“ÂN TỨ THUỘC LINH (#2)” (1Cô. 12:7) “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy được sự ích chung” (1Cô. 12:7) Ngay tại lúc tiếp nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa và làm Chúa đời sống mình, mỗi người chúng ta được Đức Chúa Trời sáp nhập vào Hội Thánh của Ngài và chúng ta được chia sẻ sự sống của Đức Chúa Jêsus: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy được sự ích chung” (1Cô. 12:7). Đức Chúa Trời không muốn chúng ta làm những thành viên thụ động trong Hội Thánh. Ngài không muốn chúng ta là những con người nhàn cư, vô sự. Đức Chúa Trời đã định rằng mỗi thành viên của Hội Thánh đều là một thành viên hoạt động, tích cực. Ngài trao ban cho mỗi người chúng ta một chức năng trong Hội Thánh của Ngài, không miễn trừ bất cứ một ai. Chức phận đầy tớ thuộc về mọi thành viên trong Hội Thánh, mọi cá nhân trong Hội Thánh đều có một vị trí đặc biệt trong chương trình của Đức Chúa Trời, đều hữu dụng đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời trong Hội Thánh. I. ÂN TỨ THUỘC LINH CÓ TRONG MỖI NGƯỜI. Thật ra, Đức Chúa Trời đã ban ân tứ thuộc linh cho mọi thành viên trong Hội Thánh tại lúc họ tiếp nhận sự cứu rỗi. Nếu còn có thành viên nào nhàn cư, vô sự thì chỉ vì người ấy vẫn chưa khám phá và thực hành được các ân tứ của mình mà thôi. Warren Myers trong tác phẩm “Pray: How To Be Effective In Prayer” có nhắc đến hai nhân vật xuất sắc: William Carrey, Giáo Sĩ ở Ấn Độ, và “Carrey Bại Liệt”, là em gái của William Carrey, một người hầu như bại liệt hoàn toàn. William Carrey đã hoàn thành công trình dịch và xuất bản Kinh Thánh không ai so sánh được trong lịch sử truyền giáo. Như chúng ta đọc được ở chương cuối tác phẩm của Myers, William Carrey được gọi là “Cha Đẻ Của Các Giáo Sĩ Hiện Nay”. Đến nay chúng ta vẫn không biết được tên đầy đủ của em gái William Carrey, thế nhưng trong khi William Carrey làm công việc dịch Kinh Thánh ở Ấn Độ và in ra bằng 40 thứ ngôn ngữ khác nhau thì tại London, “Em Gái Carrey” tuy phải nằm liệt giường vẫn cứ cầu nguyện từ giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, và năm này sang năm khác! “Em Gái Carrey” cầu nguyện cho từng chi tiết, cho từng trục trặc, cho từng trăn trở,… cho công việc của William Carrey, anh trai của mình! Đem câu chuyện của anh em nhà Carrey vào tác phẩm của mình, Warren Myers muốn nêu lên một câu hỏi: Theo cách nhìn nhận của Đức Chúa Trời, trong những gì William Carrey đã làm được, công của ai lớn hơn? Tất cả chúng ta đều có thể nhìn nhận rằng “Em Gái Carrey” đã dự phần vào chức vụ của anh mình. Thật ra, phần việc của “Em Gái Carrey” là một phần quan trọng đặc biệt. Về nguyên tắc, thiếu sự cầu nguyện của “Em Gái Carrey”, chức vụ của William Carrey không thể kết quả được như thế. Trong khi William Carrey dịch Kinh Thánh ở Ấn Độ, được nhiều người trên thế gới biết đến, “Em Gái Carrey” âm thầm cầu nguyện tại nhà ở London, không ai thấy, không ai biết. Cả hai đều quan cùng quan trọng vì chính Đức Chúa Trời đã trang bị cho họ hoàn thành chức năng của mình. Đó là ơn Đức Chúa Trời ban cho mỗi người, đó là ân tứ thuộc linh: Một ân tứ thuộc linh là một thân năng được Đức Chúa Trời ban cho và được Đức Thánh Linh làm cho có quyền năng để thực hiện một chức năng cụ thể giữa vòng Hội Thánh mà Đức Chúa Trời đã phân công cho mỗi người chúng ta. Mỗi ân tứ thuộc linh bao giờ cũng có một chức năng trong Hội Thánh. Và, như Kinh Thánh cho biết, trong Hội Thánh ai cũng được trao ban ân tứ thuộc linh, không ai có thể nói được rằng “Tôi không hề có phận sự nào trong Hội Thánh, vì tôi không làm được gì cho Hội Thánh cả!”: “4Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau… 6Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta…” (Rô. 12:4, 6). II. ÂN TỨ THUỘC LINH CHO THA NHÂN VÀ VÌ SỰ VINH HIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Theo Phierơ, ân tứ thuộc linh phải giúp phục vụ tha nhân và tôn qui vinh hiển cho Đức Chúa Trời; hai mục tiêu ấy của ân tứ thuộc linh phải luôn được nhắm đến; trong đó, mục tiêu tôn qui vinh hiển cho Đức Chúa Trời là nguyên tắc tối cao của mọi hành vi Cơ Đốc. Đừng bao giờ sử dụng các ân tứ thuộc linh mà mình có để làm cho bản thân được nổi bật mà hãy chỉ sử dụng các ân tứ đã được trao ban cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Côl. 3:17). “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1Cô. 10:31). Để Đức Chúa Trời được vinh hiển, không phải chỉ với một phạm vi hạn hẹp của bốn bức tường nơi chúng ta nhóm lại là đủ. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sử dụng ân tứ thuộc linh trong nhà ở của mình, với láng giềng của mình, tại cộng đồng cư dân mà mình đang sống, trong trường học, ở nơi làm việc, cùng tất cả những nơi nào chúng ta đặt chân đến: “10Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. 11Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng đáng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen” (1Phi. 4:10-11). Đừng vì thấy một người nào đó không có mặt trong ban hát, hoặc không bao giờ được bước lên bục hướng dẫn, hay là không ở trong Ban Điều Hành Hội Thánh Địa Phương mà chúng ta tưởng là họ không có ân tứ thuộc linh nào cả. Một người có thể không có mặt trong ban hát, không bao giờ được bước lên bục hướng dẫn, không phải là một Chấp Sự,… nhưng họ có thể nấu cho mọi người trong Hội Thánh ăn, sửa chữa đồ đạc trong Hội Thánh cho mọi người dùng, chưng dọn phòng nhóm cho mọi người có nơi thờ phượng vui vẻ… Một người có thể không hề đứng trên bục giảng để giảng dạy một cách trôi chảy, đầy sức thuyết phục được nhưng họ có thể bày trò chơi để sinh hoạt với thanh thiếu niên, hướng được tấm lòng và sinh hoạt của thanh thiếu niên đi vào con đường Đức Chúa Trời đẹp ý thì đó là ân tứ thuộc linh của họ. Mỗi người đều có ít nhất một ân tứ nào đó để góp phần làm ích cho nhau trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy được sự ích chung” (1Cô. 12:7). Đó cũng là điều có thể dễ dàng nhận thấy trong đời sống xã hội. Tháng Ba năm 1981, Tổng thống Hoa Kỳ là Ronald Reagan đã bị Hinclev, Jr. bắn bị thương phải nằm bệnh viện mất mấy tuần. Mặc dầu Tổng Thống Reagan là chuyên gia hàng đầu của cả nước, là Nguyên Thủ Quốc Gia, nhưng việc ông gác công việc lại để nằm điều trị ở bệnh viện chỉ ảnh hưởng rất ít đến toàn bộ công việc của Chính Phủ mà thôi. Tổng Thống vắng mặt, không làm việc được, nhưng Chính Phủ vẫn hoạt động được. Thế nhưng, hãy thử tưởng tượng tất cả những người quét rác của nước Hoa Kỳ đồng loạt đình công một thời gian cũng bằng thời gian Tổng Thống nằm bệnh viện: Việc gì sẽ xảy ra? Chắc chắn cả nước sẽ tràn ngập rác, và sẽ có người chết vì rác! Vậy ai quan trọng hơn ai? III. ÂN TỨ THUỘC LINH CỦA ĐỨC TIN VÀ ĐỜI SỐNG VÂNG LỜI. Tính hữu hiệu của ân tứ thuộc linh tùy thuộc vào đức tin đặt nơi Đức Chúa Jêsus của cá nhân. Không nhờ Chúa, chúng ta chẳng làm được gì cả. Để duy trì một cách nhìn đúng về sự chuyên tâm trong phận sự cá nhân và một thái độ chân thật trong sự nương cậy nơi quyền phép của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải chú ý đến hai phương diện. Một mặt, chúng ta cần tránh phạm sai lầm bởi sự lười biếng, uể oải rồi mượn cớ rằng “chúng ta phải cầu xin Chúa”, phải “để cho Chúa làm tất cả”. Mặt khác, chúng ta cần phải tránh sự cậy mình, lấy những nổ lực cá nhân thay cho phước hạnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta không được sử dụng ân tứ thuộc linh chỉ như là thân năng thuần túy của chính mình, nhờ thực hành thuần thục mà có. Việc thực hành ân tứ thuộc linh phải hoàn toàn dựa vào đức tin trong Đức Chúa Jêsus và Lời Ngài trong Kinh Thánh: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Gi. 15:5). Dầu rằng ân tứ thuộc linh cũng là thân năng có nơi người tín hữu, nhưng