“TAI ƯƠNG VÀ NGHĨA CỦA TAI ƯƠNG” (Lu. 13:1-5) “…Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ hư mất như vậy.” (Lu. 13:5) Tại sao trên đời này ai cũng phải chịu khổ? Tại sao những nỗi khổ đau cứ mãi triền miên, bất tận? Những tai ương kinh hoàng báo cho người ta biết điều gì? Có niềm hy vọng nào không?... Người Do Thái trong thời Chúa Jêsus đã từng có một sự suy luận rất tự nhiên và thường tình về vấn đề này. Thế nhưng sự suy luận ấy của họ chưa hẳn đã là đúng đắn và khôn ngoan theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể học biết được qua Kinh Thánh. I. PHẢI THẤY NGUYÊN NHÂN CHÍNH (C. 1-2) “1Cũng lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Jêsus nghe về việc Philát giết mấy người Galilê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ. 2Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy, có tội lỗi trọng hơn mọi người Galilê khác sao?” (Lu. 13:1-2) Khi chúng ta thấy bất cứ sự khổ đau nào, dầu đó là bệnh tật hay đau đớn của thân xác, hoặc một biến cố bất thường, chúng ta đều có thể yên tâm mà nói rằng có căn nguyên tội lỗi trong đó. 1. Tội Lỗi Luôn Luôn Dẫn Đến Khổ Đau (Gia. 1:15; Sáng. 3:17-19). Chiều hướng chung của mọi tội lỗi là dẫn đến sự khổ đau. Tội lỗi chứa trong mình nó mầm của sự yếu đuối, của suy thoái, của phân hủy. Khi tiến trình diễn biến của tội lỗi đã đầy đủ, sự chết đến: “Tội ác đã trọn, sanh ra sự chết” (Gia. 1:15; “tội ác” E Gk. hamartia, tội lỗi); Hậu quả của tội lỗi vừa nghiêm trọng, vừa toàn diện, vừa phổ cập: “17Đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. 18Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng; 19ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng. 3:17-19). Tội lỗi đem lại khổ đau, một khi tội lỗi đã thâm nhập vào thế gian này rồi, không một ai tránh thoát được. Tội lỗi luôn luôn mang đến án phạt phù hợp theo bản chất của nó. Nếu không có sự can thiệp đặc biệt của Ân Điển Thiên Thượng bởi sự nhân từ của Đức Chúa Trời, hậu quả của tội lỗi nhất định sẽ phải đến vào đúng thời điểm. 2. Không Có Nỗi Khổ Đau Nào Vắng Bóng Tội Lỗi (Rô 3:23; 6:23). Sự thật hiển nhiên là không hề có một sự đau khổ hay tai ương nào vắng bóng tội lỗi. Một người nhân lành, tin kính vẫn có thể phải nếm chịu hậu quả của sự gian ác của người khác. Lắm khi sự rắc rối đến với một người mà người ta không thể nào vạch ra được một điều gì đó sai trái hay bất cẩn nơi người ấy cả. Việc một người vô can phải chịu “vạ lây” bởi hành vi tội ác của người khác không có nghĩa rằng họ đã được để cho trở thành nạn nhân. Mặt khác, việc phải mang hậu quả của tội lỗi của người khác cũng không phải là một điều bất công. Ngay trong trường hợp người ta phải chịu khổ vì hành động của người khác, người ta cũng không phải chịu đựng nhiều hơn mức họ đáng phải chịu: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô. 3:23), và “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô. 6:23). Muốn tránh tai ương và đau khổ trong đời này là điều không thể được vì rằng“Bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội...”(Rô. 5:12). Ai cũng phải đối diện với tai ương, đau khổ cả. Do đó, vấn đề không phải ở chỗ “tránh khỏi” mà là “vượt qua”. Đức Chúa Jêsus phán: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Gi. 16:33). Người ta thường cho rằng những người gặp tai ương lớn, chịu đau khổ nhiều là những người mắc tội nặng. Có hai cơ sở để người ta rút ra kết luận ấy: 1. Sự Suy Luận Theo Lôgíc. Theo lôgíc của sự suy luận, người ta cho rằng tội nhân phải chịu khổ theo mức độ vi phạm của mình. Như vậy, sự đau khổ lớn cho thấy mức độ vi phạm nặng mà người ta đã mắc. 2. Sự Nhận Xét Theo Quan Sát. Người ta cũng còn nhận xét theo sự quan sát. Kinh nghiệm sống cho người ta thấy được rằng có những người phạm những tội cực kỳ hung ác đã phải mắc những sự đau khổ hết sức đặc biệt: Phải hứng chịu sự trút đổ căm phẫn, phải sống trong một sự dằn vặt không bao giờ nguôi, hoặc phải chịu sự trừng trị đích đáng xảy đến bất thình lình bởi sự can thiệp từ Thiên Thượng. II. PHẢI HỌC BIẾT TỪ KINH THÁNH (C. 3-4) “ 3Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. 4Hay là mười tám người bị tháp Silôê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giêrusalem sao?” (Lu. 13:3-4) 1. Tai Ương, Đau Khổ Hiện Tại Không Luôn Luôn Tương Xứng Với Tội Lỗi (1Ti. 2:4; Ma. 13:24-30). Sự đau khổ, tai ương xảy đến trong hiện tại không luôn luôn tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội lỗi. Còn có quá nhiều kẻ gian ác, độc dữ vẫn ung dung trong đường ác của mình. Đó là một sự thật hiển nhiên vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời chậm giận và giàu ơn, “Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (1Ti. 2:4). Nếu quả thật Đức Chúa Trời ra tay trừng trị những kẻ gian ác bằng tai họa và khổ đau, qui mô của vấn đề sẽ không chỉ nhẹ nhàng, lẻ tẻ như thế là đủ!(Sv. Ma. 13:24-30) 2. Điều Chính Yếu Trong Hiện Tại Là Sửa Phạt Chứ Không Phải Là Trừng Trị (Lu. 9:55). Thật ra, dưới Định Kỳ Ân Điển này, trừng trị không phải là ý tưởng chính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian, đã hy sinh đền tội thay, và đã phục sinh vinh hiển, không phải để diệt các linh hồn, mà để cứu cho (Sv. Lu. 9:51-56). Trong cương vị Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải thận trọng khi có sự xuất hiện của ý tưởng “trừng trị” trong tâm trí mình, chúng ta đừng để Ma Quỉ xúi giục (Lu. 9:55). Mặt khác, là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cần phải biết rằng Kỳ Phán Xét của Đức Chúa Trời trên những người chưa tin vẫn chưa đến. Về vấn đề kẻ gian ác và người công bình, Đức Chúa Jêsus phán: “Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, Ta sẽ dặn con gặt rằng: Trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho Ta” (Ma. 13:30; Sv. Ma. 13:36-43). Hơn nữa, trong Định Kỳ Ân Điển hiện nay, sự sửa phạt đang được dành cho chính chúng ta, những người trong gia đình của Đức Chúa Trời: “Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét sẽ khởi từ nhà Đức Chúa Trời; vả, nếu khởi từ chúng ta, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?” (1Phi. 4:17). III. PHẢI TỰ XÉT MÌNH (C. 5) “5Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ hư mất như vậy” (Lu. 13:5) Chúng ta đang sống ra sao? Điều hiển nhiên là chúng ta thảy đều mắc tội (Rô. 3:23; 1Gi. 1:8): Lời Đức Chúa Trời đã phán như thế, lương tâm chúng ta vốn biết như thế, và những sự bày tỏ ra trước mặt mọi người trong đời sống hàng ngày của chúng ta cũng cho thấy như thế. Nếu đủ thành thật, chúng ta có thể đồng thanh với Sứ Đồ Giacơ rằng “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm…” (Gia. 3:2). Từ ngữ được sử dụng trong câu Kinh Thánh này (Gk. ptaio) nói về sự vi phạm của bản thân hoặc làm cho người khác vi phạm. Đối với các Cơ Đốc Nhân, trong quá trình tăng trưởng, việc cố ý phạm tội không còn thường xuyên nữa, nhưng việc vi phạm các chuẩn mực Kinh Thánh không phải là không có! Trước đây, chúng ta đều mắc tội với Chúa, và đáng với sự định tội của Ngài, đáng chịu Ngài trừng trị. Bởi sự can thiệp nhờ Ân Điển Thiên Thượng trong và qua Chúa Cứu Thế Jêsus, chúng ta đã được tha tội. Chúng ta đã thực sự ăn năn chưa? Liệu chúng ta đã từ bỏ hẳn những hành vi ích kỷ chưa? Liệu chúng ta đã chừa bỏ hết những sự không tin kính chưa? Liệu chúng ta không còn có điều gì bị Chúa xem là bất phục tùng hay không? Liệu chúng ta đã thật sự được nghỉ yên và đắc thắng trong Ân Điển của Chúa chưa? Nếu chưa, và nếu cứ tiếp tục không ăn năn, chúng ta chắc chắn phải chịu thiệt hại, cả thuộc thể và thuộc linh, trong những chừng mực nhất định nào đó, vì “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô. 6:23). “Sự chết” (Gk. thanatos) không nhất thiết chỉ là sự chết thuộc thể như ai nấy đều biết. Theo nghĩa rộng, “sự chết” trên phương diện là hậu quả của tội lỗi, bao gồm mọi cảnh đau đớn, khổ cực xuất phát do tội lỗi, cùng với sự chết thuộc thể không thể tránh khỏi để bước vào sự phán xét: “Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán” (Gi. 5:29). Chết chưa phải đã là hết chuyện. Là Cơ Đốc Nhân, “Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối. Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè giữ” (1Tê. 5:5-6). Sự “tỉnh thức và dè giữ” của chúng ta không phải chỉ cho riêng bản thân mình, chúng ta còn có phận sự giúp đỡ cho người khác nữa. Từ khi thâm nhập vào thế gian, tội lỗi đã làm cho “chông gai và cây tật lê” phải sanh ra. Trên một phương diện, cả thế gian này là một cánh đồng “chông gai và cây tật lê” mênh mông. Vì tội lỗi đã thâm nhập thế gian mà địa cầu này đã “bị rủa sả”, trong đó có việc phải chịu sự chi phối của định luật thoái hóa; việc các thảm họa thiên nhiên mỗi ngày một nhiều hơn và nghiêm trọng hơn là điều tất nhiên. Như vậy, các thảm họa nhân đạo cặp theo chính là tất yếu của tất yếu vì “ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng”; tai ương, đau khổ chính là những hình thái biểu hiện của tội lỗi trong thế gian. Giữa thế giới đau khổ này, “Tin Lành” cho tất cả mọi người là Chúa Cứu Thế Jêsus đã đến, Ngài đã chịu chết để trả thay án phạt của tội lỗi cho tất cả những ai biết ăn năn, chịu tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của đời sống mình; Ngài đã sống lại và đang sống “Hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Gi. 10:10)! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |