“VÀI ĐIỀU VỀ VIỆC GIỮ LỄ PHỤ THÂN” (Êph. 6:1-3) “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Êph. 6:1-3) Các Hội Thánh Tin Lành có truyền thống giữ Lễ Phụ Thân và sự thật là qua Lễ Phụ Thân trong các Hội Thánh luôn có được những ơn ích rõ ràng cho Dân Chúa. Dầu vậy, vẫn có người đặt vấn đề có nên giữ Lễ Phụ Thân trong Hội Thánh hay không. Giải đáp cho nghi vấn này sẽ tùy vào việc lễ này có hợp Kinh Thánh hay không. Ngày Lễ Phụ Thân là một ngày được dành riêng để tôn cao phụ quyền qua việc ghi nhận vai trò và thẩm quyền của người cha trong gia đình và xã hội đồng thời qua đó mà làm cho bền chặt hơn mối liên hệ cha con trong gia đình. Trên thực tế, Lễ Phụ Thân cũng còn là dịp để tưởng nhớ các bậc cha ông đã khuất. Ở Hoa Kỳ, Lễ Phụ Thân được thực hiện vào ngày Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng Sáu hàng năm. Thế nhưng ở các nước khác Lễ Phụ Thân được giữ theo những ngày khác nhau. Người ta cho rằng ngày Lễ Phụ Thân đầu tiên đã được thực hiện vào Chúa Nhật ngày 19. 06. 1910 ở Spokane, Washington sau nổ lực vận động của Sonora Smart Dodd (1882 - 1978) là một nữ Cơ Đốc Nhân và là con gái của một cựu chiến binh thời nội chiến tên là William Jackson Smart (1842 - 1919). Mẹ của Sonora đã qua đời khi Sonora mới lên năm tuổi. Khi lớn lên bà muốn cả nước phải có một ngày để tưởng nhớ đến công ơn của những người làm cha như cha của mình. Khi Sonora mới bắt đầu vận động sự ủng hộ cho ý tưởng của mình bà đã gặp phải nhiều sự chống đối nhưng bà đã bền chí theo đuổi cho đến cùng. Một đạo luật về vấn đề này đã được đệ trình Quốc Hội năm 1913 và đến năm 1916 Tổng Thống Woodrow Wilson (1856 - 1924, The 28th US President) đã đọc diễn văn tại Lễ Phụ Thân ở Spokane, Washington để bày tỏ ý muốn ngày lễ này phải được chính thức thông qua nhưng sau đó Quốc Hội vẫn không tán thành. Đến năm 1924 Tổng Thống Calvin Coolidge (1872 - 1933, The 30th US President) bắt đầu tham gia cuộc vận động cho Lễ Phụ Thân và đến năm 1930 một ủy ban quốc gia đã được một số hội đoàn hiệp lại lập ra để tiếp tục đấu tranh cho việc hợp pháp hóa ngày lễ. Cuộc vận động cứ tiếp diễn mãi cho đến năm 1966 Tổng Thống Lyndon B. Johnson (1908 - 1973, The 36th US President) đã chính thức tuyên bố ngày Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu hàng năm là ngày Lễ Phụ Thân. Cuối cùng, Lễ Phụ Thân đã chính thức được kể là quốc lễ sau khi Tổng Thống Richard Nixon (1913 - 1994, The 37th US President) ký một tuyên bố về ngày lễ này năm 1972. Mặc dầu Kinh Thánh không hề chỉ định bất cứ ngày nào là ngày để tưởng nhớ công ơn của người làm cha cả nhưng đồng thời Kinh Thánh cũng cho thấy việc đề cao chức phận cha, nhất là đối với người giữ vai trò tiên phong trên một lĩnh vực nào đó; chẳng hạn như nghề chăn nuôi du mục mà người đứng đầu là Giabanh, hay nghề chế tác và sử dụng nhạc khí là Giubanh, hoặc nghề rèn là TubanhCain: “17Đoạn, Cain ăn ở cùng vợ mình, nàng thọ thai và sanh được Hênóc; Cain xây một cái thành đặt tên là Hênóc, tùy theo tên con trai mình. 18Rồi, Hênóc sanh Yrát; Yrát sanh Mêhudaên; Mêhudaên sanh Mêtusaên; Mêtusaên sanh Lêméc. 19Lêméc cưới hai vợ; một người tên là Ađa, một người tên là Sila. 20Ađa sanh Giabanh; Giabanh là tổ phụ của các dân ở trại và nuôi bầy súc vật. 21Em người là Giubanh, tổ phụ của những kẻ đánh đàn và thổi sáo. 22Còn Sila cũng sanh TubanhCain, là người rèn đủ thứ khí giới bén bằng đồng và bằng sắt. Em gái của TubanhCain là Naama” (Sáng. 4:17-21) Việc Đức Chúa Trời xem trọng chức phận cha còn được nhận thấy rõ hơn qua việc Ngài phán với Ápraham: “Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Ápram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc” (Sáng. 17:5) Như vậy vai trò quan trọng của cha (“tổ phụ”, Hb. בא [‘ab] - “cha”) được Kinh Thánh nêu ra khá rõ. Tính quan trọng của chức phận cha được hoàn toàn rõ nét khi Đức Chúa Trời tự nhận chức phận Cha của Ngài: “43Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, 44Song Ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, 45hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác” (Ma. 5:43-45) “…Lạy Cha chúng tôi ở trên trời…” (Ma. 6:9) “30Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 31Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? 32Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma. 6:30-33) Sứ Đồ PhaoLô dạy cho biết rằng tôn trọng cha không chỉ là huấn thị mà còn là điều răn, mà đã là điều răn thì tất phải có giá trị đời đời: “1Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), 3hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Êph. 6:1-3) Như vậy việc giữ Lễ Phụ Thân là một ngày được dành riêng để tôn cao phụ quyền qua việc ghi nhận vai trò và thẩm quyền của người cha trong gia đình và xã hội đồng thời qua đó mà làm cho bền chặt hơn mối liên hệ cha con trong gia đình là một việc làm phản ánh được ý thức vâng lời Đức Chúa Trời về vấn đề tôn trọng chức phận cha. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
December 2022
Categories |