REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ BIỆN”

4/6/2022

 
Picture
“PHONG TRÀO TÚY ÂN SO VỚI QUAN ĐIỂM HỢP KINH THÁNH VỀ ĐỨC THÁNH LINH”
(1Cô. 2:12-13)
“Về phần chúng ta,
chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian,
nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến,
hầu được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời;
chúng ta nói về ơn đó,
không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu,
song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy,
dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng.”
(1Cô. 2:12-13)
​GIỚI THIỆU:
 
Tôi nhớ có vài lần được nghe Tiến Sĩ Singleton nói rằng điều cần thiết hiện nay là phải có một sự nhận thức đúng về Đức Thánh Linh trong Hội Thánh Địa Phương. Có nhiều người giữa vòng chúng ta ngại đề cập đến Đức Thánh Linh và Mục Vụ của Ngài. Người ta thường hay nói rằng chỉ tập trung vào Lời Kinh Thánh mà không chú ý gì đến Đức Thánh Linh sẽ khiến cho Hội Thánh khô hạn, còn chỉ tập trung vào Đức Thánh Linh mà không chú ý gì đến Lời Kinh Thánh sẽ làm cho Hội Thánh nổ tung, nhưng một sự gắn bó chặt chẽ và cân bằng giữa Lời Kinh Thánh và Đức Thánh Linh sẽ giúp cho Hội Thánh tăng trưởng vững chắc. Điều rõ ràng là ngày nay một trong những chủ đề thần học gây nhiều tranh luận nhất là về Đức Thánh Linh. Giáo lý Kinh Thánh về Đức Thánh Linh được trình bày đầy đủ hơn trong Kinh Thánh Tân Ước. Thế nhưng cũng cần nên biết rằng có đến hai mươi ba Sách Cựu Ước đề cập Đức Thánh Linh. Chỉ riêng trong các Sách Cựu Ước đã có đến tám mươi tám lần Đức Thánh Linh được nhắc đến.
 
Hãy Suy Nghĩ Về Điều Này…
Sự thật là cả trong thời kỳ “Cơ Đốc Giáo Côrinhtô” mà Sứ Đồ PhaoLô sống lẫn trong thời kỳ “Cơ Đốc Giáo Túy Ân” mà chúng ta sống ngày nay đề có một sự bóp méo về vai trò của Đức Thánh Linh.
 
Khái Quát Về Giáo Lý Đã Bị Ngộ Độc…
Rõ ràng là đã có những tín hữu thật bị đánh lừa và đã trở thành người trong Phong Trào Túy Ân. Tuy nhiên, cũng cần phải ghi nhận là ngay từ trong gốc gác của Phong Trào Túy Ân đã có nhiều loại sự tin tưởng khác nhau do các loại thần học ngộ độc tạo ra. Sau đây là một số điểm chính mà Phong Trào Túy Ân tin:
1. “Nếu Chưa Biết Nói Tiếng Lạ Tức Là Chưa Được Cứu”
Lẽ Thật Kinh Thánh là “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Êph. 2:8). Đặc trưng của đức tin thật theo Kinh Thánh sống trong Ân Điển theo tình yêu thương, tách ly với thế gian tội lỗi.
2. “Nếu Chưa Biết Nói Tiếng Lạ Tức Là Chưa Đầy Dẫy Đức Thánh Linh”
Lẽ Thật Kinh Thánh là nếu ai chưa có Đức Thánh Linh thì người ấy chưa được cứu: “Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài” (Rô. 8:9)
3. “Nếu Người Ta Hiệp Ý Với Nhau Tất Đức Chúa Trời Sẽ Thuận Theo Ý Của Họ”
Lẽ Thật Kinh Thánh cho thấy rằng Chúa sẽ nhậm lời cầu nguyện nhưng lời cầu nguyện phải phục theo ý chỉ của Đức Chúa Trời: “Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia” (Gia. 4:15)
4. “Nếu Cầu Nguyện Đúng Cách Đức Chúa Trời Sẽ Chữa Lành Cho Người Bệnh”
Có một sự hiểu sai đối với Ês. 53:5, “Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh”. Lẽ Thật Kinh Thánh này cho biết Sự Đền Tội Thay có giải quyết vấn đề hậu quả của tội lỗi. Lẽ Thật Kinh Thánh cũng cho biết rằng Sự Đền Tội Thay cũng có tác dụng đảo ngược hậu quả của rội lỗi. Tuy nhiên, Lời Kinh Thánh này không hề dạy rằng các tín hữu có “quyền” đối với sự chữa lành thể theo Sự Đền Tội Thay.
5. “Có Những Tín Hữu Được Xức Dầu Khiến Họ Trở Nên Ưu Đẳng Hơn”
Mặc dầu dưới thời Cựu Ước đã từng có những người được chọn để thi hành những công vụ đặc biệt và rất có thể họ đã được xức dầu bởi Thiên Thượng nhưng dưới Định Kỳ Ân Điển (Định Kỳ Hội Thánh) Kinh Thánh cho biết rằng mọi tín hữu thật đều đã được xức dầu chứ chẳng có ai là tín hữu cao cấp hơn ai: “Vả, Đấng làm cho bền vững chúng tôi với anh em trong Đấng Christ, và đã xức dầu cho chúng tôi, ấy là Đức Chúa Trời” (2Cô. 1:21).
6. “Đức Chúa Trời Vẫn Còn Đang Ban Cho Các Sứ Điệp Tiên Tri Và Có Thẩm Quyền Ngoài Kinh Thánh”
7. “Làm Cho Tất Cả Con Cái Ngài Trở Nên Giàu Có, Thịnh Vượng Là Chương Trình Của Đức Chúa Trời” Đức Chúa Trời Dành Cho Dân Ngài.
8. “Chiêm Bao, Khải Tượng Là Bộ Phận Của Sự Khải Thị Mới”
9. “Cường Điệu Về Vấn Đề Quyền Lực Của Satan”
10. “Không Quan Tâm Đến Các Nguyên Tắc Kinh Thánh Về Vấn Đề Vai Trò Của Nam Giới Và Nữ Giới Trong Hội Thánh”
11. “Hiểu Sai Về Bản Chất Và Mục Đích Của Phép Lạ”
12. “Hiểu Sai Về Phép Báptêm Thánh Linh Và Sự Đầy Dẫy Đức Thánh Linh”
13. “Sự Nhấn Mạnh Đối Với Kinh Nghiệm Là Yếu Tố Chính Cho Xu Hướng Truyền Giảng Quyền Năng Giữa Vòng Phong Trào Túy Ân”
 
Chúng ta sẽ nhận thấy rằng ở đây Sứ Đồ PhaoLô tiếp tục tập trung giải quyết một vấn để giúp cho các tín hữu ở Côrinhtô hiệp nhất, đó là một quan điểm thống nhất và cố kết về Tin Lành. Sứ Đồ PhaoLô giải thích về vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống của người tín hữu. Ở đây cũng như ở các phần sau chúng ta sẽ nhận ra rằng đã từng có một sự ngộ nhận đáng kể về Đức Thánh Linh. Những sự ngộ nhận như thế vẫn cứ còn cho đến ngày nay. Bốn chức năng của Đức Thánh Linh mà chúng ta cần phải học biết là…
 
I. Đức Thánh Linh Dò Xét (C. 10-11)
 
A. Sự hiểu biết thuộc linh đến từ Đức Thánh Linh. Điều này thuộc về Mục Vụ Soi Sáng của Đức Thánh Linh (C. 10-11).
 
B. Sự hiểu biết thuộc linh chỉ đến từ Đức Thánh Linh khi người tín hữu biết tìm kiếm sự “sâu nhiệm” của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài (C. 10b)
 
II. Đức Thánh Linh Ở Cùng Tín Hữu (C. 12)
 
A. Tất cả mọi tín hữu đều được Đức Thánh Linh ở cùng. Sự ở cùng này chẳng phải chỉ vì sự cứu rỗi mà còn là để cho họ “được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời” (C. 12). “Sự Ở Cùng” của Đức Thánh Linh là sự ở cùng vĩnh viễn vốn đã được khởi xuất từ sự tái sinh cho mỗi tín hữu.
1. “Sự Ở Cùng” của Đức Thánh Linh là phổ quát cho mọi tín hữu (Rô. 8:9; 1Cô.  12:13).
2. Đức Thánh Linh ở trong thân thể của tín hữu (Gi. 7:37-39; 1Cô. 3:16; 6:19).
3. Sự Ở Cùng của Đức Thánh Linh là một “sự ban cho” (Công.2:38; 10:45; 11:17).
4. Sự Ở Cùng của Đức Thánh Linh xảy ra tức thì và tồn tại vĩnh viễn (Gi. 14:16).
 
B. Sự Ở Cùng này của Đức Thánh Linh là kết quả của việc được báptêm trong Đức Thánh Linh. hãy chú ý vài đặc điểm sự báptêm trong Đức Thánh Linh.
 
1. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh chỉ có trong Định Kỳ Hội Thánh. Khi đề cập đến sự báptêm trong Đức Thánh Linh các Sách Tin Lành đã đề cập như một sự kiện tương lai vậy (Ma. 3:11; Mác 1:8; Lu. 3:16; Gi. 1:33). Điều này không có nghĩa là các thánh đồ Cựu Ước đã không hề được tái sinh hay đầy dẫy Đức Thánh Linh. Điều này chỉ có nghĩa là các thánh đồ Cựu Ước đã không hề được báptêm vào Thân Thể của Đấng Christ tức là Hội Thánh.
2. Ngày Lễ Ngũ Tuần (mười ngày sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên về Thiên Đàng) đánh dấu sự bắt đầu của sự báptêm trong Đức Thánh Linh (Công. 1:5; Công. 11:15-16).
3.   Trong tương lai, Cuộc Đón Nhận của Đức Chúa Jêsus sẽ kết thúc Sự báptêm trong Đức Thánh Linh (1Tê. 4:16-17).
4. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh là phổ quát cho mọi tín hữu thật trong Định Kỳ Hội Thánh (1Cô. 12:13; Êph. 4:5).
5. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh đã diễn ra tại lúc một người được  tái sinh và sẽ không bao giờ tái diễn cả.
6. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh không đến từ kinh nghiệm mà cũng không được đặt nền tảng trên sự kinh nghiệm. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh là một sự qui định và minh thị Thiên Thượng gắn liền với sự quyết nghị xưng công bình Thiên Thượng. Điều này có nghĩa là sự báptêm trong Đức Thánh Linh, từ góc độ của tín hữu, là một sự kiện mang tính thụ nhận chứ không phải tác tạo. Sự báptêm trong Đức Thánh Linh không hề tạo ra bất cứ sự cảm nhận nào của lương tâm hay xúc cảm của thân thể cả. (Xúc cảm có thể vẫn thường gắn liền theo sự kiện được cứu rỗi nhưng chẳng phải vì thế mà xúc cảm là điều kiện ắt có và đủ đối với sự báptêm trong Đức Thánh Linh).
7. Các kết quả của sự báptêm trong Đức Thánh Linh:
a. Có được chức phận thành viên trong Thân Thể Đấng Christ tức là Hội Thánh Phổ Quát (1Cô. 12:13).
                           b. Sự hiệp nhất với Chúa (Gal. 3:27; Công. 9:4).
c. Sự hiệp nhất với các tín hữu khác trong Hội Thánh (Gi. 17:21-23; Rô. 12:4-5; 1Cô. 12:12).
Chú Ý: Sự báptêm trong Đức Thánh Linh không phải là một kinh nghiệm mang tính bước ngoặt theo sau việc nhận được sự cứu rỗi.
 
C. Có nhiều Cơ Đốc Nhân thuần thành vẫn còn lẫn lộn giữa sự báptêm trong Đức Thánh Linh với sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Sau đây là một số đặc điểm của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh:
 
1. Được đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là được Đức Thánh Linh điều khiển.
2. Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là một vấn đề có tính số lượng.
Ngay tại lúc một người được cứu, người ấy có được ngay lập tức 100% Đức Thánh Linh chứ không thể là 25%, 50%, hay 75% vì Đức Thánh Linh là một Thân Vị. Thế nhưng chẳng phải Đức Thánh Linh luôn luôn có được 100% sự đầu phục của người tín hữu. Thể theo mức độ người tín hữu đầu phục Đức Thánh Linh, tức kể mình như đã chết về tội lỗi để sống cho Đức Chúa Jêsus, họ sẽ có được mức độ đầy dẫy Đức Thánh Linh tương ứng. Tôi tin rằng có hậu thuẫn Kinh Thánh cho việc hiểu về “mức độ” đầy dẫy Đức Thánh Linh của người tín hữu.
3. Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là một sự kinh nghiệm liên tục.
Khác với Mục Vụ của Đức Thánh Linh trong sự báptêm trong Đức Thánh Linh, tái sinh, ở cùng, ấn chứng là những sự kiện chỉ xảy ra có một lần duy nhất còn sự đầy dẫy Đức Thánh Linh là một tiến trình tái diễn liên tục (Sv. Êph. 5:18, động từ ở thì hiện tại). Sự khởi đầu của tiến trình đầy dẫy Đức Thánh Linh xảy ra tại thời điểm một người được cứu chứ không phải xảy ra sau đó hoặc là một sự kinh nghiệm mang tính bước ngoặt gì cả.
4. Kết quả của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh:
a. Có sức để chống lại sự cám dỗ (Lu. 4:1-2)
b. Có năng lực để rao Tin Lành (Công. 4:5-6)
c. Có sự dạn dĩ để làm chứng (Công. 4:23, 31)
d. Có sự trang bị cho Hội Thánh Địa Phương (Công. 6:1-3)
e. Có sự dũng cảm đối với sự chết (Êtiên trong Công. 7:54-58)
f. Có quyền năng để cao rao Danh của Đức Chúa Jêsus (Công. 9:17-20)
g. Có bông trái của Đức Thánh Linh (Gal. 5:22-23)
h. Có sự cảm tạ và chúc tụng trong lòng (Êph. 5:18-21)
5. Điều kiện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh:
a. Sự đầu phục (Rô. 6:13)
b. Sự xưng tội (Êph. 4:30)
c. Sự nương cậy Đức Thánh Linh (Gal. 5:16)
d. Đức tin được đổi mới bằng việc kể như chết về tội lỗi và sống cho Đức Chúa Jêsus (Rô. 6:11)      
e. Việc đáp ứng đối với các sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Chẳng có một mệnh lệnh Kinh Thánh nào về việc phải cầu xin cho được đầy dẫy Đức Thánh Linh cả. Chính Đức Chúa Trời sẽ làm cho người tín hữu được đầy dẫy Đức Thánh Linh, tức là Đức Thánh Linh sẽ điều khiển người tín hữu, ngay khi các điều kiện về sự đầy dẫy Đức Thánh Linh được người tín hữu đáp ứng. Đức Chúa Trời có đòi hỏi người tín hữu phải đầy dẫy Đức Thánh Linh (Hê. 5:18) nhưng Ngài không đòi hỏi người tín hữu xin Ngài làm cho họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, có một sự liên quan giữa việc đầy dẫy Đức Thánh Linh với sự cầu nguyện. Chú Ý:
Theo Công. 4:24-31 thì “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (C. 31). Đoạn văn Kinh Thánh này nhằm mô tả sự việc chứ không hề có ý nói rằng vì có sự cầu nguyện mà việc đầy dẫy Đức Thánh Linh đã xảy ra; dẫu vậy sự cầu nguyện cũng đã được đề cập đến trong đoạn văn Kinh Thánh này.
Theo Êph. 3:14-19, Sứ Đồ PhaoLô đã cầu nguyện để xin Đức Chúa Trời, bởi Đức Thánh Linh, thêm sức cho các tín hữu Êphêsô chứ không phải là để đầy dẫy họ.
f. Việc đầy dẫy Đức Thánh Linh thường diễn ra trong bối cảnh của các sự kinh nghiệm quan trọng trong đời sống Cơ Đốc nhưng việc đầy dẫy này không đòi hỏi sự kinh nghiệm làm điều kiện. Những kinh nghiệm loại này chỉ đáng nên xem như “những phút vui thần” chứ không nên xem là “những kinh nghiệm đỉnh cao”.
 
III. Đức Thánh Linh Dạy Bảo (C. 13)
 
A. Đức Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta qua Lời Kinh Thánh. Cần ghi nhận là Sứ Đồ PhaoLô viết rằng “chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giãi bày sự thiêng liêng” (C. 13) cho thấy rằng Đức Thánh Linh dạy cho tín hữu “sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy”, tức đã được khải thị qua Kinh Thánh.
 
B. Theo Rô. 8:14 thì “con của Đức Chúa Trời” phải được “được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn” mà sự dắt dẫn qui chuẩn và phổ quát cả Ngài là qua Lời Ngài trong Kinh Thánh.
 
IV. Đức Thánh Linh Giáo Dưỡng (C. 14-16)
 
A. Đặc trưng của người chưa tin (“người thiên nhiên”) là họ không thể nào hiểu được những gì cần phải có sự phân biệt thuộc linh, “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (C. 14)
 
B. Đặc trưng của người tín hữu là họ rất quan tâm đến sự phâ biệt thuộc linh, “Nhưng người có tánh thiêng liêng xử đoán mọi sự, và chính mình không bị ai xử đoán” (C. 15).
 
C. Một đặc trưng khác của người tín hữu là họ có ý Chúa, “Vì ai đã biết ý Chúa, đặng dạy dỗ Ngài? Nhưng phần chúng ta, thì có ý của Đấng Christ” (C. 16)
 
KẾT LUẬN:
 
Là những tín hữu của Đức Chúa Jêsus chúng ta phải luôn nhớ rằng Đức Thánh Linh là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Ngài là một Thân Vị Thiên Thượng (2Sa. 23:2-3; Công. 5:1-4; 1Cô. 3:16). Chúng ta phải sẵn lòng chịu theo sự điều khiển của Ngài. Chúng ta không được phép sống theo kiểu “thử Thánh Linh của Chúa” (như Anania và Saphira trong Công. 5:9), “nghịch với Đức Thánh Linh” như Êtiên đã quở trách người Ysơraên (Công. 7:51), “khinh lờn Đức Thánh Linh” (Hê. 10:29), hoặc “nói dối cùng Đức Thánh Linh” (Công. 5:3). Nếu ngay giờ này chúng ta chịu đầu phục Ngài thì Ngài sẽ đầy dẫy chúng ta, Ngài sẽ khuyên bảo chúng ta, Ngài sẽ giải thoát chúng ta cũng ngay giờ này!
 
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
phong_trào_túy_Ân_so_với_quan_Điểm_hợp_kinh_thánh_về_Đức_thánh_linh.pdf
File Size: 466 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    December 2022
    November 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách