REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

16/5/2022

 
Picture
“PHẢI SỐNG TRONG SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC CHHÚA TRỜI!”
(Thi. 56:13)
​“Vì Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết:
Chúa há chẳng giữ chân tôi khỏi vấp ngã,
Hầu cho tôi đi trước mặt Đức Chúa Trời
trong sự sáng của sự sống?”
(Thi. 56:13)
Là Cơ Đốc Nhân, việc phải sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời là một nguyên tắc Kinh Thánh…
“Vì Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết: Chúa há chẳng giữ chân tôi khỏi vấp ngã, Hầu cho tôi đi trước mặt Đức Chúa Trời trong sự sáng của sự sống?” (Thi. 56:13)
 
Là người đã được cứu, Cơ Đốc Nhân chúng ta khá quen thuộc với nguyên tắc phải sống theo Thánh Linh, không được phép sống theo xác thịt (Sv. Rô. 8:9), tức là sống đời sống mới của người đã được tái sinh (1Phi. 1:3), nhưng nguyên tắc phải sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời lại là một điều vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người!
 
Bản dịch Việt Ngữ Cổ Điển (1926) mà chúng ta có đã dịch rất tốt cả hai vế của Thi. 56:13, nhất là vế sau…
“Hầu cho tôi đi trước mặt Đức Chúa Trời trong sự sáng của sự sống?” (Thi. 56:13b)
 
Một từ ngữ Hybálai (Hb.) quan trọng là Hb. םינפ םיהלא [paniym ‘elohiym] đã được sử dụng để nhấn mạnh rằng người đã có được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời (“Chúa đã giải cứu linh hồn tôi khỏi chết_Chúa há chẳng giữ chân tôi khỏi vấp ngã”) thì nhất định sẽ phải là người sống trong םינפ םיהלא [paniym ‘elohiym] của Đức Chúa Trời - Tức là sống trước mặt (“םינפ [paniym]”) Ngài, sống trong sự nhận biết của Ngài, sống theo sự chuẩn thuận của Ngài. Kinh Thánh Tân Ước cũng có một cách diễn đạt khác về phận sự tối thượng ấy…
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (1Cô. 10:31)
 
Trong bản dịch Kinh Thánh sang Tiếng Latinh từ liệu Hybálai םינפ םיהלא [paniym ‘elohiym] được dịch bằng một từ liệu Latinh (Lat.) là Coram Deo, một từ liệu hàm nghĩa “Trước mặt Đức Chúa Trời”. Coram Deo là một phạm trù thần học Kinh Thánh được chấp nhận rộng rãi giữa vòng những người Tin Lành Cải Chánh nhưng cũng có nhiều người trong một số hệ phái Tin Lành khác cũng như Công Giáo La Mã tin nhận.
 
Theo thần học Kinh Thánh thì “Trước Mặt Đức Chúa Trời”, “Trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời” là một phạm trù có ít nhất ba ngoại diên căn bản sau đây…
 
Thứ nhất, nguyên tắc “Phải sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời” đòi hỏi Cơ Đốc Nhân phải sống trong sự tôn trọng quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời là một sự hiểu biết căn bản và khá quen thuộc đối với Cơ Đốc Nhân…
“Hỡi Đức Giêhôva, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi._Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy;_Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi._Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi,_Quen biết các đường lối tôi._Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi,_Kìa, hỡi Đức Giêhôva, Ngài đã biết trọn hết rồi… Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa?_Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?_Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó,_Ví tôi nằm dưới Âm phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó._Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông,_Bay qua ở tại cuối cùng biển,_Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi,_Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi. ” (Thi. 139: 1-4; 7-10)
 
“Quyền Tể Trị Tối Cao” của Đức Chúa Trời là một phạm trù thần học Kinh Thánh vừa quan trọng vừa khó thông suốt được đối với tâm trí của nhiều người dầu rằng hầu như tất cả các hệ Cơ Đốc đều đồng ý rằng Đức Chúa Trời là Đấng tối cao cả về năng quyền lẫn thẩm quyền. “Quyền Tể Trị Tối Cao” của Đức Chúa Trời là một hệ quả tất yếu của các mỹ đức căn bản của bản chất Ngài: Toàn Tri (Omniscience), Toàn Năng (Omnipotence), và Toàn Tại (Omnipresence). Dưới ánh sáng Kinh Thánh, “Quyền Tể Trị Tối Cao” của Đức Chúa Trời là một tất yế khách quan duy nhất thuộc về Ngài. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng vừa toàn tri vừa toàn năng (Sv. Thi. 147:5), Ngài không phụ thuộc cả không gian lẫn thời gian (Sv.  Xuất. 3:14; Thi. 90:2), và Ngài toàn quyền trên tạo vật Ngài (Sv. Sáng. 1:1; Gi. 1:1).
 
Về căn bản, “Quyền Tể Trị Tối Cao” là một phạm trù thần học Kinh Thánh nói về lẽ thật Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có và hoàn toàn có sự khôn ngoan (wisdom), năng quyền (power), và thẩm quyền (authority) để định mạng tất cả mọi sự cho tạo vật Ngài và làm cho sự định mạng Ngài diễn ra cho tạo vật Ngài.
 
Trên phương diện nội hàm, “Quyền Tể Trị Tối Cao” của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh bày tỏ rất phong phú (Sv. 1Sa. 2:6; 1Sử. 29:11-12; Thi. 115:3; Đa. 4:25; Công. 4:24; Rô. 8:28; 9:15-23; 1Ti. 6:15; Khải. 4:11). Về phương diện ngoại diên “Quyền Tể Trị Tối Cao” của Đức Chúa Trời thường được Kinh Thánh nói đến bằng các từ liệu Hb. הכלממ [mamlakah] (Sv. Sáng. 20:9; Dân. 32:33; Phục. 3:4) và Gr. βασιλεία [basileia] (Sv. Ma. 12:25; Lu. 19:12; Gi. 18:36) để chỉ về Vương Quốc mà Đức Chúa Trời là Quốc Vương.
 
Sự khải thị về quyền tể trị tối cao của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh cả trong Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước…
“Khốn thay cho kẻ cãi lại với Đấng tạo nên mình! Một bình trong các bình bằng đất! Đất sét há dễ nói cùng thợ gốm là người nhồi mình rằng: Ngươi làm chi? hoặc việc ngươi làm ra há nói rằng: Nó không có tay?” (Ês. 45:9)
“Nhưng, hỡi người, ngươi là ai, mà dám cãi lại cùng Đức Chúa Trời? Có lẽ nào cái bình bằng đất sét lại nói với kẻ nắn nên mình rằng: Sao ngươi đã làm nên ta như vậy? Người thợ gốm há chẳng có quyền trên đất sét, cùng trong một đống mà làm ra hạng bình để dùng việc sang trọng, lại hạng khác để dùng việc hèn hạ sao?” (Rô. 9:20-21)
 
Thứ hai, nguyên tắc “Phải sống dưới uy quyền của Đức Chúa Trời” cách trực tiếp và cách gián tiếp. Nguyên tắc “Phải sống dưới uy quyền của Đức Chúa Trời” thật ra là một hệ quả tất yếu của nguyên tắc “Phải sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời” là nguyên tắc khẳng định thẩm quyền tối thượng của Ngài: Đức Chúa Trời không phải qui phục bất cứ sự gì ngoài Ngài còn tất cả các vật thọ tạo của Ngài thì, trái lại, phải thuận phục Ngài cách hoàn toàn vì mọi thẩm quyền đều thuộc về Ngài và xuất xứ từ Ngài…
“Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” (Rô. 13:1)
 
Thẩm quyền trực tiếp của Đức Chúa Trời trên tạo vật của Ngài được thi hành trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ…
“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta.” (Ma. 28:18; Sv. Khải. 1:8; Côl. 1:18; Rô. 8:29)
 
Riêng đối với những người đã được biệt riêng ra cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì họ còn được Ngài ban cho một sự chiếu cố đặc biệt: Được hưởng thẩm quyền thuộc linh của Ngài thông qua người của Ngài…
“Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em.” (Hê. 13:17)
 
Thứ ba, nguyên tắc “Phải sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Êxêchiên mô tả sự vinh hiển của Đức Chúa Trời cách hữu hình và lạ lùng…
“Bên trên vòng khung giãi trên đầu các vật sống, có hình như cái ngai, trạng nó như là bích ngọc; trên hình ngai ấy có hình như người ở trên nó. Trong ngai và mọi nơi chung quanh, ta cũng thấy như đồng bóng nhoáng, giống lửa, từ trạng ngang lưng người ấy trở lên; và từ trạng ngang lưng trở xuống, ta thấy như lửa sáng hừng chung quanh. Ánh sáng thấy chung quanh đó giống như ánh sáng của cái mống trong mây khi đương mưa. Ấy là tỏ ra hình trạng của sự vinh quang Đức Giêhôva. Ta thấy thì sấp mặt xuống và nghe tiếng của một Đấng phán cùng ta.” (Êx. 1:26-28)
 
Theo tiên tri Habacúc, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời có trương độ, cường độ, và hình thức vừa tự nhiên, vừa siêu nhiên…
“Đức Chúa Trời đến từ Thêman,_Đấng Thánh đến từ núi Pharan._Vinh hiển Ngài bao phủ các từng trời,_Đất đầy sự khen ngợi Ngài._Sự chói rạng của Ngài như ánh sáng,_Những tia sáng ra từ tay Ngài,_Quyền năng Ngài giấu trong nơi đó._Ôn dịch đi trước mặt Ngài,_Tên lửa ra nơi chân Ngài._Ngài đứng và đo đất;_Ngài nhìn xem, làm tan tác các dân tộc;_Các núi hằng còn đều tan nát,_Các đồi đời đời đều quì xuống:_Các đường lối Ngài giống như thuở xưa.” (Ha. 3:3-6)
 
“Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” là một phạm trù thần học Kinh Thánh đề cập về sự tốt đẹp, oai nghi, huy hoàng,… xuất phát từ các mỹ đức của của Đức Chúa Trời và “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” chính là đích điểm tối hậu của mọi đời sống trên thế gian này (Sv. 1Cô. 10:31; Phlp. 2:11). “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” là một phạm trù có nhiều ngoại diên. Phần lớn Kinh Thánh Cựu Ước đề cập đến “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” như thể là sự cao quí và huy hoàng của Đức Chúa Trời (Sv. Thi. 19:1; 106:20; Châm. 25:2). Trong Kinh Thánh Tân Ước, khi Đức Chúa Jêsus phán rằng “Bịnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh” (Sv. Gi. 11:4, 40) thì “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” có liên quan đến công việc của Đức Chúa Jêsus Christ và đức tin của chúng ta. Khi Êtiên “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Sv. Công. 7:55) thì “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” chính là sự vĩ đại thấy được của Đức Chúa Trời trên Thiên Đàng…
 
“Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” đã thể hiện tập trung ở Đức Chúa Jêsus Christ (Sv. Hê. 1:3) và sẽ còn xuất hiện trong tương lai nơi chính Thành Thánh của Đức Chúa Trời trên thế gian này (Sv. Khải. 15:8; 21:11, 23).
 
Đời sống của con người có liên quan đến “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)”. Trong trạng thái phạm tội, con người “Thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Sv. Rô. 3:23). Với đức tin, con người có được “Sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời” (Sv. Rô. 5:2). Khi Cơ Đốc Nhân chúng ta đối đãi tốt với nhau thì “Đức Chúa Trời được vinh hiển”, tức Đức Chúa Trời được tôn cao (Sv. Rô. 15:7). Sống để tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời là nguyên tắc tối thượng cho hành vi Cơ Đốc (Sv. 1Cô. 10:31).
“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” (1Cô. 10:31)
 
Nhìn chung, “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” là một phạm trù được đề cập bằng nhiều cách khác nhau trong Kinh Thánh. “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” có thể liên quan đến tính vĩ đại của Đức Chúa Trời, sự tốt đẹp của Ngài, quyền năng của Ngài,… trong mọi trường hợp, “Sự Vinh Hiển (Của Đức Chúa Trời)” đều liên quan đến việc nhận biết tính tối cao của Đức Chúa Trời cả trong việc nương cậy Ngài và hầu việc Ngài.
 
Nguyên tắc “Phải sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời” (Hb. םיהלא [paniym ‘elohiym]; Lat. Coram Deo) nghịch lại với mọi sự dạy ngoài đời cũng như trong đạo hiện nay. Nhìn chung, các phương tiện giải trí và truyền thông xã hội luôn xiển dương những lối sống loại bỏ hoàn toàn Đức Chúa Trời và những nổ lực ấy cũng đã thâm nhập và làm xói mòn đời sống Hội Thánh khiến cho không ít Cơ Đốc Nhân sống một đời sống không thể nhận ra Đức Chúa Trời ở đâu cả. Ngay cả một số các nhà lãnh đạo Hội Thánh cũng bị tiêm nhiễm quan điểm và thói tục sống của thế gian khiến cho họ cứ dốc sức tìm quyền lực bằng mọi kiểu, giàu có bằng mọi cách, và nổi tiếng bằng mọi giá! Là những Cơ Đốc Nhân chân chính, chúng ta phải dốc chí trượng phu và mạnh mẽ sống cho sự vinh hiển tối hậu của Đức Chúa Trời, sống trong uy quyền tối cao của Đức Chúa Trời, và sống theo thẩm quyền tất yếu và phổ quát của Đức Chúa Trời; chúng ta phải sống “Coram Deo”… 
“Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em…” (1Phi. 3:15)
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
coramdeo.pdf
File Size: 526 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách