“HÃY MẬT THIẾT HƠN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI” (Gia. 4:7-10) “Đời sống thánh khiết theo Kinh Thánh là đời sống giàu kỹ năng sống các nguyên tắc Kinh Thánh hầu cho các mỹ đức thánh khiết của Đức Chúa Trời được thể hiện qua đời sống ngày càng rõ nét hơn." “7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. 8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; 9 hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.” (Gia. 4:7-10) Việc cố công vun đắp một mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Đức Chúa Trời có lẽ là một việc làm đáng trọng và khôn ngoan hơn hết, và đó là điều chỉ có thể có ở những ai đã thuộc về Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ theo Kinh Thánh. Đó cũng là một điều thật sự khó khăn vì để có thể có mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời người ta phải đắc thắng được đồng thời ba kẻ thù thuộc linh là sức mạnh của tội lỗi trong bản thân, sự chống đối của thế gian, và sự ngăn cản của Ma Quỉ. Cuộc giao ngộ của Cơ Đốc Nhân với chân thần của họ là Đức Chúa Trời duy nhất thật và hằng sống là một hành trình đắc thắng phước hạnh và gian nan giữa đời ác này. Để tiến đến một mối quan hệ ngày càng mật thiết với Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ theo Kinh Thánh người ta buộc phải ngày càng lạnh nhạt hơn với mọi mối quan hệ khác trong thế gian. “8 Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9 và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi Luật Pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin…” (Phlp. 3:8-9). Thật ra, đây là một tiến trình sống giữa hai mặt đối lập nhau là tách li thế gian để tận hiến cho Đức Chúa Trời là điều chỉ có thể có được nếu người ta biết sống như người sống lại trong Cứu Chúa của mình là Đức Chúa Jêsus Christ: “…10 Cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11 mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (Phlp. 3:10-11). Việc cố công vun đắp một mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Đức Chúa Trời là một linh trình nghiêm túc mang tính kỷ luật rất cao để vượt qua các rào cản phải vượt… Sức mạnh của tội lỗi nội tại trong bản thân phải được kể là rào cản đầu tiên và lớn hơn hết vì chính đó là điều thường khiến cho Cơ Đốc Nhân phạm tội với Đức Chúa Trời nhiều nhất. Tự thân Cơ Đốc Nhân không đủ sức vượt lên trên rào cản này nhưng may mắn thay là họ đã có Đức Chúa Trời của mình đón sẵn ở đó để nâng họ lên với lời hứa tha tội cho ai biết xưng nhận tội lỗi của mình: “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1Gi. 1:9). Để vun đáp được mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Đức Chúa Trời thì kỹ năng phải có đầu tiên của Cơ Đốc Nhân là kỹ năng ăn năn và xưng nhận tội lỗi của mình với Ngài. Chính yếu tố “đau thương thống hối” khiến cho sự xưng nhận tội lỗi của Cơ Đốc Nhân được Đức Chúa Trời xm là của lễ đẹp ý Ngài: “Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (Thi. 51:17). Kỹ năng nghe được tiếng phán của Đức Chúa Trời cũng cần thiết cho việc vun đắp một mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Ngài như kỹ năng nói chuyện với Đức Chúa Trời qua việc Cơ Đốc Nhân xưng tội cùng Ngài. Tuy nhiên cần phải khẳng định ngay rằng việc người ta muốn được “nghe” Đức Chúa Trời cách hữu thanh là một việc làm phi Kinh Thánh. Đức Chúa Trời muốn các Cơ Đốc Nhân “nghe” Ngài bằng tai đức tin qua việc tin quyết lời phán của Ngài từ Kinh Thánh chứ không phải bắt Ngài phải phán riêng cách hữu thanh cho từng người theo các nhu cầu bất cập, và lắm khi cũng bất nhất, của họ. Tiếng phán hữu thanh của Đức Chúa Trời để xác nhận Con Ngài là Lời Sống là thẩm quyền của Ngài cho Lời Thành Văn của Ngài trong Kinh Thánh để chúng ta dốc lòng nghe theo cách tin kính: “18 Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh. 19 Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em. 20 Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. 21 Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” (2Phi. 1:18-21). Kỹ năng xưng nhận tội lỗi với Đức Chúa Trời cùng với kỹ năng lắng nghe tiếng phán của Ngài trong Kinh Thánh được lắng đọng trong một dạng thức sinh hoạt thuộc linh Cơ Đốc rất đặc biệt là đời sống cầu nguyện của Cơ Đốc Nhân: Họ sẽ biết cầu nguyện với Đức Chúa Trời như một sự nương cậy Ngài chứ không phải chỉ để nhờ vả Ngài. Dưới ánh sáng của mẫu cầu nguyện mà Đức Chúa Jêsus Christ đã dạy cho chúng ta (Sv. Ma. 6:9-13) thì mối bận tâm chính của Cơ Đốc Nhân khi họ cầu nguyện là ý chỉ Thiên Thượng chứ không phải là lợi ích ích kỷ họ. Ngôn ngữ của sách Thi Thiên là ngôn ngữ cầu nguyện, có đầy những lời cầu nguyện thành tâm của những tấm lòng tin kính để nêu gương cho sự cầu nguyện của chúng ta. Một khi đời sống cầu nguyện của một người được sâu đậm trong sự tự thức về tình trạng bất lực của bản thân và theo sự dầm thấm có được trong lời Kinh Thánh thì hiện tượng tỏa sáng của đời sống người ấy sẽ diễn ra: “16 Nguyền xin lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời. 17 Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Côl. 3:16-17; Sv. Êph. 5:19). Cũng chính vì vậy mà mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Đức Chúa Trời khiến cho người ta không thể nào cứ sống khép mình, biệt lập được; trái lại họ có một nhu cần bức thiết về việc được hiệp thông trong một cộng đồng đức tin là Hội Thánh Địa Phương để được gây dựng nhau. Sự thất bại của Hội Thánh Địa Phương trong thực tiễn sinh hoạt của mình đã khiến cho ngày càng có nhiều người hiểu nhầm rằng chỉ có hoạt động thờ phượng Đức Chúa Trời với nhau trong Hội Thánh Địa Phương mới là đáng kể mà thôi. Thờ phượng là nổ lực hướng thượng của Hội Thánh phải được xây dựng cách ưu tiên đồng thời với nổ lực hướng nội và nổ lực hướng ngoại của Hội Thánh là môn đồ hóa và truyền giáo. Để Hội Thánh được vững mạnh cả ba sinh hoạt thờ phượng, môn đồ hóa, và truyền giáo đều phải được vững mạnh. Hội Thánh Địa Phương không phải là nơi cho người ta đến để hưởng lợi theo một cách nào đó từ sinh hoạt thờ phượng. Hội Thánh Địa Phương là một sinh thể ưu việt thuộc thẩm quyền Thiên Thượng, là một kênh ân điển của Đức Chúa Trời để các Cơ Đốc Nhân dâng phần tích cực nhất của mình để gây dựng nhau. Họ là những con người biết xưng nhận tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời, biết tìm kiếm lời phán của Ngài, biết nương cậy Ngài hoàn toàn cho nên đời sống họ được tỏa sáng và, cùng nhau trong Hội Thánh Địa Phương, họ tỏa sáng được ngày càng nhiều hơn theo mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời ngày càng mật thiết hơn của mỗi người. Mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời ngày càng mật thiết hơn của mỗi người nhất thiết phải được thể hiện cách tập trung và cao độ qua đời sống vâng phục Đức Chúa Trời của mỗi người: “Nếu ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng Người và ở trong Người.” (Gi. 14:23). Sự vâng phục Đức Chúa Trời là đỉnh cao của cuộc hạnh ngộ giữa một cá nhân với Ngài và đó là biểu hiện của sự hòa hiệp siêu nhiên giữa chủ thể của đức tin với đối tượng của đức tin ngay trên thế gian này. “7 Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. 8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; 9 hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. 10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.” (Gia. 4:7-10). Việc cố công vun đắp một mối quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Đức Chúa Trời có lẽ là một việc làm đáng trọng và khôn ngoan hơn hết, và đó là điều chỉ có thể có ở những ai đã thuộc về Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ theo Kinh Thánh. Họ luôn luôn nhiệt thành trong việc xưng nhận tội lỗi của mình với Đức Chúa Trời, tìm cầu lời phán của Ngài trong Kinh Thánh, sống nương cậy Ngài bằng đời sống cầu nguyện, ra sức gây dựng nhau và cùng nhau gây dựng trong Hội Thánh Địa Phương, và thực sự sống vâng phục Ngài. (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |