“HÃY ĐỨNG DẬY ĐI!” (Giô. 1:1-9) “Quyển sách Luật Pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô. 1:1-9) Chúng ta nghe được tiếng gọi từ phía nào thì sẽ đi về phía ấy. Chỉ khi nào chúng ta biết thường xuyên nghe theo tiếng phán của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có đủ dũng khí để làm theo ý muốn của Ngài, thắng vượt được mọi sự bất cập, tiến lên trong chiến thắng và sự chinh phục. Kinh Thánh cho biết rằng chúng ta đang ở trong một trận chiến thuộc linh chỉ có thể chiến đấu bằng những vũ khí thuộc linh. Để có thể nắm vững chiến lược, chiến thuật, phương án tác chiến, cần phải thường xuyên và liên tục giữ liên lạc với vị Tổng Tư Lệnh của chúng ta là Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những gì Đức Chúa Trời phán với Giôsuê để tìm ra bài học cho mình. I. “HÃY ĐỨNG DẬY ĐI” (C. 1-2) Từ đầu Sách Giôsuê, đã có lời phán rằng “Môise, tôi tớ ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả dân sự nầy hãy đứng dậy đi…” (C. 2). Cho đến khi Môise qua đời, Dân Sự vẫn còn mơ hồ về mục tiêu chung của mình là tiến vào Đất Hứa, vẫn chưa thấy rõ vì sao họ phải tiếp tục gian nan trong con đường mà Môise đã dẫn họ đi. Đức Chúa Trời không hề có ý định cứ để họ lang thang trong hoang mạc. Thật ra, Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho họ nhiều điều tốt hơn. Nhưng tại mọi thời điểm, Dân Chúa đều luôn phải thực hiện một sự chọn lựa: Họ phải quyết định hoặc cứ sống với những gì hiện có hoặc đi theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời và sẽ hoàn thành những việc lớn lao theo ý muốn của Ngài. Chúng ta ngày nay cũng vậy. Lệnh truyền rằng “Hãy đứng dậy đi…” vẫn còn có giá trị đối với chúng ta. Chúng ta phải biết “đứng dậy” khỏi tất cả những gì vẫn còn thắng thế đối với đức tin của mình. Câu hỏi mà chúng ta phải tự vấn phải là “Điều gì đang chiếm ưu thế trong đời sống theo Chúa của chúng ta? Chúng ta đang ở đâu trong sự vâng lời Chúa?”. Nếu chúng ta chỉ biết thỏa lòng với hiện trạng thuộc linh của mình, chẳng trước thì sau chúng ta cũng sẽ rơi vào trạng thái chán nản của Dân Sự ngày xưa khi lang thang trong đồng vắng. Để biết chúng ta đang ở đâu trên phương diện thuộc linh, hãy chú ý những dấu hiệu sau đây của một đời sống còn ở trong hoang mạc thuộc linh: (1) Bất An Trong hoang mạc, Dân Sự không hề có nơi ở ổn định. Dân Sự không thể nào biết ngày mai mình sẽ đến đâu, ở đâu. Các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng sẽ cứ bất an trong thân thể, tâm trí, và tâm linh. Về nguyên tắc, Cơ Đốc Nhân bình an không còn ở trong hoang mạc thuộc linh. (2) Bất Mãn Các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng thường kêu ca, than phiền Đức Chúa Trời và người chăn bầy của Ngài. Đối với những người này, họ không biết đếm các phước hạnh mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng luôn phải bận tâm về những lo toan riêng của họ và tỏ ra không đủ sức cho trận chiến thuộc linh. Về nguyên tắc, Cơ Đốc Nhân thỏa lòng không còn ở trong hoang mạc thuộc linh. (3) Không Bông Trái Ngày xưa, Dân Sự đã từng chiến đấu và chiến thắng một số trận chiến nhưng họ đã không dành được lợi thế và lãnh thổ đối với kẻ thù. Những chiến trận của các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng hầu như mang đặc trưng của sự manh động hơn là sự chiến đấu, chiến thắng, và chinh phục. Về nguyên tắc, Cơ Đốc Nhân đầy bông trái không còn ở trong hoang mạc thuộc linh. (4) Tiêu Cực Đối với các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng, tinh thần tiến công rất thấp. Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng được tiêu biểu bằng những gì họ không làm: Không hút, không uống, không dự vào,… Đời sống của họ mang tính chất chung chung, có rất ít tính đặc sắc. Đời sống của các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng được đặc trưng bằng những gì họ làm theo người khác chứ không phải ở những gì họ tự thân khám phá được. Về nguyên tắc, Cơ Đốc Nhân tích cực không còn ở trong hoang mạc thuộc linh. (5) Dao Động Đem Dân Sự ra khỏi Ai Cập thì dễ nhưng làm cho Ai Cập ra khỏi Dân Sự là một sự thách thức lớn lao đối với các nhà lãnh đạo thuộc linh. Nếu công việc hanh thông, người ta dễ dàng cảm thấy tự tin, vững vàng. Thế nhưng khi tình hình trở nên xấu, người ta bắt đầu nhớ lại “Xứ Êdíptô, khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán chê” (Xuất. 16:3). Trên một phương diện, các Cơ Đốc Nhân thiếu phương hướng khá giống với một nhiệt kế cứ khi trồi, khi sụt theo nhiệt độ bên ngoài. Về nguyên tắc, Cơ Đốc Nhân ổn định không còn ở trong hoang mạc thuộc linh. Một con tàu nếu cứ bỏ neo đứng yên trong bến cảng thì sẽ được an toàn, nhưng một con tàu không băng sóng, lướt gió, vượt đại dương thì không còn là một con tàu nữa; và rồi nó sẽ rỉ sét, mục nát một cách vô dụng. Đời sống của các Cơ Đốc Nhân cũng vậy. Đức Chúa Trời có chương trình phong phú cho mỗi Cơ Đốc Nhân tự khám phá. Đức Chúa Trời muốn mỗi người chúng ta “Hãy đứng dậy đi” để tiến vào một xứ “Đẹp đẽ và rộng rãi, đượm sữa và mật” (Xuất. 3:8) chứ không chỉ thỏa lòng với trạng thái tiềm sinh thuộc linh trong hoang mạc. Đức Chúa Trời muốn chúng ta hãy bước ra khỏi sự cầm buộc của cảm xúc, tri giác và hoàn cảnh để tiến lên phía trước theo đức tin. Ngài muốn đời sống thuộc linh chúng ta có nhiều đức tin và ít phụ thuộc vào cảm xúc hơn! Ngay cả khi đã có ý thức và quyết định “Hãy đứng dậy đi”, người ta vẫn còn khả năng mắc lỗi “đi giật lùi”. Vấn vương với quá khứ khiến họ không làm được điều Phaolô đã kinh nghiệm: “Tôi cứ làm một điều: Quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phil. 3:14). Việc đáp lại mệnh lệnh “Hãy đứng dậy đi” đòi hỏi chúng ta phải có một sự chọn lựa: Chúng ta phải chọn tiến lên phía trước theo tiếng phán của Đức Chúa Trời, và sẽ nhận được quyền năng dẫn dắt không rời của Đức Chúa Trời theo như lời Ngài phán hứa trong Kinh Thánh: “Vậy, hễ những người trọn vẹn trong chúng ta, phải có ý tưởng đó; và nếu anh em tưởng đàng khác, Đức Chúa Trời cũng sẽ lấy sự đó soi sáng cho anh em” (Phil. 3:15). II. “HÃY VỮNG LÒNG BỀN CHÍ” (C. 3-7) Sau khi Môise qua đời, Đức Chúa Trời cần một người đưa Dân Sự tiến lên phía trước, và người ấy chính là Giôsuê. Giôsuê là một mẫu người không chịu thỏa lòng với việc chỉ ngồi yên trong sự an nhàn. Giôsuê muốn làm một điều gì đó giàu ý nghĩa hơn cho Đức Chúa Trời. Chỗ dựa cho cả Giôsuê lẫn Dân Sự là lời hứa của Đức Chúa Trời. Canaan là sản nghiệp của Dân Chúa, điều ấy đã được Đức Chúa Trời hứa với Ápraham và hậu tự Ápraham trong Sách Sáng Thế Ký: “Ta là Đức Giêhôva, Đấng đã dẫn ngươi ra khỏi xứ Urơ, thuộc về xứ Canhđê, để ban cho ngươi xứ nầy làm sản nghiệp” (Sáng. 15:7). Có người giải nghĩa rằng lời hứa này chỉ dành riêng cho Ysơraên, và đã được hoàn nghiệm khi Giôsuê lãnh đạo Ysơraên tiến vào, chinh phục được Canaan. Có người lại cho rằng Canaan là một thực thể trên Thiên Đàng: Sau khi đã trải qua đời này rồi, Dân Chúa mới nhận được xứ ấy. Xứ Canaan là một thực thể địa cầu mà Ysơraên đã chinh phục và sẽ được khôi phục lại cho Ysơraên khi Đức Chúa Jêsus tái lâm. Kinh Thánh cho biết sẽ có Giêrusalem mới, vì vậy cũng sẽ có Canaan hiểu theo nghĩa một thực thể Thiên Đàng trong cõi đời đời. Mặt khác, dưới Định Kỳ Ân Điển, Cananan cũng còn là hình bóng của đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh, là đời sống mà Đức Chúa Trời muốn tất cả các Cơ Đốc Nhân phải có. Đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải chỉ dành riêng cho một số người nào mà là cho tất cả các Cơ Đốc Nhân, tức là các thánh đồ của Đức Chúa Trời: “Môise, tôi tớ Ta, đã chết; bây giờ ngươi và cả Dân Sự nầy hãy đứng dậy đi qua sông Giôđanh, đặng vào xứ mà Ta ban cho dân Ysơraên” (C. 3). Động từ sử dụng cho phần cuối của câu Kinh Thánh này ở thì quá khứ: “ĐÃ ban”. “Xứ”, tức Canaan, đã được ban cho Ysơraên, giống như đời sống mới trong Đức Chúa Jêsus đã được dành sẵn cho tất cả những người tin theo Ngài, không phụ thuộc vào sức riêng mà chỉ tùy theo lượng đức tin của mỗi người. “Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến, thì Ta ban cho các ngươi, y như Ta đã phán cùng Môise…”; “Địa phận các ngươi sẽ lan ra…” (C. 4-6). Hàm ý của những lời phán hứa này là Cơ Đốc Nhân có thể có tất cả những gì họ biết nhận lấy trong và qua Đức Chúa Jêsus. Chúng ta có thể có được mọi chiều kích của sự sống đời đời trong Cứu Chúa của chúng ta. Như vậy, nếu chúng ta còn ở trong một tình trạng chưa xứng hiệp, điều ấy có nghĩa rằng chúng ta không thực sự khát khao có đầy trọn những gì Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta. Ngày nay, trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, không có lý do chính đáng cho các tín hữu phải phân vân, lo lắng nếu họ biết bước đi theo tiếng phán của Đức Chúa Trời bởi sự dắt dẫn của chính Ngài qua các nhà lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh. Nếu đã tin theo Đức Chúa Jêsus, chúng ta có thể “vững lòng bền chí” vì mọi sự tốt đẹp đã thuộc về chúng ta. Một em bé đến tham quan tượng đài Tổng Thống Washington, thấy có người lính gác đứng cạnh, em tiến đến nói với người ấy: - Thưa ông, em muốn mua tượng đài này! - “Em có được bao nhiêu tiền?”, người lính gác hỏi em bé. - “Năm mươi xu”, em bé trả lời. Nghe nói thế, người lính gác này giải thích: - Em cần phải hiểu ba điều sau đây: (1) Thứ nhất, năm mươi xu không đủ để mua tượng đài này; thật ra, đến năm mươi triệu đôla cũng không đủ để mua. (2) Thứ hai, tượng đài của Tổng Thống Washington cũng không phải dành để bán. Và, (3) thứ ba, nếu em thực sự là một công dân Hoa Kỳ, tượng đài này vốn đã là của em rồi, không cần phải mua! Trong cương vị Cơ Đốc Nhân, đôi khi chúng ta cũng không nhận thức được một cách đúng đắn mối quan hệ giữa chúng ta với Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta chưa biết tin và nhận lấy bằng sự vâng lời Đức Chúa Trời mà vẫn cứ còn xin những điều vốn đã sẵn dành cho chúng ta: “Quyển sách Luật Pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (C. 8). Hãy chú ý lời của Sứ Đồ Phaolô trong Kinh Thánh: “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Êph. 1:3). Bí quyết để bước đi trong phước hạnh của Đức Thánh Linh chỉ đơn giản là vâng theo lời phán thành văn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Những tấm lòng vâng lời một cách vững lòng bền chí có tác dụng đem lại sự ban cho quyền năng Đức Thánh Linh, và đó chính là đời sống trong miền Đất Hứa dưới Định Kỳ Ân Điển hiện nay. III. “ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI VẪN Ở CÙNG NGƯƠI” (C. 8-9) Bí quyết để được ở trong miền Đất Hứa thuộc linh của Đức Chúa Trời còn là việc ở trong sự hiện diện của Ngài. Ở đây, có đến ba lần Đức Chúa Trời phán truyền Giôsuê “Hãy vững lòng bền chí” (C. 6, 7, 9). Tại sao? Đức Chúa Trời phán “hãy vững lòng” có nghĩa là Ngài thấy Giôsuê và Dân Sự cảm biết mình yếu đuối, sợ hãi. Đức Chúa Trời phán “hãy bền chí” có nghĩa là Ngài thấy ở Giôsuê và Dân Sự chưa có được một sự nhìn nhận nghiêm túc và một sự kiên định để hoàn thành sự kêu gọi Thiên Thượng. “Hãy vững lòng bền chí” vẫn còn là một sự khích lệ dành cho tất cả chúng ta ngày nay. Thử hỏi ai trong chúng ta là người không cảm thấy yếu đuối, sợ hãi, thiếu kiên định khi hầu việc Đức Chúa Trời? Đã biết bao lần chúng ta do dự, khước từ đối với tiếng phán của Ngài? Chúng ta thoái thác Đức Chúa Trời mà không hề nhớ những lẽ thật Kinh Thánh qua lời của Sứ Đồ Phaolô: “Chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi” (2Cô. 4:7). “Của Quí” là Đức Thánh Linh và Tin Lành của Đức Chúa Jêsus. “Chậu Bằng Đất” là chúng ta. Đức Chúa Trời đã đẹp ý chọn sử dụng những cá thể yếu đuối, tầm thường như chúng ta để trao quyền phép Đức Thánh Linh của Ngài. Đức Chúa Trời hiện diện trong chúng ta bởi Đức Thánh Linh của Ngài để chúng ta tôn qui vinh hiển cho Ngài. Đức Chúa Trời phán với Giôsuê và Dân Sự rằng “Hãy vững lòng bền chí” vì Ngài ở cùng họ. Đối với chúng ta cũng vậy, Đức Chúa Trời không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải một mình làm bất cứ việc gì cả. Có chăng chỉ là chúng ta xao lãng Ngài, không biết ở trong sự hiện diện của Ngài để vâng lời Ngài mà thôi. Về phần Đức Chúa Trời, Ngài không bao giờ thay đổi về lời hứa ở cùng chúng ta; Đức Chúa Jêsus phán: “19Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báptêm cho họ, 20và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma. 28:19-20). Có một bộ tộc thổ dân Châu Mỹ có một phong tục thực tập lòng can đảm cho các thiếu niên rất độc đáo. Ngay đêm đầu tiên một nam thiếu niên bước vào tuổi mười ba, người ấy sẽ được đem bỏ vào rừng già một mình để sống ở đó suốt một đêm. Cho đến đêm thử thách ấy, các thiếu niên chưa bao giờ phải một mình qua đêm ở đâu cả. Thế nhưng vào đêm thử thách, họ được gia đình bịt kín mắt, đem đến một khu rừng già xa lạ rồi thả ra. Khi người nhà bỏ đi rồi, lột khăn bịt mắt ra, người thiếu niên chỉ thấy đêm đen dày đặc, đưa tay lên tận mắt cũng chẳng thấy gì. Lang thang trong rừng, người thiếu niên được thử thách phải sống những giờ phút hết sức căng thẳng: Chỉ cần tiếng nhánh cây khô gãy “rắc” dưới chân cũng khiến họ hình dung ra hình ảnh một con thú dữ nào đó đang rình rập, sẵn sàng lao ra tấn công bất cứ lúc nào. Nghe tiếng thú dữ gầm, rống xa xa, họ tưởng chừng như mình sẽ là con mồi tiếp theo của chúng trong giây lát, và cái chết sẽ đến không sao tránh khỏi. Mỗi lần nghe tiếng gió lao xao trong cành lá, họ sợ dựng tóc gáy, hoang mang không biết hiểm họa nào sẽ xảy đến… Cứ thế suốt một đêm dài là một cực hình tưởng chừng không sao chịu nổi. Chỉ một đêm mà tưởng chừng như vô tận; thế nhưng cái đêm kinh hoàng ấy rồi cũng trôi qua. Và, ngay khi những tia sáng đầu tiên xuất hiện - vẫn còn mờ nhạt cho đến nỗi chưa phân biệt được màu của lá, của hoa - người thiếu niên được thử thách đã phải ngạc nhiên hết sức khi thấy thấp thoáng trong ánh sáng lờ mờ, yếu ớt ấy một bóng người với đầy đủ cung tên, gươm giáo đang bám theo mình trong một khoảng cách không xa. Đó chính là cha của người được thử thách, ông đã bám sát theo đứa con để sẵn sàng bảo vệ trong suốt đêm qua… Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi chúng ta bước ra khỏi hoang mạc thuộc linh trong thế gian này cũng luôn luôn ở bên cạnh chúng ta như thế. Ngài là Đức Chúa Trời đã truyền phán cho chúng ta “ Hãy đứng dậy đi…”, nhưng đồng thời Ngài cũng là Đức Chúa Trời kết ước với chúng ta: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (C. 9). Đức Chúa Trời của Môise, Đức Chúa Trời của Giôsuê cũng chính là Đức Chúa Trời của chúng ta ngày nay! Kinh Thánh luôn luôn so sánh sự bước đi của Cơ Đốc Nhân với chiến trận thuộc linh. Để làm một chiến sĩ khôn ngoan, chúng ta phải biết tự vũ trang cho mình một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, vũ khí của chúng ta sẽ trở nên vô dụng nếu kênh thông tin giữa chúng ta với Tổng Tư Lệnh của chúng ta là Đức Chúa Trời bị nhiễu. Điều bắt buộc là chúng ta phải nghe cho được tiếng phán của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, để nghe được tiếng phán của Đức Chúa Trời, chúng ta phải biết phân biệt: (1) Tiếng của Satan là kẻ thù của chúng ta gầm rống như sư tử (1Phi. 5:8). Tiếng của Satan đầy dọa dẫm, dễ làm cho chúng ta khiếp nhược. Nếu chúng ta bị cuốn theo tiếng của Satan, chúng ta sẽ bị tê liệt, không sao tiến lên phía trước được. (2) Tiếng của dân bản địa trong “xứ” là dân mà chúng ta phải chiến đấu để chiến thắng và chinh phục. “Xứ” là thế gian này, là nơi không muốn ánh sáng của Tin Lành soi rọi vào vì nó sẽ làm phơi bày tội lỗi của họ ra. Nếu chúng ta nghe theo tiếng cám dỗ trong thế gian, chúng ta sẽ đánh mất phương hướng, bỏ rơi sự kêu gọi đã được trao ban cho chúng ta. (3) Cũng còn có tiếng huyên náo trong chính trại quân của chúng ta là Hội Thánh nữa! Tiếng này có nhiều giọng khác nhau: Giọng ganh tị, giọng mạ lị, giọng chia rẽ, và cả giọng kiêu ngạo của chính xúc cảm của bản thân… Nếu nghe theo các giọng này, chúng ta dễ bị tụt hậu, thối lui, hoặc bỏ cuộc. Tiếng phán của Đức Chúa Trời mạnh nhưng mang tính yên ủi là thẩm quyền tối hậu đối với chúng ta. Đức Chúa Trời truyền cho chúng ta phải có dũng khí, phải biết nương cậy Ngài không thôi vì Ngài luôn ở với chúng ta. Với sự ở cùng của Đức Chúa Trời trong chúng ta, chúng ta sẽ vô địch (C. 5a), chúng ta sẽ không bao giờ thất bại nếu chúng ta biết kiên trung vâng theo tiếng phán của Ngài: “Quyển sách Luật Pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (C. 8). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |