REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

6/4/2022

 
Picture
“HỘI THÁNH THEO KINH THÁNH”
(Kinh Thánh: Công. 2:40-47)
“Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các
Sứ Đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh,
và sự cầu nguyện”
(Công. 2:42)

Đại Mạng Lịnh của Đức Chúa Jêsus đối với tất cả các tín hữu của Ngài là hãy môn đồ hóa muôn dân, “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đứa Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báptêm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi” (Ma. 28:19-20).
Công. 2 mô tả về một bước khởi đầu rực rỡ của việc thực hiện Đại Mạng Lịnh của Chúa. “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công. 2:47b) là tin vui cho Hội Thánh khắp mọi nơi từ thời ấy đến nay. Thế nhưng phải chăng “Hội Thánh” luôn luôn là Hội Thánh hợp Kinh Thánh, là Hội Thánh đẹp ý Đức Chúa Trời?  Hội Thánh theo Kinh Thánh cần phải có các loại hình sinh hoạt căn bản nào để bảo đảm được tính hợp Kinh Thánh của Hội Thánh cho đẹp ý Đức Chúa Trời?
 
I. “GIỮ LỜI DẠY CỦA CÁC SỨ ĐỒ”

Hội Thánh sơ kỳ  đã được thành lập trước khi Kinh Thánh Tân Ước được hoàn thành. Vì vậy, các tín hữu đã phải nhận sự dạy dỗ của các Sứ Đồ về những điều mà các vị Sứ Đồ đã được nhận trực tiếp từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus:
“Chúng tôi lấy điều đã thấy, đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả chúng tôi vẫn được giao thông với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ” (1Gi. 1:3).
 Dầu vậy, đối với các tín hữu ngày nay, khi sự khải thị của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh đã hoàn thành, không còn gì quí hơn cho họ là được hưởng sự bổ dưỡng trực tiếp từ “sữa thiêng liêng của Đạo” là những sự dạy dỗ trực tiếp từ Lời Đức Chúa Trời.
“1Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, 2thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi. 2:1-2).
Về phần người chăn bầy của Đức Chúa Trời, việc bền chí dạy cho các tín hữu giáo lý Kinh Thánh chân chính, và chỉ giáo lý Kinh Thánh chân chính mà thôi, là một đòi hỏi bắt buộc:
 “Hãy giảng Đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (2Ti. 4:2).
“Nhưng con hãy dạy điều hiệp với đạo lành” (Tít 2:1).
“4Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (1Cô. 2:4-5).
“20Anh em biết tôi chẳng trễ nải rao truyền mọi điều ích lợi cho anh em, chẳng giấu điều chi hết, lại biết tôi đã dạy anh em hoặc giữa công chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia, 21giảng cho người Giuđa như cho người Gờréc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta” (Công. 20:20-21).
Các nguyên tắc ấy đã được Sứ Đồ Phaolô thiết lập khi thành lập Hội Thánh cho Dân Ngoại, và đó là những nguyên tắc Kinh Thánh phải luôn luôn được giữ vững, không thể được phép làm ngơ. Trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, việc “sáng tác” giáo lý phi và phản Kinh Thánh, tự nhận cho mình “quyền Sứ Đồ” là một trọng tội đối với Đức Chúa Trời:
“36Có phải là Đạo Đức Chúa Trời ra từ nơi anh em, hoặc chỉ đến cùng anh em mà thôi chăng? 37Nếu ai tưởng mình là Tiên Tri, hay là được Đức Thánh Linh soi sáng, thì người ấy hãy biết rằng điều tôi viết cho anh em đây là mạng lịnh của Chúa” (1Cô. 14:36-37).

II. “SỰ THÔNG CÔNG CỦA ANH EM”

Sự tăng trưởng thuộc linh có thể được khơi dậy nhờ sự thông công giữa vòng anh chị em tín hữu với nhau. Mỗi Cơ Đốc Nhân là một “con chiên” của Đức Chúa Jêsus và là chi thể của Thân Thể Đấng Christ. Mỗi một Cơ Đốc Nhân đều đã được ban cho một hoặc các ân tứ thuộc linh để phục vụ, gây dựng lẫn nhau:
“5Chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một Thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng  ta đều là các phần chi thể của nhau. 6Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin, 7ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; 8ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm” (Rô. 12:5-8).
Sự ràng buộc với nhau nhờ mối thông công sẽ đem lại được sự khoan dung đối với nhau, và sự cưu mang lẫn nhau. Nhờ có sự thông công, các thánh đồ của Hội Thánh Đức Chúa Trời buổi sơ kỳ đã biết chia sẻ cho nhau các nhu cần cơ bản hằng ngày:
“34Vì trong tín đồ không ai thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến 35đặt dưới chân các Sứ Đồ; rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phát cho” (Công. 4:34-35).
Không hề có nơi nào trong suốt cả Kinh Thánh Tân Ước từ liệu “thông công” nói về “sự vui chơi” vì có vẻ đó là điều trái với ý muốn của Đức Chúa Trời:
“Nhưng về phần kẻ ưa sự vui chơi, thì dẫu sống cũng như chết” (1Ti. 5:6).
Từ liệu “thông công” (Gk. koinonia) hàm ý về sự chia sẻ. Trong Hội Thánh, “thông công” là chia sẻ với nhau về đức tin chung, chia sẻ với nhau về xúc cảm riêng tư, về gánh nặng riêng tư đến nỗi cái riêng của mỗi người, cả buồn và vui, không còn là riêng nữa…
“Cả Luật Pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình… Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn Luật Pháp của Đấng Christ…” (Gal. 5:14; 6:2).
Do đó, sự “thông công” có nghĩa chung là việc tham dự vào một điều gì đó bằng hành vi “cho” hoặc “nhận” tùy theo trường hợp. Mục đích của sự thông công trong Hội Thánh luôn luôn là để gây dựng cho người khác hơn là tìm sự hưởng thụ cho chính mình:
“24Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; 25chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê. 10:24-25).

III. “LỄ BẺ BÁNH”

Sự thông công cần thiết cho sự tăng trưởng thuộc linh của Cơ Đốc Nhân, nhưng mối thông công giữa con người với nhau luôn luôn là một cái gì đó “mỏng manh”, “dễ vỡ” (Gia. 3:1-12; Rô. 7:14; Gal. 5:17).
Tinh thần hiệp một trong một công đồng, chẳng hạn một Hội Thánh Địa Phương, có thể dễ dàng bị tổn hại do việc hiểu lầm hoặc các sự tổn thương do còn non yếu về sự trưởng thành thuộc linh. Do đó, Đức Chúa Jêsus, Nguyên Thủ của Hội Thánh, đã thiết lập Lễ Tiệc Thánh của Ngài để các tín hữu muôn đời lấy đó làm một thời điểm, cơ hội để không những tưởng nhớ về công trình đền tội thay mà Ngài đã hoàn thành trên Thập Tự Giá, mà cũng còn để cho họ kết ước với Ngài và kết ước với nhau:
“28Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh, uống chén ấy; 29vì người nào không phân biệt Thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình” (1Cô. 11:28-29).
“Tự xét lấy mình” (Gk. dokimazo) là tự tra xét xem mình có thực sự ăn năn tội và đã xử lý xong các vấn đề liên quan chưa. “Phân biệt Thân Chúa” là nhận thức đầy đủ tính biểu tượng thuộc linh của Lễ Tiệc Thánh: “Thân Chúa” (Gk. soma) mà tín hữu phải nhận thức trong Lễ Tiệc Thánh là Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus (chứ chẳng phải lễ phẩm sẽ trở nên thân thể hữu cơ của Ngài)! “Phân biệt Thân Chúa” (Gk. diakrino) trong Lễ Tiệc Thánh là nhận thức ý nghĩa không gì so sánh được của Hội Thánh là cộng đoàn mà Đức Chúa Jêsus đã xả thân để mua chuộc về cho Ngài, và nhận thức về vai trò của mình trong Hội Thánh, nhất là trong mối quan hệ với các thành viên khác trong Hội Thánh:
“Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng?” (Gal. 6:1).
“14Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi” (Ma. 6:14-15).
Dự Lễ Tiệc Thánh, Cơ Đốc Nhân kết ước với Đức Chúa Jêsus về việc sẽ rao sự chết của Ngài cho đến lúc Ngài tái lâm:
“Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1Cô. 11:26).
Dự Lễ Tiệc Thánh, Cơ Đốc Nhân kết ước tha thứ và yêu thương nhau để tự chứng rằng mình là môn đồ của Đức Chúa Jêsus và để gây dựng Thân Thể thuộc linh của Ngài là Hội Thánh:
“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta” (Gi. 13:35).
Cũng chính vì thế mà các thánh đồ của Hội Thánh sơ kỳ đã giữ Lễ Tiệc Thánh mỗi ngày (Công. 2:46).

IV. “SỰ CẦU NGUYỆN”

Sự cầu nguyện của Hội Thánh không phải chỉ là nghi thức chiếu lệ. Thời gian cầu nguyện là thời gian người tín hữu thiết tha tâm sự với Đức Chúa Trời và rồi sự làm chứng tốt về quyền năng Đức Chúa Trời sẽ được hiển thị ra để đem người ta đến chỗ nương cậy Ngài và có ích cho Ngài nhiều hơn nữa:
“Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng Đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công. 4:31).
“Cầu nguyện” (Gk. proseuche) là sự thông công của người tín hữu với Cứu Chúa của mình, là hơi thở của đời sống thuộc linh Hội Thánh. Mọi sự đều ở trong Chúa nên mọi sự phải được dâng lên cho Ngài:
“17Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài. 18Ấy cũng chính Ngài là Đầu của Thân Thể, tức là Đầu của Hội Thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng” (Côl. 1:18-19).
“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phil. 4:6).
“Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em” (1Phi. 5:7).
 
Trong thời đại chúng ta đang sống, hiện có một khuynh hướng thịnh hành là thiên nhiều về truyền giáo mà lại xao lãng các sinh hoạt căn bản của Hội Thánh. Tất nhiên là chúng ta vui mừng khi biết được rằng có nhiều linh hồn được cứu, nhưng việc các tân tín hữu phải được chăm nuôi như thế nào cũng là một sự đòi hỏi hợp Kinh Thánh nữa. Nhu cần chăm sóc các “chiên con” là một trong những sự quan tâm hàng đầu của Đức Chúa Jêsus (Gi. 21:15). Các tân tín hữu cần một sự bảo vệ và chăm sóc thường xuyên. Họ cần có được sự hướng dẫn thực hành để có được các phẩm hạnh và hành vi cần thiết của một đời sống theo Chúa.
Cũng có thể là trong đời sống thuộc linh cá nhân của mỗi người chúng ta vẫn còn yếu kém ở một phương diện nào đó. Chúng ta hãy dũng cảm làm tất cả những gì có thể làm được để bồi dưỡng cho chính bản thân cũng như cho các tín hữu khác đi đến chỗ trưởng thành thuộc linh.
​
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_hoithanhtheokinhthanh.pdf
File Size: 573 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách