“PHẬN SỰ TRI ÂN” (Lu. 17:11-19) “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” (1Tê. 5:18) Có một câu chuyện kể về hai người bạn vừa đi, vừa nói chuyện vui vẻ với nhau trên một cánh đồng. Đột nhiên họ nhận ra rằng có một con bò điên đang hung hăng lao về hướng họ. Không cần ai bảo ai, cả hai cùng cố sức chạy về phía một trang trại có rào chắn ở gần đó. Con bò lên cơn điên vẫn rượt theo họ rất gấp. Càng chạy, hai người càng thấy khó có hy vọng thoát khỏi tình huống hiểm nghèo. Một trong hai người là người chưa tin Chúa, anh này hổn hển nhắc người tín đồ kia hãy cầu nguyện, may ra “tai qua nạn khỏi”! Khổ nỗi, người tín đồ lại là người không có thói quen cầu nguyện nên tỏ ra rất lúng túng. Cuối cùng, anh này cũng nhớ được một lời cầu nguyện mà cha anh vẫn thường dùng nên tự động thốt lên: “Chúa ôi, xin ban cho con lòng tri ân Ngài về những gì Ngài cho phép xảy ra trên đời sống của con!”… Tất nhiên là người chưa tin Chúa kia không thể nào hiểu thấu được triết lý của lời cầu nguyện ấy, và khó lòng mà chấp nhận nó được. Thế nhưng, liệu có phải tất cả các Cơ Đốc Nhân đều có thể nói “Amen” với một lời cầu nguyện như thế không? I. PHẬN SỰ TRI ÂN Chúng ta có thể học sự dạy dỗ của Kinh Thánh về phận sự tri ân ở nhiều nơi; tuy nhiên, câu chuyện về “Mười Người Phung” (Lu. 17:11-19) là một sự dạy dỗ rất phong phú về thái độ tri ân mà Cơ Đốc Nhân phải có. Đối với con cái Đức Chúa Trời, thái độ tri ân không thể là một cái gì đó “theo mùa”, “tùy tiện” mà phải là một thái độ thường xuyên. Tri ân là lối sống của Cơ Đốc Nhân để qua đó Cơ Đốc Nhân tự khẳng định mình là Cơ Đốc Nhân: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy” (1Tê. 5: 18). Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thái độ tri ân không phải chỉ là “thiện chí” của một người mà là phận sự bắt buộc đối với Đức Chúa Trời: Hoặc người ta có lòng tri ân Đức Chúa Trời và như vậy là đáp ứng thuận với huấn mệnh của Ngài, hoặc người ta không có lòng tri ân Đức Chúa Trời và bởi đó mà phạm tội cùng Ngài. Hãy chú ý đến địa vị của “Mười Người Phung”: “11Đức Chúa Jêsus đương lên thành Giêrusalem, trải qua bờ cõi xứ Samari và Galilê. 12Nhằm khi vào làng kia, có mười người phung đến đón rước Ngài, đứng đằng xa, 13lên tiếng rằng: Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!” (Cc. 11-13). Chúng ta có thể có một số nhận xét về những người phung này. Trước hết, Sứ Đồ Luca cho biết rằng họ “đứng đằng xa” (C. 12). Trong xã hội Cựu Ước, chẳng còn chứng bệnh nào đáng sợ hơn bệnh phung. Sự đau đớn mà các bệnh nhân phung phải chịu thật ghê gớm, nhưng đó chưa phải là điều ghê gớm nhất. Điều kinh khủng nhất đối với bệnh nhân phung là phải chịu cách ly với xã hội họ đang sống. Bệnh nhân phung không được tiếp xúc với bất cứ ai trong gia đình mình, và họ không được để cho bất cứ người nào giáp mặt, vì Luật Pháp Cựu Ước kể họ là ô uế. Một người phung phải chấp nhận mọi bất tiện của bịnh chứng và tình trạng cách ly, họ phải sống trong nỗi dằn vặt của người không biết đến bao giờ mới được sum họp lại với những con người thân thương trong gia đình, với các sinh hoạt quen thuộc của xã hội mà họ đã được sinh ra và lớn lên. Ngay cả các cộng đoàn tôn giáo của địa phương cũng không hề dành cho họ bất cứ một sự dung nạp nào cả. Trái lại, theo sự qui định tôn giáo, mỗi khi họ di chuyển trên đường, để tránh cho người khác khỏi phải chạm mặt, họ phải vừa đi vừa la lớn: “Ô uế! Ô uế!...”. Thật chẳng còn gì khủng khiếp hơn! Trên một phương diện, hoàn cảnh quá khứ của chúng ta khi chưa tiếp nhận sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus, và chưa được tái sanh, cũng có điểm tương đồng. Chúng ta hoàn toàn ở trong sự mù tối thuộc linh, hoàn toàn bị cách ly với Đức Chúa Trời, và vì vậy phải luôn sống trong một tình trạng tranh chiến triền miên dưới nhiều hình thức chẳng những với đồng loại của mình mà cũng còn với ngay chính bản thân mình nữa. Kinh Thánh khẳng định tình trạng bi đát của chúng ta lúc chưa được tái sanh: “28Tại họ không lo nhìn biết Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, đặng phạm những sự chẳng xứng đáng. 29Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; 30hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; 31dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót. 32Dầu họ biết mạng lịnh của Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà họ chẳng những tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa” (Rô. 1:28-32). Trên một phương diện, “Mười Người Phung” trong sự trước thuật này còn có mặt tích cực hơn những người dầu rất sáng láng về ngoại hình nhưng lại mù tối thuộc linh. “Mười Người Phung” trong câu chuyện này là những người “có lòng khó khăn”(Ma. 5:3), họ biết hoàn cảnh ngặt nghèo mà họ không thể tự cứu được mình: “Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!” (C. 13). “Mười Người Phung” trong câu chuyện này biết rằng Luật Pháp cách ly họ nhưng Đức Chúa Jêsus lại là Đấng sẵn sàng tiếp cận họ để cho họ có thể tiếp nhận Ngài. Đức Chúa Jêsus tiếp nhận mọi người theo hiện trạng vốn có của họ, miễn là họ đến với Ngài bằng tấm lòng của người “có lòng khó khăn”; tức là sự nhận biết về tình trạng bất lực của bản thân, ăn năn, và kêu cầu Ngài. Được đến với Đức Chúa Jêsus để được Ngài thương xót quả thật là một điều đáng để tri ân. Nếu lòng chúng ta bị nguội lạnh về sự tri ân, hãy biết rằng chúng ta vốn đã được chuộc cho khỏi bị hư mất và đã được nhận làm con nuôi của Đức Chúa Trời : “4Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới Luật Pháp, 5để chuộc những kẻ ở dưới Luật Pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài” (Gal. 4:4-5). II. ĐỂ BIẾT TRI ÂN Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian để cứu vớt tội nhân. Con đường của Đức Chúa Jêsus là con đường hạ mình. Con đường của Ngài cũng là con đường vâng lời. Sự hạ mình và vâng phục của Đức Chúa Jêsus là mẫu mực cho Cơ Đốc Nhân noi theo: “5Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. 6Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, 7chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phil. 2:5-8). Bản chất của con người cũ không phải là con người hạ mình và vâng phục, con đường xưa là con đường mà sự tự cất mình lên “làm cho mình bằng Đấng Rất Cao” (Ês. 14:14) đã ảnh hưởng, và là “con cái bội nghịch, dòng dõi nói dối” (Ês. 57:4). Động cơ và năng lực hạ mình và vâng phục chỉ thực sự bắt đầu có trong một người “có lòng khó khăn” (Ma. 5:3) là người bắt đầu nhận thức được nhu cần thuộ c linh của mình. Người phung Samari không thể nào “trở lại, lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời” (C. 15), không thể nào “lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn Ngài”(C. 16) nếu như người ấy chưa từng cất tiếng van xin Đức Chúa Jêsus rằng “Lạy Jêsus, lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!” (C. 13), chưa tùng “thấy mình đã được sạch” (C. 15), chưa từng bắt đầu có “đức tin” (C. 19) đặt nơi Đức Chúa Jêsus. Để có thể biết tri ân, một sự tự nhận thức hợp Kinh Thánh cần phải được thực hiện: “9Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia. 4:9-10). Không còn cách nào khác! Con đường dẫn đến sự tri ân luôn luôn là con đường hạ mình và vâng phục. Chưa ai thấy những người đang ở trong một tâm trạng “tự đắc”, “tự mãn” biết hạ mình! Chưa ai thấy những con người đang ở trong một tâm trạng “tự kỷ”, “tự cường” lại biết vâng phục bao giờ! Cho đến chừng nào mà người ta vẫn còn say sưa trong những điều họ có, họ vẫn còn chưa có lòng tri ân. Chỉ khi nào người ta biết nghĩ về sự thiếu thốn của mình họ mới biết vâng theo sự đòi hỏi của Ân Điển: “Khi Ngài thấy họ, liền phán rằng: Hãy đi, tỏ mình cùng Thầy Tế Lễ. Họ đương đi thì phung lành hết thảy” (C. 16). Điều đáng cho chúng ta lưu ý ở đây là Kinh Thánh chép rằng “họ đương đi thì phung lành hết thảy”. “Mười Người Phung” được lành giữa lúc họ vâng lời Đức Chúa Jêsus để đến tỏ mình cùng Thầy Tế Lễ; họ được lành khi họ chịu vâng phục Đức Chúa Jêsus. “Mười Người Phung” đã không được lành nhờ giấy chứng nhận sạch phung của Thầy Tế Lễ, nhưng họ đã được lành nhờ vâng lời Ngài mà đến với Thầy Tế Lễ. Thẩm quyền Hội Thánh không cứu được Cơ Đốc Nhân, nhưng Cơ Đốc Nhân tự chứng mình là Cơ Đốc Nhân bằng việc hạ mình vâng lời Đức Chúa Jêsus trong sự kết ước tận hiến của chính họ trong Hội Thánh. Được Đức Chúa Trời “xỏ tai” (Thi. 40:6, Sv. Xuất. 21:5-6) là có lòng vâng phục theo ý muốn của Ngài: “Chúa không thích đẹp hy sinh hoặc của lễ chay:_Chúa đã xỏ tai tôi._Chúa không có đòi của lễ thiêu hay là của lễ chuộc tội” (Thi. 40:6). Vâng lời Đức Chúa Trời là một việc quan trọng không những vì thái độ ấy dẫn đến lòng tri ân mà còn giúp biết tri ân đúng đối tượng. III. ĐẤNG PHẢI TRI ÂN Giấy chứng nhận sạch phung của Thầy Tế Lễ cấp cho người phung hết sức quan trọng trong xã hội Cựu Ước vì đó là tài liệu bắt buộc phải có để một người phung có thể tái hội nhập vào gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh thì Thầy Tế Lễ không phải là đối tượng chính để tri ân. Trong nhiều trường hợp, thái độ vô ơn đối với một người nào đó có thể biểu hiện ra tấm lòng vô ơn đối với Đức Chúa Trời; thế nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn là đối tượng tri ân chung cuộc của Cơ Đốc Nhân: “15Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng ngợi khen Đức Chúa Trời; 16lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jêsus, mà tạ ơn Ngài. Vả, người đó là người Samari” (Lu. 17: 15-16). Cơ Đốc Nhân nếu thực sự là Cơ Đốc Nhân thì Đức Chúa Trời luôn luôn là Đấng tối cao để họ tri ân thể theo bản chất vốn có của Ngài: “…5Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét Ta, Ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba, bốn đời, 6và sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến Ta và giữ các điều răn Ta” (Xuất. 20:5b-6). “Ta là Đức Giêhôva: Ấy là Danh Ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển Ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng Ta cho những tượng chạm” (Ês. 42:8). Thái độ tri ân đối với duy nhất Đức Chúa Trời chứng minh được đức tin của một người đặt nơi Ngài, và chính nhờ một đức tin như thế mà Cơ Đốc Nhân mới có thể đồng đi với Ngài trong linh trình trên đời tạm này: “Ngài lại phán rằng:Đứng dậy, đi; đức tin ngươi đã cứu ngươi” (Lu. 17:18b). Để có lòng tri ân đúng đối tượng là Đức Chúa Trời, Cơ Đốc Nhân phải kinh nghiệm được Ngài qua việc biết vâng lời Ngài. Cơ Đốc Nhân không thể sống hạ mình và vâng phục theo mẫu mực của Đức Chúa Jêsus nếu họ xao lãng phận sự bắt buộc là thái độ tri ân. Trên một phương diện, Cơ Đốc Nhân là một nhân chủng đặc biệt; họ có lòng tri ân đối với Đức Chúa Trời và sống cho sự vinh hiển của Ngài: “…Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua, là Dân Thánh, là Dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1Phi. 2:9). “Hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được trở nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy Đạo Sự Sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian” (Phil. 2:15). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) ![]()
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |