“HÃY VÙNG DẬY KHỎI TỘI LỖI!” (Xa. 3:1-5) “Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.” (Êph. 5:14) “Một tín hữu là một người được xưng công nghĩa nhưng cũng đồng thời là một tội nhân (Simul Iustus Et Peccator - Same Time Just And Sinner)”. Đây là sự tuyên bố có vẻ ngược đời của Martin Luther để giải thích rằng Cơ Đốc Nhân có sự xưng nghĩa địa vị hợp pháp trước mặt Đức Chúa Trời thể theo công nghiệp cứu chuộc của Đức Chúa Jêsus, nhưng đồng thời Cơ Đốc Nhân cũng sống trong sự vương vấn với tội lỗi căn cứ theo các vi phạm không thể tránh khỏi của mình. Thật ra tư tưởng này của Martin Luther phản ánh trung thực giáo lý Kinh Thánh về tiến trình nên thánh của Cơ Đốc Nhân; khích lệ Cơ Đốc Nhân về sự bền đỗ theo Chúa; sống gắn bó, vâng phục Chúa; thăng tiến đời sống công nghĩa thực hành... Xa. 3:1-5 là một trong các cơ sở Kinh Thánh của giáo lý ấy. A. VỀ NHÂN VẬT, BỐI CẢNH VÀ Ý NGHĨA I. Giêhôsua Giêhôsua là con trai của Giêhôxađác, Thầy Tế Lễ trong thời kỳ lưu đày ở Babylôn (1Sử. 6:14-15; Aghê 1:1, 12, 14; 2:2, 4; Xa. 6:11). Giêhôsua cũng còn được gọi là Giêsua, là Thầy Tế Lễ đã cùng Xôrôbabên từ Babylôn trở về Giêrusalem để tái thiết Đền Thờ (Exr. 2:2; Nê. 7:7; 12:1). Giêhôsua là một trong những người đã xây lại Bàn Thờ cho Đức Giêhôva (Exr. 3:2), trợ giúp Xôrôbabên xây lại Đền Thờ (Exr. 3; 4:1-6; 5; Aghê 1:1, 12-14; 2:2), cùng đấu tranh chống lại những người muốn phá hoại việc tái thiết này (Exr. 4:1-3; 5:1-2). Thầy Tế Lễ Cả Giêhôsua là biểu tượng của sự phục hồi Ysơraên (Xa. 3; 6:9-15). Giêhôsua tiêu biểu cho cả dân tộc, mà theo Xuất. 19:6 là “một nước Thầy Tế Lễ”. Các khải tượng về đêm mà Đức Chúa Trời ban cho Xachari đều có liên quan đến sự tồn vong của Giêrusalem hiện tại và tương lai. Tội của cả dân tộc Ysơraên đã đem lại cho Satan cái cớ để cáo kiện, mà ở đây được biểu hiệu bằng “áo bẩn”. Nhà Tiên Tri được cho thấy về Thầy Tế Lễ Cả Giêhôsua đang mặc áo bẩn, “bẩn” (Heb. so’im) được dùng với một từ liệu mạnh nhất trong ngôn ngữ Hêbơrơ để diễn đạt sự bẩn thỉu. “Bẩn” tượng trưng cho tội lỗi, đây không phải là tội lỗi của riêng Giêhôsua mà là của cả Ysơraên. Đứng trước Thiên Sứ của Đức Giêhôva (3:1-3) và sự kiện cáo của Satan, Giêhôsua đã được ban cho sự tha tội và áo sạch để mặc. Kế đến, Thầy Tế Lễ Cả và dân Giuđa được hứa về Đấng Mêsia hầu đến, Chồi Mống, để cất bỏ tội lỗi của cả Ysơraên (3: 4-10). Khải tượng này vừa an ủi vừa mời gọi Dân Sự Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời thanh tẩy cho Dân Sự hầu cho họ có thể tôn qui vinh hiển về Ngài. Chính Đức Chúa Trời là Đấng ban quyền năng phong phú để hoàn thiện Đền Thờ của Ngài (ngày nay chính là đời sống người tín hữu, 1Cô. 6:19), nhờ đó Dân Thánh có thể phản ánh được các thuộc tính Thiên Thượng của Ngài ngay giữa đời ác này. II. Thiên Sứ Đức Giêhôva “Thiên Sứ Đức Giêhôva” là một từ liệu xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước khoảng 54 lần. Nhiều học giả Kinh Thánh tin rằng đây là một cách để chỉ về sự thần hiện của chính Đức Chúa Trời và là Đức Chúa Jêsus trong trạng thái tiền nhập thể của Ngài (Vd. Xuất. 3:2; Quan. 2:1). Các từ liệu như “Thiên Sứ” (Công. 7:30, 35 Sv. Xuất. 3:2), “Thiên Sứ Ta” (Xuất. 23:20-23; 32:34); “Thiên Sứ Đức Chúa Trời” (Xuất. 14:19; Quan. 13:6; 2Sa. 14:17, 20), “Thiên Sứ Trước Mặt Ngài” (Ês. 63:9) là những từ liệu có cách sử dụng tương đương với từ liệu “Thiên Sứ Đức Giêhôva” trong Kinh Thánh. III. Xachari Xachari là Nhà Tiên Tri, con trai của Barachi, cháu của Yđô (Xa. 1:1), cũng là người cùng trở về Giêrusalem với Xôrôbabên, là người đồng thời với Aghê. Xachari thường được gọi là “Nhà Tiên Tri của hy vọng”. Khi còn trẻ, Nhà Tiên Tri này đã ủng hộ cho các sự thúc giục của Aghê để dẫn đến việc những người bị lưu đày từ Babylôn trở lại Giêrusalem vào khoảng các năm 539-538 TC. để thực hiện và hoàn thành việc tái thiết Đền Thờ vào khoảng năm 520 TC. IV. Sách Xachari Sách Xachari chứa đựng một loạt các khải tượng hấp dẫn, chuyển tải các Lẽ Thật thuộc linh thiết yếu (Xa. 1:7-8:32) và là một bức tranh tiên minh cho các sự kiện tương lai khi sự đắc thắng tối hậu của Đức Chúa Trời đến (Xa. 9:1-14:21). Những chương cuối của Sách Xachari đã có tác dụng khích lệ cao độ đối với cộng đồng Do Thái giữa lúc họ trăn trở với sự suy sụp kinh tế và sự vây hãm của các kẻ thù chung quanh. Đối với chúng ta ngày nay, khi đọc các chương sách này và suy nghiệm về sự đắc thắng chắc chắn sẽ đến trong tương lai của Đức Chúa Trời đối với Ác Giả chúng ta sẽ được thêm sức để hoàn thiện bản thân, sống tôn qui cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Hai luận đề chính trong Sách Xachari đều đầy khích lệ đối với Cơ Đốc Nhân. Thứ nhất, Sách Tiểu Tiên Tri này chứa nhiều sự hàm ý về Đức Chúa Jêsus. Các sự đề cập đến Đấng Mêsia trong Sách nói nhiều về sự khiêm nhường, hạ mình của Đức Chúa Jêsus (Xa. 6:12), mô tả về việc Giuđa Íchcariốt phản Ngài (Xa. 11:12-13), về Thần Tính của Ngài (Xa. 3:4; 13:7), Chức Thầy Tế Lễ của Ngài (Xa. 6:13), Chức Vua của Ngài (Xa. 6:13; 9:9; 14:9, 16). Sách Xachari cũng còn nói về việc Đấng Mêsia phải chịu sự đánh hạ của Đức Chúa Trời (Xa. 13:7), về Sự Tái Lâm của Ngài (Xa. 14:4), sự trị vì vinh hiển của Ngài (Xa. 9:10, 14), và về việc Ngài thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu trên thế giới (Xa. 9:9-10; Sv. 3:10). Đây chính là những điều mà chúng ta cũng thường xuyên học được trong các Sách Cựu Ước khác về Cứu Chúa của chúng ta. Luận đề chính thứ hai của Sách Xachari khích lệ Cơ Đốc Nhân ngày nay là về Mạt Thế (Thời Kỳ Cuối Cùng). Phần cuối của Sách mô tả về sự vây hãm ngặt nghèo đối với Giêrusalem (Xa. 12:1-3; 14:1-2). Trong sự mô tả ấy, kẻ thù tạm thời thắng lợi (C. 2) nhưng Giêrusalem được chính Đức Chúa Trời bảo vệ (C. 3-4). Đức Chúa Trời sẽ thân chinh can thiệp để tiêu diệt kẻ thù (Xa. 12:9; 14:3). Sự can thiệp trực tiếp của Đức Chúa Trời khiến tạo nên những thay đổi hết sức sâu sắc đối với Đất Thánh (Giêrusalem, Xa. 14: 4-5), khởi đầu cho Thời Kỳ Cứu Thế (Xa. 14:16-19) để rồi cuối cùng Giêrusalem và Dân Sự của Đức Chúa Trời sẽ được nên thánh trọn vẹn. B. ÁP DỤNG I. Chức Phận Của Chúng Ta Dưới Định Kỳ Tân Ước, chức phận Thầy Tế Lễ thuộc về mỗi Cơ Đốc Nhân. Đời sống nên thánh thường xuyên trở thành của tế lễ phải có và phải được dâng lên Đức Chúa Trời: “Anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời” (1Phi. 2:5) “Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức Thầy Tế Lễ nhà Vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (1Phi. 2:9) “1Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô. 12:1-2) Chết cho Đức Chúa Trời là một điều khó, nhưng sống cho Đức Chúa Trời mới là điều khó nhất. Phận sự đích thực của Cơ Đốc Nhân là sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong khuôn khổ ấy, họ phải tìm kiếm “Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” mỗi ngày và càng ngày càng tích cực hơn. Cơ Đốc Nhân được kêu gọi sống phản ánh các thuộc tính của Đức Chúa Trời, không được sống theo sự đòi hỏi ích kỷ: “19Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là Đền Thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? 2Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời” (1Cô. 6:19-20) “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (1Cô. 6:12) “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt” (1Cô. 10:23) “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (1Cô. 10:31) II. Thân Phận Của Chúng Ta Khải tượng của Xachari về Thầy Tế Lễ Giêhôsua “đương đứng trước mặt Thiên Sứ Đức Giêhôva và Satan đứng bên hữu người đặng đối địch người” (3:1) là một bức tranh về sự kiện cáo không ngớt của Ma Quỉ nhằm làm mất thể diện cũng như lòng sốt sắng thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời của Dân Sự Ngài. Giêhôsua được thấy trong khải tượng này đang “mặc áo bẩn” (3:3) dầu rằng đang ở trong địa vị Thầy Tế Lễ Cả (3:1) giữa vòng Dân Sót được trở về Giêrusalem sau thời kỳ lưu đày ở Babylôn. Khải tượng này nhắc cho chúng ta nhớ rằng Satan là kẻ kiện cáo không biết mệt mỏi của Dân Sự của Đức Chúa Trời. Satan đang không ngớt kiện cáo với Đức Chúa Trời về chức phận Thầy Tế Lễ của Cơ Đốc Nhân của chúng ta. Đời sống của chúng ta lắm khi bị vấy bẩn hiển nhiên. Mỗi khi chúng ta phạm tội là một lần chúng ta đá phản vào lưới nhà, tặng không cho Satan một bàn thua, và đời sống của chúng ta trở nên thiếu xứng đáng để làm một tế lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời…. Liệu chúng ta có thể cố gắng để tự hoàn thiện mình được không? Câu trả lời đúng cho vấn đề này là “không”, nhưng sự đắc thắng đã được định cho chúng ta bởi ơn Đức Chúa Trời: “18Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; 19vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn. 20Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy… 24Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? 25Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô. 7:18-20; 24-25) “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1Cô. 10:13) “1Hỡi các con cái bé mọn, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng Công Bình. 2Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1Gi. 1:1-2) III. Định Phận Của Chúng Ta Phần việc của Cơ Đốc Nhân là phải bền đỗ trong đời sống nên thánh của mình nhờ sức toàn năng của Đức Chúa Trời vì “tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (1Cô. 10:23). Nhiên hậu, Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ và bảo tồn các thánh đồ của Ngài trước sự cáo kiện, công kích của Satan và các kẻ thù thuộc linh: “2Đức Giêhôva phán cùng Satan rằng : Hỡi Satan, nguyền Đức Giêhôva quở trách ngươi; nguyền Đức Giêhôva là Đấng đã kén chọn Giêrusalem quở trách ngươi. Chớ thì nầy há chẳng phải cái đóm đã kéo ra từ lửa sao?... 4Thiên Sứ cất tiếng nói cùng những kẻ đứng trước mặt mình rằng: Hãy lột bỏ những áo bẩn khỏi nó. Lại nói cùng Giêhôsua rằng: Hãy nhìn xem, Ta đã bỏ sự gian ác khỏi ngươi, và Ta sẽ mặc áo đẹp cho ngươi. 5Ta bèn nói rằng: Khá đội mũ sạch trên đầu người. Thì người ta đội trên đầu người một cái mũ sạch, đoạn mặc áo xống cho người; Thiên Sứ của Đức Giêhôva đương đứng đó” (Xa. 3:2, 4-5). “Cái đóm đã kéo ra từ lửa…” (C. 2), Cơ Đốc Nhân là Cơ Đốc Nhân của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời có chương trình và phương thức bảo vệ, bảo tồn Cơ Đốc Nhân: “33Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. 34Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta” (Rô. 8:33-34) Cơ Đốc Nhân, nếu quả thực là Cơ Đốc Nhân, phải biết thức dậy, vùng dậy khỏi tội lỗi của mình để sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời! “Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi” (Êph. 5:14) (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |