“PHƯỚC CHO NHỮNG KẺ ĐÓI KHÁT SỰ CÔNG BÌNH!” (Ma. 5:6) “Bài Giảng Trên Núi” của Đức Chúa Jêsus về “Các Phước Lành” vĩnh viễn là một núi kim cương hùng vĩ, lấp lánh các nguyên lý Thiên Đàng. Mỗi khi tiếp cận phân đoạn Kinh Thánh này (Ma. 5:1-12), với sự hiểu biết thô thiển và kinh nghiệm ít oi của bản thân, tôi luôn thấy mình chỉ như một đứa bé, choáng ngợp trước vô vàn tia sáng phản chiếu vinh quang Thiên Thượng. Tôi muốn lĩnh hội sao cho được trọn vẹn nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi muốn diễn đạt cho sao cho thật khúc chiết để làm ích nhiều nhất cho đàn chiên nhỏ bé mà Đức Chúa Trời đã ủy thác cho tôi chăm nuôi nhưng, đáng thương thay, cũng chỉ là những lời thô thiển, tầm thường… Ước ao rằng chính Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ cho người đọc có được những sự nội kiến đẹp ý Đức Chúa Trời; còn những gì được viết ra đây chỉ là chỗ dựa cho sự tri giác, giúp cho sự suy gẫm được thuận lợi hơn… “Tolle lege, tolle lege” (“Cứ đọc đi! Cứ đọc đi!”) [St. Augustine, 354-430] (Mục Sư Đoàn Nhật Tân, Tháng Mười 2006) Trên một chừng mực nhất định, các thủ thuật quảng cáo của ngành thương nghiệp hiện đại có thể nhắc chúng ta về các bài học thuộc linh của Đức Chúa Jêsus. Ngành quảng cáo hiện nay chi tiêu tiền tỷ để bắt chúng ta phải ghi nhớ các khẩu hiệu và hình ảnh họ muốn. Người ta chi tiêu rất nhiều tiền cho việc ấy vì họ hiểu rõ giá trị của việc họ làm: Việc họ làm nhất định sẽ có tác dụng cao. Các nhà quảng cáo chuyên nghiệp biết rằng họ có thể chèn vào tâm trí chúng ta những gì họ muốn để tạo ảnh hưởng trên sự chọn lựa của chúng ta. Các nhà khoa học về quảng cáo gọi tiền bỏ ra để quảng cáo là để tiền ấy “mọc rễ” trong đầu người khác: Sự quảng cáo có khoa học không nài ép người khác mua sản phẩm của họ ngay lập tức, nhưng nhất định các nổ lực quảng cáo sẽ chi phối sự quyết định sẽ có trong tương lai của các khách hàng tiềm năng. Các nhà nghiên cứu về quảng cáo hiện đại tỏ ra đã nắm bắt được tinh túy trong nghệ thuật giảng dạy của Đức Chúa Jêsus từ hơn hai mươi thế kỷ trước: Đức Chúa Jêsus luôn sử dụng hình ảnh đi kèm với khái niệm để tạo ấn tượng mạnh cho người nghe hầu họ nhận thức được sự dạy dỗ của Ngài: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Ma. 5:6). “Đói” và “khát” là những kinh nghiệm hết sức quen thuộc đối với mọi cơ thể sống, đối với tất cả mọi người. Một khi lâm vòng đói, khát người ta sẽ cố gắng hết sức mình để thỏa mãn cho được. Liệu chúng ta, về nguyên tắc là Cơ Đốc Nhân, chúng ta có dốc lòng “đói khát” về sự công bình theo như Đức Chúa Trời muốn hay không? I. ĐỐI TƯỢNG Về bản chất, “Sự Công Bình” luôn luôn đòi hỏi phải có “Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất công bình, sự công bình đúng nghĩa duy nhất thuộc về Ngài, vì “Sự Công Bình” là một trong các thuộc tính của Ngài: “Hỡi Đức Giêhôva, Ngài là công bình_Sự đoán xét của Ngài là ngay thẳng” (Thi. 119:137). “Bấy giờ, các kẻ làm đầu của Ysơraên và vua đều hạ mình xuống, mà nói rằng: Đức Giêhôva là công bình” (2Sử. 12:6). “Pharaôn bèn truyền đòi Môise và Arôn mà phán rằng: Đức Giêhôva là công bình; trẫm và dân sự trẫm là kẻ phạm tội” (Xuất. 9:27). Sự công bình tuyệt đối chỉ hiện diện trong Vương Quốc Đức Chúa Trời, ở đó người ta chẳng những hưởng được sự công bình mà còn được tận hưởng mọi điều tốt đẹp từ nơi Ngài: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma. 6:33). Như vậy, “Đói khát sự công bình” chính là “đói khát” về Đức Chúa Trời. Người “đói khát” về Đức Chúa Trời là người “có lòng khó khăn” (Ma. 5:3), là người biết mình vốn đã bị phá sản trên phương diện thuộc linh, bị cầm tù trong thân phận tội nhân. Một khi người ta “có lòng khó khăn”, họ sẽ “than khóc” (Ma. 5:4) về hiện trạng của mình. Sự quặn thắt thuộc linh giúp họ đến được với Đức Chúa Trời để nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus, được xưng công bình, và sẽ được “yên ủi” bằng sự cứu chuộc trọn vẹn của Ngài. Chỉ những người đã thực sự nhận được sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus mới có thể là người “nhu mì” (Ma. 5:5): Họ thuận phục thẩm quyền của Đức Chúa Trời chứ không cậy sức riêng của mình. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho những người như thế được cùng cai trị thế gian này với Ngài, họ sẽ là chủ nhân đời đời của thế giới. Ngược lại, những ai đang tranh đoạt thế giới này bằng năng lực con người chỉ có thể chiếm dụng tạm thời mà thôi. Một khi người ta chịu thuận phục Đức Chúa Trời, họ sẽ có niềm khát khao về chính Ngài (Ma. 5:6). Thật ra, người ta không thể nào có thể có một sự “đói khát” về Đức Chúa Trời nếu họ chưa biết mình bị băng hoại về thuộc linh, có lòng ăn năn về tội lỗi, nhận được sự tha tội và ý chí thuận phục thẩm quyền của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình. II. YÊU CẦU “Phước” và “sự vui sướng” hoàn toàn khác nhau. Thật ra, những ai được “phước” cũng đồng thời là người có được sự vui sướng vô ngần; nhưng “phước” không thể bị giảm hạ xuống chỉ còn là “sự vui sướng” mà thôi. Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, chẳng những loài người được Đức Chúa Trời ban phước mà họ cũng còn có thể “chúc phước” Đức Chúa Trời nữa. Được ban phước, về căn bản, có nghĩa là được chuẩn thuận. Khi một người “được phước”, có nghĩa là người ấy được Đức Chúa Trời chuẩn nhận, và điều ấy luôn luôn là một sự hạ cố của Đức Chúa Trời đối với loài người. Ngược lại, hành động “chúc phước” của con người đối với Đức Chúa Trời luôn luôn là một sự tán dương đối với Ngài để bày tỏ lòng hoan nghênh, biết ơn, hưởng ứng,… đối với Ngài. Con người “chúc phước” Đức Chúa Trời qua việc tán tụng, ngợi khen Ngài. Vì Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể của cả vũ trụ, không còn có phước nào lớn hơn là được Ngài hạ cố chuẩn nhận. “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình” là một lời dạy dỗ nhằm mời gọi chúng ta tìm kiếm sự chuẩn nhận của Đấng có giá trị tuyệt đối và đời đời. Điều gì quan trọng hơn, đáng khát khao, tìm kiếm hơn giữa hai điều này: (1) Được sự chuẩn nhận của gia đình, bạn bè, cấp trên,… hay (2) được sự chuẩn nhận của Đức Chúa Trời? Đối với các Cơ Đốc Nhân có lòng khát khao sống để làm đẹp ý Đức Chúa Trời, lời dạy dỗ này không những là một sự mời gọi mà còn là một sự khích lệ lớn lao đối với họ nữa. Khi một môn đồ của Đức Chúa Trời “đói khát sự công bình”, điều ấy không có nghĩa là họ muốn được công bình “nhiều hơn”. Sự công bình là sự công bình, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, không thể có một sự công bình khiếm khuyết hay què quặt được. “Đói khát sự công bình” là tấm lòng của Cơ Đốc Nhân biết khát khao được mật thiết hơn trong sự hiểu biết và mối tương giao với Đức Chúa Trời như người khát cần nước uống, người đói cần thức ăn. “Đói khát” (Gk. peinao) nói về hành vi muốn được có một cách đầy trọn để đáp ứng cho nhu cần sống hàng ngày. Người “đói khát sự công bình” là người muốn có Đức Chúa Trời một cách hoàn toàn, không thiếu sót bất cứ một phần nào hay một phương diện nào cả: “7Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. 8Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải sự công bình của tôi bởi Luật Pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; 10cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết” (Phil. 3:7-10). Kinh Thánh đề cập về sự công bình của Đức Chúa Trời trên ba phương diện: (1) Sự công nghĩa địa vị, (2) sự công nghĩa thực hành, và (3) sự công nghĩa xã hội. Khi một người nhận thức được thân phận tội nhân của mình và ăn năn, người ấy bèn dâng mình trở lại cho Đức Chúa Trời qua và trong Đức Chúa Jêsus. Một người như thế sẽ từ chỗ bị phân cách với Đức Chúa Trời trở nên con cái của Ngài. Một người như thế sẽ được tái lập vào trong mối quan hệ công chính với Đức Chúa Trời nhờ công trình đền tội thay của Đức Chúa Jêsus, được đặt vào địa vị công nghĩa theo sự chuẩn nhận của Đức Chúa Trời, người ấy sẽ nhận được sự công nghĩa địa vị: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Gi. 1:12). Sự công nghĩa thực hành nói về việc Cơ Đốc Nhân phải sống đời sống trong sạch, thánh khiết thích hiệp với địa vị công nghĩa mà họ đã được Đức Chúa Trời chuẩn nhận. Đó là một đời sống đã được giải thoát khỏi sức mạnh của tội lỗi. Người thực tâm “đói khát sự công bình” có niềm khát khao được giải thoát khỏi đời sống vị kỷ, được ban quyền năng để sống vị tha như Đức Chúa Jêsus. Người thực tâm “đói khát sự công bình” khát khao có được năng lực vâng lời Đức Chúa Trời luôn luôn và lớn lên không ngừng trong đức tin. Người thực tâm “đói khát sự công bình” khát khao từ bỏ được ngày càng nhiều hơn các vi phạm đối với ý muốn của Đức Chúa Trời, vì họ “đói khát” Ngài, muốn sống vâng lời Ngài… Sự công nghĩa xã hội nói về ý chỉ và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời cần phải được thực thi trong đời sống xã hội. Ý muốn của Đức Chúa Trời là xã hội phải công bằng và bác ái. Kinh Thánh dạy mọi người trong xã hội phải sống hòa thuận và bình đẳng với nhau (hòa bình). Mọi Cơ Đốc Nhân chân chính đều phải tích cực hành động để các tiêu chuẩn xã hội thể hiện được ý chỉ của Đức Chúa Trời là Đấng mà họ “đói khát”. “Đói khát sự công bình” tức là “đói khát” chính Đức Chúa Trời. Đây là dấu hiệu độc đáo của Cơ Đốc Giáo. Trong tất cả các tôn giáo trên thế gian này, mỗi tôn giáo đều có trọng tâm riêng của mình. Trọng tâm của Phật Giáo là Đức Phật. Trọng tâm của Hồi Giáo là Mohammed. Trọng tâm của Ấn Giáo là Krishna. Và, trọng tâm của Cơ Đốc Giáo là Đức Chúa Jêsus. Tuy nhiên, nếu hỏi tín đồ của các tôn giáo phi Cơ Đốc về sự cứu rỗi của họ, họ sẽ trả lời bằng cách chỉ ra một lối sống nào đó. Tín đồ Phật Giáo sẽ không chỉ Đức Phật là sự cứu rỗi của họ mà là Phật Pháp (Tứ Diệu Đề, Bát Chính Đạo,…), tín đồ Hồi Giáo sẽ không chỉ Mohammed là sự cứu rỗi của họ mà là Kinh Koran, tín đồ Ấn Giáo sẽ không chỉ Krishna là sự cứu rỗi của họ mà là Kinh Bhagavad-gita. Ngược hẳn lại với các tôn giáo phi Cơ Đốc, Đức Chúa Jêsus tự khải thị Ngài là Chân Lý. Đức Chúa Jêsus không chỉ đường cho nhân loại đến với sự cứu rỗi mà Ngài cung ứng cho nhân loại chính tự thân Ngài là sự cứu rỗi: “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha” (Gi. 14:6). Người ta không thể nào có được sự công bình đích thực mà chưa có được chính hiện thân của sự công bình là Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus. Phải tiếp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của mình, nhiên hậu người ta mới được xưng công nghĩa địa vị, được ban cho hoài bão và năng lực sống đời sống công nghĩa thực hành và dấn thân cho sự công nghĩa xã hội. III. KẾT QUẢ Đức Chúa Jêsus bày tỏ rằng người “đói khát sự công bình” “sẽ được no đủ”. Từ liệu Hylạp được dùng ở đây là chortazo, một từ liệu nói về sự thỏa lòng do được đáp ứng mọi nhu cần. “Đói khát sự công bình” chính là đói khát sự nhận biết, thông hiểu trọn vẹn về Đức Chúa Trời để sống theo đó mỗi ngày, đạt được sự chuẩn nhận của Ngài, lấy đó làm sự “no đủ” cho đời sống mình; ngoài ra, không còn cần bất cứ điều gì khác hơn, và cũng chẳng còn điều gì khác hơn để mà cần (Ma. 6:33). Từ liệu “được no đủ” được dùng theo cách thụ động, hàm ý rằng đây không phải là điều mà người ta có thể tự làm nên được. “Được no đủ” là một việc đến bởi Đức Chúa Trời, việc này chỉ xảy ra một cách giới hạn cho những ai “đói khát” Ngài trong và qua Đức Chúa Jêsus. Theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, loài người không bao giờ tự thỏa mãn mình được, họ không nên theo đuổi tư dục mình mà phải “đói khát sự công bình” là biết khát khao chính Ngài. Một khi người ta biết đổi lòng để theo đuổi Cứu Chúa, họ không còn cần gì hơn vì mọi sự đều gồm đủ trong Ngài: “Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể” (2Cô. 9:15; xin tham khảo nguyên văn Hylạp). Từ liệu “đói khát” được viết ở thì hiện tại, điều ấy diễn đạt một nhu cần hiện thời, một hành vi đang được tiến hành. Khi người ta đói khát về thuộc thể, để có thể sống khỏe mạnh, sự đói khát ấy phải được thỏa mãn. Tương tự như vậy, việc thỏa mãn được sự đói khát thuộc linh sẽ giúp cho Cơ Đốc Nhân tăng trưởng. Người thực lòng “đói khát” Đức Chúa Trời biết tìm kiếm Ngài qua Lời Kinh Thánh: “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn” (1Phi. 2:2). Trên phương diện thực tế và thực hành, có nhiều mức độ “đói khát sự công bình” khác nhau giữa vòng các Cơ Đốc Nhân. Một người có thể thấy cần Đức Chúa Trời, tin Đức Chúa Trời nhưng chủ yếu họ vẫn dựa vào sức riêng của mình. Đây mới chỉ là loại người “có lòng khó khăn” mà thôi! Một mức độ cao hơn là người ta thấy cần Ngài cho đời sống mình: Đây chính là loại Cơ Đốc Nhân biết “than khóc”! Cơ Đốc Nhân biết “than khóc” có thể sẽ trở thành “kẻ nhu mì” là những Cơ Đốc Nhân có tinh thần vâng phục, có đời sống kết ước, và sự kết ước của họ có bông trái; nhưng cũng có thể họ chỉ dừng lại ở đó: Đôi khi họ thấy mình bất lực, cần có Chúa, nhưng thường thường Chúa đối với họ chỉ giống như một hình thức trang điểm của đời sống. Chỉ khi nào người ta thấy mình không thể nào sống thiếu Đức Chúa Trời được, khi ấy người ta mới thực sự “đói khát sự công bình”! Đường ngắn nhất giữa hai điểm là một đường thẳng. Đường ngắn nhất để đến với sự no đủ trên mọi phương diện là đến với Đức Chúa Trời, vì trong Ngài có đủ mọi sự: “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!” (Ma. 5:6). (Rev. Doan Nhat Tan, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |