“ĐỂ ĐỜI SỐNG THỊNH VƯỢNG” (Phil. 1:1-11) “Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ” (Phil. 1:6) Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian để người tin Ngài “được sự sống, và được sự sống dư dật” (Gi. 10:10). Một đời sống Cơ Đốc chỉ đẹp nếu đời sống ấy thịnh vượng một cách hợp Kinh Thánh. Sự thịnh vượng theo Kinh Thánh không chỉ là sự thịnh vượng thuộc thể mà trước hết phải là sự thịnh vượng thuộc linh: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy.” (3Gi. 1:2) Kinh Thánh nghiêm trách những đời sống không thịnh vượng được trên phương diện thuộc linh, kể họ như “đám mây không nước, theo gió đưa đi đây đó; như cây tàn mùa thu, không có trái…; như sóng cuồng dưới biển, sôi bọt ô uế của mình; như sao đi lạc…” (Giu. 1:12, 13). Đức Chúa Trời muốn chúng ta có một đời sống thịnh vượng là đời sống hoàn thành sự kêu gọi của Ngài đối với chúng ta, chúng ta biết sống chấp nhận tha nhân như họ hiện có, chúng ta biết phát triển tình yêu thương, và chúng ta thực sự được trưởng thành thuộc linh. I. PHẢI SỐNG PHÙ HỢP CHỨC PHẬN MÌNH Mọi sự đều phải có xuất phát điểm của nó, đời sống Cơ Đốc cũng thế. Trong đại gia đình của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, không ai là người vô phận sự cả. Mỗi người đều có sự kêu gọi, hoặc là sự kêu gọi đặc biệt, hoặc là sự kêu gọi phổ quát: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người cho ai nấy đều được sự ích chung.” (1Cô. 12:7) Mỗi Cơ Đốc Nhân đều phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chính: (1) Sống đời sống tăng trưởng, và (2) Sống đời sống gây dựng: “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1Phi. 4:10) Lời mở đầu của Sách Philíp vẽ nên một bức tranh đẹp về sự kết hợp chức phận và thế hệ trong thẩm quyền Thiên Thượng: “Phao Lô và Timôthê, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Philíp, cùng cho các Giám Mục và các Chấp Sự.” (Phil. 1:1) Hội Thánh của Đức Chúa Trời là một hợp thể thống nhất một cách hài hòa dưới sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh để ai nấy đều có thể “được Ân Điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!” (Phil. 1:2). Do đó, mỗi thành viên trong Hội Thánh phải sống phù hợp theo chức phận mà Đức Chúa Trời đã gọi: “Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.” (1Cô. 7:24) “Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen.” (1Phi. 4:11) II. PHẢI SỐNG NHÌN NHẬN THA NHÂN Trong cương vị Sứ Đồ, Phaolô viết cho các tín hữu ở Hội Thánh Philíp rằng “tôi nhớ đến anh em”. Điều này nói lên thái độ nhìn nhận tha nhân của vị Sứ Đồ này cùng với bông trái của thái độ ấy cặp theo: “3Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi, 4và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho anh em cách hớn hở.” (Phil. 1:3-4) Điều khiến cho Sứ Đồ Phaolô có thể luôn luôn cưu mang các tín hữu của mình trong lòng và tự giác cầu nguyện cho họ là sự nhận thức rằng họ là “anh em”, tức là có cùng chung huyết thống Jêsus mà ông là người đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đem họ về trở lại với Ngài. Thật vậy, Hội Thánh Philíp là Hội Thánh đầu tiên mà Sứ Đồ Phaolô đã mở được trên đất Châu Âu (Công. 16:9-40) với người tín hữu đầu tiên là Liđi là người “làm nghề buôn hàng sắc tía” (Công. 16:14). Mối quan hệ giữa Sứ Đồ Phaolô với các tín hữu ở Hội Thánh Philíp là mối quan hệ được Đức Chúa Trời ban cho và dắt dẫn đã lâu ngày: “9Đương ban đêm, Phaolô thấy sự hiện thấy, có một người Maxêđoan đứng trước mặt mình, nài xin rằng: Hãy qua xứ Maxêđoan mà cứu giúp chúng tôi. 10Phaolô vừa thấy sự đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Maxêđoan, vì đã định rằng Đức Chúa Trời gọi chúng ta rao truyền Tin Lành tại đó.” (Công. 16:9-10) Sứ Đồ Phaolô cho biết ông hằng coi trọng các tín hữu ở Hội Thánh Philíp và họ đã đem lại cho ông sự vui thỏa trong Đức Chúa Trời. Sứ Đồ Phaolô kể các tín hữu ở Hội Thánh Philíp như những người đồng công trong việc rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Jêsus. Các tín hữu ở Hội Thánh Philíp đã đóng góp vào công cuộc rao truyền Tin Lành của Sứ Đồ Phaolô bằng những sự giúp đỡ cần thiết hàng ngày khi ông hầu việc Chúa ở đó cũng như những sự đóng góp tài chánh khi vị Sứ Đồ này bị giam cầm: “Vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành.” (Phil. 1:5) Đến như Sứ Đồ Phaolô mà còn biết hàm ân các tín hữu của mình, vậy chúng ta là ai mà sống dửng dưng, phủ nhận tha nhân? Thái độ nhìn nhận tha nhân là điều không thể thiếu trong đời sống Cơ Đốc. Đối với Đức Chúa Trời, không hề có một cá nhân nào là tuyệt đối vô giá trị để chúng ta có thể phủ nhận họ hoàn toàn; bằng chẳng vậy, Đấng Christ đã không vì mọi người mà chịu chết (Hê. 2:9; Rô. 10:13). Biết nhìn nhận tha nhân chúng ta mới có thể biết ơn Đức Chúa Trời về sự hiện diện của họ trong đời sống của chúng ta (Rô. 8:28), và từ đó chúng ta mới có thể hết lòng cầu nguyện cho họ được. Mặt khác, khi nặng mang thái độ phủ nhận, chúng ta chẳng những không phản ánh được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà còn tự làm cho nhận thức của mình thành què quặt, đồng thời khiến cho tình yêu thương trong chúng ta trở thành thui chột hoặc méo mó, lệch lạc. Thái độ phủ nhận là “bà đỡ” cho thái độ thù hận ra đời! III. PHẢI SỐNG PHÁT TRIỂN YÊU THƯƠNG Biết nhìn nhận tha nhân, chúng ta sẽ có cơ hội để thực hiện một sự xác lập vững chắc cho sự phát triển yêu thương: “Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm; vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin Lành, thì anh em cũng có dự phần Ân Điển đã ban cho tôi.” (Phil. 1:7) Sự nhìn nhận tha nhân sẽ mở cửa cho lòng chúng ta tiếp nhận họ như họ vốn có. Thế nhưng nền bền vững duy nhất cho tình yêu thương phải là “lòng yêu dấu của Đức Chúa Jêsus” (C. 8, Gk. splagchnon). Thật vậy, “tình yêu thương” (Gk. agape) là bông trái của Đức Thánh Linh (Gal. 5:22-23), đó là kết quả của sự vận hành của quyền năng Đức Chúa Trời trong đời sống người tin. “Tình yêu thương” chỉ có thể được duy trì, phát triển trong quyền năng Đức Chúa Trời nhờ đức thành tín của Ngài mà thôi: “Đức Chúa Trời cũng chứng rằng tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Jêsus mà tríu mến anh em.” (Phil. 1:8) Chính nhờ đức thành tín của Đức Chúa Trời mà chúng ta mới có thể trung tín đối với Ngài khi chúng ta biết hết lòng thuận phục Ngài. Điều mà Sứ Đồ Phaolô nghĩ đến ở đây là đức trung tín của các tín hữu ở Philíp. Vị Sứ Đồ này tỏ ra đầy tự tin rằng anh chị em của mình trong Hội Thánh sẽ cứ còn sống nương cậy Chúa cho đến cuối cùng. Sự tin tưởng ấy của Sứ Đồ Phaolô không đặt ở họ, cũng không cậy ở mình, mà là ở sự thành tín của Đức Chúa Trời. “Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phil. 1:6) Nơi chúng ta đặt cơ sở cho các mối quan hệ sẽ quyết định chất lượng của các mối quan hệ ấy. Phần lớn các trục trặc về quan hệ có nguyên nhân ở chỗ chúng ta đặt lòng tin của mình nhầm nơi. Nhìn nhận sự tốt đẹp có ở tha nhân và đặt lòng tin cậy ở tha nhân là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không thể nương cậy nơi loài người, kể cả tự thân chúng ta, không phải là vì họ không có gì tốt đẹp mà là vì họ không đủ năng lực để làm cho trọn “việc lành”, tức làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Để sống phát triển yêu thương, hai yếu tố then chốt là chấp nhận tha nhân và nương cậy Đức Chúa Trời, vì sự yêu thương thật chỉ đến với chúng ta trong sự thông hiểu Ngài: “Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu.” (Phil. 1:9) Trên một phương diện, sống phát triển tình yêu thương không phải là sự thể hiện của năng lực bản thân mà là thực hiện theo sự kêu gọi Thiên Thượng: “Tôi cứ làm một điều: Quên lửng sự ở đằng sau mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phil. 3:14) IV. PHẢI SỐNG TĂNG TRƯỞNG THUỘC LINH Người biết sống phát triển yêu thương sẽ là người có khả năng cao nhất để tăng trưởng thuộc linh vì “4Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, 5chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, 6chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong Lẽ Thật. 7Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự. 8Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ…” (1Cô. 13:4-8a). Kinh Thánh phán cho chúng ta biết rằng non trẻ về tình yêu thương cũng chính là non trẻ thuộc linh: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.” (1Cô. 13:11) Đời sống Cơ Đốc là đời sống yêu thương bằng quyền năng của Đức Chúa Trời. Do đó, sống phát triển yêu thương sẽ giúp đem lại đời sống tăng trưởng thuộc linh vì “tình yêu thương” chính là bông trái của đời sống thuộc linh chân thực… “[9Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu,]10để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, 11được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và ngợi khen Đức Chúa Trời.” (Phil. 1:10-11) Có nhiều cách hiểu khác nhau về đời sống thịnh vượng nhưng một đời sống thịnh vượng hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh không thể thiếu các phương diện vừa được xem xét. Một đời sống thịnh vượng phải bắt đầu từ chức phận đã được gọi của mình và phát huy được tác dụng gây dựng của chức phận ấy. Đời sống thịnh vượng có dấu hiệu qua việc “người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn” (1Phi. 4:9). Đời sống thịnh vượng biểu hiện tập trung ở đức trung tín trong tình yêu thương nhờ sự thành tín của Đức Chúa Trời để đạt đến mức trưởng thành thuộc linh theo ý chỉ “tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn” của Ngài (Rô. 12:2). Đời sống thịnh vượng là đời sống có khả năng “làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời.” (Phil. 1:11). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |