“PHẢI LÀM THEO LỜI KINH THÁNH” (Gia. 1:22-25) “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình…” (Gia. 1:22) Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời được khải thị thành văn để bày tỏ ý chỉ và chương trình của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Đối với người thực sự kính sợ Đức Chúa Trời, Lời Kinh Thánh có một vai trò không gì có thể thay thế được trong đời sống của họ: “Bàn tay Chúa đã làm tôi và nắn hình tôi_ Xin hãy ban cho tôi trí hiểu, để tôi học điều răn Chúa... _Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,_Ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi. 119:73, 105). Đối với chúng ta cũng vậy, Lời Kinh Thánh và chức phận môn đồ của chúng ta là hai điều không thể tách rời nhau: “31Nếu các ngươi hằng ở trong Đạo Ta, thì thật là môn đồ Ta; 32các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Gi. 8:31-32). Dầu vậy, phải chăng là tất cả mọi người chúng ta đều có cùng một cách nhìn nhận và thực hành đối với Lời Kinh Thánh như chúng ta đáng phải có? I. MỘT THỰC TRẠNG KHÔNG ĐÁNG CÓ “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia. 1:22) Trên thực tế, có rất nhiều người nghe Lời Kinh Thánh nhưng không đủ sức giữ mình cho khỏi bị rơi vào tình trạng “nghe suông”. Họ nghe chỉ để mà nghe, hoặc chỉ vì phải nghe. Có lắm người sau khi buổi nhóm kết thúc, họ chẳng còn biết nghĩ gì hơn là về nhà càng sớm càng tốt. Nhiều người cũng có nghĩ thoáng qua về bài giảng một chút, nhưng ngay sau đó họ liền xóa bỏ chủ đề vừa được giảng dạy ra khỏi tâm trí mình. Thật ra, cũng có một số ít người sau khi nghe giảng xong, họ biểu hiện được sự thích thú đối với những gì đã được nghe. Dầu vậy, ngay đối với những người như thế, sự thỏa lòng cũng chỉ có trong những điều nào họ cảm thấy ưa thích mà thôi. Tuy nhiên, mục đích của việc giảng dạy không phải là để làm vừa lòng người nghe. Mục đích của sự giảng dạy là để cho người nghe được bổ ích, được gây dựng, và được cảm ứng để sống một đời sống công chính, tin kính, phong phú. Sự tôn kính cao nhất mà một người Mục Sư có thể có được không phải bằng việc nói cho họ biết rằng bài giảng của họ được người nghe thích thú như thế nào. Sự tôn quí đích thực mà người Mục Sư có thể có và cần phải có được thể hiện qua việc người nghe được thay đổi đời sống ra sao qua bài giảng. Chúng ta đang sống trong một thế giới có khuynh hướng thực hành, trọng thực dụng. Trong một thế giới như thế, sứ mệnh từ bục giảng cần phải mang tính điều chỉnh, có tác dụng gây dựng. Công việc từ trên bục giảng phải nhằm thăng tiến cho việc hành động theo Lời Kinh Thánh trong đời sống hàng ngày của người tin. Giúp cho các tín hữu nắm bắt được các nguyên tắc Kinh Thánh để sống đời sống đắc thắng là một ưu tiên mà cả các tín hữu lẫn các lãnh đạo Hội Thánh đều phải tôn trọng: “Kẻ nào xét kỹ Luật Pháp trọn vẹn, là Luật Pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời” (Gia. 1:25). Những người chỉ biết nghe suông, hoặc chú ý rất ít đến những gì được nghe, và ngay cả những người nghe nhưng chỉ thấy thích những phần nào đó theo sở thích riêng của mình đều là những người chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của một đời sống tin kính thực sự. Thật ra, những người như thế là nạn nhân của một sự tự lừa dối tai hại cho rằng “nghe” như thế là đủ để hoàn thành nghĩa vụ Cơ Đốc Nhân của mình. Đối với những người chỉ biết “lấy nghe làm đủ”, sự xưng nhận Cơ Đốc của họ chỉ là một sự trống rỗng. Cho dầu cấu trúc giáo lý của họ có thể rất chính thống, xúc cảm của họ có thể rất Tin Lành, nhưng những điều ấy không bổ ích được gì cho họ cả. Làm sao những điều như thế được xem là bổ ích khi chúng không hề được thực hành, giúp đem lại quyền năng, và thăng tiến được đời sống thánh khiết? Cơ Đốc Nhân là người sống thực hành các nguyên tắc Cơ Đốc của Kinh Thánh. Cơ Đốc Nhân chân chính không thể là một người “lấy nghe làm đủ”. Người “lấy nghe làm đủ” là người “tự lừa dối mình”, là người đang ở trên con đường thoái hóa thuộc linh. II. MỘT BÀI HỌC KHÔNG ĐƯỢC QUÊN “Vậy kẻ nào nghe và làm theo lời Ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá” (Ma. 7:24). Sự minh họa tốt nhất cho lẽ thật Kinh Thánh này chính là ẩn dụ nói về người xây nhà khôn ngoan và người xây nhà dại dột mà Đức Chúa Jêsus đã giảng dạy cho các môn đồ Ngài và được trước thuật trong Ma. 7:24-27. Trong đoạn Kinh Thánh ấy, Đức Chúa Jêsus đã chuyển chủ đề từ sự xét đoán đối với người dạy sang sự xét đoán đối với người nghe. Người dạy có trách nhiệm của việc dạy, và người nghe phải chịu trách nhiệm về thái độ nghe của mình. Bài học mà chúng ta có thể đúc kết từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus trong ẩn dụ ấy thật phong phú: 1. Sống Là Thực Hiện Một Công Trình Xây Dựng. Xét cho cùng, ai nấy đều xây dựng cho mình một ngôi nhà bằng chính các hoạt động sống của mình. Niềm tin, sự suy nghĩ, lời nói, và việc làm của mỗi người kết nối, tác động qua lại với nhau đan kết lại thành sự bình an hay bất an cho đời sống. Người ta phải sống trong những gì mình tạo ra, đó chính là nơi “cư trú” của mỗi người trong đời này. Có những người chỉ biết làm cho mình những lều, lán sơ sài. Nhưng cũng có những người chịu khó theo đuổi những thiết kế đặc sắc vừa mỹ quan, vừa trường tồn - đó là những người biết làm theo lời phán của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh: “24Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời Ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. 25Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không bị sập, vì đã cất nhà trên đá” (Ma. 7:24-25). Dầu người ta xây gì và xây như thế nào, họ vẫn phải ở vào công trình xây dựng của mình. Hoặc là một nơi cứ trú vững vàng, bình an; hoặc là một cấu trúc mất cân đối sẵn sàng sụp đổ bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể nào tránh thoát các hậu quả của những công việc mình đã làm: “26Kẻ nào nghe lời Ta phán đây, mà không làm theo, khác nào người dại cất nhà mình trên đất cát. 27Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều” (Ma. 7:26-27). 2. Sự Bền Vững Của Một Công Trình Xây Dựng Tùy Thuộc Vào Nền Móng. Sự khắc họa của Đức Chúa Jêsus trong ẩn dụ này có tính chất sống động, gần gũi với môi trường sống của Ngài lúc ấy: Naxarét vốn được xây dựng trên các ngọn đồi, có nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh trên các sườn núi đá. Tại Ghênêxarét là nơi Ngài đang giảng dạy cũng có một kiểu nền móng xây dựng tương tự. Đối với các công trình xây dựng này, nếu nền móng bị xâm thực theo một cách nào đó thì hiểm họa sụp đổ nhất định phải xảy ra. Hình ảnh về hai hạng người được Đức Chúa Jêsus đưa ra là để cảnh tỉnh chúng ta: “… Người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá…(Ma. 7:24b) “ Người dại cất nhà mình trên đất cát” (Ma. 7: 26b). Đức Chúa Jêsus muốn cho chúng ta thấy rằng việc tạo cho được một nền móng vững chắc cho niềm tin của mình phải là một việc quan trọng, đáng để chúng ta lưu tâm. Trở thành hạng người nào trong hai hạng người này là do sự chọn lựa của chúng ta. 3. Nền Móng Phải Được Thử Nghiệm. Mới nhìn qua, nhà xây trên nền cát trông cũng “ổn” như nhà xây trên nền đá mà thôi. Thế nhưng vấn đề ở chỗ việc gì sẽ xảy ra khi giông bão ập đến? Ai cũng biết rằng chỉ những nền móng nào thực sự vững chãi, không chứa đựng những yếu tố phá ngầm ở bên trong, công trình đó mới có thể tồn tại lâu dài được. Chỉ có thế biết niềm tin và đời sống Cơ Đốc vững hay không vững trong và sau những tình huống, biến cố mang tính thử thách mà thôi. Hai loại nhà của hai hạng người cũng chính là hai loại niềm tin của hai hạng Cơ Đốc Nhân: “…Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không bị sập…” (Ma. 7:25). “Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều” (Ma. 7:27). 4. Nền Móng Của Đức Tin Là Sự Làm Theo Lời Kinh Thánh. Đức Chúa Jêsus cảnh tỉnh chúng ta về sự xưng nhận niềm tin một cách hời hợt. Đức tin sống động nơi Đức Chúa Jêsus là một đức tin chứng tỏ được rằng nó thực hữu bằng việc tự chứng qua bông trái trong đời sống mình. Hai hạng người “khôn” và “dại” trong ẩn dụ mà Đức Chúa Jêsus dùng để dạy dỗ được qui định bằng việc họ “làm theo” hay “không làm theo”: “Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời Ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan…” (Ma. 7:24a). “Kẻ nào nghe lời Ta phán đây, mà không làm theo, khác nào người dại” (Ma. 7:26a). III. ÁP DỤNG: CON ĐƯỜNG CỦA PHƯỚC HẠNH “Nhưng kẻ nào xét kỹ Luật Pháp trọn vẹn, là Luật Pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời” (Gia. 1:25). Sứ Đồ Giacơ sử dụng một sự minh họa khác nữa để dạy dỗ chúng ta: Lời Kinh Thánh là tấm gương thuộc linh cho chúng ta soi vào, thấy được sự phản chiếu của linh hồn chúng ta, nhận biết thực trạng đời sống đức tin chúng ta để nhờ Ân Điển của Đức Chúa Trời mà sống vâng lời Ngài. Con đường phước hạnh của đời sống Cơ Đốc được Sứ Đồ Giacơ mô tả bằng một số các sự tương phản giữa hai hạng người nghe: 1. Tương Phản Giữa “Thấy” (C. 24) Và “Xét kỹ” (C.25). Người “lấy nghe làm đủ” soi gương nhưng chỉ liếc qua chứ không chú tâm. Đối với hạng người này, việc họ nghe bài giảng chỉ là sự nghe máy móc do âm thanh tác động trên thính giác, họ không nhận được sự phản ánh và yêu cầu của Lời Kinh Thánh đối với đời sống mình. Người “làm theo lời” nghe Lời Kinh Thánh với một động cơ tốt và thái độ nghiêm túc. Họ có lỗ tai thuộc linh, nhận biết được sự phản ánh của Kinh Thánh về tình trạng của mình và phương hướng mà Kinh Thánh muốn mình phải theo. Những người này nghe Lời Kinh Thánh với một tình cảm yêu quí, trân trọng. 2. Tương Phản Giữa “Đi” (C. 24) Với “Suy gẫm” (C. 25). Vì không hề có sự dự định, người “lấy nghe làm đủ” xem bài giảng là tẻ nhạt, họ mong buổi nhóm chóng qua, những gì đã nghe sớm được quên lãng. Người “làm theo lời” có một ý chí khác hẳn: Họ tiếp tục xem xét sự việc cho thấu đáo với một sự thú vị trong lòng. Những gì đã được giảng dạy chiếm một vị trí đặc biệt, không dễ gì bị xóa nhòa. Đối với những người này, Đức Thánh Linh có cơ hội tiếp tục làm việc với họ trên những gì họ đã nghe đến nỗi nhiều khi chứng giải cho họ vượt quá những gì đã được nghe, đem lại cho họ những sự kiến giải vừa sâu sắc vừa mang tính thực hành. 3. Tương Phản Giữa “Quên” (C. 24) Với “Hết Lòng Giữ Theo” (C. 25). Thiếu vắng cả tình cảm lẫn ý chí đối với Lời Kinh Thánh, người “lấy nghe làm đủ” nhanh chóng gạt bỏ những điểm hoen ố, khiếm khuyết trong đời sống mà Kinh Thánh phản ánh cho họ thấy. Thế nhưng người “làm theo lời” biết tiếp tục và thận trọng đối với những gì mà Đức Chúa Trời đã cho con mắt thuộc linh của họ thấy được qua Lời Ngài. Hạng người này nhận biết được rằng phận sự trọn đời của mình là “Xét kỹ Luật Pháp trọn vẹn, là Luật Pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó”. Bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời, những người như thế bước đi trên con đường của phước hạnh, họ đạt được cả sự tự thức lẫn sự tự chủ, họ “Tìm được phước trong sự mình vâng lời” (C. 25). “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (C. 22) không phải chỉ là mệnh lệnh của riêng đoạn Kinh Thánh này, đây là mệnh lệnh của cả Kinh Thánh. Bí quyết để có hạnh phúc thật là vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong Lời Kinh Thánh. Ngày nay chúng ta được như thế này chính là nhờ Lời Đức Chúa Trời khải thị cho chúng ta qua Kinh Thánh: “Các ngươi đã được trong sạch, vì lời Ta đã bảo cho” (Gi. 15:3). Lời Chúa là dành cho chúng ta nghe; chúng ta nghe Lời Chúa là để nhận lấy cho đời sống mình; và nhận lấy cho đời sống mình một cách trọn nghĩa chính là làm theo những điều Kinh Thánh dạy dỗ: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình…Chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó…” (Gia. 1:22, 25) (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |