“ĐỪNG XEM THƯỜNG TỘI LỖI” (Ru. 1:1-5) “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…” (Rô. 6:23) Trong khắp đại dương mênh mông có biết bao con tàu đã bị đắm, nhưng không có một con tàu đắm nào gây được nhiều chú ý như con tàu Titanic. Titanic đã chìm ngay ở chuyến hải hành đầu tiên của mình vào tháng Tư năm 1912 và giả thuyết về nguyên nhân được người ta tin nhiều nhất là một băng sơn đã làm cho con tàu dài gần 300 mét này đã bị một vết cắt rộng và dài hơn 90 mét dọc sườn tàu. Năm 1985, xác con tàu đắm đã được tìm ra ở độ sâu khoảng 2.200 mét dưới mặt biển ở gần Newfoundland. Từ dạo ấy, các bí ẩn về con tàu đắm này đã được bày tỏ dần dần. Tháng Tám năm 1995, một nhóm các khoa học gia và kỹ thuật gia quốc tế được thành lập để tiếp tục nghiên cứu về con tàu đắm. Phần con tàu bị thương bị vùi lấp dưới bùn của đáy biển nên các nhà nghiên cứu đã phải dùng sóng siêu âm thăm dò để xác định vết thương. Kết quả thu được làm cho ai nấy đều phải ngạc nhiên. Vết thương của con tàu không lớn như trước đây người ta vẫn tưởng. Tổng diện tích bị thủng của con tàu chỉ chừng mười mấy mét vuông mà thôi. Sáu lổ thủng bên sườn tàu đã đánh chìm con tàu mà người ta huênh hoang rằng “Trời cũng không làm cho nó chìm được”. Trong đời sống theo Chúa, nhiều khi chúng ta cứ tưởng rằng chỉ cần tránh những tội lỗi “lớn’ là được rồi; thật ra, tội lỗi ở mọi kích thước đều có thể khiến cho đời sống thuộc linh của chúng ta chìm đắm. Không phải tất cả những người phạm tội trọng đều đã bắt đầu với những ý đồ lớn. Hầu hết đều khởi sự từ những ý tưởng nho nhỏ, tưởng chừng như vô hại, nhưng rồi đã dần dần trượt dài trong tội lỗi, không sao gỡ mình ra được. Những lời đầu tiên của Sách Rutơ cho chúng ta thấy Êlimêléc đã làm một điều mà ngày nay nhiều Cơ Đốc Nhân vẫn thường làm: Chỉ định “tạm thời” thỏa hiệp với tội lỗi mà thôi, nhưng rồi đã phải trả một giá quá đắc! I. ÊLIMÊLÉC ĐẾN VỚI MÔÁP Lỗi đầu tiên mà Êlimêléc đã phạm là viện lý do để “Đến kiều ngụ trong xứ Môáp”. Êlimêléc đã lập luận để tự thuyết phục mình và thuyyết phục người khác rằng việc chung chạ của mình trong Môáp là phải lẽ: Ysơraên đang thiếu lương thực, Môáp đang có sẵn lương thực, đem cả gia đình vào trong xứ Môáp là đến với sự no đủ, đi làm ăn thì có sao đâu… Thế nhưng: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma. 4:4). Đừng để cho sự đói khát trong lòng làm điếng mất sự đói khát của linh hồn đối với sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời. Việc sống “Nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” phải mang tính thứ nhất, mọi quyết định khác đều phải tùy thuộc vào đó. Người Môáp là hậu duệ của con trai Lót. Người Môáp vốn nổi tiếng về sự kiêu ngạo của họ: “Môáp kiêu ngạo vô chừng, sự xấc xược, sự cậy mình, sự khoe khoang của lòng kiêu căng nó, chúng ta đều nghe cả” (Giê. 48:29). Người Môáp không được cho phép được thờ phượng với người Ysơraên: “3Dân Amôn và dân Môáp sẽ không được phép vào Hội Đức Giêhôva, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề bao giờ vào được; 4bởi vì khi các ngươi ra khỏi xứ Êdíptô, chúng nó không đem bánh và nước ra rước các ngươi trên đường, và bởi vì chúng nó có mướn Balaam, con trai Bêô, ở Phêthôrơ tại Mêsôbôtami đi đến rủa sả ngươi” (Phục. 23:3-4). Theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, người Ysơraên không được phép có bất cứ quan hệ nào với người Môáp cả. Vậy mà chỉ vì thiếu bánh thuộc thể, Êlimêléc đã làm ngơ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, đã thỏa hiệp với người Môáp bằng một nước đi hết sức mạo hiểm: Đem hết cả gia đình mình vào hẳn trong xứ Môáp để sống! Có lẽ Êlimêléc nghĩ rằng “Chỉ thỏa hiệp tạm thời một giai đoạn thì đâu có sao!”. Ngày nay vẫn còn nhiều Cơ Đốc Nhân có cách nghĩ tương tự: “Nói dối vô hại thì có sao đâu!”, “Công việc làm ăn thì có ảnh hưởng gì đến đức tin đâu!”, “Chỉ giao lưu, thông công thôi mà; có gì đâu!”, “Chỉ vui một chút thôi mà!”,… Thực chất, tất cả những cách lập luận như thế là nổ lực để phạm tội. Nguyên tắc hành động của Cơ Đốc Nhân là vâng theo lời dạy của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Nếu biết lý luận và lý luận giỏi, hoặc nếu cần lý luận, phải lý luận sao cho tính chất vâng lời Đức Chúa Trời của đời sống mình được phát huy cao nhất. Trong tất cả mọi sự, khi nào thấy sự suy luận của tâm trí không thể hiện được tính chất vâng lời Đức Chúa Trời của linh hồn, khá nhận biết rằng có khả năng phạm tội trong một sự suy luận như thế. Cách đặt vấn đề sai sẽ khiến cho sự hành động cũng sẽ sai… II. ÊLIMÊLÉC CHUNG CHẠ VỚI MÔÁP Êlimêléc chỉ định đem gia đình đến Môáp “kiều ngụ” một thời gian ngắn cho qua nạn đói mà thôi. Thế nhưng, khi vào trong Môáp rồi, họ “bèn ở tại đó”: “1Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bếtlêhem xứ Giuđa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Môáp. 2Người tên là Êlimêléc, vợ tên là Naômi, hai con trai tên là Mạclôn và Kiliôn, đều là dân Ơphơrát về Bếtlêhem trong xứ Giuđa. Đến xứ Môáp, chúng bèn ở tại đó” (Ru. 1:1-2). Nếu chúng ta gặp Êlimêléc trước khi đưa gia đình ra đi và hỏi ông ấy rằng liệu ông có định ở luôn tại đó hay không thì chắc chắn Êlimêléc sẽ trả lời rằng “Không bao giờ có chuyện ấy!”. Thế nhưng, “Đến xứ Môáp, chúng bèn ở tại đó”! Vậy là, ban đầu dự định chỉ ở tạm một thời gian để làm ăn nhưng rồi việc xảy ra là họ đã quyết định định cư luôn trong Môáp. Ngày mà họ đưa ra quyết định ấy quả thật là một ngày đáng buồn. Có biết bao người ghiền rượu đã từng thề bán mạng rằng họ sẽ chẳng bao giờ để cho mình phải ghiền; và có biết bao người ghiền rượu cứ quả quyết là họ có thể từ bỏ nó bất cứ lúc nào! Chúng ta có thể tin được rằng Êlimêléc đã không hề có ý định ở lại Môáp. Nhưng sự thật là Êlimêléc đã để cho cả gia đình ở luôn tại đó mà không hề định trước. Không phải là Êlimêléc không biết rằng mình chẳng được phép ở với Môáp, vấn đề ở chỗ Êlimêléc không cảnh giác đối với các yếu tố khiến dần dần đưa mình vào sự vi phạm. Êlimêléc tưởng rằng mọi sự đều ở trong tầm tay của mình, nhưng Lời Kinh Thánh vẽ cho chúng ta thấy một bức tranh hoàn toàn khác: “3Êlimêléc, chồng của Naômi, qua đời, để nàng lại với hai con trai mình. 4Chúng nó cưới vợ trong người nữ Môáp, người nầy tên là Ọtba, người kia tên là Rutơ; họ ở tại đó độ mười năm” (Ru. 1:3-4). Trên bước đường theo Chúa, có khá nhiều người có cách khởi sự giống với Êlimêléc. Ban đầu, họ chỉ làm theo cái gì đó một ít, rất ít mà thôi. Thế nhưng, với một ít chỗ này, một ít chỗ kia,… chẳng mấy chốc, khi nhìn lại, chúng ta thấy họ đã nhiễm phải rất nhiều mồi, bã tinh vi của Satan đến độ chính họ không thể nhận ra được. Những ai tưởng rằng hễ cứ là “Hội Thánh” thì đâu cũng tốt, gì cũng tốt, và thế nào cũng tốt - không sớm thì muộn - sẽ trở thành những Êlimêléc mà không biết. Paul Little nói rằng “Sự sụp đổ của đời sống Cơ Đốc ít khi diễn ra như những vụ nổ lốp xe; sự sụp đổ của đời sống Cơ Đốc thường xảy ra theo cách lốp xe bị xì hơi từ từ”. Đó là sự thật. Satan sẽ không làm cho các con cái của Chúa phạm tội thật lớn ngay lần đầu tiên, Satan luôn đưa người ta trượt dần từng chút một trong tội lỗi qua những việc tưởng chừng như vô hại! Nhiều người - khi họ được nhắc nhở, cảnh báo về nguy cơ - đã tỏ ra bực bội: “Như thế này thì sai ở chỗ nào?”. Giống với một chiếc lốp xe bị xì hơi từ từ, họ không hề biết rằng đời sống của họ cuối cùng sẽ không còn có ích cho Đức Chúa Trời và Vương Quốc của Ngài nữa. Vào tháng Mười Một năm 2000, có một phụ nữ nhận được một thư điện tử trên máy vi tính của mình. Tiêu đề của thư rất hấp dẫn: “Anh yêu Em!”. Quả thật là một bức thư rất đáng nên đọc vì trông thật hiền hòa và trữ tình. Người phụ nữ ấy đã bấm chuột để mở thư, và thế là “Con Rệp Tình Yêu” ra đời (“Love Bug”, tên một loại virút máy vi tính rất lợi hại). Với tốc độ của dòng điện, loại virút này đã lan ra khắp thế giới khiến tê liệt nhiều sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội,… lúc ấy. Đó chính là một loại virút máy vi tính đã gây thiệt hại cho hàng triệu máy vi tính, phá hỏng vô số phần mềm máy vi tính trên thế giới. Bắt đầu chỉ với một cái thư điện tử nhỏ mà thôi, nhưng sự ô nhiễm sau đó lớn vô cùng. Thế nhưng đó không phải là lần đầu tiên virút làm hại nhân loại. Thật ra, đó chỉ là biến tướng của một loại virút chết người đã xuất hiện trước đây hơn sáu ngàn năm, tấn công vào Ađam và Êva là hai người đầu tiên trên hành tinh này. Họ đã không vâng lời Đức Chúa Trời phán truyền rằng chớ kích hoạt vào thông điệp của Satan gửi đến. Họ đã mở thư mời của Satan và rồi hậu quả kinh hoàng đã giáng trên số phận của họ và cả dòng dõi nhân loại. Chính loại virút mang tên “Tội Lỗi” ấy đã sinh ra mọi loại virút ác hại cho đến ngày nay. Có một bài hát có lời rằng “Tội lỗi sẽ đem bạn đi xa hơn nơi bạn muốn, sẽ giữ bạn ở lại lâu hơn bạn định, và bắt bạn phải trả giá cao hơn bạn tưởng”; quả thật là chí lí! Tội lỗi chứa đầy những yếu tố bất ngờ, điều duy nhất không hề bất ngờ trong vấn đề tội lỗi là nó luôn luôn có hậu quả xấu! Tội lỗi của Êlimêléc đã khiến ông đi xa hơn giới hạn mong muốn, giữ ông ở lại với nó lâu hơn dự định, và chúng ta sẽ còn thấy nó bắt trả giá đắt hơn ông tưởng rất nhiều. III. ÊLIMÊLÉC MẤT MẠNG TRONG MÔÁP Êlimêléc đã phải trả một giá đắc cho tội lỗi của mình: “3Êlimêléc, chồng của Naômi, qua đời, để nàng lại với hai con trai mình…5Kế sau, Mạclôn với Kiliôn cũng thác, để Naômi ở lại, không chồng không con” (Ru. 1:3, 5). Êlimêléc là thành viên đầu tiên của gia đình chết tại một nơi mà họ tưởng rằng sẽ nuôi họ sống và họ sẽ được trở về bình an. Êlimêléc đã lập luận cho tội lỗi, đã nán lại trong tội lỗi, thì làm sao khỏi phải trả giá cho tội lỗi được? Chúng ta không ngạc nhiên về cái giá mà Êlimêléc phải trả, ông đã phải trả giá cho tội lỗi của mình theo như Lời Kinh Thánh đã phán: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết…” (Rô. 6:23). Tuy nhiên, sự chết chẳng phải là món “tiền công” duy nhất mà gia đình Êlimêléc đã phải trả. Trước khi chết, các con trai của Êlimêléc đã chung chạ với những người nữ ngoại Do Thái. Theo Luật Pháp Môise, người Ysơraên không được kết hôn với người khác chủng tộc với mình. Chẳng những thế, người Môáp là một dân cá biệt. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời nghịch cùng người Môáp. Vì quyết định sai trật của Êlimêléc, các con của ông đã phải kết hôn ngược lại với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tình cảnh của Naômi, vợ của Êlimêléc, cũng rất thảm hại: Không chồng, không con nơi đất khách quê người… Từ quyết định sai của chồng, Naômi cuối cùng sống trong tâm trạng cay đắng, mất phương hướng, ngộ nhận Đức Chúa Trời: “… 20Các ngưới nữ hỏi rằng: Ấy có phải Naômi chăng? 20Người đáp: Chớ gọi tôi là Naômi, hãy gọi là Mara, vì Đấng Toàn Năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm” (Ru. 1: 19b-20). Lạc bước tất phải sẩy chân, sẩy chân tất phải mất mạng. Thỏa hiệp với tội lỗi thì tất phải đắm chìm trong tội lỗi và việc phải nhận tiền công của tội lỗi chỉ còn là vấn đề thời gian. Êlimêléc có nghĩa là “Đức Chúa Trời tôi là Vua” nhưng Êlimêléc đã không để cho Đức Chúa Trời làm vua trên đời sống mình. Bếtlêhem nghĩa là “Nhà bánh” nhưng Êlimêléc sống theo mắt nhìn của mình, không thấy được sự dự ứng của Đức Chúa Trời, sợ thiếu bánh ngay trong “nhà bánh”. Sai trật chồng chất trên sai trật, tên gọi Naômi có nghĩa là “Ngọt dịu” nhưng lại chỉ thấy toàn “Cay đắng” (Mara) trong đời. Con người chọn lựa sai mà lại tưởng rằng Đức Chúa Trời ngược đãi, chìu theo mắt thấy của mình nhưng lại muốn Đức Chúa Trời phải chịu trách nhiệm: “13Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. 14Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. 15Đoạn lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết” (Gia. 1:13-15). Rowland Hill đưa ra một câu chuyện minh họa có ý nghĩa thật súc tích kể về một người đồ tễ rất tài tình. Hàng ngày, người đồ tễ này không phải vất vả gì cả mà vẫn khiến cho những con lợn sắp bị giết thịt tự động theo ông tuần tự đi đến tận bàn mổ! Người đồ tễ thật ung dung, cứ chậm rãi đi trước, con lợn sắp bị giết chăm chú bám sát theo sau; điều duy nhất khiến cho người ta chú ý nơi người đồ tễ là ông có cái bao gì đó mang trên vai mình… Thì ra người đồ tễ này đã cho lợn ngửi biết trong bao có thức ăn ngon, thế là nó cứ mãi miết đi theo cho đến tận nơi bị hành hình! Quả thật là “Tham thực, cực thân”… Theo cùng một cách tương tự, những người không kính sợ Đức Chúa Trời cứ thế mà đi theo Satan vào tận Hồ Lửa đời đời! Chính bằng “Sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời” (1Gi. 2:16) mà Satan đã làm đắm chìm biết bao số phận. Tuy nhiên, dầu rằng “Tiền công của tội lỗi là sự chết” nhưng không phải là không có giải pháp vì “Sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta”. Hãy quay lại với Đức Chúa Trời, đừng nán trễ trong thế gian cùng những sự thuộc về thế gian, vì “Thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1Gi. 2:17). (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |