“PHÁP LỆNH TÔN GIÁO CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” (Ma. 18:20) “Nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ.” (Ma. 18:20) Là Cơ Đốc Nhân, một mặt, chúng ta đã được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi thế gian là nơi chúng ta đang “Ở trọ”; đây là nơi kế thừa và tích tụ “Sự ăn ở không ra chi” theo sự nhìn nhận của Ngài (1Phi 1:17, 18). Mặt khác, chúng ta vẫn đang hiện hữu giữa thế gian này là nơi mà Ðức Chúa Jêsus đã thay cho chúng ta thưa với Đức Chúa Cha rằng “Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác”, và rằng “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha là lẽ thật” (Gi. 17:15, 17). Ngày nào chúng ta còn ở trong thế gian thì ngày ấy chúng ta vẫn còn phải làm công dân của các Chính Phủ của thế gian này, tức phải chấp hành các luật lệ, qui định của thế gian. Dầu vậy, đối với chúng ta, phận sự Thiên Đàng là tối cao. Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta sống là để làm đẹp ý Đức Chúa Trời chứ không phải để chìu lòng thế gian! Vì thế, trên tất cả mọi phương diện, khuôn vàng, thước ngọc cho hành vi của chúng ta là Lời Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh. Trong mọi trường hợp, sự chấp hành luật lệ của chúng ta đều nhằm hoàn thành “Ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô. 12:2). Đối với vấn đề đức tin, Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bị rơi vào các bẫy lưới của thế gian, Ngài có sẵn “Pháp Lệnh Tôn Giáo” cho chúng ta thi hành để giữ được đức tin sự sống hầu cho khỏi mất sự sống đời đời là chính Ngài: “Nơi nào có hai, ba người nhân danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Ma. 18:20). Dầu rất ngắn gọn, “Pháp Lệnh Tôn Giáo”của Đức Chúa Trời - được bày tỏ qua lời phán của Đức Chúa Jêsus - có những chương mục rất rõ ràng! I. NGÀI QUI ĐỊNH VỀ QUAN HỆ TÔN GIÁO “Thì Ta ở giữa họ” (Ma. 18:20) Qui định về quan hệ tôn giáo của các hiến chế của loài người vốn chủ yếu xây dựng trên ý thức hệ chính trị, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa cục bộ, và thay đổi theo thời gian. Trái lại, cách qui định về quan hệ tôn giáo của Đức Chúa Trời là bất biến và nhằm “Làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô. 8:28). 1. Lợi ích của “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời là để bảo đảm và duy trì sự hiện diện của Ngài trong đời sống Dân Ngài. Loài người là tạo vật đã được Đức Chúa Trời tạo dựng một cách thiêng liêng và trực tiếp (Sv. Sáng. 1:27). Dầu vậy, những người chưa được cứu là nạn nhân của Satan, họ còn đang ở trong sự mù tối thuộc linh (Sv. Công. 26:18). Chúng ta không ngạc nhiên khi các sản phẩm tôn giáo và có liên quan đến tôn giáo của thế gian đều có tác dụng làm cho con người trôi giạt xa Đức Chúa Trời, vì họ đang “Chết vì lầm lỗi và tội ác mình”, đang “Làm theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung…” (Êph. 2:1, 2). Như vậy, chúng ta hiểu được lợi ích đích thực của tôn giáo: Lợi ích đích thực của tôn giáo chân chính là sự bảo đảm và duy trì được sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống người tin. Đức Chúa Trời muốn chúng ta được sống trong sự hiện diện của Ngài (Sv. Gi. 17:22-24). Tất cả những sự ràng buộc nào khiến cho chúng ta phải rời xa Đức Chúa Trời đều phải được khước từ vì “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công. 5:29). 2. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng Dân Ngài là điều thế gian không thể hiểu và tin được. Người chưa được cứu không thể nào hiểu và tin được sự hiện diện của Đức Chúa Trời “21Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong ý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. 22Họ tự xưng mình là khôn ngoan mà trở nên điên dại; 23họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô. 21-23). Trông mong có được sự hỗ trợ thuận lợi của các định chế của thế gian đối với đức tin sự sống đặt nơi Đức Chúa Trời là một sự hy vọng hão huyền vì “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ, thì sẽ bị bắt bớ” (2Ti. 3:12). 3. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng Dân Ngài là một tất yếu siêu nhiên và hiển nhiên. “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” là một lời hứa làm ấm lòng Cơ Đốc Nhân của mọi thời đại. Lời hứa ấy của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta tin quyết được rằng “Chúa giúp đỡ tôi, tôi không sợ chi hết._Người đời làm chi tôi được?” (Hê. 13:5, 6). Là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus hiện diện khắp mọi nơi; vả lại, Ngài đã quyết định ở cùng chúng ta trong mọi không gian và thời điểm: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma 28:20). Đức tin đặt vào lời hứa của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta nhận biết sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chúng ta một cách cá nhân và thực hành, bằng cách đó, chúng ta bước đi trong mối thông công cùng Ngài: “Tôi hằng để Đức Giêhôva đứng ở trước mặt tôi;_Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi” (Thi. 16:8). Có điều gì khiến ngăn trở việc chúng ta để cho Đức Chúa Trời đứng ở vị trí điều khiển toàn bộ đời sống của chúng ta không? Có điều gì khiến ngăn trở mối quan hệ mật thiết giữa chúng ta với Đức Chúa Trời không? Nếu có điều gì hoặc người nào khiến dẫn đến những hậu quả hiểm nghèo ấy, chúng ta phải biết trả lời như các Sứ Đồ Phierơ và Giăng rằng “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?” (Công. 4:19). II. NGÀI QUI ĐỊNH VỀ SINH HOẠT TÔN GIÁO “… Nhân danh Ta nhóm nhau lại” (Ma. 18:20) Các chế độ xã hội trong thế gian có những cách qui định sinh hoạt tôn giáo khác nhau tùy theo cách hiểu và lợi ích riêng của mình. Thế nhưng, theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời, một sự sinh hoạt tôn giáo xứng hiệp phải hoàn toàn khác với các cách qui định của thế gian: “Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta” (Ês. 55:8). 1. Phạm vi đề cập của “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời là Danh Ngài. Vì “Danh” của Đức Chúa Trời tiêu biểu cho bản thể và công việc của Ngài nên việc nhân danh Ngài nhóm lại là một sự qui định cần phải được thượng tôn. Theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời, sự nhóm lại sẽ bị kể là bất chính nếu thuộc tính và chương trình trên thế gian của Ngài không được quan tâm đầy đủ và thỏa đáng “Để Cha được sáng danh nơi Con” (Gi. 14:13). Sự nhóm lại cũng sẽ không được ích lợi gì nếu chúng ta không thực hiện “Theo ý muốn Ngài” (Sv. 1Gi. 5:14). Để sự nhóm lại được kể là “Nhân danh” Chúa, chúng ta cũng cần phải biết để cho Lời Đức Chúa Trời được neo chặt trong lòng chúng ta và điều khiển đời sống chúng ta (Sv. Côl. 3:16). Đức Chúa Trời đã truyền cho chúng ta “Chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,_chẳng đứng trong đường tội nhân,_Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng”, tại sao việc nhóm lại của chúng ta lại phải tuân theo những khuôn khổ đi ngược lại sự dạy dỗ của Ngài? Phải chăng chúng ta cần phải quyết định “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” để độc tôn Danh thánh của Đức Chúa Trời và giữ được mối thông công với chính Ngài? 2. Nhân danh Đức Chúa Trời nhóm nhau lại chính là thông công với Ngài. Việc nhóm lại nhân danh Đức Chúa Trời có bản chất của sự liên hiệp với Đức Chúa Jêsus hầu cho chúng ta “Được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài” (Phil. 3:10). Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với chúng ta thật rõ ràng: “Nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì Danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn” (1Phi. 4:16). Trong “Danh” Đức Chúa Jêsus, chúng ta đã được cứu khỏi nợ tội, án tội, và ách tội (Sv. Công. 2:21). Trong “Danh” Đức Chúa Jêsus, chúng ta cũng đã được nhận lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh (Sv. Công. 2:38). Chúng ta không được phép hèn, kém hơn người què ở Cửa Đẹp mà Sứ Đồ Phierơ đã chữa lành theo đức tin của người ấy nơi “Danh” Đức Chúa Jêsus. “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1Phi. 2:21). Khi chúng ta thông công với Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta bằng sự nhóm lại, nhất định chúng ta phải gặp sự làm khó của thế gian vì câu hỏi muôn thuở của họ vẫn cứ là “Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều nầy?” (Công. 4:7). Dầu vậy, chúng ta phải “Thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng, và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” vì chúng ta đã được cứu thoát khỏi sự mù tối thuộc linh và “Đã được lại sanh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (1Phi. 1:23). Câu hỏi mà chúng ta phải sẵn sàng dùng để đối đáp là “Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Đức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Đức Chúa Trời chăng?”. 3. Mọi sự phá vỡ mối thông công với Đức Chúa Trời đều là tội lỗi, và nghĩa vụ tối cao của Cơ Đốc Nhân là phải làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời để bảo toàn mối thông công ấy. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải “Phục theo mọi phép tắc loài người lập lên” (1Phi. 2:13; Sv. Rô. 13:1-7) nhưng một khi các phép tắc ấy nhắm đến việc ngăn trở hay phá vỡ mối thông công giữa con người với Đức Chúa Trời thì chúng ta được quyền “Hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín” (1Phi. 4:19). “Làm lành” được nói đến ở đây chính là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời; là vâng theo sự bày tỏ của Ngài trong Kinh Thánh, được hiểu một cách hợp Kinh Thánh. Giữ vững mối thông công với Đức Chúa Trời bằng sự nhóm lại chính là “Làm lành”: “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê. 10:25). Giữ vững mối thông công với Đức Chúa Trời bằng sự nhóm lại cũng còn là yêu thương, là góp phần xóa bỏ đau thương trên thế gian này vì “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công. 4:12). Gương sáng cho chúng ta noi theo là các vị Sứ Đồ, họ đã “41Hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục về Danh Đức Chúa Jêsus. 42Ngày nào cũng vậy, tại trong Đền Thờ hoặc từng nhà, Sứ Đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ” (Công. 5:41-42). Như vậy, thái độ “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” chính là phẩm hạnh của mọi phẩm hạnh mà chỉ các Cơ Đốc Nhân mới có thể có được. III. NGÀI QUI ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC TÔN GIÁO “Nơi nào có hai, ba người” (Ma. 18:20) Thế gian vẫn thường “Nghịch với Đức Thánh Linh hoài”, họ luôn luôn muốn “Làm hư đường thẳng của Chúa” (Công. 7:51; 13:10) bằng các qui định về sự tổ chức tôn giáo nhiều khi rất ngang ngược. Đối với Đức Chúa Trời, qui định về tổ chức tôn giáo của Ngài lấy sự hiệp một làm xuất phát điểm và cũng là đích điểm. 1. Xuất phát điểm của “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời là ở đức tin hiệp một của Dân Ngài. Không thể tìm thấy sự hiệp một đích thực giữa vòng những người chưa được cứu, có chăng chỉ là những sự liên minh tạm thời. Đức tin hiệp một đúng nghĩa chỉ có thể có giữa vòng những người có sự ở cùng của Đức Thánh Linh “Tức là Thần Lẽ Thật, mà thế gian không nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài” (Gi. 14:17). Đức tin sự sống đặt nơi Đức Chúa Jêsus Christ không có được nhờ trí khôn của loài người mà là bởi ơn của Đức Chúa Trời (Sv. Ma. 16:17). Sự hiện diện thuộc linh của Đức Chúa Trời chỉ hiển thị giữa vòng những chủ thể thuộc linh (Sv. Gi. 4:24) là những con người có quyền năng Thánh Linh mà lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho họ là “Hễ điều gì các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời” (Ma. 18:18; Sv. Ma. 16:19). Bất cứ khi nào số lượng của những người như thế nhiều hơn một người thì họ được kể là Hội Thánh mà ý định đời đời của Đức Chúa Trời là “Các cửa Âm Phủ chẳng thắng được Hội đó” (Ma. 16:18). Đức Chúa Trời nhấn mạnh về sự hiệp một bằng cách đòi hỏi phải có hai ba, người “Nhân danh” Ngài nhóm nhau lại. Đức Chúa Trời không hề đòi hỏi số lượng vì Ngài chỉ phán rằng “Nơi nào có hai, ba người” nhân danh Ngài nhóm nhau lại thì Ngài hiện diện cùng họ. Nếu số lượng không phải là sự quan tâm trước hết của Đức Chúa Trời, và - theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời - nếu yêu cầu duy nhất để thành lập Hội Thánh là đức tin hiệp một đặt nơi Ngài; tại sao Hội Thánh của Đức Chúa Trời phải chịu những sự ràng buộc về số lượng, trụ sở, thủ tục,… theo kiểu các đoàn thể thế gian do con người đặt ra và lập lên? Há chẳng phải chúng ta “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” hay sao? 2. Đích điểm của “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời là giữ cho Dân Ngài được ở trong sự liên hiệp với Ngài. Ý muốn giữ mọi kẻ tin trong sự liên hiệp với Đức Chúa Trời được tìm thấy rất rõ trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus trước khi rời thế gian để trở lại Thiên Đàng: “24Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con…26Con đã tỏ Danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa” (Gi. 17: 24, 26). Đức Chúa Jêsus cũng hứa với chúng ta rằng “Khi Ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Gi. 14:3). Ngài cũng không để chúng ta phải bơ vơ giữa khi Ngài tạm biệt thế gian với lúc Ngài tái lâm: “16Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời… 18Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu…” (Gi. 14:16, 18). Chừng nào chúng ta còn biết chấp nhận giá phải trả để bảo đảm và duy trì sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta qua việc giữ vững sự nhóm lại nhân danh Ngài thì chúng ta vẫn cứ còn là “con có cha” chứ không phải là “con mồ côi”, vẫn không ai có thể ức hiếp chúng ta vượt quá giới hạn cho phép của Cha Thiên Thượng được (Sv. Hê 13:6). Đức Chúa Trời muốn những người tin theo Ngài có nhau, và trong khi họ có nhau, họ cũng có được Ngài, ngay cả khi hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt! Đó chính là điều mà các bạn của Đaniên đã kinh nghiệm. Đó cũng là điều khiến cho một kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời thuộc loại thượng hạng như vua Nêbucátnếtsa đã phải nhìn nhận rằng “Nầy, ta thấy bốn người không có bị trói, bước đi giữa lửa mà chẳng bị thương; và hình dung của người thứ tư giống như một con trai của các thần”, và rồi đã phải ra quyết định rằng “Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, hễ có người nói xấu đến Đức Chúa Trời của Sađơrắc, Mêsác, và AbếtNêgô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể nầy” (Đa. 3:25, 29). Vì nước của các Cơ Đốc Nhân “Chẳng phải thuộc thế gian này” (Gi. 18:36) nên các hiến chế của thế gian không sao phù hợp với lợi ích tôn giáo của chúng ta được. Chúng ta không lấy làm lạ khi phải đối diện với các qui định ngang ngược của thế gian nhằm ràng buộc đức tin của chúng ta. Dầu vô thức hay hữu thức, tất cả những ràng buộc ấy đều là sự bộc lộ của lòng thù hận của Satan cùng những kẻ mà nó đang cầm tù nhắm vào Đức Chúa Trời và Dân Ngài. Chính vì thế mà Đức Chúa Jêsus đã bảo trước cho chúng ta rằng “Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Gi. 15:19). Dầu vậy, Đức Chúa Jêsus không muốn chúng ta bị rúng động; Ngài phán: “Ta bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong Ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi!” (Gi. 16:33). Đức Chúa Jêsus “Đã thắng thế gian rồi” nên nhờ đó chúng ta cũng sẽ thắng thế gian nữa “Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta” (1Gi. 5:4). Chúng ta chỉ thực sự có đức tin nếu trong mọi hoàn cảnh chúng ta biết chấp nhận giá phải trả để thực hiện “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời hầu bảo đảm mối quan hệ với Ngài, duy trì sinh hoạt mà Ngài đòi hỏi, và giữ vững Hội Thánh của Ngài. Đối với bất cứ điều gì đi ngược lại “Pháp Lệnh Tôn Giáo” của Đức Chúa Trời, nguyên tắc hành động của chúng ta là “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |