“PHẢI VUI MỪNG GIỮA CẢNH GIAN TRUÂN” (Gia. 1:1-4) “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.” (Gia. 1:2) Ngay từ lời mở đầu, Sứ Đồ Giacơ “chúc bình an” cho các Cơ Ðốc Nhân Do Thái bị tản lạc khắp trong thế giới La Mã. Giacơ hiểu được rằng họ đang phải ở giữa cảnh gian truân; họ không những bị bắt bớ bởi người ngoại giáo mà lại còn phải chịu sự phỉ báng của những người đồng chủng tộc với mình nữa. Hoàn cảnh thật đen tối. Thế nhưng với một tấm lòng đầy yêu thương, đồng cảm, Sứ Đồ Giacơ chúc cho họ được bình an ngay giữa cơn đại nạn. Lời “Chúc bình an” (Gk. “chairo”) ở đây là một lời chào kêu gọi sự vui mừng: “Hãy vui mừng lên!”. Hiển nhiên đây là một sự kêu gọi các Cơ Ðốc Nhân về một tinh thần, thái độ, niềm tin, lối sống,… chứ không phải chỉ thuần túy là một sự cầu mong được an lành qua cơn gian truân. I. PHẢI BIẾT VUI MỪNG NGAY GIỮA CẢNH GIAN TRUÂN (Câu. 2) Ở vào địa vị của những độc giả đầu tiên của Thư Tín này, ai cũng phải tự hỏi vì sao Sứ Đồ Giacơ lại đưa ra một lời cầu chúc, nói đúng hơn là một sự dạy dỗ, như thế? Một cách hết sức tự nhiên, người ta sẽ đặt câu hỏi rằng liệu như thế có bình thường hay không? 1. Vui Mừng Giữa Cảnh Gian Truân Là Điều Có Thể Thực Hiện Được. Sự vui mừng giữa cảnh gian truân là điều có thể thực hiện được, nhưng chỉ với các Cơ Ðốc Nhân chân thực mà thôi. Đối với một người thế gian, lời kêu gọi của Sứ Đồ Giacơ là một điều không bình thường, không thể nào chấp nhận được, và quả thực đó là một điều họ không sao hiểu được. Đối với một người khắc kỷ, khi lâm vào vòng nghịch cảnh, cố gắng hết sức thì họ cũng chỉ có thể tự kiềm chế mình để có thể thuận theo tình thế bắt buộc mà thôi. Đối với người theo chủ nghĩa hưởng lạc, trong trường hợp lâm cảnh gian truân, họ không thể nào tự mình xoay xở để thoát khỏi tai ương. Chỉ duy nhất những người có đức tin đặt nơi Ðức Chúa Trời mới nắm vững được thuật luyện vàng trong đời sống đức tin để có thể biến buồn ra vui được. 2. Vui Mừng Giữa Cảnh Gian Truân Là Biết Vâng Lời. Vui mừng ngay giữa vòng gian truân là điều vốn có trong sự hiểu biết, đức tin và niềm hy vọng của mọi Cơ Ðốc Nhân chân chính. Các Cơ Ðốc Nhân đều biết rằng Ðức Chúa Trời là Cha của mình, và họ biết chắc rằng Ngài yêu quí con cái Ngài. Các Cơ Ðốc Nhân biết chắc rằng Ðức Chúa Trời có một sự sắp đặt để đem lại điều tốt nhất cho họ (Rô. 8:28). Các Cơ Ðốc Nhân trưởng thành biết rõ rằng ngay cả trong trường hợp phải sửa phạt các con cái vi phạm của mình, Ðức Chúa Trời vẫn cứ giữ tấm lòng người Cha nhân từ đối với họ. Không có gì có thể phân rẽ các Cơ Ðốc Nhân khỏi tình yêu thương của Ðức Chúa Trời được. Các Cơ Ðốc Nhân tin quyết rằng tất cả những nghịch cảnh và tai ương trên đời này chỉ là “sự hoạn nạn nhẹ và tạm” để rồi sẽ đem lại cho họ “sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2Cô. 4:17). Những từng trải đau thương của các Cơ Ðốc Nhân chỉ là cách để tô điểm cho họ nét đẹp của đời sống mới để rồi “Ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng” (2Cô. 6:10). 3. Vui Mừng Giữa Cảnh Gian Truân Để Nêu Gương Tốt. Sự vui mừng giữa cảnh gian truân chính là phẩm cách cao quí hơn hết của đức tin. Môise đã “Coi sự sỉ nhục về Ðấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Êdíptô, vì người ngửa trông sự ban thưởng” (Hê. 11:26). Tại thành Philíp, Sứ Đồ Phaolô vẫn hát ngợi khen Chúa dầu cho chân đang bị khóa chặt trong cùm (Công. 16:24, 25). Sứ Đồ Phierơ dạy chúng ta rằng “Nếu có ai vì làm tín đồ Ðấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Ðức Chúa Trời là hơn” (1Phi. 4:16). Vị Sứ Đồ dũng cảm này vừa khích lệ, vừa nêu gương cho chúng ta “Hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Ðấng Tạo Hóa thành tín” (1Phi. 4:19). Có biết bao gương sáng về sự vui mừng giữa cảnh gian truân mà những người vâng lời Ðức Chúa Trời đã nêu. Bunyan chịu đựng cảnh lao tù suốt 12 năm dài trước khi qua đời và kể đó là thời gian ông được ở trong tiền sảnh của Thiên Đàng. Chính vì biết rằng “Có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi” (2Cô. 1:7) mà tiến sĩ Arnold, ngay giữa khi cơn bạo bệnh bộc phát, đã nói rằng “Con xin cảm tạ Chúa về sự đau đớn này!”. Không thể thấy hết và đếm hết được, nhưng thực ra mỗi ngày đều có hàng ngàn Cơ Ðốc Nhân biết sống đời sống làm chứng trong hoạn nạn, vì họ biết rằng “Hoạn nạn sanh ra nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy” (Rô. 5:3, 4). Khi các Cơ Ðốc Nhân biết vui mừng ngay giữa cảnh gian truân, họ nêu gương sáng về sự trông cậy nơi Ðức Chúa Trời; gương trông cậy của họ giúp khích lệ người khác cũng biết trông cậy như chính họ vậy. II. LỢI ÍCH CỦA SỰ GIAN TRUÂN (Câu 3, 4) Những gian truân đến trong đời sống các Cơ Ðốc Nhân chính là những thử thách ngoại lai. Trên cương vị con cái của Ðức Chúa Trời, Ngài cho phép thử thách đến để thăng tiến đời sống của họ. 1. Sự Thử Thách Thăng Tiến Sự Tự Thức Của Cơ Ðốc Nhân (Câu 3). Trên một phương diện, sự thử thách là bằng chứng của đức tin. Sự thử thách đến để thử nghiệm bản lãnh và tính cách của mỗi người. Khi đứng trên boong của một con tàu đang chìm người ta có thể nhận ra được mình là một tay anh hùng hay chỉ là một tên hèn nhát. Hoạn nạn làm bộc lộ ra ngoài những gì ẩn kín bên trong tấm lòng của một con người. Sự căng thẳng do tai ương đem lại có thể giúp bày tỏ được những nhược điểm của một tính cách mà không có cách nào khác làm cho chúng lộ rõ ra như thế được. Tai ương cũng giúp cho người ta thấy được mình đã đạt đến đâu trên tiến trình nên thánh. 2.Sự Thử Thách Giúp Phát Triển Đức Kiên Nhẫn (Câu 3). Trong suốt thư tín của mình, Sứ Đồ Giacơ luôn đề cao và khắc họa ân điển này. Lời của Sứ Đồ Giacơ ở đây là “sự nhịn nhục”, tức sự bền lòng chịu đựng. Đức kiên nhẫn Cơ Ðốc không đồng nghĩa với sự khuất phục một cách miễn cưỡng, cũng không đồng nghĩa với ý chí ngoan cố. Vốn được cảm kích bởi một tấm lòng tin kính sống động cho nên đức kiên nhẫn Cơ Ðốc có đầy sự thông biết và tính ngoan cường. Cốt lõi của đức kiên nhẫn Cơ Ðốc là ở việc yên lặng duy trì những phần nhất định nào đó trong bản chất của Cơ Ðốc Nhân theo như ý chỉ của Ðức Chúa Trời muốn họ phải duy trì, trong khi đó các nét tính cách khác của họ được sự kiên nhẫn ấy thực tập, rèn luyện. Theo cách nói ở đoạn Kinh Thánh này, Sứ Đồ Giacơ cho thấy đức kiên nhẫn Cơ Ðốc là một điều quí giá không tả xiết. Sứ Đồ Giacơ cho rằng ai có được đức kiên nhẫn ấy chính là người khôn ngoan hơn hết, thịnh vượng hơn hết vì nhờ đó mà họ có được “sự vui mừng trọn vẹn” (Gk. “pas”: mọi hình thức, tất cả,…). Ai biết vận dụng mọi gian truân trong đời sống mình để rèn luyện đức kiên nhẫn Cơ Ðốc theo cách như thế sẽ là người thắng cuộc. Họ sẽ không bị hoàn cảnh đè bẹp, và họ sẽ nhận được những lời chúc mừng của các anh, chị, em khác trong đức tin chứ không phải chỉ là những lời chia buồn ảm đạm như người trong thế gian. 3. Sự Thử Thách Góp Phần Cho Sự Hoàn Thiện Đạo Đức (Câu 4). Sự hoàn thiện đạo đức chính là một mục đích mà Ðức Chúa Trời muốn các con cái Ngài đạt được. Ðức Chúa Trời muốn các Cơ Ðốc Nhân “Trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào”; Ngài muốn chúng ta trở nên hoàn mỹ qua sự giáo hóa thuộc linh. Sự gian truân theo thánh ý luôn có tác dụng giáo dưỡng. Thói quen kiên cường trong gian truân và vui mừng trong sự chịu đựng giúp đem lại sự trưởng thành và sự cân đối cho linh hồn chúng ta. Một số những đức hạnh Cơ Ðốc như sự nhẫn nhục hay đức thấu cảm chỉ có thể có được nhờ sự gian truân. Một tinh thần Cơ Ðốc quân bình một cách tinh tế không phải là kết quả của một cuộc đời bình lặng không hề đối đầu sóng gió. Sự hoạn nạn chính là tác nhân giúp hình thành một tính cách cao đẹp, vì “Hoạn nạn sanh ra sự nhịn nhục” (Rô. 5:3). Từng trải sự gian truân giúp cho Cơ Ðốc Nhân trở nên trọn vẹn (2Cô. 12:9), và đó chính là một sự dạy dỗ xuyên suốt Kinh Thánh Tân Ước. Đời sống của chúng ta có lúc phải được nhào nặn bằng những va đập bất ngờ và mãnh liệt để có được một khuôn dạng đẹp ý Ðức Chúa Trời. Những sự buồn phiền trong đời sống Cơ Ðốc Nhân phải được biến thành những nấc thang thuộc linh giúp họ mỗi ngày càng trèo lên cao hơn để càng lúc càng thấy được sự chói lọi, vinh hiển của Ðức Chúa Trời rõ hơn. Trong gian truân và qua gian truân, linh hồn của chúng ta sẽ tiến gần đến Ðức Chúa Trời. III. Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA SỰ GIAN TRUÂN Từng trải sự gian truân không phải chỉ là một sự chọn lựa tùy ý (2Ti. 3:12) mà là một phương thức thăng tiến cho các Cơ Ðốc Nhân (Rô. 8:28). Ý nghĩa đích thực của sự thử thách cần phải được nhìn nhận: 1. Theo Một Góc Nhìn Mới. Đối với những người chưa tin Chúa, họ luôn kêu ca, phàn nàn giữa cơn hoạn nạn vì phải chịu đựng ngoài ý muốn. Cơ Ðốc Nhân không được phép nhìn sự việc theo góc nhìn chật hẹp ấy. Không có điều gì xảy đến với Cơ Ðốc Nhân ngoài ý muốn của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời luôn có mục đích tốt đẹp trong công việc của Ngài và cho những người nương cậy Ngài. Sự từng trải gian truân của các Cơ Ðốc Nhân không phải chỉ thuần túy là sự khuất phục một cách lãnh đạm, miễn cưỡng. Sự chịu đựng thử thách của Cơ Ðốc Nhân là việc bền lòng duy trì những đức hạnh Cơ Ðốc nhất định nào đó qua nghịch cảnh, đồng thời cũng kinh qua nghịch cảnh ấy mà phát triển các đức hạnh Cơ Ðốc khác nữa để đạt đến mức “Thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Ðấng Christ” (Êph. 4:13). 2. Trong Một Ý Nghĩa Mới. Biết được rằng những sự gian truân chính là những thập tự giá được gửi đến cho đời sống Cơ Ðốc (Ma. 16:24), Cơ Ðốc Nhân hoàn toàn có quyền vui mừng vì chính đó là phương thức Ðức Chúa Trời sử dụng để thăng tiến đời sống của họ. Sự gian truân trong đời sống Cơ Ðốc Nhân không còn mang ý nghĩa thường tình vốn có của nó. Đối với các Cơ Ðốc Nhân, sự gian truân trong đời sống họ chỉ là sự thử thách để họ có cơ hội được tự chứng về mình. Sự gian truân trong đời sống Cơ Ðốc hoàn toàn đồng nghĩa với sự rèn luyện cho được vững vàng hơn. 3. Với Tầm Quan Trọng Trong Sự Nghiệp Đời Đời. Mỗi Cơ Ðốc Nhân đều đứng trước một sự thử nghiệm có tính chất quyết định: Phải kinh qua thử thách một cách đắc thắng để đạt đến sự trưởng thành thuộc linh mà Ðức Chúa Trời đòi hỏi. Qui mô phần thưởng của các Cơ Ðốc Nhân tùy thuộc vào mức độ hoàn thành sự thử nghiệm của họ (Khải. 2:10; 22:12). Vinh hiển tương lai của Cơ Ðốc Nhân được bảo đảm bằng các thử thách hiện tại. Sự gian truân đến bởi thánh ý Ðức Chúa Trời không phải là hoạn nạn thất thường mà chính là phước hạnh Thiên Thượng. Nhằm mục đích tối hậu là giáo dưỡng cho con cái Ngài đạt được sự viên thục thuộc linh, Ðức Chúa Trời ban đến đời sống chúng ta những thử thách ngoại lai để vừa kiểm chứng, vừa để rèn luyện bản lĩnh thuộc linh của chúng ta. Nhận thức được ý nghĩa đích thực của sự gian truân trong đời sống người theo Chúa, chúng ta hoàn toàn được khích lệ để không những chẳng lo buồn mà còn có thể “Khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh ra sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy” (Rô. 5:3-4). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |