“PHẢI THÀNH TÂM VÀ TRUNG TÍN” (Giô. 24:14-15) “Vậy, bây giờ hãy kính sợ Đức Giêhôva, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín…” (Giô. 24:14) Sách Giôsuê mở đầu bằng những lời như thế này: “1Sau khi Môise, tôi tớ của Đức Giêhôva, qua đời, Đức Giêhôva phán cùng con trai của Nun, tôi tớ của Môise, mà rằng: 2Môise, tôi tớ Ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự này hãy đứng dậy đi qua sông Giôđanh, đặng vào xứ mà Ta ban cho dân Ysơraên… 10Bấy giờ Giôsuê truyền lịnh cho các quan trưởng của Dân Sự mà rằng: 11Hãy chạy khắp trại quân, truyền lịnh nầy cho Dân Sự rằng: Hãy sắm sẵn thực vật, vì trong ba ngày nữa các ngươi sẽ đi ngang qua sông Giôđanh nầy, đặng đánh lấy xứ mà Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi ban cho mình làm sản nghiệp” (Giô. 1:1-2, 10-11). Giôsuê đã thành tâm và trung tín trong chức nghiệp hầu việc mà Đức Chúa Trời ủy thác cho mình cho đến hơi thở cuối cùng. Lời của Giôsuê nói ra theo ý muốn của Đức Chúa Trời đã được Dân Sự nghe và làm theo, và họ đã chiếm được xứ mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ. Giữa vòng Hội Thánh ngày nay, lời của đầy tớ Đức Chúa Trời có còn được Dân Sự của Ngài lắng nghe, giữ lấy, và làm theo một cách thành tâm và trung tín hay không? NGHE LỜI PHẢI NGHE Những lời dặn dò cuối cùng của một người trước lúc lâm chung luôn luôn quan trọng. Trong một chừng mực nhất định, những lời cuối cùng là một cách tóm tắt hoài bão của cả một đời người bằng việc đề cập những điều bức xúc nhất. Chẳng hạn, Giôsép nói trong những lời cuối cùng của mình như sau: “24Em sẽ chết, nhung Đức Chúa Trời sẽ đến viếng anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Ápraham, Ysác, và Giacốp. 25Giôsép biểu các con trai của Ysơraên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy” (Sáng. 50:24-25). Chúng ta cũng có thể nhắc đến những lời cuối cùng của Môise tổng kết một chặng đường dài thoát khỏi xứ nô lệ.: “Ồ! Ysơraên, ngươi có phước dường bao!_Hỡi dân được Đức Giêhôva cứu rỗi, ai giống như ngươi?_Ngài là cái thuẫn giúp đỡ ngươi,_Thanh gươm khiến cho ngươi nên vinh hiển._Kẻ thù nghịch ngươi sẽ đến dua nịnh ngươi;_Còn ngươi, ngươi sẽ lấy chân giày đạp các nơi cao của chúng nó” (Phục. 33:29) Sứ Đồ Phaolô cũng có những lời cuối cùng cho Hội Thánh qua việc dặn dò người môn đồ của mình là Timôthê: “Nguyền xin Chúa ở cùng tâm thần con! Cầu xin Ân Điển ở cùng các anh em!” (2Ti. 4:22). Những lời cuối cùng của Giôsuê chứa đựng cả một sự thúc giục đầy nhức nhối cho mỗi ngươi chúng ta suy gẫm, hầu làm nền tảng để chúng ta xây dựng đời sống tin kính của mình. Theo thời điểm của đoạn văn Kinh Thánh này (Giô. 24: 14-15), đó chính là lúc Giôsuê sắp qua đời, là lúc Giôsuê muốn dặn dò Dân Sự Đức Chúa Trời về phận sự bao quát nhất của họ: “14Vậy, bây giờ hãy kính sợ Đức Giêhôva, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Êdíptô, phải phục sự Đức Giêhôva. 15Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giêhôva, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân Amôrít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giêhôva” (Giô. 24:15-15). Đoạn văn này là sự kêu gọi thiết tha đối với Dân Sự Đức Chúa Trời. Đây là một sự kêu gọi được đặt dưới dạng giao ước. Sứ điệp của Giôsuê là sứ điệp kêu gọi lòng trung thành kết ước của các Cơ Đốc Nhân trong đời sống theo Chúa của họ. Sứ điệp này vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi Cơ Đốc Nhân trong Hội Thánh! TRẢ GIÁ PHẢI TRẢ Để sống thành tâm và trung tín cho Đức Chúa Trời, có một giá mà người tín hữu phải trả, Giôsuê tuyên bố rõ ràng : “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giêhôva…” Từ liệu “chẳng thích” được sử dụng ở đây là một từ liệu Hêbơrơ (Hb. ra’ah’) có nghĩa khá rộng: “Dở”, “không thuận lợi”, hay “kém”, “xấu” hoặc ngay cả đến “tai họa” như Môise đã dùng khi nhấn mạnh với Dân Sự Đức Chúa Trời về con đường mà họ chọn để theo: “Hãy xem, ngày nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và phước lành, sự chết và tai họa (Hb. ra’ah)” (Phục. 30:15). Và, sự phước lành hay sự rủa sả là tùy ỏ sự chọn lựa cá nhân: “Ngày nay ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt các ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống” (Phục. 30:19). Từ liệu này có nghĩa rộng vì nó không hàm ý trực tiếp về điều ác, điều xấu, hay sự tai họa mà thường thường có nghĩa là “không vui lòng’, “không thấy thú vị”, “miễn cưỡng”,… do các sự khó khăn thể chất hay tinh thần tạo ra. Giôsuê nhận thức được rằng Dân Sự Đức Chúa Trời đã phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách trên bước đường theo Ngài nên từ liệu được dùng ở đây là để nói về hậu quả bất lợi trên tâm lý, thần kinh của con người. Giôsuê lãnh đạo một tập thể phải lặn lội suốt 40 năm trong sa mạc và các miền cận sa mạc. Họ đã phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt. Họ đã trải qua những ngày, tháng đói cơm, khát nước. Họ đã phải đối diện từ nguy hiểm này đến nguy hiểm khác của quân thù. Họ đã phải vâng lệnh vượt sông giữa mùa nước tràn bờ. Họ đã phải chịu cắt bì giữa lúc quân thù đang kề cận một bên và vì vậy mà chỉ một đám binh tầm thường cũng đã thắng được họ. Họ đã thất bại ê chề tại thành Ahi vì tội lỗi giữa vòng Dân Sự. Họ cũng đã phải chứng kiến cái chết đau đớn của những người thân của mình khi họ không chịu vâng lời Đức Chúa Trời… Dầu rằng Dân Sự Đức Chúa Trời đã chiến đấu và chiến thắng nhưng những mất mác quá khứ và hiện tại vẫn thường xuyên gặm nhấm khiến họ mỏi mòn. Dầu họ có một mối tương giao thường trực và gần gũi với Đức Chúa Trời nhưng không phải nhờ đó mà họ được miễn trừ cái giá phải trả. Trái lại, giá phải trả của một Cơ Đốc Nhân thật là thật: “Hãy nhớ lời Ta đã nói cùng các ngươi. Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Ta, ắt họ cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời Ta, ắt cũng giữ lời các ngươi” (Gi. 15:20). Cơ Đốc Nhân thật không ngại giá phải trả để vâng lời Cứu Chúa yêu dấu của mình, họ xả thân cho mối tương giao mật thiết mà Đấng Sáng Tạo và Tể Trị đã đẹp ý chiếu cố đối với họ là loài thọ tạo hữu hạn của Ngài. Cơ Đốc Nhân thật không xem các yêu cầu của Đức Chúa Trời đối với họ là quá cao. Cơ Đốc Nhân thật sống xả thân nhờ sự giàu có vô lượng vô biên thể theo thuộc tính vốn có của Đức Chúa Trời chứ không lợi dụng sự giàu có, rời rộng của Đức Chúa Trời cho sự giàu sang ích kỷ và tạm bợ của mình trên thế gian này. Đức Chúa Trời không thể nào là chỗ lợi dụng của ai được cả! Người ta sống là để làm đẹp ý Đức Chúa Trời chứ không phải Đức Chúa Trời hiện hữu là để chìu theo ý muốn của người ta! Cách duy nhất để người ta có thể hưởng lợi từ sự giàu có vô lượng, vô biên của Đức Chúa Trời là dấn thân cho Ngài: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma. 6:33). “… 24Nếu ai muốn theo Ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. 25Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ Ta mà mất sự sống thì sẽ được lại. 26Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì ngươi lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma. 16:24-26). Để có thể chấp nhận giá phải trả, Cơ Đốc Nhân cần phải có một tấm lòng trung thực. Tất cả vấn đề là ở tấm lòng (Châm. 4:23): Thích hay không thích! TRÁNH CÁM DỖ PHẢI TRÁNH Giôsuê đã vạch trần một sự thật: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giêhôva…” Nếu đã có điều “không thích” thì tất phải có điều “thích”. Một khi Giôsuê đã nêu lên vấn đề “chẳng thích” thì có nghĩa là không phải tất cả mọi Cơ Đốc Nhân đều thành tâm, trung tín phục sự Đức Chúa Trời của mình; mà cũng còn có những người, dầu vẫn được nhìn nhận là Cơ Đốc Nhân, thích những điều gì đó không phù hợp theo “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô. 12:2). Đó chính là những người không biết rằng giữa thế gian này, làm một Cơ Đốc Nhân là làm một “người dại”: “13Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ, nhưng anh em được khôn ngoan trong Đấng Christ; chúng tôi yếu đuối, anh em mạnh mẽ; anh em quí trọng, chúng tôi khinh hèn. 11Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần mình, bị người ta vả trên mặt, lưu lạc rày đây mai đó. 12Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; khi bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; khi bị bắt bớ, chúng tôi nhịn nhục, 13khi bị vu oan, chúng tôi khuyên dỗ; chúng tôi như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người, cho đến ngày nay” (1Cô. 4:10-13). Thành thật mà nhìn nhận, phần lớn chúng ta đã đánh mất tầm nhìn này. Giữa vòng Cơ Đốc Nhân, có không ít người khát khao một cách điên cuồng sự vinh thân, phì gia. Về mặt danh nghĩa là người theo Chúa nhưng trên phương diện thực tế họ chạy theo các tiêu chuẩn thế gian. Giữa vòng Dân Sự Đức Chúa Trời ngày nay, nan đề không phải ở chỗ thiếu “người khôn” mà là có quá nhiều “người khôn”; họ không “khôn” theo Đức Chúa Trời mà “khôn” theo tiêu chuẩn thế gian. Tại sao? Đây là câu trả lời của Kinh Thánh: “Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta” (1Cô. 1:25). “15Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy. 16Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra. 17Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1Gi. 2:15-17). Sự khôn ngoan theo ý riêng luôn luôn đem người ta ra khỏi ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống của họ, chính vì thế mà Giôsuê khẳng định: “14Vậy,… hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Êdíptô... 15… hoặc các thần dân Amôrít trong xứ mà các ngươi ở…” (Giô. 24:15-15). Tôn giáo đích thực phải là một cuộc hạnh ngộ vô tận giữa cá nhân với chân thần duy nhất là Đức Chúa Trời, là cuộc tận hiến cá nhân để tận hưởng phước hạnh thiên thượng. Tôn giáo đích thực không phải chỉ là ý tưởng để theo đuổi, không phải chỉ là khái niệm để trầm tư, và nhất định không phải là trang sức để tô điểm hay công cụ để thu đoạt. “Hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Êdíptô…” Đó chính là những đam mê ngày xưa khi còn ở trong đêm dài tội lỗi, khi chưa được cứu: “17Vậy, nầy là điều tôi nói và điều tôi nhân danh Chúa mà rao ra: Ấy là anh em chớ nên ăn ở như người ngoại đạo nữa, họ theo sự hư không của ý tưởng mình, 18bởi sự ngu muội ở trong họ, và vì lòng họ cứng cỏi nên trí khôn tối tăm, xa cách sự sống của Đức Chúa Trời. 19Họ đã mất cả sự cảm biết, đành bỏ mình trong một đời buông lung, đem lòng mê đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô uế. 20Nhưng anh em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy, 21vì anh em đã nghe Đạo Ngài, và được dạy dỗ trong Ngài (y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jêsus) 22rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, 23mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, 24và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và thánh sạch của lẽ thật” (Êph. 4:17-24). Tôn giáo đích thực không bao giờ có thể là một thứ thời trang để gắn thêm vào người cho thêm rườm rà “hoa lá cành”. Tôn giáo đích thực phải có tác dụng của một cuộc lột xác trên đời sống cá nhân. Tôn giáo đích thực phải có tác dụng trả lại vẻ khôi ngô, tuấn tú vốn có của “Hoàng Tử Cóc” và trả lại vẻ mỹ miều thiên tiên của “Cô Tấm” trong chuyện đời xưa… “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2Cô. 5:17). Mặt khác, “trước cổng Thiên Đàng vẫn còn đường đi Địa Ngục”! Cám dỗ vẫn cứ còn đeo đuổi người đã được cứu để vô hiệu hóa đời sống theo Chúa của họ, làm cho đời sống của họ không có bông trái cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đó chính là “các thần dân Amôrít trong xứ mà các ngươi ở…”! Đây chính là lời cảnh báo của Giôsuê về những tội lỗi còn vấn vương trên đời sống các Cơ Đốc Nhân: “1Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quên hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, 2nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mùng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê. 12:1-3). Lời thách thức mà Giôsuê đặt ra trước Dân Sự của Đức Chúa Trời là lời kêu gọi về sự thành tâm và trung tín. Để được ở trong Đạo của Đức Chúa Trời, thành tâm và trung tín là những yếu tố không thể nào thiếu được. Cơ Đốc Nhân phải luôn luôn tỉnh thức trên từng bước đi của mình; biết rõ điều gì cần phải nghe và chấp nhận giá phải trả, điều gì cần phải nghe và làm theo, điều gì cần phải nghe và tránh không phạm vào. Cơ Đốc Nhân phải phấn đấu hết lòng để giữ vững lòng trung thành sắc son đối với Đấng yêu thương và cứu chuộc mình, hoàn thành sự kêu gọi vinh quang từ Thiên Thượng: “Vậy, bây giờ hãy kính sợ Đức Giêhôva, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |