“NHỮNG SỰ THỬ THÁCH NGHIỆT NGÔ (Gióp 13:15a) “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.” (Gióp 13:15a) Tôi thật sự được vui cùng Dân Sự của Đức Chúa Trời! Tôi nhận thấy họ rất dễ mến. Giữa vòng Dân Sự của Đức Chúa Trời mỗi người đều là một chiến tích của Ân Điển của Ngài. Trong cương vị của người Mục Sư tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên điều ấy. Việc luôn nhớ đến sự thật ấy sẽ giúp tôi hoàn thành chức phận chăn bầy mà người chăn phải hoàn thành đối với Đấng Chăn Chiên Lớn cũng như đối với chiên. Tôi nhận thấy điểm chung của mọi con cái của Đức Chúa Trời là mỗi mảng đời đều là một câu chuyện dài. Mỗi Cơ Đốc Nhân chúng ta đều bắt đầu với một câu chuyện về sự nhân từ của Đức Chúa Trời đã dắt dẫn họ đến đức tin nơi Thân Vị và Công Nghiệp Cứu Rỗi của Đức Chúa Jêsus Christ. Qua câu chuyện của mỗi người luôn nổi rõ dấu ấn của Đức Thánh Linh trên tấm lòng và đời sống của họ. Ngài ban cho họ đức tin, sự phân biệt thuộc linh để nhận lấy lẽ thật từ Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh cùng với các ân tứ thuộc linh để góp phần gây dựng Hội Thánh. Thế nhưng để giúp cho các Cơ Đốc Nhân tấn tới trong Ân Điển và trong sự thông biết Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ Đức Chúa Trời cũng đem họ vào những thử thách cay nghiệt trong đời sống. Phần lớn các con cái của Đức Chúa Trời phải trải qua hàng loạt những sự cam go. (Gióp nói rằng “Loài người sanh ra để bị khốn khó như lằn lửa bay chớp lên không”, Gióp 5:7). Đức Chúa Trời bày tỏ qua Lời Ngài trong Kinh Thánh vô số những lý do vì sao Ngài lại cho phép những điều phiền phức cứ ập đến với Dân Ngài. Giữa khi cuộc sống nhờ đức tin và bởi đức tin của chúng ta chính yếu được đánh dấu bằng những khó khăn, rắc rối phần lớn chúng ta còn thỉnh thoảng phải chịu đựng những sự đau đớn quá đậm, những sự tổn thương quá xót, những sự mất mát quá lớn đến đỗi chúng để lại những dấu vết không thể phai mờ suốt cả đời. Loại đau đớn này là một loại đau đớn không thể nói hết được. Những sự đau đớn loại này dường như có khả năng ẩn náu một nơi nào đó tận trong đáy lòng của chúng ta, cứ tích tụ dần lại thành một mảng kinh nghiệm lắng đọng trong con người chúng ta, và tác động trở lại trên con người chúng ta. Lắm người đã phải mang những nỗi đau ấy xuống tận nấm mồ. Có nhiều nhà tư vấn thẳng thừng cho rằng người ta đừng nên để tấm lòng của chúng ta phải chịu đựng một loại thương tích dai dẳng như thế. Tôi thì khác, tôi cho rằng Đức Chúa Trời cho phép loại thử thách này xảy ra cho các Cơ Đốc Nhân để làm cho họ phải quằn quại hầu giúp họ trở nên biết nương cậy Ngài nhiều hơn. Tôi cũng tin rằng Đức Chúa Trời để cho chúng ta phải trải qua những nỗi đau cùng tột này để chúng ta có thể kinh nghiệm về một cấp độ ân điển không dễ nhận ra trên ngoại diện vì nó vận động cách sâu lắng trong đáy của tâm hồn chúng ta. Thế nhưng để chúng ta có thể kinh nghiệm được về một loại ân điển như thế chúng ta cần phải biết lắng lòng để có thể nhìn thấy được đến tận đáy lòng của mình. Sự thử thách cay nghiệt là như thế này: “Liệu chúng ta sẽ cứ toàn tín nơi quyền tể trị tối cao và sự quan phòng của một Đức Chúa Trời yêu thương dầu chúng ta phải gánh chịu những đau xót cao độ hay không?”. Hay là chúng ta sẽ có thái độ cay đắng? Đây là một sự thử thách có thể thắng vượt mà cũng có thể bại vong. Với bài tập này chúng ta có thể đạt điểm mười hoặc điểm không. Bạn có thể trình dâng nỗi đau của mình vào bàn tay yêu thương của Cha Thiên Thượng và rồi yên nghỉ bằng đức tin dầu vẫn cứ còn bị đối xử tàn tệ để rồi mỗi lúc bạn sẽ càng trở nên giống với Đức Chúa Jêsus Christ nhiều hơn, hoặc bạn cũng có thể có thái độ phẫn uất vì cho rằng Đức Chúa Trời tắc trách đối với nỗi đau của mình. Bạn ơi, tất cả chúng ta ai cũng phải đối diện với sự chọn lựa này cả! Hậu quả ê chề của sự đau đớn thì đâu có gì đáng vui nhưng lời Kinh Thánh qua ngòi bút của Sứ Đồ GiaCơ là rành rành: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn” (Gia. 1:2). Đây chính là loại thử thách mà chúng ta học biết ở Gióp. Gióp đã phải chịu khổ cách hết sức bất công mà chỉ có việc Đức Chúa Jêsus Christ chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá mới có thể bất công hơn được. Kinh Thánh cho biết về Gióp là “Nơi thế gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác” (Gióp 1:8). Hãy để ý đến mức độ hài lòng của Đức Chúa Trời đối với Gióp đến nỗi Ngài khoe Gióp trước mặt Satan rằng “tôi tớ của Ta”. Hãy suy nghĩ về điều ấy! Vậy mà Đức Chúa Trời đã đẹp ý để cho Satan muốn làm gì đối với Gióp cũng được, miễn là Gióp vẫn còn sống. Satan đã cướp đi của Gióp bò, chiên, lạc đà, tôi tớ, và cả các con của Gióp nữa! Hãy để ý thái độ của Gióp trước tất cả những mất mát, đau đớn ấy khi ông nói rằng “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giêhôva đã ban cho, Đức Giêhôva lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giêhôva!” (Gióp 1:21). Kinh Thánh kết luận về tấm lòng và thái độ của Gióp một cách đáng ngạc nhiên: “Trong mọi sự ấy, Gióp không phạm tội, và chẳng nói phạm thượng cùng Đức Chúa Trời” (Gióp 1:22). Chỉ trong quãng đời ngắn ngủi đã qua của tôi cũng đã có đến ba, bốn lần tôi phải chịu đựng những sự thử thách nghiệt ngã (dầu rằng vẫn chưa nghĩa lý gì khi đem so sánh với những gì Gióp đã phải chịu). Tôi vẫn còn có thể nhớ đầy đủ những gì đã xảy ra. Tôi có thể nhớ là tôi đã bắt đầu hứng chịu như thế nào. Tôi vẫn còn cảm thấy nỗi đau tôi đã phải gánh chịu như thể mới xảy ra ngày hôm qua. Tôi vẫn còn nhớ như in về những đêm trằn trọc không ngủ được. Tôi vẫn còn hình dung được nỗi ảm đạm trong lòng khi tôi phải ở trong các cảnh ngộ ấy và tôi đã thực lòng nghĩ rằng mình đang chịu ngược đãi nặng nề. Tôi thực sự cho rằng tôi đã phải chịu những điều tôi không đáng phải chịu. Tôi đã nghĩ rằng mình đã không nhận được những gì đáng ra mình phải được nhận. Cả đến nay mỗi khi hồi tưởng lại các kinh nghiệm hãi hùng ấy tôi vẫn chưa có thể hoàn toàn hiểu nổi. Thậm chí có trường hợp tôi không thể tin nổi là kết cuộc của nó lại có thể tệ hại đến thế. Tôi cho rằng dòng đời của tôi sẽ phải khác hẳn nếu như những điều ấy đã không xảy ra! Tôi cho rằng việc đúng ra phải công bằng hơn thế mới phải! Việc đúng ra phải không thể bất công như thế được! Và, tất nhiên là khi tôi nghĩ như vậy thì tôi đã thủ tiêu mất quyền làm Chúa của Đức Chúa Trời! Tôi có một người bạn là nhà tư vấn ở thành phố Phoenix và trong văn phòng của ông có hai tấm biển để nhắc nhở. Một tấm ghi là “Có Đức Chúa Trời!” và trên tấm còn lại ghi là “Nhưng Bạn Không Phải Là Ngài!”. Tôi rất thích hai lời ám thị này và tôi đã sao chúng lại cho tôi. Thật đáng quí hóa biết bao! Chính những lời này đã thức tĩnh bản thân tôi mỗi khi tôi bị cám dỗ muốn buộc tội Đức Chúa Trời về những thương tật trong tâm hồn tôi. Khi ngẫm nghĩ về các nỗi đau mình phải chịu Gióp đã quyết định rằng “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15a). Làm sao mà Gióp có thể có một tấm lòng toàn tín nơi Đức Chúa Trời như thế khi mà những gian truân, khổ ải cứ dồn dập đổ ập xuống mình? Hạt giống của đức tin của Gióp không phải chỉ được tìm thấy trong Gióp mà trong suốt cả Kinh Thánh. Cả Kinh Thánh Cựu Ước lẫn Kinh Thánh Tân Ước đều đầy dẫy sự khẳng định về quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Đấng Tể Trị cũng chính là Đấng Sáng Tạo đã thiết kế cho đời sống bạn. Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã thiết định cách có mục đích những thời khắc thử thách nghiệt ngã mà bạn phải trải qua. Tất nhiên là Đức Chúa Trời biết rõ bạn cũng như tôi phải ngửa trông Ngài về sự vượt qua “trũng bóng chết” nhưng Ngài vẫn cứ để cho chúng ta phải “đi trong trũng bóng chết” với mục đích yêu thương! Vì sao chúng ta có thể tin được như thế? Vì Đức Chúa Trời luôn luôn là chân thật! Vì Ngài luôn luôn là nhân từ! Vì Ngài luôn luôn là thương xót! Chính vì thế mà chúng ta phải có một sự nương cậy hoàn toàn cho dầu hệ quả của các sự thử thách nghiệt ngã có như thế nào cũng thế. Cuộc sống này không hề vô sự như trong môi trường chân không. Cũng chẳng có sự chi là bất ngờ đối với Đức Chúa Trời cả. Chính Đức Chúa Trời là Đấng soạn bản giao hưởng của cuộc đời chúng ta với tất cả mọi giai điệu, tiết tấu theo ý chỉ tốt đẹp của Ngài. Ngài biết như Gióp đã biết Ngài rằng nếu chúng ta toàn tâm, toàn ý thuận phục Ngài thì mọi thương tật trong tâm hồn chúng ta sẽ được đan kết lại thành tấm dệt đời xinh đẹp của chúng ta trong quyền năng của Ngài để tôn qui vinh hiển về Ngài và để đời sống chúng ta có kết quả nhiều nhất, có sự hoàn thành trọn vẹn nhất, và có niềm vui chân chính nhất. Mối nguy của việc không chịu đem các mảnh vỡ của những nỗi vỡ òa từ sự uất nghẹn của tâm hồn chúng ta đặt trước Ngôi Thi Ân của Đức Chúa Trời để tìm kiếm Ân Điển của Ngài là việc tấm lòng của chúng ta sẽ trở nên sẹo sứt và chai cứng, và cuối cùng chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của chúng. Những điều ấy sẽ ám thị khiến chúng ta cứ tin rằng “đáng lẽ ra mình đã được như thế này hay thế nọ” và rồi sự những hoang tưởng bệnh hoạn ấy sẽ ngự trị trên ngai lòng của chúng ta, khiến chúng ta không biết đón nhận Ân Điển của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta cho tương lai cách phải phép mà cứ giam cầm chúng ta trong ngục tù của quá khứ. Chính một cơ chế vận động tâm lý như vậy là trở ngại đối với sự chữa lành của Đức Chúa Trời. Một khi thực sự tin được và nói được rằng “Chúa ôi, Ngài biết rõ hơn hết!”, “Chúa ôi, con xin sống đời sống con theo sự tể trị của Ngài; cho dầu con không hình dung được và hiểu hết được những thử thách cay nghiệt đối với con sẽ đem lại điều gì con vẫn xin được sống đời sống con theo sự tể trị của Ngài!”, “Chúa ôi, con cám ơn Ngài về chút dư vị ngọt ngào từ chén đắng mà Ngài đã ban cho con!”, “Chúa ôi, xin giúp con biết vui mừng về những độc tố mà Ngài đã ban để tôi luyên đời sống con mà sinh mệnh con vẫn cứ còn nguyên vẹn!”. Phần lớn ý tưởng kết trong suy nghĩ và trong sự cầu nguyện của bản thân tôi vẫn thường là “Cha ôi, con xin cám ơn Cha vẫn hằng thương xót con!”. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |