“ÂN TỨ THUỘC LINH (#1)” (1Cô. 12:6) “Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người” (1Cô. 12:6) Để có thể biết ân tứ thuộc linh là gì, và ân tứ thuộc linh từ đâu đến, chúng ta cần phải tra xét Lời Kinh Thánh là lời có thẩm quyền giải đáp cho các câu hỏi ấy, vì: “Nếu Đức Giêhôva không cất nhà,_Thì những thợ xây cất làm uổng công._Nhược bằng Đức Giêhôva không coi giữ thành,_Thì người canh thức canh luống công” (Thi. 127:1). Chỉ những gì được Đức Chúa Trời ban cho mới thực sự có giá trị và giúp cho chúng ta sống được theo mục đích mà Ngài đã định. Nếu chẳng phải như thế, dầu trông bề ngoài có vẻ như thế nào cũng chỉ là vô ích mà thôi; thậm chí, có thể còn có hại nữa! I. CHÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI BAN ÂN TỨ THUỘC LINH. Chúng ta không thể làm được gì ngoài Chúa. Chúng ta phải được Đức Chúa Trời thiết lập giữa vòng Hội Thánh và trong chính đời sống cá nhân của mình. Sự gây dựng mà mỗi người chúng ta có được là nhờ bàn tay của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời vận hành thông qua những ân tứ thuộc linh mà chính Ngài đã ban, để các ân tứ ấy được sử dụng để gây dựng Hội Thánh của Ngài, trong đó có mỗi một người chúng ta: “4Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; 5chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép Báptêm; 6chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. 7Nhưng, đã ban Ân Điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ” (Êph. 4:4-7). Như vậy, chúng ta có: (1) Một Thân Thể là Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ; (2) Một Đức Thánh Linh; (3) Một sự trông cậy [Sự cứu rỗi]; (4) Một Chúa [Đức Chúa Jêsus Christ]; (5) Một đức tin [Không phải chỉ là hệ phái]; (6) Một phép Báptêm; (7) Một Cha chung [Đức Chúa Trời], Ngài ở trên chúng ta, giữa vòng chúng ta, và trong mỗi người chúng ta! Tất cả mọi tín hữu trong Đức Chúa Jêsus đều cùng thuộc về một Thân Thể, được liên hiệp lại dưới duy nhất một Đầu là Đức Chúa Jêsus. Mỗi tín hữu đều được Đức Chúa Trời ban cho những năng lực nhất định để góp phần làm vững mạnh (Gây dựng) cả Thân Thể (Hội Thánh). Khả năng đó của mỗi người có thể nhiều hay ít nhưng tất cả đều là ơn Đức Chúa Trời ban cho để mỗi người được góp phần của mình vào việc gây dựng cộng đoàn Hội Thánh. Mọi ân tứ thuộc linh đều đến từ Đức Chúa Trời và đều thống nhất với nhau trong tác dụng gây dựng Hội Thánh của Ngài. II. ÂN TỨ THUỘC LINH ĐA DẠNG, PHONG PHÚ. Sứ Đồ Phaolô cho chúng ta biết rằng tương tự với việc thân thể người ta có nhiều chi thể với những chức năng khác nhau; Hội Thánh cũng có nhiều chi thể khác nhau với các chức năng khác nhau: “4Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, 5thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một Thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau” (Rô. 12:4-5). Trong Thân Thể của Đấng Christ là Hội Thánh, không phải ai nấy đều có cùng một vai trò, chức năng như nhau. Sứ Đồ Phaolô chỉ cho thấy rằng chúng ta, nhờ là chi thể của cùng chung một Thân Thể, đều có chung một Thánh Linh; và mỗi một chúng ta phải biết nương dựa nhau vì chúng ta cần có sự hoạt động chung như một tổng thể thống nhất. Mỗi người chúng ta đều cần lẫn nhau như cần chính mình vậy: “12Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy. 13Vì chưng chúng ta hoặc người Giuđa, hoặc người Gờréc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép Báptêm chung một Thánh Linh để hiệp làm một Thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa. 14Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể. 15Nếu chân rằng: Vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chân không có phần trong thân. 16Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân. 17Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu? 18Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của Thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định” (1Cô. 12:12-18). Đức Chúa Trời biết ai là người hiệu quả nhất ở những ân tứ nào, và vào lúc nào; Ngài ban ân tứ thuộc linh cho mỗi người tùy theo sự đẹp ý của Ngài. III. MỘT SỐ CÁC ÂN TỨ THUỘC LINH. Kinh Thánh không xác định rõ số lượng các ân tứ thuộc linh. Chúng ta cũng không nên hạn chế năng lực của Đức Chúa Trời bằng cách hạn định số lượng các ân tứ thuộc linh. Chúng ta nên biết rằng còn có cả những ân tứ thuộc linh mà người ta quá đỗi quen thuộc đến độ không còn nhận ra được rằng đó là ân tứ được Đức Chúa Trời ban cho. Số lượng các ân tứ thuộc linh được Kinh Thánh nhắc đến chưa phải là tất cả: “3Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mọi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người. 4Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, 5thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một Thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau. 6Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; 7ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; 8ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm” (Rô. 12:3-8). Các ân tứ thuộc linh được nêu lên ở đây là : (1) Nói tiên tri [Gk. propheteia], (2) Làm chức vụ [Gk. diakonia], (3) Dạy dỗ [Gk. didasko; Êph. 4:11 > “Giáo Sư”, didaskalos], (4) Khuyên bảo [Gk. parakaleo], (5) Bố thí [Gk. metadidomi], (6) Cai trị [Gk. proistemi], (7) Làm sự thương xót [Gk. eleeo]. Chúng ta còn có thể tìm thấy các ân tứ thuộc linh khác như: (8) Nói lời khôn ngoan [Gk. sophia], (9) Nói lời tri thức [Gk. gnosis], (10) Đức tin [Gk. pistis], (11) Chữa tật bịnh [Gk. iama], (12) Làm phép lạ [Gk. dunamis], (13) Phân biệt các thần [Gk. diakrisis], (14) Nói nhiều thứ tiếng khác nhau [Gk. glossa], (15) Thông giải [Gk. hermeneia]. Lời Kinh Thánh phán: “8Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được nói lời có tri thức. 9Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy. 11Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (1Cô. 12:8-11). Trong 1Cô. 12:28, Kinh Thánh cho biết về một số các ân tứ thuộc linh khác: (16) Sứ Đồ [Gk. apostolos], (17) Cứu giúp [Gk. antilepsis], (18) Cai quản [Gk. kubernesis]. Êph. 4:11 nhắc đến các ân tứ thuộc linh (19) Thầy Giảng Tin Lành [Gk. euaggelistes], (20) Mục Sư [Gk. poimen]. Ngoài ra, 1Phi. 4:11 cũng còn đề cập đến ân tứ thuộc linh (21) Giảng luận [Gk. laleo] nữa: “Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhứt là Sứ Đồ, thứ nhì là Đấng Tiên Tri, thứ ba là Thầy Giáo, kế đến kẻ làm phép lạ, rồi kẻ được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng” (1Cô. 12:28). “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm Sứ Đồ, kẻ kia làm Tiên Tri, người khác làm Thầy Giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm Mục Sư và Giáo Sư” (Êph. 4:11). “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen” (1Phi. 4:11). IV KHÔNG THỂ ĐÒI HỎI, CŨNG KHÔNG THỂ XEM NHẸ ÂN TỨ THUỘC LINH NÀO CẢ. Chúng ta có thể chọn lựa và cầu xin cho được loại ân tứ nào mà ý riêng của chúng ta muốn không? Câu trả lời là “không”: “Mọi điều đó là công việc của đồng một Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (1Cô. 12:11). Sự ban cho ân tứ thuộc linh là công việc của duy nhất Đức Chúa Trời, Chúng ta không thể theo ý riêng mà có được. Khả năng khôn ngoan của chúng ta, tính chất hữu lý mà chúng ta nhận thức,… tất cả đều vô nghĩa trước sự toàn tri và quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Theo cách nhìn nhận của Đức Chúa Trời, không có ân tứ thuộc linh nào là kém cõi cả. Tất cả các ân tứ thuộc linh đều phải được xem là quí trọng như nhau: “21Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay. 22Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. 23Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, 24còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, 25hầu cho trong Thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. 26Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng” (1Cô. 12:21-26). V. PHÁT TRIỂN ÂN TỨ THUỘC LINH LÀ MỘT PHẬN SỰ Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus ủy thác cho chúng ta các ân tứ thuộc linh của Ngài như một sự đầu tư vào đời sống chúng ta các tài sản của Ngài. Chúng ta sẽ được hưởng lợi của sự đầu tư ấy tùy theo mức độ vâng lời của chúng ta đối với Ngài (Sv. Ma. 25:15, dunamis: “tài”, cũng là “đức hạnh”): “14Vả, Nước Thiên Đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình. 15Chủ đó cho người nầy năm talâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường. 16Tức thì, người đã nhận năm talâng đi làm lợi ra, và được năm talâng khác. 17Người đã nhận hai talâng cũng vậy, làm lợi ra được hai talâng nữa. 18Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. 19Cách lâu ngày, chủ của những đầy tớ ấy trở về khiến họ tính sổ. 20Người đã nhận năm talâng bèn đến, đem năm talâng khác nữa, và thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi nămtalâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm talâng nữa. 21Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. 22Người đã nhận hai talâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi hai talâng; đây nầy, tôi đã làm lợi ra được hai talâng nữa. 23Chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. 24Người chỉ nhận một talâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra; 25nên tôi sợ mà đi giấu talâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa. 26Song chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; 27vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời. 28Vậy, các ngươi hãy lấy talâng của người nầy mà cho kẻ có mười talâng. 29Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa. 30Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Ma. 25:14-30). Như vậy, chúng ta phải biết vận dụng các ân tứ thuộc linh mà chúng ta đã nhận được theo một phương hướng phát triển nhất, sinh lợi nhất để hoàn thành chương trình đầu tư của Đức Chúa Jêsus trên đời sống của chúng ta. Đức Chúa Jêsus đầu tư vào đời sống của chúng ta là nhằm phát triển: Phát triển chính đời sống của chúng ta và phát triển nhiều đời sống khác trong Hội Thánh. Chúng ta phải khám phá ra các ân tứ thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã đầu tư vào đời sống của mình, chúng ta phải biết dốc lòng phát huy hết tác dụng của những gì Chúa đã ban, đừng để bị kể là “Đầy tớ dữ và biếng nhác”. Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta thấy được rằng mọi ân tứ thuộc linh đều bởi Đức Chúa Trời mà có để mọi tín hữu đều có thể góp phần xây dựng gia đình chung của mình là Hội Thánh; do đó, ai cũng có được ít nhất là một ân tứ thuộc linh. Ân tứ thuộc linh vốn đa dạng và phong phú, không hề có việc tất cả mọi người đều có cùng một loại ân tứ thuộc linh giống nhau được. Đòi hỏi người khác phải có cùng loại ân tứ thuộc linh giống như mình, hoặc nhất định đòi cho có loại ân tứ thuộc linh theo ý riêng của mình đều là những sự mong muốn không hợp Kinh Thánh, vì chính Đức Chúa Trời mới là Đấng duy nhất qui định ai được ban cho ân tứ gì trong thời điểm nào. Ân tứ thuộc linh được ban cho mọi tín hữu để ai nấy đều được dự phần trong việc gây dựng Hội Thánh, như vậy cũng không có việc một ân tứ thuộc linh nào đó được kể là dấu hiệu để biểu thị sự cứu rỗi, sự nên thánh, hay tình trạng thuộc linh của Cơ Đốc Nhân. Sau cùng, chỉ thực hành ân tứ thuộc linh cho mục đích gây dựng Hội Thánh mới làm đẹp ý Đức Chúa Trời được, vì ân tứ thuộc linh sẽ vô nghĩa khi thiếu tình yêu thương (Sv. 1Cô. 13). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |