REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

8/10/2022

 
Picture
“VIỆC ĐẦU PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHỐNG TRẢ MA QUỈ”
(Gia. 4:7-10)
“Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.”
(Gia. 4:7)
​Khi mới bắt đầu việc xây dựng cầu Golden Gate bắc ngang qua vịnh San Francisco, người ta phải đối diện với một trở ngại bất ngờ: Sau khi có một số công nhân chết vì bị rơi xuống sông, một bầu không khí lo sợ tràn ngập khắp công trường. Tiến độ thi công trở nên chậm thấy rõ. Cuối cùng, một giải pháp kỹ thuật đã được thực hiện: Người ta mắc những chiếc lưới phía dưới vị trí các công nhân đang thi công. Những chiếc lưới an toàn này đã cứu sống tất cả những ai bị rơi, khiến cho mọi người đều trở nên tự tin, và công việc đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Đức Chúa Trời biết chúng ta theo Ngài là bước vào cuộc chiến đấu cho sự vinh hiển tối hậu của Ngài. Để chúng ta an toàn bước đi trên chiếc cầu sự sống bắc ngang qua cuộc đời bão tố này, tiến vào cõi đời đời, Đức Chúa Trời cũng đã mắc sẵn cho chúng ta tấm lưới an toàn của Ngài. Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết rõ mình phải làm gì để đối đầu với Satan khi chúng ta dấn thân cho Vương Quốc của Ngài.
 
I. THEO CHÚA LÀ CHIẾN ĐẤU.
 
Khi nghĩ đến những kế hoạch gian ác gặp phải trong sự xung đột với Satan và các quỉ của nó được Kinh Thánh Tân Ước cảnh báo, chúng ta cần phải nhận thức được rằng những điều ấy là tất yếu đối với các Cơ Đốc Nhân và là trận chiến thuộc linh mà mỗi người theo Chúa đều phải đối diện:
 
“Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Êph. 5:12).
 
Sở dĩ chúng ta bị mắc vào quá nhiều sự công kích của Ma Quỉ là vì chúng ta còn kém trong việc nhận thức những thực tại siêu việt của Đức Chúa Trời trong khi Satan biết rõ rằng nó đã bị đánh bại tại Thập Tự Giá và thời gian của nó không còn nhiều:
 
“14Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; 15Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ” (Côl. 2:14-15).
 
Khi phải đối diện với vấn đề xử lý sự tác động của Satan, chúng ta vẫn còn gặp một số chủ trương kêu gọi hãy làm ngơ đối với vấn đề Satan! Thậm chí chúng ta gặp cả những người dám nói trắng ra rằng cách tốt nhất để loại trừ Satan là hãy loại bỏ khái niệm ấy ra khỏi tâm trí như thể là một sự hoang tưởng, hay một huyền thoại mang tính thần học. Việc thụ động thờ ơ đối với sự thực hữu của Satan là một chủ trương có hại làm mất sức chiến đấu đối với một kẻ thù rành rành không thể nào không công nhận được:
 
“8Hãy tiết độ và tỉnh thức: Kẻ thù nghịch anh em là Ma Quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. 9Hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế gian, cũng đồng chịu hoạn nạn như mình” (1Phi. 5:8-9).
 
Chiến thắng được sự thách thức và cuộc chiến với Satan không phải là một phận sự dễ dàng! Satan là một danh thủ  ném ám khí với một độ chính xác đáng kinh ngạc. Gióp, Giôsuê, Đaniên, Đavít, Phaolô,… là những nhân vật Kinh Thánh đã từng trải những kinh nghiệm đầy tính chất chứng giải rằng họ cũng chẳng phải là miễn nhiễm đối với các mưu ma, chước quỉ của một Satan có thật. Nếu ngay cả các anh hùng đức tin trong Kinh Thánh mà cũng không khỏi bị tổn thương bởi Satan, tại sao chúng  ta lại hy vọng hão huyền rằng mình sẽ ít bị tổn hại hơn họ? Sự kiện điển hình sâu sắc nhất về sự táo tợn của Satan là việc nó cả gan dám cám dỗ Con Đức Chúa Trời Hằng Sống trong đồng vắng. Nếu như Satan đã trân tráo đến mức dám đến trước mặt Chúa Cứu Thế Jêsus để cám dỗ Ngài (Ma. 4:1-11), tại sao chúng ta lại dám nghĩ rằng Satan sẽ chừa chúng ta ra?
 
“Ngươi chớ ngại điều mình sẽ chịu khổ. Này, Ma Quỉ sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục, hầu cho các ngươi bị thử thách; các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho ngươi mão triều thiên của sự sống” (Khải. 2:10).
 
Lúc nào Satan cũng muốn khiến cho chúng ta không hoàn thành được mục đích đời sống mà Đức Chúa Trời đã định cho mỗi người. Satan không bao giờ muốn thấy chúng ta sử dụng được quyền năng của Đức Chúa Trời để thắng vượt các sự công kích của nó để rồi chúng ta cứ mãi ở trong sự thất bại, sự ràng buộc của nó. Chính đây là nguyên do khiến Satan ngày đêm công kích các Cơ Đốc Nhân, nhất là những người đang đứng ở tuyến đầu của trận chiến.
 
II. THEO CHÚA SẼ CHIẾN THẮNG.
 
Mặc dầu chúng ta sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn được vô sự trước các sự công kích của Satan, vẫn có nhiều điều có thể giúp cho chúng ta tự bảo vệ mình, tránh không để bị mù mắt đứng trơ ra làm bia ngắm cho Satan bắn vào tùy thích! Có sáu điều chúng ta có thể thực hiện để nhận được sự bảo vệ Thiên Thượng trong trận chiến thuộc linh, giảm thiểu các nguy cơ bị tổn thương bởi kẻ thù này, và rồi sẽ đạt đến chiến thắng chung cuộc trong Đức Chúa Jêsus.
 
Thứ nhất, chúng ta phải bước đi trong sự vâng lời Đức Chúa Trời: “Hãy phục Đức Chúa Trời” (C. 7a; 8a). Tiếc thay, có một số người không xem đây là sự kêu gọi dành cho chính mình.
 
Sự vâng lời Đức Chúa Trời là điều hệ trọng nhất. Trong trận chiến thuộc linh, người ta dễ dàng bị cuốn hút vào các sự cám dỗ của Ma Quỉ, không còn tỉnh táo để nhận biết tác giả đích thực của những lôi cuốn ấy là ai. Phương cách hiệu quả nhất để khỏi bị trôi giạt vào một sự sai lạc như thế là cứ giữ mình trong sự vâng lời Đức Chúa Trời:
 
“Đức Giêhôva há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1Sa. 15:22).
 
Bằng sự vâng lời, chúng ta đáp ứng được sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Sự vâng lời thuộc linh của chúng ta khiến cho Đức Chúa Trời hoàn thành được các mục đích của Ngài. Nhất thiết chúng ta phải bước đi trong sự vâng lời Ngài.
 
Thứ hai, mỗi ngày chúng ta phải mặc lấy khí giới của Đức Chúa Trời để có thể chống trả lại Ma Quỉ: “Hãy chống trả Ma Quỉ” (C. 7b). Thật đáng sợ biết bao khi nhìn thấy có nhiều Cơ Đốc Nhân sống mà không hề bận tâm gì đến việc trang bị cho mình các vũ khí thuộc linh. Một phần nguyên nhân của sự hờ hững ấy là do sự yên trí rằng sự quan phòng Thiên Thượng là một sản phẩm thuần túy của Đức Chúa Trời, không hề cần phải có sự đáp ứng của con người!
 
Vũ khí thuộc linh không phải chỉ là những món phụ tùng tùy chọn (Sv. Êph. 6:13)! Những ai dám quan niệm tùy tiện như thế là đang đùa với sự rủi ro. Sứ Đồ Phaolô cho biết rằng “Tôi chết hằng ngày” (1Cô. 15:31). Việc mặc lấy mọi khí giới thuộc linh đồng nghĩa với việc mỗi ngày dâng trọn đời sống mình cho quyền làm Chúa của Đức Chúa Jêsus:
 
“3Chúng tôi dầu sống trong xác thịt, chớ chẳng tranh chiến theo xác thịt. 4Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: 5Nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ” (2Cô. 10:3-5).
 
Đừng nên cố hình dung cho ra thế nào là “dây nịt lưng”, thế nào là “giáp”, thế nào là “giày dép”,… nhưng rồi không thực hành gì cả. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, ngay từ ý nghĩ đầu tiên trong ngày, chúng ta hãy quyết tâm dâng mình cho ý muốn của Đức Chúa Trời, cứ ước nguyện vâng lời Ngài. Chúng ta “Lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời” khi mỗi ngày chúng ta biết chọn bước theo sự nhận biết về sự hiện diện và mục đích của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình để mỗi ngày sống của chúng ta đều được bền chặt trong ý chỉ tốt đẹp của Ngài.
 
Thứ ba, phải có trách nhiệm thuộc linh đối với đời sống mình và đối với các tín hữu khác: “Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi” (C. 8b).
 
Một trong những thói quen có hại của các Cơ Đốc Nhân là chỉ muốn sống theo một cái gì đó dài hạn nhưng rất mơ hồ và vô tình. Chính một tinh thần như thế đã lén mở cửa cho Satan vào trú ẩn trong đời sống của người theo Chúa. Dầu rằng chúng ta được quyền sắp xếp công việc theo tầm nhìn của mình, chúng ta phải luôn luôn nhận biết rằng tầm nhìn của chúng ta rất hạn chế. Chúng ta phải biết lắng nghe các tín hữu khác, biết theo sự khuyên dạy của Hội Thánh, nhất là theo sự khuyên dạy của Lời Kinh Thánh. Nếu nhắm mắt lao theo các mục tiêu mình vạch ra mà không để ý đến những điều ấy, chúng ta rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho Ma Quỉ. Không thể nào nhận biết mình là “có tội”, là “hai lòng” để có thể “lau tay”, “làm sạch lòng” nếu thiếu ý thức trách nhiệm thuộc linh. Chúng ta chỉ có thể duy trì được ý thức trách nhiệm thuộc linh đối với đời sống riêng của mình nếu chúng ta biết giữ mình trong mối tương liên với các tín hữu khác:
 
“24Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; 25chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau…” (Hê. 10:24-25a).
 
Thứ tư, phải thiết lập một hệ thống chống đỡ bằng sự cầu nguyện: “Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc” (C. 9a). Không thể có bất cứ điều gì có được giá trị đời đời mà thiếu sự cầu nguyện. Tất cả các sự thất bại của Cơ Đốc Nhân đều khởi đầu từ thất bại trong sự cầu nguyện:
 
“2Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi vì không cầu xin. 3Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Gia. 4:2-3).
 
Tại sao linh hồn chúng ta yếu đuối, chai cứng, không nhận biết được thực trạng của mình, không thấy được viễn cảnh Thiên Đàng? Ấy là vì linh hồn chúng ta không được luyện tập thỏa đáng. Sự cầu nguyện là sân vận động của linh hồn. Chỉ những linh hồn nào chịu bước vào đó, khổ công luyện tập thì đời sống thuộc linh mới được phát triển đầy đủ, phong phú mà thôi. Chỉ những linh hồn nào chịu bước vào đó, tra xét đến từng chi tiết của đời sống mình và chương trình của Đức Chúa Trời mới tiến dần từ chỗ “con đỏ” đến chỗ “thành nhân” để sống làm đẹp ý Đức Chúa Trời:
 
“Hãy kêu cầu Ta, ta sẽ trả lời cho; Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết”(Giê. 33:3).
 
Thứ năm, phải dám chấp nhận sự mạo hiểm trong đời sống đức tin: “Hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn” (C. 9b). Đây cũng là một bước đi bị nhiều Cơ Đốc Nhân cố tình bỏ qua vì nghĩ rằng dấn thân vào sự mạo hiểm thuộc linh là điều đáng nên tránh! Suy nghĩ như thế là sai, vì sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là như thế này:
 
“Hỡi anh em, về sự khôn sáng, chớ nên như trẻ con; nhưng về sự gian ác, thật hãynên như trẻ con vậy. Còn về sự khôn sáng, hãy nên như kẻ thành nhân” (1Cô. 14:20); “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín” (1Phi. 4:19).
 
Thứ sáu, chúng ta phải hết sức khiêm nhường: “Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (C. 10a). Lời Kinh Thánh này bày tỏ cho chúng ta thấy rằng đức khiêm nhường là một sự đòi hỏi Thiên Thượng và là một đức hạnh làm cho Cơ Đốc Nhân trở nên đáng quí. Không thể nào là Cơ Đốc Nhân chân chính mà lại thiếu sự khiêm nhường:
 
“Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giêhôva đòi hỏi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi. 6:8).
 
Sự kiêu ngạo chính là chất độc làm chết người đã khiến cho Luxiphe đã phải từ trời sa xuống như tia chớp (Sv. Ês. 14:12-15; Lu. 10:18). Đó là lý do khiến “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Phi. 5:5). Như vậy, cần phải nhớ rằng để “Chống trả Ma Quỉ”, chúng ta phải đặt mình trong tình trạng không bị “Đức Chúa Trời chống cự” mà là được Ngài “Ban ơn”; như vậy chúng ta phải khiêm nhường. Sự khiêm nhường sẽ đến khi chúng ta biết phân biệt thế nào là Đức Chúa Trời, và thế nào là Ma Quỉ. Sự khiêm nhường sẽ đến khi chúng ta nhận thức được rằng quyền lực của Satan là điều mà không bao giờ chúng ta có thể dùng sức riêng để chống trả được. Sự khiêm nhường sẽ đến khi chúng ta nhận ra được rằng quyền năng của Đức Chúa Jêsus là điều mà Satan không bao giờ có thể kháng cự được. Sự khiêm nhường Cơ Đốc là biểu hiện thực hành của sự nhận thức về quyền làm Chúa của Đức Chúa Trời và sự vâng lời trong chức phận làm con của Cơ Đốc Nhân. Hiểu được các lẽ thật thuộc linh này sẽ giúp chúng ta tiến vững chắc đến sự chiến thắng.
 
Sứ Đồ Giacơ cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sẽ “Nhắc anh em lên” (C. 10b), tức là Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta sự chiến thắng trong Đức Chúa Jêsus. Sứ Đồ Phaolô cũng bày tỏ một cách tương tự và đầy khích lệ đối với những ai trung tín trong sự đầu phục Đức Chúa Trời, bền lòng trong việc chống trả Ma Quỉ:
 
“19Sự anh em vâng phục thì ai ai cũng biết rồi, vậy tôi vì anh em vui mừng, mong rằng anh em khôn ngoan về điều lành, và thanh sạch đối với điều dữ. 20Đức Chúa Trời bình an sẽ kíp giày đạp Quỉ Satan dưới chân anh em. Nguyền xin Ân Điển của Đức Chúa Jêsus chúng ta ở cùng anh em!” (Rô. 16:19-20).
 
Không có điều gì khiến cho chúng ta phải ngần ngại trong việc tực hiện mệnh lệnh “Hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ” (C. 7), hãy cứ vững vàng chấp nhận những gì không thể khước từ, và  khước từ những gì không thể chấp nhận!
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_viecdauphucducchuatroivachongtramaqui.pdf
File Size: 284 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách