REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

17/4/2022

 
Picture
“PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ LÀM CHO NGƯỜI HÒA THUẬN!”
(Ma. 5:9)
“Bài Giảng Trên Núi” của Đức Chúa Jêsus về “Các Phước Lành” vĩnh viễn là một núi kim cương hùng vĩ, lấp lánh các nguyên lý Thiên Đàng. Mỗi khi tiếp cận phân đoạn Kinh Thánh này (Ma. 5:1-12), với sự hiểu biết thô thiển và kinh nghiệm ít oi của bản thân, tôi luôn thấy mình chỉ như một đứa bé, choáng ngợp trước vô vàn tia sáng phản chiếu vinh quang Thiên Thượng. Tôi muốn lĩnh hội sao cho được trọn vẹn nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi muốn diễn đạt cho sao cho thật khúc chiết để làm ích nhiều nhất cho đàn chiên nhỏ bé mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho tôi chăm nuôi nhưng, đáng thương thay, cũng chỉ là những lời thô thiển, tầm thường… Ước ao rằng chính Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ cho người đọc có được những sự nội kiến đẹp ý Đức Chúa Trời; còn những gì được viết ra đây chỉ là chỗ dựa cho sự tri giác, giúp cho sự suy gẫm được thuận lợi hơn…
“Tolle lege, tolle lege” (“Cứ đọc đi! Cứ đọc đi!”) [St. Augustine, 354-430]
(Mục Sư Đoàn Nhật Tân, Tháng Mười 2006)
​Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy sự đấu đá và tranh cạnh mà mọi lĩnh vực xã hội đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Giữa một bối cảnh như vậy, Đức Chúa Trời kêu gọi Dân Ngài hãy sống làm người hiếu hòa.
“Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma. 5:9).
Để có thể hiểu được điều gì Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta sống theo, cần phải hiểu rõ thế nào là “bất hòa”, thế nào là “ngụy hòa”, và thế nào mới là “hiếu hòa” theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.
 
I. NGƯỜI BẤT HÒA
 
Người bất hòa là người theo đuổi một đường lối làm suy yếu, đổ vỡ các mối quan hệ để tạo nên các sự trục trặc và chia rẽ. Người bất hòa chỉ biết lôi kéo người khác để thỏa mãn ý muốn chủ quan và bản ngã của họ. Kinh Thánh có những lời dạy về họ rất dứt khoát, minh bạch:
“17Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi. 18Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà” (Rô. 16:17-18).
Hội Thánh của Đức Chúa Trời không thể nào dung túng những con người bất hòa được, vì người bất hòa sẽ thủ tiêu các nguyên tắc sống còn của Hội Thánh Địa Phương. Những người bất hòa luôn chống lại sự vận hành của Đức Chúa Trời, họ là tác nhân ngăn trở đối với sự phấn hưng vì ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống Hội Thánh. Ngược lại, Kinh Thánh đề cao sự hòa thuận, lấy đó làm nguyên tắc sống cho đời sống của cộng đoàn Dân Chúa:
“1Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau_Thật tốt đẹp thay!_2Ấy khác nào dầu quí giá đổ ra trên đầu,_Chảy xuống râu, tức râu của Arôn,_Chảy đến trôn áo người…” (Thi. 133:1-2).
Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể loại bỏ sự bất hòa (cũng như người bất hòa) khỏi Hội Thánh nếu từng người chúng ta biết tra xét chính tấm lòng của mình!
“1Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nghiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn. 2Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia. 3:1-2).
Con đường ngắn nhất để đi đến sự bất hòa là việc sử dụng môi miệng vô nguyên tắc: Nói hành, nhiều chuyện, phao phản, xét đoán,… Đó chính là điều sẽ tạo ra rạn nứt, phân rẽ dẫn đến sụp đỗ. Gài cho Cơ Đốc Nhân mắc bẫy bằng chính môi miệng của họ là một loại vũ khí dầu rất cổ điển nhưng vô cùng lợi hại mà Satan luôn luôn tận dụng để phá hoại Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải hết sức thận trọng trong sự tiết độ môi miệng:
“9Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. 10Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả! Hỡi anh em, không nên như vậy!” (Gia. 3:9-10).
 
II. NGƯỜI NGỤY HÒA
 
Đức Chúa Trời đòi hỏi phải loại trừ sự bất hòa (cũng như người bất hòa) ra khỏi Hội Thánh của Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng không hỗ trợ cho thái độ ngụy hòa:
“14Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, 15nhưng muốn chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng  ta đều được thêm lên trong Đấng Làm Đầu, tức là Đấng Christ” (Êph. 4:14-15).
Người ngụy hòa cho rằng “hòa thuận” là không được có bất kỳ sự tranh luận, dị biệt nào cả; là phải chấp nhận tất cả. Đối với người ngụy hòa, lẽ thật Kinh Thánh không cần phải có vị trí ưu tiên hàng đầu, mà ưu tiên hàng đầu là sự đầu hàng: Cất bỏ tất cả mọi sự, kể cả lẽ thật Kinh Thánh, để có thể chấp nhận tất cả mọi sự, kể cả những điều phi Kinh Thánh và phản Kinh Thánh. Người ngụy hòa sẵn sàng uốn cong Lời Kinh Thánh cho phù hợp với chủ trương của họ. Họ coi thường các sự dạy dỗ Kinh Thánh để theo đuổi xúc cảm riêng và tham vọng ích kỷ một cách rất bản năng:
“…10Những kẻ nầy, hễ điều gì không biết thì khinh dễ hết, và mọi điều chúng nó tự nhiên mà biết cũng như con thú vật vô tri, thì dùng mà làm hư mình. 11Khốn nạn thay cho chúng nó, vì đã theo đường của Cain, lấy lòng tham lợi mà gieo mình vào sự sai lạc của Balaam, và bị hư mất về sự phản nghịch của Côrê” (Giu. 10-11).
Trên phương diện bản chất, thái độ ngụy hòa chính là một biến tướng của chủ nghĩa thỏa hiệp. Trên phương diện lý thuyết, thái độ ngụy hòa là phi hiện thực và phản Kinh Thánh. Trên phương diện thực tế, không  thể nào dung hợp được giữa sự sáng và sự tối. Cuộc đấu tranh giữa sáng và tối là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Đối với thái độ ngụy hòa (tức chủ nghĩa thỏa hiệp), Cơ Đốc Nhân, nếu là Cơ Đốc Nhân chân chính, phải để Lời Kinh Thánh “nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng  ta đều được thêm lên trong Đấng Làm Đầu, tức là Đấng Christ”:
“Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (Gi. 1:5).
“14Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng với nhau được chăng? 15Đấng Christ và Bêlian nào có hòa hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin?... 17Bởi vậy Chúa phán rằng:_Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó,_Đừng đá động đến đồ ô uế,_Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi” (2Cô. 6:14-15, 17).
“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do, vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa” (Gal. 5:1).
Kinh Thánh không cho phép Cơ Đốc Nhân thỏa hiệp, đầu hàng mà là phải vững vàng, triệt để trong cuộc chiến cho lẽ thật của Đức Chúa Trời:
“…Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ” (1Phi. 3:15).
“Song điều tôi làm, tôi còn làm nữa, để cất mọi mưu của kẻ tìm mưu, hầu cho trong những sự họ lấy mà khoe mình, chẳng có một sự nào trỗi hơn chúng tôi được” (2Cô. 11:12).
A.. W. Tozer viết như sau: “‘Một cây làm chẳng nên non’ là câu nói cửa miệng của những nhà lãnh đạo chính trị nham hiểm, và Satan cũng biết cách làm thế nào để lừa bịp Dân Chúa bằng câu ‘Ba cây chụm lại thành hòn núi cao’… Sức mạnh nằm bên trong sự hiệp nhất của những yếu tố tương đồng, và cũng nằm bên trong sự phân rẽ của những yếu tố dị biệt… Mọi người đều mong ước sự hòa bình, nhưng phấn hưng chỉ có thể đến sau lưỡi gươm của Đức Chúa Jêsus Christ”. Đức Chúa Jêsus phán:
“34Chớ tưởng rằng Ta đến để đem sự bình an cho thế gian; Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. 35Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình” (Ma. 10:34-36).
 
III. NGƯỜI HIẾU HÒA
 
Ai cũng biết Đức Chúa Jêsus là Sứ Giả Bình An từ Thiên Thượng, Ngài là Đấng Hiếu Hòa, nhưng chính Ngài lại phán những lời lạ lùng ấy! Điều này giúp cho chúng ta biết được rằng sự bình an mà Đức Chúa Jêsus thiết lập không cùng một loại theo quan niệm của thế gian. Sự bình an mà Đức Chúa Jêsus đem đến cho chúng ta không chỉ có nghĩa là một trạng thái không tranh chiến. Sứ mệnh thiêng liêng của Đức Chúa Jêsus là đem mọi người trở về với Đức Chúa Trời. Việc đem nhân loại trở về với Đức Chúa Trời là việc lội dòng nước ngược, là làm thay đổi các thứ tự ưu tiên. Đem nhân loại trở về với Đức Chúa Trời là giúp cho “những kẻ có lòng khó khăn” biết “than khóc” cho thân phận mình để trở thành “những kẻ nhu mì”, biết “đói khát sự công bình”, trở nên “hay thương xót”,  và “có lòng trong sạch”. Đem nhân loại trở về với Đức Chúa Trời đồng nghĩa với việc chấp nhận một cuộc tranh chiến toàn diện và triệt để! Tuy nhiên, đó mới là sự vận động chân chính của quá trình dẫn đến hình thành con người hiếu hòa, thái độ hiếu hòa: Hòa thuận với Đức Chúa Trời, hòa hợp chính trong bản thân, nhiên hậu mới hòa bình được với tha nhân. Đức Chúa Jêsus là xuất phát điểm mà cũng là đích điểm của tiến trình ấy:
“Bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời” (Côl. 1:20).
Không thể làm một người hiếu hòa khi vấn đề tội lỗi đối với Đức Chúa Trời chưa được xử lý xong. Tuy nhiên, không thể xử lý được vấn đề tội lỗi đối với Đức Chúa Trời mà không thông qua Đức Chúa Jêsus:
“Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ…” (1Ti. 2:5).
“Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời…” (1Phi. 3:18).
“Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (Rô. 5:1).
Trạng thái nội tại của con người khi chưa tiếp nhận sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus là trạng thái tự tranh chiến giữa các yếu tố xung khắc nhau trong lý trí, ý chí, và tình cảm. Sự bình an với Đức Chúa Trời sẽ thay đổi nhân sinh quan, thế giới quan, và phương pháp luận của mỗi người đã từng một thời bị cầm tù trong sự lừa dối của kẻ thù thuộc linh là tư dục, thế gian, và Ma Quỉ. Sự bình an ấy có tác dụng khai phóng viễn cảnh của chúng ta. Một người sau khi thiết lập trở lại quan hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời qua việc tiếp nhận sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus vẫn mang tên gọi cũ, vẫn còn thân xác cũ, nhưng lại là một con người đã được đổi mới về bản chất và trong các mối quan hệ; và mọi sự trở nên hòa hợp trong họ:
“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2Cô. 5:17).
“Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Phil. 4:17).
Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là “hãy cầu sự bình an với mọi người” (Côl. 3:15), thế nhưng sự bình an thể hiện qua thái độ hiếu hòa chân chính chỉ có thể có trong đời sống công nghĩa của những con người đã được xưng công nghĩa bởi Ân Điển của Đức Chúa Trời:
“Vả, bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy” (Gia. 3:18).
“Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta” (2Cô. 5:18).
 
“Con Đức Chúa Trời” có hai nghĩa: (1) Nghĩa xác lập: Được tái sanh bởi Đức Chúa Trời, và (2) Nghĩa thể hiện: Sống đời sống tái sanh. Theo phương diện thứ nhất, chỉ có trở thành con cái của Đức Chúa Trời bằng việc tiếp nhận sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus người ta mới có thể trở nên “kẻ làm cho người hòa thuận”. Theo phương diện thứ hai, “kẻ làm cho người hòa thuận” xác lập được chức phận con Đức Chúa Trời của mình trong thực tế cuộc sống bằng đời sống hiếu hòa. Trong lời dạy “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”, từ liệu “con” (Gk. huios) nhấn mạnh đến địa vị cao trọng được thể hiện ra trong đời sống thực tiễn. “Được gọi là con Đức Chúa Trời” tức là được nhìn nhận qua thực tế rằng đã có được sự bình an thật mà Đức Chúa Trời trao ban trong và qua Đức Chúa Jêsus, có sự bình an bản thân của một đời sống tái sanh, và có sự bình an với tha nhân trong chức vụ giảng hòa bằng Tin Lành Cứu Rỗi: “Con Đức Chúa Trời” phải sống rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi họ “ra khỏi nơi tối tăm, đến nới sáng láng lạ lùng của Ngài” (1Phi. 2:9). Họ là “kẻ làm cho người hòa thuận” chứ không còn là người thỏa hiệp, đầu hàng, hay gieo bất hòa vì lợi ích ích kỷ nữa.
 
(Rev. Doan Nhat Tan, PhD)
7_phuocchonhungkelamchonguoihoathuan_ma._5_9_.pdf
File Size: 824 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách