“NHỮNG KẺ CÓ LÒNG TRONG SẠCH” (Ma. 5:8) “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời.” (Ma. 5:8) Billy Graham có lần đã nói như thế này: “Tất cả chúng ta đều phải chịu khổ vì một chứng bệnh chung trên toàn thế giới. Nan đề chính của thế giới không phải là vấn đề chủng tộc. Nan đề chính của thế giới không phải là vấn đề chiến tranh. Nan đề chính của cả thế giới này là vấn đề sự bệnh hoạn của tấm lòng”. Kinh Thánh tuyên cáo vấn đề ấy một cách tỏ tường và đầy nghiêm túc: “9Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất xấu xa: Ai có thể biết được? 10Ta, Đức Giêhôva, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm” (Giê. 17:9-10). MỘT THỰC TRẠNG Về nguyên tắc cũng như theo thực tế, điều gay go là ở chỗ tấm lòng của con người đều đã bại hoại theo những chừng mực nhất định nào đó. Mỗi một người chúng ta đều bị lúng túng trong một sự mâu thuẫn muôn thuở giữa việc toàn tâm, toàn trí theo Chúa với việc thỏa mãn các sự đòi hỏi tự nhiên của con người chúng ta. Cuộc tranh chiến giữa hai con đường ấy được Sứ Đồ Phaolô xác nhận: “18Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn. 19Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. 20Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy. 21Vậy tôi thấy có luật này ở trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi” (Rô. 7:18-21). Chúng ta phải biết rõ và phải nhìn nhận một thực trạng là sức mạnh của tội lỗi vẫn còn hiện hữu trong con người chúng ta. Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự hoành hành của tội lỗi trong xác thịt của chúng ta đã làm lu mờ hình ảnh của Cứu Chúa mà chúng ta vốn đã nhận được khi tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Chúng ta phải thành thật ngay với chính mình để quay lại trong sự nương cậy: “24Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ ơn Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô. 7:24-25). MỘT SỰ KÊU GỌI Trong “Bài Giảng Trên Núi”, Đức Chúa Jêsus đã đề cập đến một nguyên lý chi phối toàn bộ đời sống chúng ta: “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” (Ma. 5:8). Dầu rằng chỉ là một lời dạy ngắn gọn nhưng đây chính là tấm bản đồ chỉ đường cho Cơ Đốc Nhân đi đến với lời hứa về cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi ở đây là sự kêu gọi về tấm lòng trong sạch. Lời phán này của Đức Chúa Jêsus cho thấy rằng tấm lòng của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời có vai trò quan trọng quyết định. Trong cương vị là tín hữu của Đức Chúa Trời, ưu tiên hàng đầu của chúng ta là phải giữ cho được một tấm lòng trong sạch đối với Ngài. Đức Chúa Trời quan tâm một cách đặc biệt đến tình trạng của tấm lòng chúng ta; Đối với Ngài, mọi sự khác đều kém quan trọng hơn: “Nhưng Đức Giêhôva phán cùng Samuên rằng: Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì Ta đã bỏ nó. Đức Giêhôva chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giêhôva nhìn thấy trong lòng” (1Sa. 16:7). Đức Chúa Trời bỏ qua ngoại hình của một người, và ngoại hiện của hành vi người ấy để nắm bắt thẳng vào vấn đề chính: Đó là tình trạng của tấm lòng: “Các đường lối của loài người đều chính đáng theo mắt họ;_Song Đức Giêhôva cân nhắc cái lòng” (Châm. 21:2). Đức Chúa Trời “cân nhắc” (Hb. takan) tức là Ngài xem xét và đánh giá xem có phù hợp theo ý chỉ đời đời và các chuẩn mực thiện hảo của Ngài hay không. Từ thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã luôn luôn nêu cao vấn đề thái độ công chính của tấm lòng. Đavít tỏ ra thấu đáo về mối quan tâm ấy của Đức Chúa Trời khi ông dâng lời cầu nguyện cho Salômôn có được “một tấm lòng trọn vẹn”: “Tôi xin Chúa hãy ban cho Salômôn, con trai tôi, một tấm lòng trọn vẹn, để gìn giữ các điều răn, chứng cớ, và luật lệ của Chúa, cùng làm cho các công việc nầy, xây cất cái đền mà tôi đã sắm sửa tài liệu cho” (1Sử. 29:19). Tấm lòng quan trọng vì trạng thái của tấm lòng sẽ qui định địa vị của một người trước mặt Đức Chúa Trời. Nói cách khác, khi tấm lòng không biết “đói khát sự công bình” (Ma. 5:7), tức không có khát vọng về Chúa, người ta sẽ bị điều ác cuốn hút mất: “Rôbôam làm điều ác, vì không rắp lòng tìm cầu Đức Giêhôva” (2Sử. 12:14). Như vậy, chúng ta cần phải học cho biết khi Đức Chúa Jêsus phán về vấn đề tấm lòng “trong sạch”. Sự trong sạch mà Ngài đòi hỏi có nghĩa như thế nào? Phải chăng “trong sạch” là “hoàn hảo”, hay “vô nhiễm”? Và, nếu quả thật sự “trong sạch” mà Đức Chúa Jêsus dạy ở đây có nghĩa như thế thì tất cả chúng ta đều bị nguy to! “Trong sạch” được dịch từ katharos là một từ liệu Hylạp. Từ liệu này có nghĩa là “làm cho trở nên thanh khiết bằng cách tẩy rửa cho sạch”. Sự “trong sạch” nói về việc tẩy rửa cho tâm trí, ý chí, và tình cảm khỏi các sự ô uế; nhiên hậu, đem đặt dưới và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời: “Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là: Thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian” (Gia. 1:27). Lòng “trong sạch” là tấm lòng được tẩy rửa cho khỏi sự chi phối của một tâm trí mê muội bởi tri thức ngụy xưng, một ý chí ngoan cố, và một tình cảm không trong sáng. Khi Kinh Thánh Cựu Ước nói về tấm lòng, cả ba lĩnh vực tâm trí, ý chí, và tình cảm đều được bao gồm trong đó: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết,_Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm. 4:23). Tương tự như vậy, Kinh Thánh Tân Ước cũng gồm tóm ba lĩnh vực ấy trong phạm trù “tấm lòng”: “Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn” (Ma. 15:19). “Tấm lòng” gồm luôn cả tâm trí và ý chí chứ không phải chỉ có tình cảm. Tấm lòng của một người sẽ qui định toàn bộ hành vi của người ấy. Hiển nhiên là khi Đức Chúa Jêsus phán dạy về “lòng trong sạch”, Ngài kêu gọi về động cơ trong sạch cho hành vi chứ không phải chỉ là sự xúc cảm của nội tâm, Ngài kêu gọi về hành động chứ không phải chỉ là sự cảm động: “7Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. 8Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; 9hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia. 4:7-10). MỘT TƯƠNG LAI Theo lời phán dạy này của Đức Chúa Jêsus, lý do duy nhất khiến chúng ta phải có cho được “lòng trong sạch” là để “thấy Đức Chúa Trời”. Theo cách diễn đạt dưới ngòi bút của Sứ Đồ Giacơ, “Thấy Đức Chúa Trời” là được Ngài đến gần, và để được Ngài “đến gần” Cơ Đốc Nhân phải chủ động đến gần Ngài. Tuy nhiên, “thấy” phải được hiểu như thế nào cho đúng theo ý chỉ Thiên Thượng là một vấn đề quan trọng. Bà Helen Keller vừa mù, vừa điếc. Một ngày kia, có người tỏ ra thấu cảm hoàn cảnh của bà và đã nói như thế này: “Bà ơi, vừa mù lại vừa điếc quả thật là quá khủng khiếp nhỉ?”. Helen Keller đã làm cho mọi người phải kinh ngạc đến sửng sốt khi câu trả lời của bà như sau: “Thà tôi mù mà thấy được bằng tấm lòng của mình còn hơn là sáng cả hai mắt nhưng lại chẳng thấy gì hết!”. Một sự thật hiển nhiên là người ta có thể “thấy” bằng tấm lòng của mình trên những phương diện nào đó. Một khi Đức Chúa Jêsus đã phán rằng “Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời” thì có nghĩa là nếu tấm lòng càng được trong sạch, người ta sẽ càng nhìn thấy Đức Chúa Trời rõ hơn! Khi một người càng “đói khát sự công bình”, người ấy sẽ càng “được no đủ” (Ma. 5:7). Một khi tấm lòng càng xu hướng về Đức Chúa Trời thì càng được những sự thuộc về Đức Chúa Trời cuốn hút; người ta càng ít bị chi phối, xao lãng bởi các sự khác; họ đơn thuần hơn, chân thành hơn trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời; tấm lòng của họ trở nên thuần thành với Đức Chúa Trời hơn vì chỉ có sự khát khao Đức Chúa Trời là mãnh liệt hơn hết trong lòng họ mà thôi. Một khi tấm lòng của chúng ta càng trở nên “trong sạch”, Lời Chúa càng được khắc ghi sâu đậm trong lòng chúng ta. Khi được Lời Đức Chúa Trời đáp đậu trong tấm lòng, chúng ta luôn nhận ra được ý muốn, tình yêu thương, và khải tượng mà Đức Chúa Trời dành cho đời sống mình: “Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời” (Côl. 3:16). Chúng ta chẳng những được sống vui thỏa mà còn được chia sẻ sự vinh hiển của Cứu Chúa chúng ta, sống bày tỏ Ngài qua đời sống chúng ta nữa. Một khi lòng chúng ta trong sạch, chúng ta có năng lực cảm thụ cao độ các giá trị mà Ngài quan tâm. Các thuộc tính vinh hiển của Đức Chúa Trời được Ngài bày tỏ khi chúng ta đến gần Ngài sẽ được chúng ta thực hành bởi sự ban quyền năng của Đức Thánh Linh. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ được tha nhân nhận ra ngay trên đời sống chúng ta: “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển của Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (2Cô. 3:18). Tuy nhiên, đỉnh cao của cuộc hạnh ngộ giữa người “có lòng trong sạch” với Đức Chúa Trời là thuộc về tương lai, khi họ được đối diện Đức Chúa Trời trong thân thể mới! Chúng ta chưa biết được một cách đầy đủ lắm về ngày phước hạnh ấy, nhưng chúng ta có thể chắc chắn là trong nháy mắt, ngay vào tích tắc đầu tiên được đối diện Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tận hưởng một niềm vui mà cả đời này gộp lại cũng không bằng. Chúng ta sẽ được quyến rũ đến ngất ngây bởi sự vinh hiển của Ngài. Kinh Thánh luôn dạy cho chúng ta rằng niềm khát khao “thấy Đức Chúa Trời” là đỉnh cao của sự trông cậy. “Thấy Đức Chúa Trời” là một quá trình tiệm tiến trong đời sống Cơ Đốc Nhân; là niềm tin và lẽ sống của những người “có lòng trong sạch” theo nghĩa hợp Kinh Thánh: “25Còn tôi, tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống,_Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất._26Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát,_Bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời;_27Chánh tôi sẽ thấy Ngài,_Mắt tôi sẽ nhìn xem Ngài, chớ chẳng phải kẻ khác,_Lòng tôi hao mòn trong mình tôi” (Gióp 19:25-27). “Người có lòng trong sạch” là một nhân chủng hiếm hoi trong xã hội loài người thời hiện đại, nhưng họ không thể bị tiệt chủng được bất chấp mọi nổ lực diệt chủng của Satan và các quỉ sứ của nó! Tính hiếm hoi có thể nhận ra ngay giữa vòng các Hội Thánh Địa Phương của Đức Chúa Trời! Thực tế hiển nhiên là chúng ta dễ thất vọng khi khó tìm thấy được giữa vòng Dân Sự Đức Chúa Trời những người có tâm tình đơn thuần, có đời sống thành tâm tận hiến cho Ngài. Tuy nhiên, phương tiến triển của Hội Thánh của Đức Chúa Trời là xu thế tất yếu vì “Các cửa Âm Phủ chẳng thắng được Hội đó” (Ma. 16:18)! Điều mà Đức Chúa Trời muốn đối với mỗi người chúng ta là chúng ta “9Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên” (Gia. 4:7-10). Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến với Ngài, và cách để làm được việc ấy không phải là lý sự mà là tâm sự với Ngài: “Đức Chúa Trời ôi! Hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch,_Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng” (Thi. 51:10). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |