết quả mong muốn. Người đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời phải tin rằng cuối cùng mình sẽ có một cuộc sống phước hạnh đời đời trong Thiên Đàng. Tin Chúa mà không hề có sự hy vọng về Thiên Đàng, ngược lại chỉ có được một số trông cậy nào đó trong đời này mà thôi thì thật là “vô phước”: “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (1Cô. 15:19) Để có thể trải qua cuộc hành hương trên đời tạm này mà không lạc mất phương hướng, người tín hữu phải hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Khi chúng ta cảm thấy yếu mỏn, Đức Chúa Trời là sức lực của chúng ta. Khi chúng ta bị đặt dưới sức ép của cuộc sống, Đức Chúa Trời là sự vơi nhẹ cho chúng ta. Khi chúng ta cần có sự bảo an, Đức Chúa Trời là nơi trú ẩn của chúng ta. Mọi nguồn lực của Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng cho chúng ta sử dụng nếu chúng ta biết đặt niềm tin của mình nơi chính Ngài: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giêhôva,_Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con;_Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài,_Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm. 3:5-6) Không thể nói được rằng mình là người tin cậy Đức Chúa Trời mà lại chưa có Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và Chúa của đời sống mình, vì không hề có bất cứ phương tiện nào để đến với Đức Chúa Trời mà lại ở ngoài Đức Chúa Jêsus: “5Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người; 6Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người…” (1Ti. 2:5-6a) Nếu không đặt niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời, chúng ta không thể có con đường để tiếp nhận quyền năng, sự thương xót, và tình yêu thương của Ngài. Nếu không đặt niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời, khi sự thử thách đến, chúng ta sẽ thấy quá khó khăn. Thế nên, chúng ta phải biết đặt niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời. Vấn đề cơ bản, và là xuất phát điểm, của tiến trình về Thiên Đàng là việc đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời qua và trong Chúa Cứu Thế Jêsus, Ngài phán: “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Gi. 14:6) Thật ra, khi phán rằng “Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa” (C. 1), Đức Chúa Jêsus Christ muốn đặt ra một câu hỏi chung cho tất cả mọi người: Đối với những ai chưa nhận được Sự Cứu Rỗi trong Ngài, vẫn còn quằn quại dưới gánh nặng của tội lỗi, Ngài mời gọi: “28Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma. 11:28-30) Đối với những ai đã nhận rằng mình là người tin Chúa, Ngài muốn họ bày tỏ đức tin ấy ra cho mọi người thấy qua đời sống, vì “…Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở” (2Phi. 3:13). Đời sống Cơ Đốc thực hành của Cơ Đốc Nhân phải được bày tỏ: “Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: Thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia. 1:27) Đức Chúa Jêsus phán rằng “Khi Ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Gi. 14:3). Một khi Đức Chúa Jêsus đã phán như thế thì có nghĩa là của cải của chúng ta là tình yêu thương của Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương. Của cải của chúng ta là Ân Điển và sự bình an từ nơi Đức Chúa Trời của Sự Yên Ủi. Của cải của chúng ta là sự bảo an từ nơi Đức Chúa Trời là Đấng đời đời bất biến. Của cải của chúng ta là sự gìn giữ và cung ứng từ nơi Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng. Của cải của chúng ta là sự tán thưởng từ nơi Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri. Của cải của chúng ta là sự sống đời đời từ nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã phó Con Một của Ngài cho chúng ta có được tất cả mọi sự. Đức Chúa Trời đang đợi chúng ta đáp ứng thuận theo sự dạy dỗ và kêu gọi này của Ngài, sống tin quyết và nương cậy Ngài trong mọi sự, biết chắc Thiên Đàng dành sẵn cho chúng ta và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho Thiên Đàng. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |