“NHỮNG KẺ NHU MÌ” (Ma. 5:5) “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất.” (Ma. 5:5) Từ liệu “nhu mì” thường được dùng để nói về những người khiêm nhường và đức khiêm nhường. Trong xã hội ngày nay, khái niệm “nhu mì” bao giờ cũng khiến cho người ta liên tưởng đến sự “dịu dàng”, “hòa nhã”, và cho rằng cứ được như thế là “khiêm nhường”. “Nhu mì” hay “khiêm nhường” theo cách hiểu hiện nay luôn luôn chứa đựng tính chất “yếu đuối”, và đó là một cách hiểu không hợp Kinh Thánh. Một lần nữa, chúng sẽ nhận thấy được rằng lời giảng về “Các Phước Lành” của Đức Chúa Jêsus trong “Bài Giảng Trên Núi” hoàn toàn trái với sự suy nghĩ của người đời. Đức Chúa Jêsus phán: “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất” (Ma. 5:5). Đây không phải chỉ là một loại “lời hay ý đẹp” của người đời mà là yêu cầu Thiên Thượng của Đức Chúa Trời. Lời này là lời phán của Đức Chúa Trời trong thân vị Đức Chúa Jêsus chứ không phải chỉ là sự dạy dỗ thuần túy của loài người. Ý chỉ Thiên Thượng được bày tỏ không phải để cho người ta suy diễn tùy tiện và lựa chọn tùy ý. Lời Chúa phải được hiểu theo Ý Chúa đã được khải thị một cách vô ngộ và bất bại trong Kinh Thánh. Ai muốn được hưởng phước Thiên Thượng phải để cho Ân Điển Thiên Thượng hành động trong đời sống qua việc học và làm theo Lời Đức Chúa Trời một cách thành tâm. I. “PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ NHU MÌ” Theo lời phán này của Đức Chúa Jêsus, thế giới này sẽ được chinh phục bởi những người nhu mì, những ai nhu mì giữa vòng mọi dân tộc sẽ được trao cho quyền sở hữu cả thế gian này. Quả thật là bất ngờ! Người đời trải qua mọi thời đại vẫn cậy ở sức mạnh, quyền thế, năng lực để tranh đoạt ảnh hưởng, để lấn lướt trên đồng loại mình, để khống chế, để cai trị, để cầm quyền,… Lịch sử nhân loại được dệt bằng một chuỗi dài những cuộc chiến tranh. Thân sử của từng đời người, khi nhìn lại cũng thấy lắm điều lo toan, tính toán, giành giật. Các hoạt động trong xã hội loài người thật rất phong phú và đa dạng, không thể đếm hết được. Tuy nhiên, trên một phương diện, người ta dễ dàng nhận thấy rằng mọi sự trong đời sống con người nhìn chung chủ yếu thuộc về hai mối: “Danh” và “Lợi”. Vì “danh” mà đấu, vì “lợi” nên tranh; đấu tranh diễn biến tạo ra “thành”, “bại”. “Thành” khiến cho có kẻ cười, “bại” khiến cho có người khóc. “Khóc”, “cười” làm nên cuộc sống muôn mặt và chóng mặt! Mọi sự trong sinh hoạt xã hội loài người đều gồm trong hai mối ấy. Thế mà Đấng Sáng Tạo Và Tể Trị trong thân vị Đức Chúa Jêsus lại khẳng định rằng quyền cai trị tối hậu trên thế gian này thuộc về tất cả những ai khiêm nhường! Theo sự khải thị này của Kinh Thánh, có vẻ như nhân loại đang lạc đường, vì hiển nhiên là sự dạy dỗ của Kinh Thánh trái ngược với sự dạy dỗ của thế gian: Trong khi sự khôn ngoan đời này dạy rằng phải “hống hách”, thì khi Kinh Thánh dạy rằng phải “khiêm hòa”; trong khi sự khôn ngoan đời này dạy rằng phải “tranh đọat”, thì khi Kinh Thánh dạy rằng phải “nhường nhịn”; trong khi sự khôn ngoan đời này dạy rằng muốn thống lĩnh thì phải “áp chế”, “phô trương”, “cưỡng đoạt” thì Kinh Thánh khải thị rằng những kẻ khiêm nhường sẽ đồng trị đời đời trên thế gian dưới vương quyền đời đời của Đức Chúa Trời: “Vì ngươi đã giữ lời nhịn nhục Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách, là giờ sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất” (Khải. 3:10). “26Kẻ nào thắng, và giữ các việc của Ta đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho quyền trị các nước: 27Kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính Ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha Ta. 28Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai. 29Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (Khải. 2:26-29). Bạo lực chỉ làm nên quyền lực nhất thời, đức khiêm nhường theo sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời ban cho người tin Ngài quyền lực đời đời từ chính tay Ngài. Đức khiêm nhường có một vai trò nổi bật trong các sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Trong mọi mối quan hệ xã hội, Cơ Đốc Nhân được đòi hỏi phải tuyệt đối khiêm nhường: “1Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành, 2chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dung thứ, đối với mọi người phải tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn” (Tít 3:1-2). Đức khiêm nhường là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi mối quan hệ trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Giữa vô vàn bất cập của các mối quan hệ nhiều chiều trong Hội Thánh, đức khiêm nhường phải hiện diện; điều đó phải là một trong các nguyên tắc nền tảng cho mối thông công Cơ Đốc giữa vòng những người đã được cứu: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng” (Gal. 6:1). Nguyên tắc căn bản cho sự ứng sử của người hầu việc Đức Chúa Trời cũng là đức khiêm nhường: “24Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, 25dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, 26và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó” (2Ti. 2:24-26). Nói chung, đức khiêm nhường là điều kiện không thể thiếu đối với tất cả những ai thực tâm tin theo Đức Chúa Jêsus. Có đức khiêm nhường người ta mới có thể tiếp nhận Lời Chúa vào lòng mình một cách phải lẽ, nhiên hậu đời sống họ mới được biến đổi phù hợp theo ý muốn Đức Chúa Trời: “Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em” (Gia. 1:21). II. “…VÌ SẼ HƯỞNG ĐƯỢC ĐẤT” Muốn nắm vững thế nào là “khiêm nhường”, chúng t a cần phải biết thế nào không phải là “khiêm nhường”. “Khiêm nhường” hiểu theo nghĩa Kinh Thánh không phải là một đức tính tự nhiên theo bản tính của con người. “Khiêm nhường” không bao giờ đồng nghĩa với “yếu đuối”, “nhút nhát”. “Khiêm nhường” hoàn toàn khác với “lẩn tránh”, “che dấu” cho khỏi bộc lộ con người thật. Có những người thực sự có một vẻ bề ngoài hòa nhã, dịu dàng; nhưng liệu họ có phải là người khiêm nhường theo đúng nghĩa của Kinh Thánh hay không còn là một vấn đề khác. Cũng có rất nhiều người có vẻ bề ngoài dường như “khiêm nhường” nhưng thực chất họ không hề “khiêm nhường” gì cả, chẳng qua họ chỉ là người khéo che đậy bằng sự thể hiện bên ngoài. Đừng kết luận về đức khiêm nhường mà chỉ căn cứ theo vẻ bề ngoài! Bất kể vẻ bề ngoài của một người là thế nào, người duy ngã không phải là một người khiêm nhường. Bất kể vẻ bề ngoài của một người là thế nào, người ngạo mạn không phải là một người khiêm nhường. Bất kể vẻ bề ngoài của một người là thế nào, người gian hùng không phải là một người khiêm nhường. Bất kể vẻ bề ngoài của một người là thế nào, người ngoan cố không phải là một người khiêm nhường. Cũng tương tự như vậy đối với những người huênh hoang, vênh váo, hão huyền, tự phụ… Chúng ta có thể nêu ra nhiều nhân vật Kinh Thánh khác nhau có những cá tính như thế (và họ đều không phải là người khiêm nhường). Một trong các nhân vật ấy được đề cập và xử lý trong 3Gi. 9-11: “9Tôi đã viết mấy chữ cho Hội Thánh rồi, nhưng Điôtrép là kẻ ưng đứng đầu Hội Thánh không muốn tiếp rước chúng ta. 10Cho nên, nếu tôi đến, tôi sẽ bới việc xấu người làm, là lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta. Điều đó còn chưa đủ, người lại không tiếp rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội Thánh. 11Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ bắt chước điều dữ, nhưng bắt chước điều lành. Ai làm điều lành là thuộc về Đức Chúa Trời, còn kẻ làm điều dữ, chẳng hề thấy Đức Chúa Trời”. Nhân vật Điôtrép mà Sứ Đồ Phaolô nói đến ở đây có những nét tính cách nào? Theo sự khải thị của Lời Kinh Thánh, Điôtrép là một người duy ngã, ngạo mạn, gian hùng, và ngoan cố: (1) “Ưng đứng đầu Hội Thánh” (C. 9) Điôtrép là một người duy ngã. Nghĩa là, Điôtrép chỉ biết yêu có chính mình mà thôi: Điôtrép muốn đường lối của mình phải được tuân theo, không muốn chấp nhận bất kỳ điều gì khác. (2) “Không muốn tiếp rước chúng ta” (C. 9) Điôtrép là một người ngạo mạn. Nghĩa là, Điôtrép không chịu thuận phục thẩm quyền Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài. (3) “Lấy lời luận độc ác mà nghịch cùng chúng ta” (C. 10) Điôtrép là một người gian hùng. Nghĩa là, Điôtrép sẵn sàng bôi nhọ, phao vu tiếng xấu cho người nào mình không thích để thỏa mãn tham vọng ích kỷ của mình. (4) “Mà ai muốn tiếp rước, thì người ngăn trở và đuổi ra khỏi Hội Thánh” (C. 10) Điôtrép là một người ngoan cố. Nghĩa là, Điôtrép không cần quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài ý muốn chủ quan của mình, và chỉ biết thực hiện nó cho bằng được. Cá tính của Điôtrép nghịch lại với “Các Phước Lành” mà Đức Chúa Jêsus bày tỏ trong “Bài Giảng Trên Núi” cho nên Sứ Đồ Phaolô phải xử lý vấn đề Điôtrép như được trước thuật ở đây: Điều ác phải được vạch trần và loại trừ. Thật ra, đức khiêm nhường theo Kinh Thánh hoàn toàn tương hợp với sự dũng cảm và đó là một đức tính đòi hỏi nghị lực cao. Chỉ có hai nhân vật được Kinh Thánh mô tả như mẫu mực của đức khiêm nhường. Cả hai đều là những nhân vật đầy quyền lực. Một người được đánh giá khách quan bởi Lời Đức Chúa Trời, và nhân vật còn lại tự khải thị cho nhân loại biết Ngài là Đấng khiêm nhường. Nhân vật thứ nhất được Lời Kinh Thánh khẳng định là đầy dẫy đức khiêm nhường là Môise: “Vả, Môise là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian” (Dân. 12:3). Theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời, Môise là người khiêm nhường bậc nhất. Thế nhưng, chúng ta đã biết rằng Môise là một nhà lãnh đạo đầy dũng khí và quyền lực. Môise đã được đào tạo hoàn chỉnh từ trong cung điện Pharaôn, và được rèn luyện thuần thục ngoài trường đời. Môise là một lão tướng văn võ song toàn. Môise đã lãnh đạo dân Ysơraên từ Aicập đến đồng vắng, đưa cuộc đấu tranh lập quốc nguyên khai của dân Do Thái đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau to hơn thắng lợi trước, mở ra thắng lợi cuối cùng mà người kế nhiệm của ông là Giôsuê đã kế thừa. Lời Kinh Thánh cũng còn cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng khiêm nhường theo như chính Ngài đã khải thị thành văn: “28Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma. 11:28-30). Đức Chúa Jêsus là Đấng khiêm nhường nhưng Ngài không hề là người yếu đuối. Chưa hề có một họa phẩm nào trên thế gian tả vẻ Đức Chúa Jêsus như một người ẻo lả giống với những con người giả bộ khiêm nhường ngày nay. Đức Chúa Jêsus nhu mì, khiêm nhường như chính Ngài khải thị. Đức Chúa Jêsus đã sống trong nhân trạng một đời sống yêu thương, dịu dàng, hòa nhã, hạ mình, và tuyệt đối nương cậy Đức Chúa Cha. Tuy nhiên, chính Ngài là Đấng đã bày tỏ đức dũng cảm có một không hai khi chống trả các sự giảng dạy sai trật của người Pharisi và Sađusê. Ngài đã không ngại khi phải dùng đến roi da để đánh đuổi bọn người đa trá mượn danh thánh và nơi thánh của Đức Chúa Trời để làm những điều vô phép. Ngay cả đối với những người thân nhất của Ngài trên thế gian, Ngài vẫn không thỏa hiệp theo cách nghĩ, việc làm theo xác thịt của họ và sẵn sàng quở nặng cho họ tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi bẫy, lưới của Ma Quỉ. Chính Ngài là Đấng có sự can đảm cái thế để chịu lấy thập tự giá mà Ngài biết trước, hoàn thành công trình đền tội thay cho chúng ta, trở nên Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Khiêm nhường là thuận thiên hành đạo chứ không phải là yếu đuối, đầu hàng. Đức Chúa Jêsus là hiện thân của sự nhu mì, khiêm nhường. Ngài đã sống trong nhân trạng một đời sống yêu thương, dịu dàng, hòa nhã, hạ mình, và tuyệt đối nương cậy Đức Chúa Cha. Dầu vậy, dũng khí của Ngài cao ngất thượng thiên, chói lòa nhật, nguyệt; rạng rỡ suốt dòng lịch sử nhân loại! Từ “Bài Giảng Trên Núi” cho đến các sự dạy dỗ khác trong Kinh Thánh, Đức Chúa Jêsus luôn kêu gọi chúng ta học theo Ngài để được đồng trị với Ngài cho đến đời đời: “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất” (Ma. 5;5). “28Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của Ta, và học theo Ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng” (Ma. 11:28-30). “5Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, 6Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng không coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, 10hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, 11và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, và tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phil. 2:5-11). “26Kẻ nào thắng, và giữ các việc của Ta đến cuối cùng, Ta sẽ ban cho quyền trị các nước: 27Kẻ đó sẽ cai trị bằng một cây gậy sắt, và sẽ phá tan các nước như đồ gốm, khác nào chính Ta đã nhận quyền cai trị đó nơi Cha Ta. 28Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai. 29Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh” (Khải. 2:26-29). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) ![]()
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |