REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách
Picture

“TƯ NIỆM”

2/10/2022

 
Picture
“NHỮNG KẺ THAN KHÓC”
(Ma. 5:4)
“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi.”
(Ma. 5:4)
​Sống trên đời, khóc - cười là việc không sao tránh khỏi. Thông thường, khi vui người ta mới cười; và khóc là dấu hiệu của việc chẳng hay, ít ai mong muốn. Khóc - cười thể hiện trạng thái tâm lý; là hình thức phản ánh của các kích thích tâm lý - thần kinh, ít khi lệ thuộc sự tác động của ý chí. Phản ứng tâm lý - thần kinh mang tính chủ quan; do đó nhiều khi khóc - cười cũng có thể là “có duyên” hay “vô duyên” đối với các nhận thức khách quan. Dưới ánh sáng Kinh Thánh, theo sự nhìn nhận Thiên Thượng, khóc - cười còn có thể “được phước” hay “mất phước” nữa! Tất nhiên, “được phước” khi phù hợp theo ý chỉ Thiên Thượng của Đức Chúa Trời; và “mất phước” khi không đẹp ý Đức Chúa Trời.
 
A. “NHỮNG KẺ THAN KHÓC”
Vì một người không thể nào đến với Đức Chúa Jêsus Christ khi chưa được Đức Chúa Cha đổi lòng, cho nên “kẻ than khóc” cũng đồng thời là người đã được Đức Chúa Trời làm cho đổi lòng. Do đó, người nhận biết tội lỗi và tình trạng vô phương tự cứu của mình trước mặt Đức Chúa Trời, người “có lòng khó khăn” (Ma. 5:3), cũng sẽ đồng thời là người biết xót xa cho tình trạng băng hoại thuộc linh của mình:
“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi” (Ma. 5:4).
Sự than khóc này không phải chỉ là tâm lý buồn thảm, cũng không phải là trạng thái chấn động tình cảm; mà là nỗi xót xa của tâm linh và là cảm thức ê chề xuất hiện theo sau sự nhận thức về tính chất suy thoái của bản thân. Người công nghĩa không muốn đắm đuối một cách ích kỷ  trong sự sa đọa của xác thịt. Người công nghĩa có sự quặn thắt về tội lỗi mình, vì họ tôn trọng những điều Đức Chúa Trời quan tâm. Một khi bắt đầu nhận thức được sự hiện diện của tội lỗi, người có xu hướng công nghĩa cũng biết được rằng sự suy thoái của họ làm tổn thương Đức Chúa Trời thánh khiết nữa:
“Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?” (Rô. 7:24).
B. “PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ THAN KHÓC”
I. Họ Là Người Công Nghĩa        
Một người bị bắt, bị phạt vì hành vi tội lỗi có thể sẽ biết hối tiếc về tội lỗi mình đã phạm mặc dầu người ấy có thể chẳng có chút cảm thức tội lỗi nào theo sự cáo buộc của Kinh Thánh. Và, một người theo một loại triết lý hay tôn giáo phi Kinh Thánh nào đó rất có thể sẽ hết sức xót xa vì đã không thể trội vượt lên trên các tiêu chuẩn (phi Cơ Đốc) của những gì họ tin. Đức Chúa Trời chẳng hề “yên ủi” những người “than khóc” phi Kinh Thánh này bao giờ! Đức Chúa Jêsus đang dạy về một loại “than khóc” đến từ sự hạ mình và sự ăn năn thật đẹp ý Đức Chúa Trời. Sự “than khóc” được Đức Chúa Jêsus nói đến ở đây không đến bởi lòng sùng mộ phản Kinh Thánh cũng như sự nản lòng, thoái chí mang tính chất tâm lý cá nhân hay dưới ảnh hưởng xã hội. Nói cho cùng, loại “than khóc” được nêu ra ở đây là loại “than khóc” của sự tin kính chứ không phải là sự than khóc bất kính của đời thường:
“Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết” (2Cô. 7:10).
Người có lòng công nghĩa – tức là người đã được Đức Chúa Trời chứng giải, chứng tri, và chứng chiếu – không những chỉ xót xa cho tội lỗi của riêng mình mà còn biết tiếc cho tội lỗi của người khác, nhất là của những người cùng chung trong một cộng đồng thuộc linh, chung Hội Thánh. Khi Đức Chúa Trời bày tỏ tội lỗi cho Êsai, Nhà Tiên Tri đã hết sức thấm thía về những gì mình được chứng giải; đã “than khóc” chẳng những cho bản thân mà còn cho tội lỗi của những người sống chung quanh mình nữa:
“Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giêhôva vạn quân!” (Ês. 6:5).
Cùng một cách tương tự, Giêrêmi đã bày tỏ sự “than khóc” tột độ của mình về tội lỗi trong các Sách Giêrêmi và Ca Thương (và Đức Chúa Trời đã phát vãn Dân Ngài y theo như Giêrêmi đã nói tiên tri). Về sau, khi Đaniên nói về Đức Chúa Trời cùng với lời hứa của Ngài về việc phục hồi Dân Ngài, (cũng như Giêrêmi đã nói), Đaniên cũng “than khóc” cho tội lỗi của dân mình:
“4Vậy, ta cầu nguyện Giêhôva Đức Chúa Trời ta, và xưng tội cùng Ngài mà rằng: Ôi! Chúa là Đức Chúa Trời cao cả và đáng khiếp sợ! Ngài giữ lời giao ước và sự nhân từ đối với những kẻ yêu Ngài và giữ các điều răn Ngài, 5chúng tôi đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, chúng tôi đã bạn nghịch và đã xây bỏ các giềng mối và luật lệ của Ngài” (Đa. 9:4-5).
II. Họ Thuộc Về Đức Chúa Trời
Theo văn mạch của “Bài Giảng Trên Núi”, có thể là Đức Chúa Jêsus bao gồm cả sự “than khóc” của người tín hữu đối với sự chống đối, bắt bớ của những người không tin:
“10Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì Nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy!
11Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. 12Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các Đấng Tiên Tri trước các ngươi như vậy” (Ma. 5:10-12). 
Đức Chúa Jêsus phán cho biết rằng những ai chịu “than khóc” sẽ được “phước”; không phải được phước vì chính hành vi “than khóc” mà là sự “than khóc” nói lên được họ là ai, tấm lòng của họ thế nào,… Sự than khóc của một cá nhân thể hiện trạng thái thuộc linh của họ là điều Đức Chúa Trời quan tâm. Người “than khóc” vì nhận thức được tình trạng tội lỗi của bản thân cũng sẽ được “phước” như người “than khóc” vì bị áp bức bởi các thế lực tội lỗi. Đối với những ai giảng dạy và tuân hành các điều răn của Đức Chúa Trời, người đời này sẽ đàn áp họ. Sự áp bức trên những người “than khóc” vì cớ sự công bình của Đức Chúa Trời có nhiều hình thái và cấp độ khác nhau, từ các xu thế xã hội vô đạo cho đến những chính sách tàn bạo của các thể chế trong đời này. Đối với những ai chịu áp bức như thế mà vẫn vững lòng tin nơi sự yên ủi và giải cứu của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đáp ứng sự trông cậy của họ bằng mọi thứ phước thiêng liêng từ nơi Ngài, vì họ thuộc về Ngài:
“18Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét Ta trước các ngươi. 19Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi” (Gi. 15:18-19).
III. Họ Không Còn Ở Dưới Sự Phán Xét
Qua lời phán này, Đức Chúa Jêsus cũng còn vạch rõ thế đối lập trong cách nghĩ của người đời. Có nhiều người vốn phá sản về thuộc linh nhưng họ không hề biết như thế, họ vẫn cứ làm như thể là mình sung mãn về thuộc linh lắm: Thay vì phải “than khóc”, họ tự đắc về vi phạm mình. Có lắm người trong vai trò “chức sắc tôn giáo” vẫn tỏ ra an nhiên trong việc lợi dụng các kẽ hở tổ chức để mưu cầu lợi lộc bản thân! Các tay “anh chị” trong giới giang hồ vẫn hiu hiu tự đắc về lề thói “xã hội đen” của họ! Lắm khi những người “chẳng ra gì” trên phương diện luân lý, đạo đức (ấy là chưa kể đến thân phận tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời) nhưng lại rất vênh váo! Cứ xem tình trạng “được đằng chân, lân đằng đầu” của các trào lưu hắc ám trong xã hội ngày nay là đủ biết. Họ không hề có bất cứ một chút gì là “kính sợ” Đức Chúa Trời cả. Họ không bao giờ đếm xỉa đến Đức Chúa Trời. Hơn nữa, họ tự cho mình là một loại “thượng đế” hoặc nghĩ rằng Thượng Đế tồn tại là để nuông chìu họ! Kinh Thánh không cho thấy Đức Chúa Trời phải như thế. Kinh Thánh dạy cho biết rằng Đức Chúa Trời chỉ tha thứ cho những ai được Ngài ban cho sự ăn năn thật. Ngoại giả, Đức Chúa Trời định tội nặng nề cho các tội nhân không chịu ăn năn về tội lỗi mình, không biết “than khóc” cho thân phận mình theo sự nhìn nhận của Ngài. Những hạng người này chẳng những tự đắc về tội lỗi của họ, họ còn ủng hộ cho những ai sống giống như họ nữa. Thậm chí, có những người tự nhận mình là Cơ Đốc Nhân nhưng vẫn bất chấp sự dạy dỗ của Kinh Thánh một cách hiển nhiên. Giữa vòng các Hội Thánh ngày nay trên thế giới, người ta vẫn thường công khai ủng hộ các thần học gia giả danh thần học gia, hoặc lập những con người bất minh, bất chính và bất kính vào các vai trò lãnh đạo thuộc linh :
“Dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết, thế mà chẳng những họ tự làm thôi đâu, lại còn ưng thuận cho kẻ khác phạm các điều ấy nữa” (Rô. 1:32).
Ngày nay, người ta thường tỏ ra tự đắc về việc có một lập trường “cởi mở” đối với những điều phi Kinh Thánh. Dầu vậy, Sứ Đồ Phaolô lên án những việc như thế một cách nặng nề. Theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, thay vì dung túng thái độ không ăn năn và các sự vi phạm luân lý, đạo đức; thay vì đồng tình với các sự giảng dạy tà vạy và những kẻ lầm đường lạc lối; chúng ta phải có thái độ thẳng thắn đối với họ, sẵn sàng loại trừ khỏi Hội Thánh những kẻ không chịu ăn năn:
“1Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có như vậy: là đến nỗi trong anh em có người lấy vợ của cha mình. 2Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rấu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!” (1Cô. 5:1-2).
“12Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? 13Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em” (1Cô. 5:12-13).
Sự dạy dỗ của Kinh Thánh là rất hiển nhiên. Dầu vậy, ngày nay chỉ có một thiểu số cộng đoàn Dân Chúa là giữ lòng trung tín trong việc thi hành các mệnh lệnh Kinh Thánh đối với các sự vi phạm Kinh Thánh. Còn tệ hơn thế, hiện đang có một xu hướng muốn để cho những người vi phạm Kinh Thánh lãnh đạo Hội Thánh “dầu họ biết mạng lịnh Đức Chúa Trời tỏ ra những người phạm các tội dường ấy là đáng chết…”!
Tương tự như việc người công nghĩa và người bất nghĩa có các thái độ đối nghịch nhau đối với vấn đề tội lỗi, Đức Chúa Trời đã định phận trái ngược nhau cho hai hạng người ấy. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời sẽ trút cơn giận Ngài trên những ai dung túng tội lỗi, đang đùa với tội lỗi. Ngày nay, có nhiều người cứ khăng khăng rằng Đức Chúa Trời chỉ muốn cho họ được vui (theo cách của họ), và họ lấy sự giả định phi Kinh Thánh ấy làm nguyên tắc để ra các quyết định cho đời sống của mình. Vì họ tưởng rằng Đức Chúa Trời sẽ chìu chuộng họ, Ngài sẽ không hạn chế tư dục của họ; cho nên họ được phép sống theo cách họ thích! Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không bao giờ như thế cả!
“Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp lẽ thật” (Rô. 1:12).
“3Vì ý muốn của Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: Tức là phải lánh sự ô uế, 4mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, 5chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời. 6Chớ có ai phỉnh phờ anh em mình, hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì, vì Chúa là Đấng báo oán những sự đó, như chúng tôi đã nói trước cùng anh em và đã làm chứng. 7Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy. 8Cho nên, ai khinh bỏ điều chúng tôi nói, thì không phải khinh bỏ người ta đâu, bèn là khinh bỏ Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban Thánh Linh của Ngài trong anh em” (1Tê. 4:3-8).
“Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đương no, vì sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đương cười, vì sẽ để tang và khóc lóc” (Lu. 6:25).
Hai hạng người, hai định phận đối nghịch nhau. Nếu sự đoán phạt để dành cho kẻ bất nghĩa thì phước hạnh của Đức Chúa Trời đang chờ đón những ai biết trăn trở, xót xa về vi phạm mình để rồi từ đó có thể đến với Ngài, tìm được ơn trong lúc có cần:
“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi” (Ma. 5:4).
 
Cười là cười và khóc là khóc, Đức Chúa Trời không hề ban phước cho tự thân tiếng cười hay tiếng khóc. Người có cảm thức về tội lỗi của mình (hoặc của người chung quanh), có ý chí quyết lòng từ bỏ (hay cảnh tỉnh cho người khác từ bỏ) là người được phước của Đức Chúa Trời vì nhờ đó mà người ta có thể có thể đến với sự sống đời đời qua sự tái sinh. Cuộc biến đổi thuộc linh thiêng liêng trong đời sống cá nhân bắt đầu từ cảm thức ăn năn của cá nhân về tội lỗi. Sự quặn thắt về thân phận dẫn người ta đến sự hối cải, và bởi ơn của Đức Chúa Trời, sự hối cải giúp thay đổi được định phận đời đời của mình:
“Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi” (Ma. 5:4);
“Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết” (2Cô. 7:10).
 
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
a4_phuocchonhungkethankhoc.pdf
File Size: 434 kb
File Type: pdf
Download File



Comments are closed.

    Author

    “Side-By-Side Support
    To Help God's Leaders Become As He Desires”
    ("The Coach")

    Archives

    March 2023
    February 2023
    January 2023
    December 2022
    November 2022
    October 2022
    September 2022
    August 2022
    July 2022
    June 2022
    May 2022
    April 2022

    Categories

    All

    RSS Feed

Picture
  • Tư Phong
  • Tư Niệm
  • Tư Biện
  • Tư Cách