thân năng tự có khác hẳn với ân tứ thuộc linh. Ân tứ thuộc linh có được nhờ công việc của Đức Thánh Linh trong đời sống người tin; thân năng thuần túy có được nhờ di truyền, môi trường, và giáo dục. Chỉ những người tin theo Đức Chúa Jêsus mới được nhận lãnh Đức Thánh Linh, và chỉ những người được Đức Thánh Linh ở cùng (là các tín hữu) mới được trao ban ân tứ thuộc linh: “…37Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống. 38Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy ra từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy” (Gi. 7:37b-38). Đức tin và sự trung tín luôn gắn liền với ân tứ thuộc linh. Trong ẩn dụ về các ta lâng (Ma. 25:14-30), sự trung tín được sử dụng làm căn cứ cho việc ban thưởng. Vì thế, những người trung tín hơn hết vốn thường là những người được ban phước nhiều nhất trong chức vụ. Một số học giả Kinh Thánh gọi đây là giáo lý về tính khả phước (blessability doctrine), theo đó Đức Chúa Trời chỉ ban phước cho những ai có thể ban phước được: “10Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn. 11Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi” (Lu. 16:10-11). “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma. 25:21). Tuy nhiên, nhờ sự nhân từ của Đức Chúa Trời, Ngài cũng sử dụng ân tứ thuộc linh ở một số người ngay cả khi họ không còn trung tín nữa, khi tội lỗi của họ được phát giác, và đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ. Đối với những trường hợp như vậy, không thể nói được rằng con người của họ được Đức Chúa Trời ban phước mà chỉ có thể thấy được rằng ân tứ thuộc linh trên đời sống họ được Đức Chúa Trời ban phước nhằm hoàn thành những mục đích nhất định nào đó của Ngài mà thôi. Giá như họ cứ giữ mình trong sự trung tín, Đức Chúa Trời chắc chắn đã sử dụng họ còn đặc biệt hơn thế. IV. ÂN TỨ THUỘC LINH VÌ TÌNH YÊU THƯƠNG. Chỉ duy nhất tình yêu thương mới có thể đem lại giá trị thật cho ân tứ thuộc linh. Sứ Đồ Phaolô cho biết rằng dầu chúng ta có được những ân tứ thuộc linh rất “cao trọng” nhưng nếu thiếu tình yêu thương thì con người và công việc của chúng ta đều vô nghĩa: “1Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chỏa vang tiếng. 2Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì. 3Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi” (1Cô. 13:1-3). Không phải tình yêu thương được đặt cao hơn các ân tứ thuộc linh. Vấn đề ở chỗ “tình yêu thương” đem lại cho các ân tứ thuộc linh chân giá trị của nó là sự gây dựng: “1Hãy nôn nả tìm kiếm tình yêu thương. Cũng hãy ước ao các sự ban cho thiêng liêng, nhứt là sự ban cho nói tiên tri. 2Vì người nào nói tiếng lạ, thì không phải nói với người ta, bèn là nói với Đức Chúa Trời, bởi chẳng có ai hiểu (ấy là trong tâm thần mà người kia nói lời mầu nhiệm); 3còn như kẻ nói tiên tri, thì nói với người ta để gây dựng, khuyên bảo và yên ủi. 4Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh. 5Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng” (1Cô. 14:1-5). Chúng ta sống là để làm đẹp ý Đức Chúa Trời. Ngài trang bị chúng ta cho mục đích ấy bằng các ân tứ thuộc linh, là những thân năng được Đức Thánh Linh ban quyền, để chúng ta đóng góp phần tích cực nhất của mình cho Hội Thánh. Ân tứ thuộc linh có trong mỗi người nhưng đó không phải là một khoản tài sản cá nhân để chúng ta chi tiêu tùy tiện. Ân tứ thuộc linh là để phục vụ tha nhân và làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Ân tứ thuộc linh là quà tặng cặp theo đức tin cứu rỗi đặt trong Đức Chúa Jêsus. Ân tứ thuộc linh chỉ có được chân giá trị khi nó được kích hoạt bởi tình yêu thương và gia tốc cho tình yêu thương: Yêu Chúa và yêu tha nhân. Việc sở hữu ân tứ thuộc linh giúp cho chúng ta trở nên hữu dụng nhưng cũng đồng thời làm cho chúng ta thực thụ có được chức phận đầy tớ đối với Đức Chúa Trời. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |