“HỘI THÁNH LÀ GÌ?” (Ma. 16:13-19) “Anh em cũng như đá sống, được xâynên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:5) Sứ Đồ Phaolô cho biết rằng sự huyền nhiệm về Hội Thánh là “lẽ mầu nhiệm trong các đời khác chưa từng được phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các Sứ Đồ thánh và Tiên Tri của Ngài” (Êph. 3:5). Lẽ Thật về Hội Thánh đã được kín giấu cho đến lúc Đức Chúa Jêsus tuyên bố công khai về việc thiết lập Hội Thánh của Ngài trong tương lai (Ma. 16:18). Sau đó, Hội Thánh đã được đề cập đến như một thực thể hiện tại khi Sách Công Vụ Các Sứ Đồ cho biết rằng “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công. 2:47). Để có thể làm tròn phận sự thành viên trong Hội Thánh Địa Phương, chúng ta phải học biết giáo lý về Hội Thánh… Câu hỏi được nêu lên ở đây là “Theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời, Hội Thánh là gì?” A. HỘI THÁNH THEO SỰ NHÌN NHẬN CỦA CHÚNG TA Chúng ta đã chịu ảnh hưởng của nhiều quan điểm và lề lối phi Kinh Thánh, thiếu lành mạnh đối với đời sống của Hội Thánh khiến cho nhiều khi Hội Thánh không còn trong sáng và hiệu quả theo sự kỳ vọng của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tìm hiểu lại Đức Chúa Jêsus kỳ vọng gì ở Hội Thánh của Ngài. Ngày nay có quá nhiều sự vỡ mộng trong lòng các tín hữu về Hội Thánh. Nhìn chung, chúng ta dễ nhận ra một tâm trạng “mệt mỏi về Hội Thánh, nhưng đồng thời vẫn biết khát khao về Đức Chúa Trời”. Sự thật là có cả những người không còn chút hy vọng nào về Hội Thánh và quả quyết rằng họ “sẽ không bao giờ trở lại với Hội Thánh”. Khi nói về nguyên nhân làm cho “chán” Hội Thánh, người ta có thể kể ra được rất nhiều nguyên nhân, và nguyên nhân nào trông cũng “có vẻ” xác đáng cả! Điều hiển nhiên không thể chối cãi là có nhiều sự bất mãn đối với Hội Thánh vì nhận thấy Hội Thánh thiếu xứng hiệp, thiếu hữu ích, và có vẻ lãng phí thời gian… Sự nhìn nhận về Hội Thánh khác nhau tùy nhận thức cá nhân. Có người nhìn nhận Hội Thánh theo quan điểm “cơ quan” với tính cấu trúc và hành chính cao; cho rằng Hội Thánh phải đủ tính bề thế để họ có thể đứng dưới tên của nó. Có người nhìn Hội Thánh theo quan điểm “cấp dưỡng”; xem Hội Thánh là nơi phải cung cấp cho được âm nhạc họ yêu và bài giảng họ thích. Có người nhìn nhận Hội Thánh theo quan điểm “học tập”; muốn Hội Thánh phải là một loại viện giáo dục_đào tạo với một loại hình giảng dạy không chỗ trách được… Nhìn chung có nhiều tín hữu trông có vẻ đã quên mất (hay chưa biết?) ý nghĩa và giá trị chân chính của Hội Thánh; do đó, họ không có được niềm vui và sự thỏa lòng khi đến với Hội Thánh khiến cho Hội Thánh, đối với họ, chỉ là một “nơi” mà họ có thể tùy tiện đến hoặc không đến chứ không phải là cộng đoàn mà họ phải kết ước gắn bó. B. HỘI THÁNH THEO SỰ NHÌN NHẬN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI Khi nghiên cứu từ liệu “Hội Thánh” trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều thú vị. Từ liệu “Hội Thánh” (Gk. “ekklesia”) chỉ được Đức Chúa Jêsus sử dụng vỏn vẹn có 3 lần (Ma. 16:18; 18:17[2 lần]), nhưng tổng số lần được các Trước Giả Tân Ước sử dụng lại lên đến 111 lần: Sứ Đồ Phaolô nhắc đến “Hội Thánh” 62 lần, Sứ Đồ Luca sử dụng từ liệu này 23 lần, Sứ Đồ Giăng sử dụng từ liệu ấy 20 lần trong Sách Khải Huyền, và các Trước Giả khác đã sử dụng từ liệu “Hội Thánh” 6 lần. I. Hội Thánh Là Một Cộng Đoàn Thứ nhất, chúng ta cần để ý rằng “Hội Thánh” nói về “con người” chứ không phải về “nơi chốn”. Hội Thánh là tập thể những người được Đức Chúa Trời gọi riêng ra cho Ngài. Trong Tiếng Hylạp, “Hội Thánh” là “ekklesia” với nghĩa nguyên thủy là một nhóm người được gọi ra riêng khỏi các công dân khác. Họ được gọi riêng ra để được hướng dẫn, dạy dỗ, và để thống nhất về những quyết định nào đó. Sau khi người của một “ekklesia” gặp riêng nhau rồi, họ trở về lại gia đình của mình, truyền đạt cho những người còn lại những điều họ đã thống nhất với nhau. Người của một “ekklesia” hành sự như sứ giả nhưng cũng đồng thời là hành giả cho các quyết định của cộng đồng (“ekklesia”) của họ. Đức Chúa Trời kính yêu của chúng ta cũng đã hành sự trong một vai trò tương tự. Đức Chúa Trời đã đến để giảng về và khởi sự cho sự trị vì yêu thương của Ngài ngay trên thế gian này. Đức Chúa Trời đã đến thế gian để kêu gọi nhân loại nhờ Ngài mà vùng dậy khỏi tội lỗi của họ. Ngài đã kêu gọi những người được lựa chọn ra khỏi quỉ quốc của tội lỗi dưới ách cai trị của quỉ vương Satan. Ngài đã kêu gọi Dân Ngài ra khỏi thảm trạng của họ, làm cho họ trở nên một cộng đoàn mới ngay giữa một xã hội cũ: “17Ta sẽ bảo hộ ngươi giữa dân nầy và dân ngoại là nơi Ta sai ngươi đến, 18đặng mở mắt họ, hầu cho họ từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Satan mà đến Đức Chúa Trời, và cho họ bởi đức tin nơi Ta được sự tha tội, cùng phần gia tài với các thánh đồ” (Công. 26:17-18). Đức Chúa Trời đã tập hợp Dân Ngài lại trong một thực thể gọi là Hội Thánh với sự thể hiện hữu hình của các Hội Thánh Địa Phương. Hội Thánh với các Hội Thánh Địa Phương của Đức Chúa Trời là một sự biểu hiện cho Vương Quốc Đức Chúa Trời là một thực thể thuộc linh còn mang tính vô hình trong hiện tại và sẽ là một thực thể thuộc linh có tính hữu hình trong tương lai. Hội Thánh là thực thể nói lên rằng Đức Chúa Trời đang trị vì… “19Dường ấy, anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời. 20Anh em được dựng lên trên nền của các Sứ Đồ, cùng các Đấng Tiên Tri, chính Đức Chúa Jêsus là Đá Góc Nhà, 21cả Cái Nhà đã dựng lên trên Đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một Đền Thờ Thánh trong Chúa. 22Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào Nhà đó, đặng trở nên Nhà Ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Êph. 2:19-22). Hội Thánh là thực thể nói lên rằng Vương Quốc Đức Chúa Trời đang thực hữu… Tiếng nói của sự kêu gọi, của sự ăn năn, của sự tha thứ, của sự đầu phục Đức Chúa Trời phải được nghe từ Hội Thánh của Đức Chúa Trời: “Ta sẽ giao chìa khóa Nước Thiên Đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ được mở ở trên trời” (Ma. 16:19). II. Hội Thánh Thuộc Về Duy Nhất Đức Chúa Trời Thứ hai, Đức Chúa Jêsus phán cho biết rằng Hội Thánh là thuộc về Ngài và Ma. 16:18 là nơi đầu tiên mà lẽ thật ấy được khải thị: “Còn Ta, Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phierơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa Âm Phủ chẳng thắng được Hội đó” Đây là lời phán về một lẽ thật gây ngạc nhiên. Đức Chúa Jêsus tỏ cho biết Hội Thánh của Ngài là một thực thể bất bại trước mọi đối thủ bất kỳ! “Các cửa Âm Phủ” không thể thủ thắng được trước Hội Thánh của Đức Chúa Trời! Quyền lực hung hãn của mọi thế lực thù địch không chận đứng được bước tiến của Hội Thánh vì Hội Thánh là “Hội Thánh Ta” – Hội Thánh của chính Đức Chúa Trời hằng sống! Lẽ thật ấy đã được Sứ Đồ Phaolô nhắc lại: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công. 20:28). Phận sự của chúng ta đối với Hội Thánh là trọng đại; và, theo sự định mạng của Đức Chúa Trời, nghĩa vụ của Ngài đối với Hội Thánh là một nghĩa vụ nghiêm túc. Vì Hội Thánh là của chính Đức Chúa Trời nên Đức Chúa Jêsus chẳng những công bố chủ quyền Ngài trên Hội Thánh mà Ngài cũng còn bày tỏ cho thấy sự hy sinh tận tụy của Ngài đối với Hội Thánh nữa: “25… Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, 26để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, 27đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Êph. 5:25-27). III. Đức Chúa Trời Lãnh Đạo Hội Thánh Lẽ Thật thứ ba về Hội Thánh được bày tỏ qua sự dạy dỗ của Sứ Đồ Phaolô về quyền Nguyên Thủ của Đức Chúa Jêsus đối với Hội Thánh: “Ấy cũng chính Ngài là Đầu của Thân Thể, tức là Đầu Hội Thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng” (Côl. 1:18). “22Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm Đầu Hội Thánh, 23Hội Thánh là Thân Thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” (Êph. 1:22-23). Quyền Nguyên Thủ có nghĩa là quyền lãnh đạo. Đức Chúa Jêsus nắm quyền Nguyên Thủ có nghĩa là Ngài là Lãnh Đạo Tối Cao của Hội Thánh và Ngài lãnh đạo Hội Thánh toàn diện và tuyệt đối. Để Đức Chúa Jêsus thực sự lãnh đạo Hội Thánh, chúng ta phải nghe theo Ngài, tức thuận phục Ngài trong mọi sự. Có khi chúng ta nhìn sai hướng trên vấn đề lãnh đạo Hội Thánh. Thay vì nhận thức một cách rõ ràng và thường trực rằng chính Đức Chúa Jêsus mới là Lãnh Đạo chân thực của Hội Thánh, chúng ta lại lấy các nhà lãnh đạo của Hội Thánh và quyền lãnh đạo Hội Thánh được Chúa trao làm điểm dừng cho quan niệm lãnh đạo Hội Thánh của chúng ta! Loại nhận thức trục trặc này vốn có tuổi thọ từ thời Hội Thánh sơ kỳ: “ 12Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phaolô; - Ta là của Abôlô; - Ta là của Sêpha; - Ta là của Đấng Christ. 13Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phaolô chịu đóng đinh trên Cây Thập Tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phaolô mà chịu Báptêm sao?” (1Cô. 1:12-13). Vì Đức Chúa Jêsus là Lãnh Đạo tối cao và thực sự của Hội Thánh, Hội Thánh được gọi là “Thân Thể Đấng Christ”: “Nay tôi lấy làm vui về sự tôi đã chịu khổ sở vì anh em, tôi lại vì Thân Thể Đấng Christ, là Hội Thánh, mà đem xác thịt mình chịu hết các điều còn lại trong sự thương khó của Ngài” (Côl. 1:24). Hội Thánh Cơ Đốc Phổ Thông thực sự bao gồm tất cả những người đã được cứu trong Định Kỳ Hội Thánh và là những người được kết hiệp bởi sự Báp Tem của Đức Thánh Linh vào trong Đức Chúa Jêsus và kết hiệp với nhau trong Ngài để hợp thành một Thân Thể Huyền Nhiệm mà Ngài là Đầu và là Sự Sống, và trở nên Cô Dâu đã hứa của Ngài. Hội Thánh Cơ Đốc Phổ Thông được biểu thị qua các Hội Thánh Địa Phương. Các kẻ thù thuộc linh của chúng ta luôn luôn muốn làm giảm lòng kính yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời (1Gi. 2:15) và phải bận tâm với những ý nghĩ trái với ý muốn của Đức Chúa Trời (Êph. 5:17). Tuy nhiên, chúng ta đang giữ chức Thầy Tế Lễ trong Hội Thánh, chúng ta phải sống đẹp ý Chúa: “Anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:5). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
December 2022
Categories |